Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 348-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 08 năm 1961

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH GIAO NỘP SẢN PHẨM CHO NHÀ NƯỚC

Từ trước tới nay, hàng năm, trong kế hoạch Nhà nước vẫn có ghi chỉ tiêu sản phẩm do nông trường sản xuất và giao nộp cho Nhà nước. Nhưng phần do số nông trường còn ít, quy mô còn nhỏ, sản phẩm làm ra chưa nhiều, nhiều khi thu hoạch không đạt kế hoạch, mặt khác do việc giao nộp sản phẩm của nông trường chưa được quy định thành chế độ rõ ràng, vấn đề giao nộp sản phẩm chưa được các nông trường nhận thức đúng mức. Phần đông cán bộ và công nhân viên nông trường chưa nhận thức đầy đủ nông trường là một xí nghiệp quốc doanh, sản xuất và hưởng thụ theo chế độ quốc doanh và có trách nhiệm phải ra sức phát triển sản xuất để cung cấp sản phẩm ngày một nhiều hơn cho Nhà nước. Một số không ít còn quan niệm sản phẩm làm ra, nông trường có quyền tiêu thụ hoặc tự ý bán cho các cơ quan, đơn vị khác, khi nào thừa mới giao cho Nhà nước, giao hay không giao cũng được. Bộ Nông trường cũng thiếu kiểm tra, đôn đốc các nông trường nghiêm chỉnh chấp hành nghĩa vụ đảm bảo hoàn thành kế hoạch Nhà nước và giao nộp sản phẩm cho Nhà nước. Việc phân phối sản phẩm của nông trường cho các ngành tiêu thụ chưa theo một kế hoạch nhất định do Ủy ban kế hoạch Nhà nước phối hợp với các Bộ có liên quan xây dựng thống nhất, và theo một chính sách giá cả cụ thể, rõ ràng. Do đó, nhiều khi xảy ra tình trạng một số ngành giành nhau mua sản phẩm của nông trường, nâng giá để mua cho được, và có nơi nông trường quốc doanh cũng nâng giá lên theo thời giá, hoặc tự định giá để tiêu thụ trong nội bộ nông trường, gây ảnh hưởng không tốt trong quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước với nhau và trong nhân dân. Một số địa phương cũng có quyền chỉ thị điều động sản phẩm của các nông trường quốc doanh do trung ương quản lý để giải quyết nhu cầu ở địa phương.

Tình hình trên đây không có lợi cho việc tăng cường quản lý nông trường quốc doanh theo kế hoạch, nhằm phát triển sản xuất, cung cấp sản phẩm cho nhiều ngành kinh tế quốc dân khác và cho đời sống của nhân dân. Hiện nay, lực lượng quốc doanh đang ngày càng lớn mạnh, sản phẩm nông trường làm ra ngày càng nhiều, việc quản lý sản xuất và phân phối sản phẩm ở các nông trường cần được tiến hành một cách chặt chẽ hơn, theo một chế độ nhất định.

Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 28 tháng 6 năm 1961, Thủ tướng Chính phủ quy định những điểm cụ thể sau đây để các Bộ có liên quan, các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh và các nông trường quốc doanh thi hành cho thống nhất:

I. Các nông trường quốc doanh là những đơn vị xí nghiệp của Nhà nước, quản lý theo chế độ kinh tế hạch toán, được Nhà nước cấp vốn để sản xuất theo kế hoạch của Nhà nước. Toàn bộ sản phẩm của nông trường làm ra (không kể phần do nông trường viên có thể tự sản xuất riêng) thuộc quyền sở hữu của Nhà nước do Nhà nước phân phối theo kế hoạch. Nông trường có trách nhiệm giao nộp sản phẩm cho Nhà nước theo số lượng đã quy định, và cho các cơ quan, đơn vị được phân phối, theo giá cả điều động nội bộ và Ủy ban kế hoạch Nhà nước đã công bố. Quan hệ giữa các nông trường và các cơ quan tiêu thụ giải quyết theo chế độ hợp đồng kinh tế Chính phủ đã quy định.

Sản phẩm của các nông trường quốc doanh thuộc Bộ Nông trường quản lý, do trung ương điều động, phân phối. Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh chỉ được nhận sản phẩm của các nông trường đó khi được trung ương phân phối, không được tự tiện điều động hoặc giữ sản phẩm của nông trường cho địa phương mình.

Sản phẩm của các nông trường quốc doanh địa phương do Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh quyết định điều động, phân phối, nếu xét cần thiết, trung ương có thể điều động một phần sau khi đã bàn bạc và giao nhiệm vụ cụ thể cho địa phương.

Sản phẩm do công đoàn đứng ra tổ chức cán bộ, và công nhân viên tranh thủ giờ rỗi hoặc trong ngày nghỉ để sản xuất tập thể thêm, hoặc do cá nhân nông trường viên làm ra để cải thiện sinh hoạt, thuộc quyền công đoàn hoặc nông trường viên tự do sử dụng, không phải giao nộp cho Nhà nước. Nhưng nếu sản xuất được nhiều, tiêu dùng không hết, thì nên bán cho các cơ quan Nhà nước theo giá có khuyến khích.

II. Việc phân phối sản phẩm của các nông trường quốc doanh căn cứ theo những nguyên tắc sau đây:

1. Nói chung chỉ tiêu kế hoạch phân phối sản phẩm gắn liền với kế hoạch sản xuất hàng năm, hàng quý của nông trường. Bộ Nông trường quốc doanh căn cứ vào chỉ tiêu chung đã ghi trong kế hoạch Nhà nước để giao chỉ tiêu cụ thể cho từng nông trường, và quyết định điều chỉnh nếu xét cần nhưng phải đảm bảo chỉ tiêu chung. Đối với những sản phẩm chủ yếu, việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất và phân phối phải được Ủy ban kế hoạch Nhà nước thẩm tra lại và trình Hội đồng Chính phủ quyết định.

2. Trong kế hoạch phân phối sản phẩm phải ghi rõ đối với từng loại sản phẩm:

a) Phần nào nông trường được giữ lại để dùng vào việc tái sản xuất (như để giống, thức ăn cho súc vật, v.v… theo chế độ đã quy định), để chế biến tại chỗ (ví dụ: khoai, sắn để làm ra khoai, sắn khô, bột, hạt để ép dầu, sữa để làm sữa hộp, mía để ép đường, v.v…) hoặc để cung cấp cho nhu cầu đời sống hàng ngày của cán bộ, công nhân viên nông trường theo chế độ và tiêu chuẩn cung cấp Nhà nước quy định (như đối với lương thực, thực phẩm).

b) Phần nào nông trường giao nộp cho Nhà nước để điều đi cho các ngành khác và các nông trường khác dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Căn cứ chỉ tiêu phân phối của Nhà nước, Bộ Nông trường quốc doanh ký những hợp đồng nguyên tắc với các Bộ có liên quan để làm cơ sở cho các nông trường trực tiếp ký hợp đồng cụ thể với các đơn vị xí nghiệp tiêu thụ (Mậu dịch nội địa, Tổng công ty xuất nhập khẩu, Nhà máy), không cần qua khâu trung gian, và hai bên hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành hợp đồng đã ký theo đúng chế độ hợp đồng đã ban hành. Các nông trường quốc doanh giao dịch với nhau cũng theo chế độ hợp đồng và căn cứ kế hoạch phân phối của Bộ Nông trường. Trường hợp nông trường sản xuất hoặc thu hoạch vượt mức kế hoạch, các ngành tiêu thụ có trách nhiệm bảo đảm tiêu thụ sản phẩm cho nông trường để phục vụ sản xuất phát triển. Trường hợp gặp khó khăn trong sản xuất, thu hoạch hụt mức kế hoạch được Bộ Nông trường công nhận, nông trường có thể đề nghị các cơ quan tiêu thụ điều chỉnh hợp đồng, nhưng phải báo trước kịp thời để các cơ quan trên khỏi bị động.

3. Đối với một số sản phẩm phụ sản xuất ngoài kế hoạch nông trường tiêu dùng không hết và không điều đi xa được (ví dụ rau tươi), nông trường có thể tổ chức tiêu thụ tại thị trường địa phương, bán cho các cơ quan đơn vị và các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở chung quanh, nói chung theo giá cả quy định của Nhà nước, vì nông trường không thể chạy theo giá cả của thị trường tự do.

III. Giá sản phẩm nông trường quốc doanh giao cho các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp quốc doanh khác được xác định theo những nguyên tắc sau đây:

1. Đối với những sản phẩm mà nông trường quốc doanh và các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nông dân đều có sản xuất, thì trong điều kiện hiện nay, giá thu mua tại nông trường bằng giá Nhà nước chỉ đạo thu mua đối với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nông dân ở địa phương.

Nếu giá thành kế hoạch của nông trường thấp hơn giá chỉ đạo thu mua đó, thì phần chênh lệch sẽ ghi vào kế hoạch trích lợi nhuận của nông trường nộp cho Tài chính.

Nếu trong bước đầu sản xuất, giá thành kế hoạch của nông trường cao hơn giá chỉ đạo thu mua đó, và Nhà nước vẫn thấy cần thiết phải sản xuất loại sản phẩm đó, thì Tài chính sẽ có kế hoạch bù lỗ kịp thời cho nông trường.

Ở đây phải thấy rằng Nhà nước quyết định giá điều động sản phẩm của nông trường quốc doanh cho các xí nghiệp quốc doanh khác ngang giá chỉ đạo thu mua sản phẩm của các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nông dân là để chiếu cố tới điều kiện khó khăn của các nông trường trong bước đầu xây dựng, sản xuất chưa ổn định. Vì vậy các nông trường quốc doanh cần phấn đấu không ngừng cải tiến quản lý sản xuất, quản lý lao động, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, hạ giá thành, để tăng thu nhập cho Nhà nước, hết sức tránh tình trạng Nhà nước phải bù lỗ và không có lý do gì mà giá thành của nông trường quốc doanh lại cao hơn của hợp tác xã vì nông trường quốc doanh có tổ chức chặt chẽ và máy móc nhiều hơn hợp tác xã nông nghiệp.

2. Đối với những loại sản phẩm chỉ do nông trường quốc doanh sản xuất, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nông dân không có, hoặc sản xuất không đáng kể, thì giá giao nhận tại nông trường giữa các nông trường và xí nghiệp quốc doanh khác là:

Giá thành kế hoạch + lãi định mức của nông trường + thuế hàng hóa (nếu có).

Giá trên đây do các nông trường xây dựng, đề nghị Bộ Nông trường xét duyệt và trình Ủy ban kế hoạch Nhà nước quyết định.

Nhận được Thông tư này, Bộ Nông trường, các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh có nông trường, cần tổ chức phổ biến chu đáo cho cán bộ và công nhân viên các nông trường nhận thức đầy đủ về vị trí và tính chất quan trọng của các nông trường trong nền kinh tế quốc dân, trách nhiệm của các nông trường trong việc sản xuất và cung cấp sản phẩm cho Nhà nước theo kế hoạch, để trên cơ sở đó, động viên các nông trường ra sức đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Mặt khác, Bộ Nông trường cần nghiên cứu quy định cụ thể thêm các chế độ, thể lệ cần thiết, hướng dẫn cho các nông trường xây dựng và thực hiện tốt các kế hoạch sản xuất và phân phối sản phẩm theo yêu cầu của Nhà nước, kết hợp chặt chẽ các mặt quản lý sản xuất, quản lý lao động, và quản lý tài vụ trong nông trường theo chế độ kinh tế hạch toán.

Ủy ban kế hoạch Nhà nước cần phối hợp với Bộ Nông trường và các Bộ có liên quan như Nội thương, Ngoại thương, Công nghiệp nhẹ, Tài chính, Tổng cục Lương thực soát lại các chỉ tiêu sản xuất và phân phối sản phẩm nông trường quốc doanh trong năm 1961, và xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch 1962 cho tốt, đồng thời giải quyết kịp thời những mắc mứu về giá cả, giao nhận, thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký hợp đồng giữa các nông trường và đơn vị xí nghiệp quốc doanh có liên quan. Cần tiến hành từng bước, trước hết nắm chắc các sản phẩm chính của nông trường. Đối với năm 1961 cần bổ sung một số sản vật trước đây chưa ghi vào kế hoạch giao nộp, nắm vững các sản vật hiện còn hoặc đã giao nộp và trên cơ sở ấy mà định lại chỉ tiêu cho sát. Bộ Nông trường sẽ quy định một số tiêu chuẩn như giống, thức ăn cho từng loại gia súc, tỷ lệ chế biến sản phẩm, v.v… để làm tài liệu tính toán. Phải giải quyết nhanh chóng, không vì khó khăn trong việc tính toán mà làm chậm trễ việc giao nộp các sản phẩm của nông trường.

QUYỀN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Hùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 348-TTg năm 1961 quy định chế độ nông trường quốc doanh giao nộp sản phẩm cho Nhà nước do Phủ thủ tướng ban hành

  • Số hiệu: 348-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/08/1961
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 36
  • Ngày hiệu lực: 14/09/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản