Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 3464-TC/CQNT | Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 1958 |
VỀ VIỆC SƠ BỘ KIỆN TOÀN ỦY BAN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP TRONG KHI CHỜ ĐỢI BẦU CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Kính gửi:Ủy ban Hành chính các tỉnh và thành phố
Từ xưa đến nay, các cơ quan chính quyền địa phương đã được kiện toàn thêm một bước, do đó đã phát huy tác dụng nhất định trong việc phục vụ kết quả các nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ.
Song, hiện nay, các cơ quan chính quyền địa phương còn có nhiều bất hợp lý: Ủy ban Hành chính tỉnh, huyện, thị xã còn thiếu ủy viên phụ trách các khối công tác, một số ủy viên vắng mặt thường xuyên, công việc dồn vào một số ít ủy viên có mặt ở nhà.
Ủy ban Hành chính các xã tương đối đủ người, nhưng Ủy ban nào cũng có một số ít ủy viên kém uy tín, tác dụng, cá biệt còn có người bỏ việc lâu ngày, hoặc mắc sai lầm. Sinh hoạt của Ủy ban Hành chính các cấp chưa được nền nếp thường xuyên, nguyên tắc lãnh đạo dân chủ tập thể chưa đảm bảo.
Tình hình tổ chức cán bộ trên đây ít nhiều có ảnh hưởng đến việc bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ trước mắt.
Trong khi chờ đợi tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp, để thi hành Thông tư số 289-TTg ngày 10-6-1958 của Thủ tướng phủ về việc kiện toàn chính quyền địa phương, nay cần sơ bộ kiện toàn các cấp chính quyền địa phương nhằm:
Tăng cường hiệu lực và tác dụng của chính quyền, đảm bảo phục vụ kịp thời nhiệm vụ trước mắt, chủ yếu là nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông – Xuân được tốt.
- Tạo điều kiện chuẩn bị tốt cho cuộc tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp sắp tới.
Về chủ trương, đường lối kiện toàn chính quyền các cấp, Thông tư số 289-TTg, của Thủ tướng phủ đã nói rõ, các cấp căn cứ vào đó mà thi hành, dưới đây Bộ Nội vụ xin lưu ý các địa phương một số điểm cụ thể:
1. Đối với các Ủy ban Hành chính tỉnh, huyện, nói chung, cần bổ sung thêm ủy viên, để có đủ người phụ trách các mặt công tác. Trước hết chú ý bổ sung các Ủy ban hiện nay quá yếu và Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch ở những nơi khuyết.
- Có cán bộ đến đâu bổ sung đến đấy, không nhất thiết tìm đủ cán bộ mới bổ sung một thể.
- Đối với tỉnh, huyện chủ yếu là bổ sung thêm ủy viên, trừ trường hợp đặc biệt, nơi nào có ủy viên tại chức quá kém hoặc phạm sai lầm nghiêm trọng mất tín nhiệm với quần chúng mới đặt vấn đề điều chỉnh sang công tác khác.
2. Đối với các Ủy ban Hành chính xã, cần điều chỉnh, bổ sung theo thường lệ những trường hợp xét cần thiết, cụ thể là:
Ở những nơi đã bầu cử chi ủy nói chung, những ủy viên đồng thời là chi ủy viên cũ, nay không trúng cử chi ủy mới, nếu không có vấn đề gì lớn, vẫn có tín nhiệm với nhân dân thời về chức vụ chính quyền vẫn giữ nguyên, trừ trường hợp xét khả năng tinh thần công tác quá kém mất tín nhiệm với quần chúng mới điều chỉnh sang công tác khác cho thích hợp.
- Những Ủy ban còn thiếu ủy viên hoặc khuyết Chủ tịch hay Phó Chủ tịch thời cần nghiên cứu bổ sung để có đủ người làm việc. Sau khi đã bầu cử chi ủy mới cần bổ sung những chi ủy viên có năng lực vào Ủy ban Hành chính xã để tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền.
- Những Ủy viên phạm sai lầm nghiêm trọng (tham ô, hủ hóa, sai phạm chính sách nặng) bị đa số cán bộ và nhân dân phản đối thì cần đưa ra khỏi Ủy ban Hành chính và tùy tình hình từng trường hợp cụ thể mà thi hành kỷ luật thích đáng.
- Những ủy viên bỏ việc lâu ngày, qua giáo dục giúp đỡ nhiều vẫn không tiến bộ, xét ra không còn tác dụng nữa hoặc cố tình xin nghỉ thì tuyên bố dứt khoát cho nghỉ việc.
Sau khi bổ sung đủ người vào Ủy ban, các cấp cần cải tiến lề lối làm việc, chú ý đưa sinh hoạt, hội họp vào nền nếp, tăng cường chế độ lãnh đạo tập thể dân chủ, khắc phục tác phong quan liêu, mệnh lệnh, xây dựng tác phong đi sâu đi sát.
Tỉnh, huyện chú ý hướng dẫn các Ủy ban Hành chính xã sửa đổi lề lối làm việc theo tinh thần Công văn số 69 ngày 24-9-1958 của Bộ Nội vụ.
II. – PHƯƠNG CHÂM VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH
Việc bổ sung điều chỉnh cán bộ phải làm khẩn trương song phải hết sức thận trọng, tránh sáo trộn tổ chức, cần chú trọng những nơi non yếu trước.
Việc sơ bộ kiện toàn Ủy ban Hành chính các cấp lần này vẫn tiếp tục theo phương pháp chỉ định, song phải đi đúng đường lối quần chúng và giữ vững nguyên tắc thủ tục chính quyền, cụ thể:
Đối với cấp tỉnh, huyện sau khi Ủy ban nghiên cứu chuẩn bị dự kiến sẽ triệu tập hội nghị Ủy ban mở rộng (gồm có Chủ tịch Ủy ban cấp dưới và các Trưởng ngành chuyên môn đồng cấp) để phổ biến mục đích yêu cầu của việc kiện toàn lần này, sau đó để hội nghị tham gia ý kiến vào dự kiến. Trên cơ sở đó, Ủy ban nghiên cứu nhất trí đề nghị trên xét duyệt. Sau khi được trên duyệt, Ủy ban sẽ công bố chính thức danh sách bổ sung.
Đối với xã, Ủy ban huyện cần phân công cán bộ trực tiếp giúp đỡ từng xã trong việc sơ bộ kiện toàn. Sau khi nghiên cứu đã có dự kiến, cần đi sâu giải quyết tư tưởng cho thông suốt cả người định đưa ra, người định bổ sung vào, xong tổ chức họp Ủy ban Hành chính xã mở rộng để đề nghị bổ sung hoặc điều chỉnh. Sau khi được trên chuẩn y mới tuyên bố chính thức và giao công tác. Các xã đã có Hội đồng nhân dân thời do Hội đồng nhân dân thảo luận, biểu quyết và đề nghị việc bổ sung.
Về thủ tục chỉ định ủy viên Ủy ban Hành chính vẫn theo nguyên tắc cũ, tức là Ủy ban Hành chính cấp dưới đề nghị, Ủy ban Hành chính trên 2 cấp chuẩn y. Riêng đối với ủy viên Ủy ban Hành chính uyện trước do khu chỉ định nay bỏ khu thời việc chỉ định thuộc thẩm quyền Bộ Nội vụ.
Bộ đề nghị các Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố nghiên cứu kỹ Thông tư này có kế hoạch cụ thể thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
Thông tư 3464-TC/CQNT năm 1958 sơ bộ kiện toàn Ủy ban Hành chính các cấp trong khi chờ đợi bầu cử Hội đồng nhân dân do Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 3464-TC/CQNT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 18/10/1958
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Tô Quang Đẩu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 38
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra