Hệ thống pháp luật

Điều 4 Thông tư 35/2012/TT-BGTVT quy định về lắp đặt báo hiệu kilômét-địa danh và cách ghi ký hiệu, số thứ tự trên báo hiệu đường thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Điều 4. Nguyên tắc xác định vị trí đặt báo hiệu kilômét-địa danh

1. Chiều xác định số kilômét của báo hiệu kilômét-địa danh được thực hiện như sau:

a) Đối với đường thủy nội địa trên sông, kênh và hồ theo hướng từ hạ lưu về thượng lưu (từ cửa sông đổ ra biển, cửa sông nhỏ đổ ra sông lớn về thượng lưu) hoặc từ Đông sang Tây;

b) Đối với đường thủy nội địa trên vịnh, ven biển, đầm, phá theo hướng từ Bắc xuống Nam;

c) Đối với đường thủy nội địa từ bờ ra đảo theo hướng từ đất liền ra đảo và nối giữa các đảo theo hướng từ Bắc xuống Nam.

2. Cách xác định điểm khởi đầu (km0) và điểm kết thúc tuyến đường thuỷ nội địa.

a) Đối với đường thủy nội địa trên sông chảy trực tiếp ra biển:

- Điểm khởi đầu là điểm giao nhau giữa đường trục tim luồng với đường nối điểm nhô xa nhất của hai bờ cao cửa sông khi nước ròng thấp;

- Điểm kết thúc là điểm giao nhau giữa đường trục tim luồng với mặt cắt mép ngoài cùng của cảng, bến thuỷ nội địa hoặc là điểm giao nhau giữa trục tim luồng với mặt cắt ngang sông cuối cùng phía thượng lưu tuyến đường thuỷ nội địa.

b) Đối với đường thủy nội địa trên sông nhỏ đổ ra sông lớn:

- Điểm khởi đầu tuyến là điểm giao nhau giữa hai hay nhiều trục tim luồng;

- Điểm kết thúc tuyến được xác định theo quy định tại điểm a khoản này;

c) Đối với đường thủy nội địa trên kênh:

Điểm khởi đầu và điểm kết thúc là điểm giao nhau giữa hai hay nhiều trục tim luồng ở đầu hoặc cuối kênh;

d) Đối với đường thuỷ nội địa trên hồ thủy điện:

- Điểm khởi đầu là mép ngoài cùng của cầu cảng hoặc bến thuỷ nội địa ở hạ lưu; trường hợp không có cảng, bến thuỷ nội địa thì điểm khởi đầu là mép ngoài cùng của hành lang bảo vệ đập và nhà máy thuỷ điện;

- Điểm kết thúc là mép ngoài cùng của cảng hoặc bến thuỷ nội địa cuối cùng trên thượng lưu hoặc là điểm giao nhau giữa trục tim luồng với mặt cắt ngang sông cuối cùng phía thượng lưu tuyến đường thuỷ nội địa;

- Đối với các tuyến đường thủy nội địa là nhánh phụ: Điểm khởi đầu là điểm giao nhau giữa hai trục tim luồng và điểm kết thúc được xác định như quy định tại điểm a, khoản này.

đ) Đối với đường thuỷ nội địa trên vịnh, ven biển, đầm, phá, đường ra đảo, nối các đảo:

- Điểm khởi đầu là mép ngoài cùng của cảng, bến thuỷ nội địa trên đất liền hoặc trên các đảo;

- Điểm kết thúc là điểm ngoài cùng của cảng, bến thủy nội địa trên đất liền hoặc trên đảo; trường hợp không có cảng, bến thuỷ nội địa thì điểm kết thúc là mép nước ròng thấp tiếp giáp với bờ.

Thông tư 35/2012/TT-BGTVT quy định về lắp đặt báo hiệu kilômét-địa danh và cách ghi ký hiệu, số thứ tự trên báo hiệu đường thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 35/2012/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/09/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 601 đến số 602
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra