Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 32-TC/VKH

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 1990

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 32-TC/VKH NGÀY 31.7.90 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ SỬ DỤNG VỐN TRONG CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH

Thi hành quyết định số 144-HĐBT ngày 10/5/1990 của Hội đồng bộ trưởng về chấn chỉnh quản lý tài chính xí nghiệp quốc doanh, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng vốn trong các xí nghiệp quốc doanh.

I. VỀ NỘI DUNG CÁC LOẠI VỐN SẢN XUẤT KINH DOANH Ở XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH

1. Vốn sản xuất kinh doanh ở xí nghiệp quốc doanh được phân loại thống nhất theo các nguồn hình thành dưới đây:

- Vốn ngân sách cấp: gồm vốn cố định, vốn lưu động, vốn xây dựng cơ bản do Ngân sách cấp hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước (như chênh lệch giá và các khoản phải nộp ngân sách nhưng được ngân sách để lại, khấu hao cơ bản TSCĐ thuộc nguồn vốn ngân sách cấp được để lại cho xí nghiệp...) vốn được viện trợ, quyên tặng hoặc do tiếp quản từ chế độ cũ để lại;

- Vốn xí nghiệp bổ xung: gồm vốn cố định, vốn lưu động, vốn xây dựng cơ bản hình thành từ lợi nhuận để lại và chênh lệch giá không phải nộp hoặc từ vốn vay sau khi đã trả hết nợ và lãi suất tiền vay; các quĩ xí nghiệp (không kể quĩ phúc lợi và quĩ khen thưởng);

- Vốn liên doanh liên kết: gồm vốn cố định, vốn lưu động của các đơn vị tham gia liên doanh, liên kết góp vào xí nghiệp;

- Vốn tín dụng: gồm các khoản tiền vay ngắn hạn, vay dài hạn ngân hàng và các khoản vay của các đơn vị tổ chức tập thể, cá nhân, trong và ngoài nước;

2. Từ nay, trong quản lý và hạch toán vốn sản xuất kinh doanh ở xí nghiệp quốc doanh không dùng thuật ngữ "vốn tự có" và không còn vốn nào được coi là vốn tự có;

3. Để xử lý đúng đắn vốn cố định và vốn lưu động theo quy định mới, các xí nghiệp phải căn cứ vào chứng từ, sổ kế toán xác định số thực có của vốn xí nghiệp bổ sung. Sau khi loại trừ vốn xí nghiệp bổ xung mọi loại vốn cố định, vốn lưu động hiện đang phản ảnh trong vốn tự có trên sổ kế toán của xí nghiệp được tính chung vào vốn ngân sách cấp.

II. VỀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN XÍ NGHIỆP BỔ SUNG

1. Nhà nước cho phép hình thành vốn xí nghiệp bổ sung ở xí nghiệp quốc doanh nhằm tạo điều kiện cho xí nghiệp có thêm vốn để đầu tư chiều sâu hoặc mở rộng sản xuất và thực hiện các chính sách tài chính có phân biệt đối với từng loại vốn. Xí nghiệp được tự chủ trong việc sử dụng vốn như thay thế, đổi mới tài sản cố định, dùng vốn xí nghiệp bổ sung để góp vốn liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, số vốn này chỉ được sử dụng vào các mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhà nước nghiêm cấm mọi trường hợp sử dụng vốn xí nghiệp bổ sung vào các mục đích ngoài sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi, mua sắm các phương tiện đồ dùng phục vụ sinh hoạt và đời sống.

2. Vốn xí nghiệp bổ sung thuộc sở hữu toàn dân, xí nghiệp phải chịu trách nhiệm sử dụng có hiệu quả cao, bảo toàn và phát triển số vốn này.

3. Việc cho thuê, nhượng bán, thanh lý các tài sản cố định thuộc vốn xí nghiệp bổ sung được thực hiện theo quy định thống nhất của Nhà nước.

4. Chế độ khấu hao tài sản cố định và sử dụng khấu hao cơ bản TSCĐ thuộc vốn xí nghiệp bổ sung được thực hiện theo quy định thống nhất của Nhà nước.

Thông tư này được thi hành từ ngày 01/10/1990. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh với Bộ Tài chính đề nghiên cứu giải quyết.

Hồ Tế

(Đã ký)