Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 35/2011/TT-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2011

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG ĐỐI VỚI DỊCH VỤ VIỄN THÔNG

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng;
Căn cứ Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế;
Căn cứ Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08 tháng 09 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ viễn thông như sau:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với dịch vụ viễn thông của cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông.

Điều 2. Dịch vụ viễn thông thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT

Các dịch vụ viễn thông dưới đây thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT:

1. Dịch vụ viễn thông công ích theo quy định của Luật Viễn thông.

Danh mục dịch vụ viễn thông công ích, chất lượng, giá cước, đối tượng và phạm vi cung cấp dịch vụ viễn thông công ích thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Dịch vụ viễn thông từ nước ngoài vào Việt Nam (chiều đến).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Các từ ngữ dưới đây sử dụng trong Thông tư này được hiểu theo quy định của Luật Viễn thông, cụ thể:

Dịch vụ viễn thông là dịch vụ gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng.

Kết nối viễn thông là việc liên kết vật lý và lô gích các mạng viễn thông qua đó người sử dụng dịch vụ viễn thông của mạng này có thể truy cập đến người sử dụng hoặc dịch vụ của mạng kia và ngược lại.

2. Các từ ngữ dưới đây được hiểu theo hướng dẫn tại Thông tư này:

Cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm các doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam, được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo quy định của Luật viễn thông và các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm cơ sở cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng và cơ sở cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng.

Cước dịch vụ kết nối viễn thông là khoản doanh thu do cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông thu được khi cung cấp dịch vụ kết nối viễn thông với mạng viễn thông của cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông khác.

Đối soát là việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông đối chiếu để xác nhận lưu lượng kết nối, doanh thu, chi phí về cước dịch vụ kết nối viễn thông với cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông khác.

Dịch vụ viễn thông cước trả sau là các dịch vụ viễn thông do cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông cung cấp mà việc thanh toán của khách hàng thực hiện sau khi sử dụng dịch vụ.

Điều 4. Thuế GTGT đối với cước dịch vụ kết nối viễn thông

1. Hàng tháng, sau khi hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ kết nối viễn thông, cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông lập hóa đơn GTGT và thực hiện khai, nộp thuế GTGT theo quy định hiện hành. Thời hạn hoàn thành việc đối soát thực hiện theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối viễn thông.

2. Trường hợp các cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông hoàn thành đối soát chậm dẫn đến lập hoá đơn GTGT cung cấp dịch vụ kết nối viễn thông sau thời hạn trên thì doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo quy định hiện hành. Thời điểm tính phạt chậm nộp thuế GTGT kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với cước dịch vụ kết nối viễn thông phải hoàn thành việc đối soát.

Ví dụ:

Thời hạn tối đa hoàn thành đối soát và lập hoá đơn cước dịch vụ kết nối viễn thông di động của tháng 4/2011 của cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A là hết ngày 30/06/2011.

- Trường hợp ngày 05/06/2011 cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A hoàn thành đối soát và lập hoá đơn GTGT thì thực hiện khai, nộp thuế GTGT kỳ tính thuế tháng 6/2011, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế GTGT chậm nhất là ngày 20/07/2011.

- Trường hợp, ngày 25/07/2011 cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A mới hoàn thành đối soát, lập hoá đơn GTGT cung cấp dịch vụ kết nối viễn thông di động của tháng 4/2011 và khai, nộp thuế GTGT thì cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A bị xử phạt vi phạm pháp luật thuế theo quy định hiện hành.

Điều 5. Thuế GTGT đầu vào đối với hàng hoá, dịch vụ do cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông mua để đầu tư cho toàn hệ thống hạ tầng viễn thông của cơ sở kinh doanh

1. Đối với hàng hoá (bao gồm: máy móc, thiết bị, vật tư) và dịch vụ do cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông mua để đầu tư cho toàn hệ thống hạ tầng viễn thông (không bao gồm hàng hoá, dịch vụ liên quan đến tiếp khách, giao dịch, điện, nước, xăng dầu và trang thiết bị văn phòng phục vụ cho việc vận hành của trụ sở chính, đơn vị hạch toán phụ thuộc cùng địa bàn với trụ sở chính) cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông thực hiện khai thuế GTGT đầu vào như sau:

Phân bổ số thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc kinh doanh dịch vụ viễn thông nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ để khai, khấu trừ, hoàn thuế GTGT tại cơ quan thuế địa phương quản lý trực tiếp đơn vị hạch toán phụ thuộc.

Hàng tháng, cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông lập Bảng phân bổ giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào (chưa có thuế GTGT), số thuế GTGT đầu vào phân bổ cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc và trụ sở chính. Căn cứ giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào (chưa có thuế GTGT), số thuế GTGT được phân bổ, đơn vị hạch toán phụ thuộc và trụ sở chính khai vào Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá, dịch vụ mua vào để khai thuế GTGT đầu vào theo quy định hiện hành.

Thuế GTGT đầu vào đối với hàng hoá, dịch vụ do cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông mua để đầu tư cho toàn hệ thống hạ tầng viễn thông phân bổ cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc và trụ sở chính được xác định theo công thức sau:

Thuế GTGT đầu vào cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông phân bổ cho đơn vị hạch toán phụ thuộc, trụ sở chính

=

Doanh thu phát sinh tại đơn vị hạch toán phụ thuộc, trụ sở chính

x

Tổng số thuế GTGT đầu vào được phân bổ

Tổng doanh thu tại các đơn vị hạch toán phụ thuộc và trụ sở chính

Trong đó:

- Doanh thu phát sinh tại các đơn vị hạch toán phụ thuộc, trụ sở chính là doanh thu chưa có thuế GTGT tại đơn vị hạch toán phụ thuộc, trụ sở chính của tháng liền trước tháng thực hiện phân bổ thuế GTGT đầu vào.

- Tổng doanh thu tại các đơn vị hạch toán phụ thuộc và trụ sở chính là tổng doanh thu chưa có thuế GTGT tại các đơn vị hạch toán phụ thuộc và tại trụ sở chính cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông (không bao gồm doanh thu nội bộ) của tháng liền trước tháng thực hiện phân bổ thuế GTGT đầu vào.

- Tổng số thuế GTGT đầu vào được phân bổ là số thuế GTGT đối với hàng hoá, dịch vụ do cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông mua để đầu tư cho toàn hệ thống hạ tầng viễn thông của cơ sở kinh doanh theo hoá đơn GTGT, chứng từ nộp thuế GTGT của hàng hoá nhập khẩu, chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.

Thuế GTGT đầu vào phân bổ cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc cùng địa bàn với trụ sở chính được khai tại trụ sở chính. Nếu đơn vị hạch toán phụ thuộc cùng địa bàn với trụ sở chính đăng ký khai, nộp thuế GTGT độc lập với trụ sở chính thì thuế GTGT đầu vào phân bổ cho đơn vị hạch toán phụ thuộc đó được khai tại đơn vị hạch toán phụ thuộc.

Đơn vị hạch toán phụ thuộc và trụ sở chính của cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông thực hiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT theo quy định hiện hành đối với số thuế GTGT đầu vào được phân bổ.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông lập Bảng phân bổ thuế GTGT đầu vào cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc và trụ sở chính (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này) gửi cho Tổng cục Thuế, Cục thuế địa phương (nơi đơn vị hạch toán phụ thuộc đăng ký thuế) và các đơn vị hạch toán phụ thuộc, đồng thời gửi Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá, dịch vụ mua vào (trong đó, nêu rõ giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào (chưa có thuế GTGT) và số thuế GTGT đầu vào) để đầu tư cho toàn hệ thống hạ tầng viễn thông của cơ sở kinh doanh cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trụ sở chính trước ngày thứ hai mươi của tháng sau tháng thực hiện phân bổ thuế GTGT đầu vào.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với hoá đơn GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào, chứng từ nộp thuế GTGT của hàng hoá nhập khẩu, chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam làm căn cứ phân bổ thuế GTGT đầu vào cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc và trụ sở chính.

Trường hợp qua kiểm tra, phát hiện số thuế GTGT đầu vào được phân bổ cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc và trụ sở chính để khấu trừ khác với số thuế đã phân bổ thì số thuế GTGT đầu vào điều chỉnh được cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông khai với cơ quan thuế quản lý trực tiếp trụ sở chính.

2. Thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông mua vào để đầu tư cho trụ sở chính và thuế GTGT đầu vào đối với hàng hoá, dịch vụ mua vào sử dụng cho dự án đầu tư đang trong giai đoạn đầu tư được khai, khấu trừ, hoàn thuế GTGT theo quy định hiện hành.

Thuế GTGT đầu vào đối với hàng hoá, dịch vụ do đơn vị hạch toán phụ thuộc cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông mua vào để đầu tư cho đơn vị hạch toán phụ thuộc được khai, khấu trừ, hoàn thuế GTGT theo quy định hiện hành.

Điều 6. Khai, nộp thuế GTGT đối với dịch vụ viễn thông cước trả sau

Trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông có kinh doanh dịch vụ viễn thông cước trả sau tại địa phương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính và thành lập chi nhánh hạch toán phụ thuộc nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ cùng tham gia kinh doanh dịch vụ viễn thông cước trả sau tại địa phương đó thì cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông thực hiện khai, nộp thuế GTGT đối với dịch vụ viễn thông cước trả sau như sau:

- Khai thuế GTGT đối với doanh thu dịch vụ viễn thông cước trả sau của toàn cơ sở kinh doanh với cơ quan thuế quản lý trực tiếp trụ sở chính.

- Nộp thuế GTGT tại địa phương nơi đóng trụ sở chính và tại địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc.

Số thuế GTGT phải nộp tại địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc được xác định theo tỷ lệ 2% (đối với dịch vụ viễn thông cước trả sau chịu thuế GTGT với thuế suất 10%) trên doanh thu (chưa có thuế GTGT) dịch vụ viễn thông cước trả sau tại địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc.

Trường hợp tổng số thuế GTGT phải nộp (theo tỷ lệ 2%) tại các địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc lớn hơn số thuế GTGT phải nộp của cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông tại trụ sở chính thì cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông tự phân bổ số thuế GTGT nộp tại các địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc như sau: số thuế GTGT phải nộp tại địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc được xác định bằng (=) số thuế GTGT phải nộp của cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông tại trụ sở chính nhân (x) với tỷ lệ (%) giữa doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của dịch vụ viễn thông cước trả sau tại địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc trên tổng doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của dịch vụ viễn thông cước trả sau của toàn cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông.

Số thuế GTGT nộp tại địa phương nơi đóng trụ sở chính được xác định bằng số thuế GTGT phải nộp của cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông tại trụ sở chính trừ (-) tổng số thuế GTGT đã nộp tại các địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông lập và gửi “Bảng phân bổ thuế GTGT dịch vụ viễn thông cước trả sau tại địa phương nơi đóng trụ sở chính và tại các địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc” theo mẫu số 02 (ban hành kèm theo Thông tư này) cùng với hồ sơ khai thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp, đồng thời gửi một (01) bản Bảng phân bổ theo mẫu số 02 tới các cơ quan thuế quản lý trực tiếp chi nhánh hạch toán phụ thuộc.

Căn cứ số thuế giá trị gia tăng được phân bổ giữa địa phương nơi đóng trụ sở chính của cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông và các địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc trên Bảng phân bổ theo mẫu số 02, người nộp thuế lập chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng cho địa phương nơi đóng trụ sở chính và từng địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc. Trên chứng từ nộp thuế ghi rõ nộp vào tài khoản thu Ngân sách Nhà nước tại Kho bạc Nhà nước đồng cấp với cơ quan thuế nơi trụ sở chính cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông đăng ký khai thuế và địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc.

Trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông không phát sinh số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính thì cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông không phải nộp thuế GTGT đối với dịch vụ viễn thông cước trả sau tại các địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc.

Ví dụ 1: Cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A trụ sở tại TP. Đà Nẵng kinh doanh dịch vụ viễn thông cước trả sau có 2 chi nhánh hạch toán phụ thuộc nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ tại tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế cùng tham gia kinh doanh dịch vụ viễn thông cước trả sau.

Trong kỳ tính thuế tháng 6/2011, Cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A xác định được: doanh thu (chưa có thuế GTGT) của dịch vụ viễn thông cước trả sau tại địa bàn tỉnh Quảng Trị là 10 tỷ đồng (thuế suất thuế GTGT là 10%) và tại tỉnh Thừa Thiên Huế là 30 tỷ đồng (thuế suất thuế GTGT là 10%). Số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính (theo tờ khai 01/GTGT) trong kỳ là 1 tỷ đồng.

Số thuế GTGT mà cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A phải nộp tại tỉnh Quảng Trị là: 10 tỷ x 2% = 0,2 tỷ đồng.

Số thuế GTGT mà cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A phải nộp tại tỉnh Thừa Thiên Huế là : 30 tỷ x 2% = 0,6 tỷ đồng.

Số thuế GTGT mà cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A phải nộp tại TP. Đà Nẵng là : 1 tỷ – 0,2 – 0,6 tỷ = 0,2 tỷ đồng.

Ví dụ 2: Cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A trụ sở tại TP. Đà Nẵng kinh doanh dịch vụ viễn thông cước trả sau có 3 chi nhánh hạch toán phụ thuộc nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ tại TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế cùng tham gia kinh doanh dịch vụ viễn thông cước trả sau.

- Trong kỳ tính thuế tháng 7/2011, Cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A xác định được: doanh thu (chưa có thuế GTGT) của dịch vụ viễn thông cước trả sau tại địa bàn TP. Đà Nẵng là: 60 tỷ đồng (thuế suất thuế GTGT là 10%), tại tỉnh Quảng Trị là 10 tỷ đồng (thuế suất thuế GTGT là 10%) và tại tỉnh Thừa Thiên Huế là 30 tỷ đồng (thuế suất thuế GTGT là 10%). Số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính (theo tờ khai 01/GTGT) trong kỳ là 0,5 tỷ đồng.

Theo nguyên tắc nộp thuế GTGT tại các địa phương theo tỷ lệ 2% doanh thu như hướng dẫn tại Thông tư này đối với dịch vụ viễn thông cước trả sau chịu thuế GTGT với thuế suất 10%, cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A xác định số thuế phải nộp cho tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế là:

(10 tỷ 30 tỷ ) x 2% = 0,8 tỷ > 0,5 tỷ (Số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính )

Như vậy, cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A tự phân bổ số thuế GTGT phải nộp tại các địa phương như sau:

Số thuế GTGT mà cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A phải nộp tại tỉnh Quảng Trị là:

0,5 tỷ x 10 tỷ/(60 tỷ 10 tỷ 30 tỷ) = 0,05 tỷ đồng.

Số thuế GTGT mà cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A phải nộp tại tỉnh Thừa Thiên Huế là :

0,5 tỷ x 30 tỷ/(60 tỷ 10 tỷ 30 tỷ) = 0,15 tỷ đồng.

Số thuế GTGT mà cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A phải nộp tại TP. Đà Nẵng là: 0,5 tỷ - 0,05 tỷ - 0,15 tỷ = 0,3 tỷ đồng.

Ví dụ 3: Cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A trụ sở tại TP. Đà Nẵng kinh doanh dịch vụ viễn thông cước trả sau có 2 chi nhánh hạch toán phụ thuộc nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ tại tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế cùng tham gia kinh doanh dịch vụ viễn thông cước trả sau.

Trong kỳ tính thuế tháng 8/2011, Cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A xác định được: doanh thu (chưa có thuế GTGT) của dịch vụ viễn thông cước trả sau tại địa bàn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị là 10 tỷ đồng (thuế suất thuế GTGT là 10%) và tại tỉnh Thừa Thiên Huế là 30 tỷ đồng (thuế suất thuế GTGT là 10%). Tại trụ sở chính không phát sinh thuế GTGT phải nộp trong kỳ (theo tờ khai 01/GTGT) .

Cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông A không phải nộp thuế GTGT tại tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 7. Thuế GTGT đối với doanh thu cung cấp dịch vụ viễn thông phân chia nội bộ cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông

Trường hợp việc cung cấp dịch vụ viễn thông được thực hiện dưới hình thức cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông và các đơn vị hạch toán phụ thuộc cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông cùng tham gia cung cấp dịch vụ, kết quả sản xuất kinh doanh, thuế thu nhập doanh nghiệp được hạch toán tập trung tại cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông; cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông hoặc các đơn vị hạch toán phụ thuộc cơ sở kinh doanh viễn thông lập hoá đơn GTGT, thu tiền từ khách hàng thực hiện khai, nộp thuế GTGT đối với doanh thu theo hoá đơn GTGT; việc phân chia doanh thu nội bộ giữa cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông với các đơn vị hạch toán phụ thuộc và giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc chỉ để quản lý nội bộ, phục vụ cho việc quản trị doanh nghiệp thì khi phân chia doanh thu dịch vụ viễn thông nội bộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông không lập hoá đơn GTGT và không khai, nộp thuế GTGT.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 05 năm 2011.

2. Các nội dung không hướng dẫn tại Thông tư này và các nội dung không trái với hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo quy định hiện hành về thuế GTGT và quản lý thuế.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để được giải quyết./.

Nơi nhận:
- VP TW Đảng và các Ban của Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- VP QH, VP Chủ tịch nước;
- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc CP;
- Viện kiểm sát NDTC; Toà án NDTC;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- UBND, Sở TC các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, TCT (VT, DNL(3b)).Giang

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN