Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 35/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao do Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương III

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHU CÔNG NGHIỆP

Điều 7. Yêu cầu bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp

1. Quy hoạch các khu chức năng trong khu công nghiệp phải bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng của các loại hình sản xuất gây ô nhiễm với các loại hình sản xuất khác; thuận lợi cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

2. Các dự án trong khu công nghiệp có khoảng cách an toàn môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật để giảm thiểu khả năng ảnh hưởng đến các cơ sở khác trong khu công nghiệp và các đối tượng kinh tế - xã hội xung quanh khu công nghiệp.

3. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường được bố trí phù hợp với các loại hình đầu tư trong khu công nghiệp, bảo đảm giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường xung quanh.

4. Diện tích cây xanh trong phạm vi khu công nghiệp tối thiểu chiếm 10% tổng diện tích của toàn bộ khu công nghiệp.

Điều 8. Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu công nghiệp

1. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu công nghiệp bao gồm: hệ thống thoát nước mưa, hệ thống xử lý nước thải tập trung (gồm hệ thống thu gom nước thải, nhà máy xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước thải), khu vực lưu giữ chất thải rắn (nếu có), hệ thống quan trắc nước thải tự động và các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khác. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu công nghiệp phải được thiết kế đồng bộ và tuân theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng và quy định, quy chuẩn kỹ thuật môi trường có liên quan.

2. Hệ thống thoát nước trong khu công nghiệp phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Tách riêng hệ thống thu gom, thoát nước thải với hệ thống thoát nước mưa;

b) Hệ thống thu gom, thoát nước thải phải có vị trí, cốt hố ga phù hợp để đấu nối với điểm xả nước thải của các cơ sở và bảo đảm khả năng thoát nước thải của khu công nghiệp; vị trí đấu nối nước thải nằm trên tuyến thu gom của hệ thống thoát nước khu công nghiệp và đặt bên ngoài phần đất của các cơ sở;

c) Điểm xả thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp tại nguồn tiếp nhận phải bố trí bên ngoài hàng rào khu công nghiệp, có biển báo, có sàn công tác diện tích tối thiểu là một (01) m2 và có lối đi để thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát nguồn thải.

3. Nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Có thể chia thành nhiều đơn nguyên (mô-đun) phù hợp với tiến độ lấp đầy và hoạt động của khu công nghiệp nhưng phải bảo đảm xử lý toàn bộ lượng nước thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có đồng hồ đo lưu lượng nước thải đầu vào; có công tơ điện độc lập; khuyến khích việc áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng;

b) Có hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với các thông số: lưu lượng nước thải đầu ra, pH, nhiệt độ, COD, TSS và một số thông số đặc trưng khác trong nước thải của khu công nghiệp trước khi thải ra nguồn tiếp nhận theo yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hệ thống quan trắc tự động phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật kết nối để truyền dữ liệu tự động, liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.

4. Việc xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước mưa của khu công nghiệp phải hoàn thành trước khi khu công nghiệp đi vào hoạt động.

Điều 9. Quản lý nước thải khu công nghiệp

1. Nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp:

a) Nước thải phải được xử lý theo điều kiện ghi trong văn bản thỏa thuận với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom của khu công nghiệp để tiếp tục xử lý tại nhà máy xử lý nước thải tập trung bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này;

b) Nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý phải có hợp đồng xử lý nước thải với đơn vị có chức năng phù hợp theo quy định hiện hành.

2. Mạng lưới thu gom và hệ thống thoát nước mưa, nước thải phải được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng định kỳ để bảo đảm luôn trong điều kiện vận hành bình thường.

3. Quản lý và vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung:

a) Từng đơn nguyên (mô-đun) hoặc nhà máy xử lý nước thải tập trung phải vận hành thường xuyên theo quy trình công nghệ đã được phê duyệt, bảo đảm xử lý toàn bộ nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có nhật ký vận hành được ghi chép đầy đủ, lưu giữ để phục vụ cho công tác kiểm tra, thanh tra. Nhật ký vận hành bảo đảm gồm các nội dung: lượng nước thải, lượng điện tiêu thụ, hóa chất sử dụng, lượng bùn thải;

b) Thiết bị đo lưu lượng nước thải đầu vào, thiết bị quan trắc tự động duy trì hoạt động 24/24 giờ và truyền dữ liệu tự động, liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương;

c) Có ít nhất ba (03) người quản lý vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung, trong đó cán bộ phụ trách phải có trình độ cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành công nghệ môi trường, công nghệ hóa học, công nghệ sinh học, kỹ thuật điện hoặc kỹ thuật cấp, thoát nước.

4. Các trường hợp được miễn trừ đấu nối:

a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định, đồng thời việc đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp tạo chi phí bất hợp lý cho cơ sở;

b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải vượt quá khả năng tiếp nhận, xử lý của hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp, đồng thời cơ sở có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp mà khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đồng thời cơ sở có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

5. Đối với các trường hợp quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 4 Điều này, chủ cơ sở thống nhất với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp về giải pháp tách đấu nối để tự xử lý nước thải và gửi báo cáo theo quy định tại Khoản 7 Điều 16 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường (sau đây viết tắt là Nghị định số 18/2015/NĐ-CP). Báo cáo bao gồm:

a) Văn bản đề nghị và báo cáo giải pháp tách đấu nối để tự xử lý nước thải của cơ sở trong khu công nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này (kèm theo kết quả quan trắc nước thải định kỳ mới nhất);

b) Biên bản thỏa thuận tách đấu nối với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.

6. Không pha loãng nước thải trước điểm xả thải quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 8 Thông tư này.

Điều 10. Quản lý khí thải và tiếng ồn trong khu công nghiệp

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp phát sinh khí thải, tiếng ồn phải đầu tư, lắp đặt hệ thống xử lý khí thải, giảm thiểu tiếng ồn bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp phát sinh khí thải thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP phải thực hiện đăng ký chủ nguồn khí thải, quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.

3. Khuyến khích việc áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp có nguy cơ phát thải các chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí lớn.

Điều 11. Quản lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại phát sinh trong khu công nghiệp

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp phải phân loại chất thải rắn thông thường, chất thải y tế và chất thải nguy hại; tự xử lý hoặc ký hợp đồng thu gom, xử lý với đơn vị có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

2. Bùn cặn của nhà máy xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước của khu công nghiệp và các cơ sở trong khu công nghiệp phải được thu gom, vận chuyển và xử lý hoặc tái sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý bùn thải.

Điều 12. Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường trong khu công nghiệp

1. Chương trình quản lý và giám sát môi trường của khu công nghiệp phải bao gồm kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường với các nội dung chính sau đây:

a) Xác định và đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trong quá trình hoạt động của khu công nghiệp, các tình huống đối với từng loại nguy cơ có thể xảy ra sự cố môi trường;

b) Các biện pháp phòng ngừa đối với từng sự cố môi trường; biện pháp loại trừ nguyên nhân gây ra sự cố môi trường;

c) Phương án bố trí lực lượng tại chỗ để bảo đảm sẵn sàng ứng phó và khắc phục đối với từng tình huống sự cố môi trường; kế hoạch tập huấn, huấn luyện về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường;

d) Lắp đặt, kiểm tra và bảo đảm các thiết bị, dụng cụ, phương tiện cần thiết để ứng phó sự cố môi trường;

đ) Cơ chế thực hiện, phương thức thông báo, báo động và huy động nguồn nhân lực, trang thiết bị trong và ngoài khu công nghiệp để ứng phó theo mức độ sự cố môi trường; cơ chế phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân liên quan tại khu vực trong quá trình ứng phó sự cố môi trường;

e) Các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường khi xảy ra sự cố môi trường;

g) Phương án huy động nguồn tài chính cho việc thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.

2. Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 13. Bảo vệ môi trường khi có điều chỉnh quy mô, quy hoạch, hoạt động trong khu công nghiệp

1. Trong quá trình xây dựng và hoạt động của khu công nghiệp, khi có điều chỉnh về quy mô, quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, danh mục ngành nghề nhưng chưa đến mức phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng phải gửi báo cáo theo quy định tại Khoản 7 Điều 16 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP. Mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo, cơ quan có thẩm quyền xem xét và thông báo kết quả cho chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền tổ chức đoàn kiểm tra thực tế, lấy ý kiến chuyên gia và cơ quan có liên quan để xem xét, quyết định.

Thông tư 35/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao do Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 35/2015/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/06/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Minh Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 859 đến số 860
  • Ngày hiệu lực: 17/08/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH