Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 32/2017/TT-BTNMT về Quy định kỹ thuật thu nhận, bảo quản, lưu trữ và khai thác tài liệu khí tượng thủy văn do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương III

LƯU TRỮ VÀ BẢO QUẢN TÀI LIỆU KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN

Điều 8. Chỉnh lý lưu trữ tài liệu khí tượng thủy văn

Nội dung chỉnh lý lưu trữ tài liệu quy định chi tiết tại Phụ lục III Thông tư này, được thực hiện theo các bước như sau:

1. Công tác chuẩn bị.

2. Phân loại tài liệu.

3. Lập đơn vị bảo quản.

4. Biên mục đơn vị bảo quản.

5. Đánh số lưu trữ.

6. Sắp xếp tài liệu trong kho.

7. Thống kê tài liệu.

8. Xây dựng công cụ tra cứu.

Điều 9. Yêu cầu về kho lưu trữ tài liệu khí tượng thủy văn

Kho lưu trữ tài liệu khí tượng thủy văn phải bảo đảm các yêu cầu về địa điểm, quy mô, thông số kỹ thuật và các hệ thống điện, nước, phòng cháy chữa cháy, giao thông, bảo vệ kho theo hướng dẫn về kho lưu trữ chuyên dụng quy định tại Thông tư số 09/2007/TT-BNV ngày 26 tháng 11 năm 2007 của Bộ Nội vụ.

Điều 10. Các loại thiết bị bảo quản tài liệu khí tượng thủy văn

1. Thiết bị bảo quản tài liệu bao gồm giá, cặp hộp, bìa cứng và bìa mềm, áp dụng theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Thiết bị bảo quản môi trường trong kho:

a) Thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm: đặt 01 (một) bộ thiết bị ở vị trí trung tâm mỗi phòng trong kho lưu trữ và 01 (một) bộ ở nơi thoáng mát phía ngoài kho, để so sánh nhiệt độ, độ ẩm trong và ngoài kho.

b) Quạt thông gió: dùng loại quạt gắn tường, số lượng và công suất phụ thuộc vào diện tích và yêu cầu bảo quản tài liệu.

c) Máy hút ẩm, máy điều hòa không khí: Số lượng, công suất của máy hút ẩm, máy điều hòa không khí tùy thuộc vào diện tích, độ kín của kho để duy trì liên tục chế độ nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho việc bảo quản tài liệu 24/24 giờ.

d) Dụng cụ làm vệ sinh: Cần trang bị đủ dụng cụ làm vệ sinh tài liệu như máy hút bụi, máy lọc bụi toàn kho hoặc các phương tiện làm vệ sinh thông thường khác.

3. Thiết bị phòng chống cháy:

a) Kho lưu trữ cần trang bị đủ các phương tiện, thiết bị phòng chống cháy để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tài liệu;

b) Các dụng cụ và biện pháp chữa cháy thông thường như cát, bao tải, chăn dập lửa, bình bọt, hệ thống chữa cháy bằng nước được bố trí ở phòng không chung với kho chứa tài liệu;

c) Chỉ được dùng loại bình khí CO2 hoặc loại bình bột tetraclorua cácbon ở khu vực có tài liệu.

Điều 11. Các biện pháp bảo quản tài liệu khí tượng thủy văn

1. Chống ẩm:

a) Biện pháp thông gió: Bật quạt hoặc mở cửa phòng để thông gió sao cho nhiệt độ trong kho không thấp hơn nhiệt độ ngoài kho 5°C;

b) Sử dụng máy hút ẩm, điều hòa không khí;

c) Sử dụng hóa chất hút ẩm được đóng thành gói nhỏ và bỏ vào hộp đựng tài liệu.

2. Chống nấm mốc:

a) Thường xuyên vệ sinh tài liệu, phương tiện bảo quản và kho tài liệu;

b) Khi phát hiện nấm mốc thì cách ly ngay khối tài liệu đó và thực hiện các biện pháp chống nấm mốc.

3. Chống côn trùng:

a) Khử trùng tài liệu trước khi nhập kho, có phòng kho chuyên dùng để khử trùng tài liệu;

b) Khử trùng định kỳ toàn bộ kho tài liệu 03 (ba) năm 01 (một) lần, trong thời gian giữa 02 (hai) lần khử trùng, nếu phát hiện có côn trùng trong kho thì phải tổ chức khử trùng trước thời hạn quy định.

4. Chống mối:

a) Phòng, chống mối tiến hành ngay khi bắt đầu xây kho lưu trữ;

b) Thường xuyên kiểm tra kho, nếu thấy mối xuất hiện thì liên hệ ngay với cơ quan chuyên chống mối để có biện pháp xử lý hữu hiệu, an toàn và lâu dài.

5. Chống chuột:

a) Hạn chế tối đa khả năng xâm nhập của chuột vào kho qua các đường ống, đường cống, đường dây dẫn điện, ống thông hơi;

b) Không để thức ăn trong kho chứa tài liệu;

c) Dùng bẫy để diệt chuột hoặc dùng các loại bả bằng hóa chất theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

6. Khử trùng tài liệu bằng một số hóa chất như: thymol (C12H2O) ở dạng tinh thể, bay hơi ở nhiệt độ 40°C, Etleneaxit (C4H7O), Formaldehit (HCHO).

7. Vệ sinh kho lưu trữ: thực hiện theo quy trình vệ sinh kho tài liệu được quy định chi tiết tại Phụ lục IV Thông tư này.

Điều 12. Phục chế tài liệu khí tượng thủy văn

Trong quá trình lưu trữ, bổ sung, chỉnh lý, bảo quản tài liệu khí tượng thủy văn, khi phát hiện những tài liệu cần tu bổ, phục chế thì cơ quan lưu trữ lập kế hoạch tu bổ, phục chế từng phần hoặc toàn phần như sau:

1. Tu bổ, phục chế từng phần:

a) Việc tu bổ, phục chế từng phần được thực hiện đối với các trang tài liệu còn nguyên chữ và số không bị tẩy xóa hoặc gạch bỏ nhiều, nhòe mực; tài liệu có trạng thái vật lý tốt nhưng bị rách hoặc có lỗ thủng trên bề mặt giấy không chứa thông tin;

b) Không dùng biện pháp bồi nền đối với tài liệu cần tu bổ, phục chế;

c) Quy trình tu bổ, phục chế từng phần quy định chi tiết tại Phụ lục V Thông tư này.

2. Phục chế toàn phần:

a) Việc phục chế toàn phần được thực hiện đối với các trang tài liệu bẩn, chữ và số mờ, nhòe mực, tẩy xóa hoặc gạch bỏ nhiều; tài liệu có trạng thái vật lý kém, bị rách, nhàu nát;

b) Việc phục chế toàn phần được thực hiện bằng các phần mềm trên máy tính hoặc bằng phương pháp thủ công;

c) Quy trình phục chế toàn phần được quy định chi tiết tại Phụ lục VI Thông tư này.

Điều 13. Hủy tài liệu khí tượng thủy văn hết giá trị

1. Các loại tài liệu khí tượng thủy văn hết giá trị bao gồm:

a) Tài liệu đã hết thời hạn bảo quản;

b) Tài liệu bị hỏng không thể phục chế được;

c) Tài liệu trùng, thừa.

2. Việc hủy tài liệu khí tượng thủy văn hết giá trị được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Thông tư 32/2017/TT-BTNMT về Quy định kỹ thuật thu nhận, bảo quản, lưu trữ và khai thác tài liệu khí tượng thủy văn do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 32/2017/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/09/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Linh Ngọc
  • Ngày công báo: 18/11/2017
  • Số công báo: Từ số 831 đến số 832
  • Ngày hiệu lực: 14/11/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH