Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 326-BTT

Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 1989

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THÔNG TIN SỐ 326-BTT NGÀY 15 THÁNG 8 NĂM 1989 HƯỚNG DẪN VIỆC THI HÀNH CHẾ ĐỘ NHUẬN BÚT ĐỐI VỚI CÁC TÁC PHẨM CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI, VĂN HOÁ - GIÁO DỤC,VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT, KHOA HỌC - KỸ THUẬT

Căn cứ Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng số 59/HĐBT ngày 15 tháng 6 năm 1989 về chế độ nhuận bút đối với các tác phẩm chính trị - xã hội, văn hoá - giáo dục, văn học - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật;
Được sự thoả thuận của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Bộ Thông tin hướng dẫn việc thi hành chế độ nhuận bút đối với ngành xuất bản, báo chí, phát hành và truyền hình như sau:

Phần thứ nhất:

NHUẬN BÚT TÁC PHẨM SỬ DỤNG DƯỚI HÌNH THỨC XUẤT BẢN

Tác giả có tác phẩm được sử dụng dưới hình thức xuất bản (dưới đây gọi chung là xuất bản phẩm) được hưởng nhuận bút cơ bản, nhuận bút số lượng và nhuận bút tái bản theo những quy định dưới đây:

1. Nhuận bút cơ bản (NBCB):

Nhuận bút cơ bản trả công lao động sáng tạo ra tác phẩm, tương xứng với chất lượng, khối lượng của tác phẩm đó.

Nhuận bút cơ bản của một xuất bản phẩm được tính theo công thức sau:

NBCB = Giá bán lẻ 1 bản x 7.000 bản x tỷ lệ %

Trong đó:

- Giá bán lẻ: là tiền giá in ở cuối trang bìa 4 (hoặc được ghi trong hoá đơn bán sách theo giá bán lẻ vào thời điểm tính trả tiền nhuận bút cho tác giả, nếu chưa in giá bán ở cuối trang bìa 4). Nếu sau đó, vì lý do khách quan, giá bán lẻ tăng lên hoặc giảm xuống thì tác giả cũng không nhận thêm hoặc giảm bớt tiền nhuận bút đã nhân. Đối với xuất bản phẩm phục vụ đối tượng đặc biệt, nếu phải bù lỗ để bán thấp hơn giá thông thường thì khi tính nhuận bút phải quy ra giá thông thường.

- 7.000 bản: là số lượng bản chuẩn để khi nhân với giá bán lẻ một cuốn sẽ đảm bảo phần nhuận bút cơ bản của tác giả.

Nếu xuất bản phẩm được in dưới 7.000 bản thì không áp dụng cách tính này mà áp dụng cách tính nhuận bút thoả thuận (theo hướng dẫn trong thông tư này).

- Tỷ lệ %: mỗi thể loại sách có một khung tỷ lệ % để tính nhuận bút cơ bản. Khung tỷ lệ này có mức thấp nhất và cao nhất.

Căn cứ vào chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của tác phẩm, bên sử dụng tác phẩm sẽ thoả thuận với tác giả về tỷ lệ % để tính nhuận bút cơ bản trong khung quy định.

2. Nhuận bút số lượng (NBSL):

Nhuận bút số lượng trả thêm cho những tác phẩm được sử dụng với lượng xuất bản vượt quá số lượng chuẩn.

Nhuận bút số lượng tính theo tỷ lệ % của nhuận bút cơ bản. Từ 7.001 bản trở đi, cứ 1.000 bản được tính bằng 4% nhuận bút cơ bản.

Riêng đối với sách giáo khoa, từ bản 7.001 trở đi, cứ 1.000 bản được tính bằng 2% nhuận bút cơ bản và tối đa không quá 40.000 bản (và phải trừ đi 7.000 bản đầu tiên, tức là chỉ tính nhuận bút số lượng cho 33.000 bản).

Ví dụ 1:

Cách tính nhuận bút cơ bản và nhuận bút số lượng cho 1 cuốn tiểu thuyết sáng tác dày 200 trang, giá bán lẻ 1.200 đ/1 cuốn, số lượng in 10.000 bản, chất lượng loại xuất sắc (10%).

NBCB: 1.200 đ x 7.000 x 10% = 840.000đ

NBSL:

- Số bản được tính NBSL: 10.000 bản - 7.000 bản = 3.000 bản

- Cứ 1.000 bản được tính bằng 4% NBCB

- 3.000 bản được tính bằng: 3.000/1.000 x 4% NBCB = 12% NBCB

- Số tiền NBSL là: 12% x 840.000 = 100.800đ

Tổng cộng tiền NBCB và NBSL của cuốn tiểu thuyết đó là 840.000 + 100.800 = 940.800

3. Nhuận bút tái bản (NBTB)

- Sau lần in trước đủ 12 tháng trở lên (tính từ ngày nộp lưu chiểu), nếu xuất bản phẩm được in lại (ở bất cứ cơ quan xuất bản nào) thì tác giả được hưởng nhuận bút tái bản (gồm nhuận bút cơ bản và nhuận bút số lượng). Nếu lần in trước, xuất bản phẩm không kinh doanh mà lần in sau đó có kinh doanh thì tác giả được hưởng nhuận bút như lần đầu.

- Những xuất bản phẩm in lại trước 12 tháng (ở bất cứ cơ quan xuất bản nào) không được tính là xuất bản phẩm tái bản, chỉ được tính hưởng nhuận bút số lượng.

- Mức trả nhuận bút tái bản:

+ Nhuận bút cơ bản của xuất bản phẩm tái bản:

Nếu xuất bản phẩm tái bản không sửa chữa, bổ sung thì nhuận bút cơ bản của xuất bản phẩm tái bản được tính bằng 40% theo cách tính nhuận bút cơ bản lần đầu.

Nếu xuất bản phẩm tái bản có sửa chữa, bổ sung thì tuỳ theo mức độ sửa chữa, bổ sung, nhuận bút cơ bản của xuất bản phẩm tái bản được tính từ 41% đến 80% theo cách tính nhuận bút cơ bản lần đầu.

+ Nhuận bút số lượng của xuất bản phẩm tái bản:

Từ bản 7.001 trở đi, cứ 1.000 bản được tính bằng 4% nhuận bút cơ bản theo cách tính lần đầu. Riêng đối với sách giáo khoa phổ thông tái bản, tuỳ theo mức độ sửa chữa, bổ sung, tác giả được hưởng từ 10% đến 40% nhuận bút cơ bản theo cách tính lần đầu và nhuận bút số lượng, nếu các lần in trước chưa quá 40.000 bản.

(Chú ý: Nhuận bút cơ bản và nhuận bút số lượng của xuất bản phẩm tái bản được tính theo cách tính lần đầu chứ không phải là theo số tiền của nhuận bút cơ bản, nhuận bút số lượng lần đầu, vì so với xuất bản lần đầu các yếu tố như số lượng bản in, số trang in, giá bán lẻ có thể biến động nên không thể lấy số tiền nhuận bút cơ bản, nhuận bút số lượng lần đầu để làm căn cứ tính trả nhuận bút cho xuất bản phẩm tái bản).

Ví dụ 2: Cách tính nhuận bút tái bản cho 1 cuốn tiểu thuyết theo ví dụ 1.

- Các yếu tố khi xuất bản lần đầu:

+ Dày 200 trang

+ Số lượng in 10.000 bản

+ Giá bán lẻ 1.200đ/1 cuốn

- Các yếu tố khi tái bản:

+ Dày 200 trang

+ Số lượng bản in 12.000 bản

+ Giá bán lẻ 1.500đ/1 cuốn

Nhuận bút tái bản của cuốn sách đó là:

NBCB = (1.500đ x 7.000 x 10%) = 1.050.000 x 40% = 420.000đ

NBSL = 5.000 cuốn/1.000 x 4% x 1.050.000 = 210.000đ

Tổng cộng số tiền nhuận bút tái bản:

420.000đ + 210.000đ = 630.000 đồng

- Cũng cuốn sách đó, nếu in lại trước 12 tháng thì chỉ được tính nhuận bút số lượng như sau:

NBSL: 12.000 bản/1.000 bản x 4% x 1.050.000 = 504.000đồng.

4. Những điều khoản khác:

a) Xuất bản phẩm được dịch, chuyển thể, phóng tác, cải biên từ tác phẩm nguyên bản trong nước thì tác giả nguyên bản được hưởng 25% đến 30% tổng số nhuận bút của tác phẩm được dịch, chuyển thể, phóng tác, cải biên ấy.

b) Tác giả phần lời của bài hát, phần lời của tranh truyện, ảnh truyện được hưởng 25% đến 30% của tổng số nhuận bút của tác phẩm ấy.

c) Xuất bản phẩm cho thiếu nhi và phục vụ dân tộc ít người, tác giả được hưởng thêm từ 10% đến 20% của tổng số nhuận bút của tác phẩm ấy.

d) Đối với các xuất bản phẩm không kinh doanh của các cơ quan xuất bản không chuyên nghiệp, tác giả được hưởng nhuận bút không quá 90% nhuận bút cơ bản so với xuất bản phẩm tương đương có kinh doanh và không hưởng nhuận bút số lượng.

e) Người Việt Nam viết thẳng bằng tiếng nước ngoài, người Kinh viết bằng tiếng dân tộc thiểu số hoặc người dân tộc thiểu số này viết bằng tiếng dân tộc thiểu số khác thì được trả thêm từ 50% đến 80% tổng số nhuận bút.

g) Không phải trả nhuận bút cho những văn kiện, luật lệ, chế độ chính sách v.v. của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, đoàn thể quần chúng; các đoạn trích in trong xuất bản phẩm.

h) Riêng đối với sách giáo khoa, giáo trình có nhiều loại hình phức tạp, nhà xuất bản có thể vận dụng các điều khoản theo hình thức thoả thuận với tác giả.

5. Khung tỷ lệ % để tính nhuận bút:

Dưới đây là khung tỷ lệ % để tính nhuận bút của các nhóm xuất bản phẩm. Khung tỷ lệ % này chỉ áp dụng cho xuất bản phẩm in màu trên giấy thông thường (như giấy Bãi Bằng, giấy báo Liên Xô, giấy Việt Trì, giấy Tân Mai) và in từ 7.000 bản trở lên.

Những xuất bản phẩm in dưới 7.000 bản hoặc in nhiều màu, in bằng giấy đặc chủng hoặc in với kỹ thuật phức tạp thì trả theo hình thức thoả thuận ở mục 6 trong thông tư này.

Số thứ tự


Thể loại

Tỷ lệ % của giá bán lẻ (giá bìa) của 7.000 bản

1

- Văn xuôi.

- Từ điển và sách tra cứu.

- Sách dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài.

từ 4% - 10%

2

- Nghiên cứu lý luận về chính trị, văn hoá, giáo dục, văn học, nghệ thuật và các công trình khoa học - kỹ thuật, giáo trình đại học và cao đẳng.

- Kịch bản sân khấu.

từ 4,5% - 11%

3

- Nhạc, tranh, ảnh (in thành sách)

từ 5% - 12,5%

4

- Thơ

từ 6% - 15%

5

- Biên soạn, biên khảo, phóng tác, cải biên.

- Giáo trình bổ túc văn hoá và trung học chuyên nghiệp.

- Truyện tranh.

- Dịch các sách nghiên cứu lý luận và khoa học - kỹ thuật, sách phổ biến chính trị, văn hoá, khoa học - kỹ thuật cho đối tượng rộng.

- Dịch thơ (từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng các dân tộc thiểu số sang tiếng Kinh, và tiếng dân tộc thiểu số này sang tiếng dân tộc thiểu số khác.

từ 3% - 7,5%

6

- Dịch văn xuôi (từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng các dân tộc thiểu số sang tiếng Kinh).

- Sách giáo khoa phổ thông.

- Sách phương pháp dùng cho cha mẹ học sinh; sách dùng cho giáo viên.

từ 2% - 5%

7

- Sưu tầm.

- Tuyển chọn (có thể tính gộp cả sưu tầm và tuyển chọn)

từ 1% - 2,5%

Khung tỷ lệ % của các nhóm xuất bản phẩm trên không có bậc cụ thể. Tỷ lệ % thấp nhất trả cho các xuất bản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng.

6. Nhuận bút theo hình thức thoả thuận:

Nhuận bút theo hình thức thoả thuận được trả theo sự thoả thuận giữa tác giả với bên sử dụng xuất bản phẩm, thông qua hợp đồng kinh tế, áp dụng cho những loại xuất bản phẩm sau đây:

a) Xuất bản phẩm in dưới 7.000 bản:

Các trường hợp này, do in với số lượng ít, tác giả chỉ hưởng nhuận bút cơ bản, không hưởng nhuận bút số lượng. Nhuận bút cơ bản có thể áp dụng cách tính % giá bán lẻ nhân với số bản in thực tế hoặc thoả thuận bằng một số tiền cụ thể. Tiền trả nhuận bút theo thoả thuận không bất hợp lý quá so với công lao động sáng tạo của tác giả, và cũng không ảnh hưởng quá đến hiệu quả kinh tế của bên sử dụng xuất bản phẩm, đồng thời không ảnh hưởng đến sức mua của người hưởng thụ xuất bản phẩm.

b) Đối với những xuất bản phẩm gồm quá nhiều tác giả, hoặc quá nhiều thể loại: các loại tranh ảnh đơn, nhị bình, tam bình, tứ bình; lịch tờ, nhãn lịch, lịch bướm, nhạc bướm, băng nhạc, đĩa hát, câu đối, bìa sách, các minh hoạ tranh và ảnh trong sách, lời nói đầu, lời bình hoặc lời giới thiệu trong xuất bản phẩm mà không phải của tác giả xuất bản phẩm ấy viết, những chú thích trong sách, những sách giáo khoa có nhiều mẫu chữ và hình vẽ, có nhiều cỡ chữ khác nhau hoặc có nhiều đoạn trích tác phẩm, lời dịch của bài hát; những xuất bản phẩm in trên giấy đặc chủng với kỹ thuật in phức tạp, bản dịch các sách hợp tác với nước ngoài. Những loại xuất bản phẩm đó rất khó tính nhuận bút theo tỷ lệ phần trăm giá bán lẻ thì áp dụng cách trả nhuận bút theo hình thức thoả thuận giữa tác giả với bên sử dụng xuất bản phẩm. Có thể trả nhuận bút riêng cho từng tác giả trong xuất bản phẩm hoặc toàn bộ xuất bản phẩm. Nhuận bút theo thoả thuận chỉ có một loại, không tính riêng nhuận bút cơ bản và nhuận bút số lượng.

Khi tái bản các loại xuất bản phẩm theo mục a và b trên đây cũng áp dụng trả nhuận bút theo hình thức thoả thuận.

Ví dụ 3: Tính tiền nhuận bút tác giả vẽ bìa 1 cuốn sách dày 200 trang, giá bán lẻ 1.200đ/1 cuốn.

Nhuận bút bìa sách được tính theo giá bán lẻ của 3.000 đến 5.000 trang sách.

Đơn giá bán lẻ 1 trang sách:

1 200: 200 trang = 6đ/1 trang

Vậy:

+ Bìa sách loại đạt yêu cầu: 3.000tr x 6đ = 18.000đ

+ Bìa sách loại khá: 4.000tr x 6đ = 24.000đ

+ Bìa sách loại đẹp: 5.000tr x 6đ = 30.000đ

Từ nhuận bút bìa sách tính nhuận bút của những xuất bản phẩm khác theo hệ số sau:

- Hệ số 1:

Trình bày bìa sách, lịch tờ, lịch treo, câu đối, khẩu hiệu.

- Hệ số từ 2 đến 5:

Bưu ảnh, ảnh tờ rời khổ nhỏ (6 x 9 cm, 9 x 12cm...).

- Hệ số 6: Tranh đơn

- Hệ số 9: Nhị bình

- Hệ số 12: Tam bình

- Hệ số 15: Tứ bình

- Hệ số từ 6 đến 9: ảnh cho lịch 1 tờ treo tường

- Hệ số từ 0,40 đến 1: ảnh lịch túi, lịch bướm, lịch sổ, lịch bàn, phụ bản trong xuất bản phẩm.

- Hệ số từ 0,10 đến 0,25: Tranh, ảnh minh hoạ trong xuất bản phẩm (nếu là tranh, ảnh màu thì có thể trả tăng thêm. Nếu là minh hoạ đơn giản thì trả bớt đi).

Ví dụ 4: Mức cao nhất cho 1 xuất bản phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh như sau:

- Tranh đơn: 30.000đ x 6 = 180.000đ

- Nhị bình: 30.000đ x 9 = 270.000đ

- Tam bình: 30.000đ x12 = 360.000đ

- Tứ bình: 30.000đ x15 = 450.000đ

- Ảnh cho lịch một tờ treo tường: từ 180.000đ đến 360.000đ

- Tranh, ảnh minh hoạ: từ 3.000đ đến 7.500đ (tức là bằng từ 10% đến 25% của bìa sách).

- Ảnh lịch túi, lịch bướm, lịch sổ, lịch bàn, phụ bản trong xuất bản phẩm: từ 12.000đ đến 30.000đ (tức là bằng từ 40% đến 100% bìa sách).

Nếu chất lượng khá thì nhuận bút sẽ bằng khoảng 2/3; chất lượng đạt yêu cầu thì sẽ bằng khoảng 1/2 số tiền đã tính ở trên.

Trên đây là một số căn cứ để tham khảo tính trả nhuận bút theo thoả thuận cho xuất bản phẩm. Trong thực tế, tuỳ tình hình cụ thể và sự thoả thuận giữa hai bên sử dụng xuất bản phẩm và tác giả để xác định tiền nhuận bút. Mức nhuận bút thoả thuận có thể chênh lệch với các ví dụ ở trên nhưng không nên cao hoặc thấp quá.

7. Thời hạn trả nhuận bút:

Sau 60 ngày, kể từ ngày nộp lưu chiểu theo quy định của xuất bản phẩm, bên sử dụng xuất bản phẩm phải trả hết nhuận bút cho tác giả.

Nếu trả chậm hơn, bên sử dụng xuất bản phẩm phải được sự đồng ý của tác giả.

Ngoài tiền nhuận bút, tác giả của xuất bản phẩm (không phân biệt sáng tác, biên soạn hay dịch thuật...) được nhận 10 bản. Nếu xuất bản phẩm có từ 11 tác giả trở lên thì mỗi tác giả được nhận 1 bản.

Phần thứ hai:

NHUẬN BÚT TÁC PHẨM SỬ DỤNG DƯỚI HÌNH THỨC BÁO CHÍ
(Báo in, tạp chí, phát thanh, truyền hình)

I. ĐỐI VỚI BÁO, TẠP CHÍ IN

A. QUY ĐỊNH CHỈ SỐ GIỮA CÁC THỂ LOẠI:

Tác giả có tác phẩm được cơ quan báo chí sử dụng tuỳ theo thể loại, được hưởng nhuận bút theo các chỉ số sau đây:

Số TT

Các nhóm thể loại

Chỉ số

1

- Tin ngắn, tin bình, tin tổng hợp, tin sâu.

- Ảnh đen trắng, tranh truyện, ảnh truyện (đơn chiếc) tư liệu, minh hoạ.

- Ý kiến trả lời bạn đọc.

Từ 0,1 đến 0,3

2

- Ca dao, viết lời cho dân ca, bài hề.

- Mẩu chuyện người tốt - việc tốt.

- Ý kiến toạ đàm (do báo tổ chức)

Từ 0,4 đến 0,6

3

- Tiểu phẩm, câu đối, tranh biếm hoạ, thơ.

- Phỏng vấn người trong nước, người nước ngoài.

- Bài phản ánh.

Từ 0,7 đến 0,9

4

- Xã luận, bình luận, chuyên luận.

- Tổng thuật, lược thuật, bình thuật.

- Phóng sự, điều tra, phóng sự ảnh.

- Truyện ngắn, các thể ký văn học, trích tiểu thuyết, kịch (Chương hồi).

- Bản nhạc, ca khúc.

- Nghiên cứu, phê bình văn học - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật.

Từ 1 đến 1,5

B. TIÊU CHUẨN VÀ HỆ SỐ CHẤT LƯỢNG:

Tác phẩm do cơ quan báo chí sử dụng được đánh giá chất lượng theo thang:

Bậc 1, hệ số 1: tác phẩm đạt yêu cầu.

Bậc 2, hệ số 2: tác phẩm khá.

Bậc 3, hệ số 4: tác phẩm hay.

C. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ LẬP QUỸ NHUẬN BÚT:

1- Quỹ nhuận bút báo in:

Qũy nhuận bút=Tổng doanh thu nhân với (x) tỷ lệ%

Trong đó:

Tổng doanh thu = Số lượng báo chí phát hành nhân với (x) giá bán lẻ.

- Tỷ lệ % trích lập quỹ nhuận bút từ 1-5%.

- Số lượng báo phát hành dưới 10.000 bản được nhân với 10.000 bản.

- Số lượng tạp chí phát hành dưới 5.000 bản được nhân với 5.000 bản.

Kinh phí nhuận bút báo in, tạp chí tính trong giá thành:

- Đối với các tác phẩm được sử dụng trên báo chí chưa có trong bảng phân nhóm thể loại và chỉ số thì trả theo hình thức thoả thuận giữa cơ quan báo chí và tác giả.

- Đối với những người công tác phụ trách các tiết mục, chuyên mục hay những công việc khác như trình bày mặt báo, hiệu đính... thì nhuận bút được trả theo hình thức thoả thuận giữa cơ quan báo chí và người cộng tác.

- Tác phẩm đăng nhiều kỳ thì mỗi kỳ được tính nhuận bút một lần theo thể loại và chất lượng chung của tác phẩm ấy.

- Tác giả viết lời theo tranh truyện, ảnh truyện, lời cho ca khúc được hưởng từ 25% đến 30% mức nhuận bút của tranh truyện, ảnh truyện.

- Tác phẩm dịch từ tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng các dân tộc thiểu số sang tiếng Việt được hưởng nhuận bút bằng 25% - 50% nhuận bút thể loại tương ứng bằng tiếng Việt.

- Tác phẩm dịch từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài, từ tiếng dân tộc thiểu số này ra tiếng dân tộc thiểu số khác, hay từ tiếng Việt ra tiếng dân tộc thiểu số được hưởng 60% đến 70% nhuận bút thể loại tương ứng bằng tiếng Việt.

- Tác phẩm đã được cơ quan báo chí sử dụng, nếu được sử dụng lại hoặc tác phẩm đã được sử dụng ở những loại hình khác như: xuất bản thành sách, triển lãm... khi in vào báo chí được hưởng nhuận bút báo chí (trừ trường hợp đưa lên đài phát thanh và truyền hình không phải trả nhuận bút - điểm 4 điều 3 Luật về quyền tác giả).

- Tác giả ảnh màu được trả thêm 70% nhuận bút cơ bản của ảnh đen trắng.

- Ảnh chụp lại, tranh chụp lại ở kho tư liệu, lưu trữ, triển lãm, trên sách và các ấn phẩm thông tin khác hoặc đã được cơ quan báo chí sử dụng, nay được sử dụng lại thì được hưởng nhuận bút báo chí.

D. CHẾ ĐỘ THƯỞNG:

Ngoài nhuận bút trả công lao động sáng tạo ra tác phẩm, theo định kỳ hàng tháng, hoặc quý, Tổng biên tập có thể xét thưởng chất lượng cho những tác phẩm xuất sắc, có hiệu quả tốt. Tiền thưởng trích trong quỹ nhuận bút.

Chế độ thưởng áp dụng cho cả những tác phẩm trong và ngoài định mức công tác của phóng viên, biên tập viên trong biên chế cơ quan báo chí.

E. CHẾ ĐỘ KHUYẾN KHÍCH:

Ngoài nhuận bút, các cơ quan báo chí được trích một phần trong quỹ nhuận bút để khuyến khích các đề tài, thể loại khó sáng tác, phức tạp, nguy hiểm, đề tài cho thiếu nhi, dân tộc ít người.

- Phóng viên thuộc biên chế của cơ quan báo chí được trả nhuận bút cho tin, bài, ngoài định mức công tác được giao như mức trả cho tác giả ngoài biên chế có tác phẩm được sử dụng.

- Các văn kiện, văn bản của các cơ quan Nhà nước, Đảng, đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các bài diễn văn, ý kiến phát biểu trong các cuộc mít tinh, hội họp khi đăng báo chí không phải trả nhuận bút.

- Đối với tranh ảnh nghệ thuật đăng ở trang bìa hoặc phụ bản cỡ lớn, và tranh, ảnh chụp theo yêu cầu về nội dung, nghệ thuật của cơ quan báo chí thì nhuận bút được trả theo hình thức thoả thuận giữa cơ quan báo chí và tác giả.

II. ĐỐI VỚI PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH

1. Quỹ nhuận bút chương trình phát thanh, truyền hình

Quỹ nhuận bút =

Số lượng tin, bài sử dụng nhân với (x)

đơn giá nhuận bút báo in cộng với (+)

nhuận bút phần thể hiện

hoặc

Quỹ nhuận bút =

Tổng kinh phí được ngân sách cấp nhân với (x)

Tỷ lệ%

Trong đó:

a) Theo cách thứ nhất:

- Đơn giá nhuận bút như báo in: Đài phát thanh và đài truyền hình Trung ương tính theo đơn giá nhuận bút tác phẩm của báo Nhân dân; đài phát thanh và truyền hình khu vực, tỉnh tính theo đơn giá nhuận bút tác phẩm của báo thuộc Tỉnh uỷ, Thành uỷ.

- Nhuận bút phần thể hiện đối với phát thanh:

+ Từ 20% đến 30% cho các thể loại thuộc loại hình báo chí.

+ Từ 30% đến 60% cho các thể loại thuộc loại hình văn học, nghệ thuật.

- Nhuận bút phần thể hiện đối với truyền hình:

+ Từ 50% đến 100% cho các thể loại thuộc loại hình báo chí.

+ Từ 100% đến 150% cho các thể loại thuộc loại hình văn học, nghệ thuật.

b) Theo cách thứ hai: Có thể tính nhuận bút chương trình phát thanh, truyền hình theo tỷ lệ % của tổng kinh phí được ngân sách cấp. Tỷ lệ % tính lập quỹ nhuận bút của đài phát thanh, đài truyền hình thuộc Trung ương quản lý do Bộ Tài chính thoả thuận; của Đài phát thanh, Đài truyền hình thuộc địa phương quản lý do Sở Tài chính thoả thuận.

2. Đối tượng hưởng nhuận bút thể hiện:

- Đối với phát thanh:

+ Các thể loại thuộc loại hình báo chí, người thể hiện tác phẩm bằng tiếng nói của mình trên sóng (không kể phát thanh viên).

+ Các thể loại văn học, nghệ thuật: đạo diễn, âm nhạc (không kể phần nhạc sử dụng lấy qua băng tư liệu).

- Đối với truyền hình:

+ Các thể loại thuộc loại hình báo chí, người thể hiện tác phẩm bằng tiếng nói và hình ảnh của mình trên sóng (không kể phát thanh viên).

+ Các thể loại thuộc loại hình văn học, nghệ thuật: đạo diễn, quay phim, âm nhạc (không kể phần nhạc sử dụng lấy qua băng tư liệu), mỹ thuật, kỹ thuật (kỹ xảo hình).

3. Những thể loại chưa có trong bảng phân nhóm thể loại và chỉ số của báo in hay những thể loại, công việc mang tính đặc thù của phát thanh, truyền hình thì Tổng biên tập có thể áp dụng hình thức trả nhuận bút sau đây:

- Hình thức thoả thuận khoán gọn.

- Hình thức lập bảng phân nhóm thể loại bổ sung.

4. Các điều khoản quy định cho báo in về tiêu chuẩn và thang chỉ số chất lượng, chế độ thưởng, chế độ khuyến khích, chế độ quản lý và các khoản, mục trong các điều khoản khác đều được áp dụng cho cả phát thanh, truyền hình.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 1989.

Trong quá trình thực hiện, các ngành, các cấp có điều gì vướng mắc cần kịp thời phản ánh cho Bộ Thông tin để giải quyết.

Lê Thành Công

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 326-BTT-1989 thi hành chế độ nhuận bút đối với các tác phẩm chính trị - xã hội, văn hoá - giáo, văn học - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật do Bộ Thông tin ban hành

  • Số hiệu: 326-BTT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/08/1989
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin
  • Người ký: Lê Thành Công
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/1989
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản