Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 321-BT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 1977

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA BAN TIẾP NHẬN VIỆN TRỢ.

Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định số 261-CP ngày 14-09-1977 thành lập Ban thống nhất quản lý viện trợ để tăng cường quản lý Nhà nước đối với việc tranh thủ, tiếp nhận phân phối và sử dụng viện trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức liên chính phủ (trong và ngoài Liên hợp quốc), các đoàn thể nhân dân ở các nước, các cá nhân ở nước ngoài có thiện chí giúp ta khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng lại đất nước.

Giúp việc Ban thống nhất quản lý viện trợ có một tổ chức chuyên trách lấy tên là Ban tiếp nhận viện trợ.

Ban tiếp nhận viện trợ là cơ quan giúp việc của Ban thống nhất quản lý viện trợ để tổ chức tiếp nhận sự viện trợ quốc tế. Ban chịu sự chỉ đạo của Bộ Tài chính về nghiệp vụ thực hiện chế độ quản lý, thanh toán hàng viện trợ như các hàng nhập khẩu khác.

I.NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN TIẾP NHẬN VIỆN TRỢ

1. Phối hợp chặt chẽ với Vụ các tổ chức quốc tế của Bộ ngoại giao, Vụ khu vực II của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ban quốc tế nhân dân để nghiên cứu khả năng, phương hướng tranh thủ viện trợ, để Ban thống nhất quản lý viện trợ trình Chính phủ quyết định, sau đó giúp Ban triển khai thực hiện các chủ trương, quyết định của Chính phủ .

2. Phối hợp với các bộ môn có liên quan của các Bộ, Tổng cục và Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố tiến hành công tác tiếp nhận viện trợ (sau khi Chính phủ đã có quyết định cho phép tiếp thu viện trợ);

- Làm các dự án, các đơn hàng cụ thể nhằm sử dụng một cách thiết thực và hợp lý các nguồn viện trợ ;

- Tiến hành đàm phán cụ thể (quy cách, phẩm chất, giá cả, giao nhận, vận chuyển v.v… với các tổ chức viện trợ quốc tế;

- Tổ chức thực hiện các điều khoản đã ký kết;

- Tổ chức việc tiếp nhận hàng viện trợ và làm các thủ tục cần thiết (như thông báo, cám ơn các tổ chức quốc tế đã viện trợ cho ta; thông báo về tình hình sử dụng và tác dụng của viện trợ; đưa tin, đăng báo, công bố tranh ảnh, tài liệu về hàng viện trợ tùy theo từng trường hợp);

- Tổ chức việc kiểm tra tình hình giao nhận, phân phối, vận chuyển, thanh toán và sử dụng viện trợ; đôn đốc việc giải phóng nhanh kho, cảng, sân bay, đưa sớm hàng viện trợ về nơi sử dụng, bảo đảm chất lượng của hàng viện.

3. Phối hợp với các Tổng công ty của Bộ Ngoại thương để ký kết ủy thác việc giao nhận hàng viện trợ tại các ga xe lửa, bến cảng, sân bay…với các tổ chức viện trợ quốc tế và với các ngành chủ quản trong nước; bảo đảm giao nhận nhanh gọn, kịp thời, chính xác theo lệnh phân phối hàng viện trợ, v.v…

4. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, thực hiện chế độ quản lý, thanh toán hàng viện trợ, thu nộp vào ngân sách Nhà nước như đối với các hàng nhập khẩu khác.

5. Phối hợp với các tổ chức chuyên môn của các ngành có liên quan tiến hành công tác bảo vệ an ninh chính trị, bảo vệ kinh tế, đưa khách quốc tế đi các địa phương, các cơ sở có tiếp nhận hàng viện trợ v.v…

6. Liên hệ với các cơ quan đại diện thường trú của các tổ chức quốc tế và các Đại sứ quán các nước ở Hà Nội về công tác viện trợ.

7. Phối hợp với các cơ quan chức năng của các Bộ và Tổng cục có liên quan để nghiên cứu các chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ về quản lý sử dụng các nguồn viện trợ và thống nhất quản lý viện trợ trong các khâu tiếp nhận, phân phối, sử dụng …báo cáo với Ban thống nhất quản lý viện trợ để trình Hội đồng Chính phủ xét và ban hành; giúp Ban thống nhất quản lý viện trợ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ và thể lệ đó; nghiên cứu vận dụng cho thích hợp các chính sách, chế độ của Nhà nước ta đối với các tổ chức quốc tế viện trợ cho ta.

8. Làm công tác thông tin và tư liệu về các tổ chức quốc tế viện trợ cho ta, đặc biệt là các tổ chức thuộc Liên hiệp quốc về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội để hiểu rõ tôn chi, mục đích, phương thức viện trợ và khả năng cung cấp viện trợ của từng tổ chức nhằm tranh thủ viện trợ được sát đúng và có hiệu quả hơn; thông tin về tình hình hoạt động của các tổ chức viện trợ nước ngoài nhất là các hoạt động viện trợ trên thế giới của các tổ chức thuộc Liên hợp quốc.

9. Dưới sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính, hướng dẫn các cơ quan có liên quan của Bộ, Tổng cục, các đoàn thể nhân dân trung ương, các Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố, các cơ sở thực hiện chế độ hạch toán đối với hàng viện trợ và báo cáo lên Chính phủ theo chế độ hiện hành.

10. Ban tiếp nhận viện trợ có tư cách pháp nhân ký hợp đồng và giao dịch với các cơ quan có liên quan đến việc tiếp nhận hàng viện trợ như kiểm nghiệm hàng hóa, vận chuyển hàng hóa viện trợ từ nước ngoài về nước v.v…

Để bảo đảm cho mọi mặt hoạt động, Ban tiếp nhận viện trợ được sử dụng một khoản kinh phí định mức theo tỷ lệ phần trăm (%) của doanh thu về tiền hàng viện trợ do Bộ Tài chính quy định và xét duyệt.

II. TỔ CHỨC CỦA BAN TIẾP NHẬN VIỆN TRỢ

Tổ chức của Ban tiếp nhận viện trợ gồm:

Ban phụ trách gồm: trưởng ban và các phó trưởng ban

Các phòng của ban :

1. Văn phòng ban gồm các tổ: tổng hợp – hành chính - quản trị;

2. Phòng nghiệp vụ giao nhận, gồm 3 tổ:

- Các tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc,

- Các tổ chức quốc tế, liên chính phủ ngoài Liên hợp quốc.

- Viện trợ nhân dân;

3. Phòng tài vụ và thanh toán;

4. Phòng kế hoạch lễ tân.

TRƯỞNG BAN BAN THỐNG NHẤT QUẢN LÝ VIỆN TRỢ
BỘ TRƯỞNG PHỦ THỦ TƯỚNG




Vũ Tuân

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 321-BT-1977 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban tiếp nhận viện trợ do Phủ thủ tướng ban hành

  • Số hiệu: 321-BT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/12/1977
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Vũ Tuân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản