Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3116-A7

Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ĐIỀU ĐỘNG GIÁO VIÊN CẤP 1, 2, 3 Ở CÁC TỈNH  MIỀN XUÔI LÊN MIỀN NÚI CÔNG TÁC

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Ủy ban hành chính các Khu, thành, tỉnh
- Bộ Giáo dục
- Bộ Tài chính
- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước

Hiện nay việc phát triển văn hóa giáo dục ở các tỉnh miền núi đang đòi hỏi một cách cấp thiết vì tình hình giáo dục ở các nơi ấy tiến quá chậm. Muốn phát triển được giáo dục điều trước tiên là phải làm cho miền núi có nhiều giáo viên, hướng chính để giải quyết vấn đề giáo viên cho miền núi “là đào tạo thật nhiều cán bộ, giáo viên người địa phương ”. Nhưng trong tình hình thực tế hiện nay thì số người dân tộc biết chữ để làm giáo viên còn rất ít, có nơi không có, như vậy trong thời gian trước mắt không thể nào không đặt ra vấn đề điều động giáo viên miền xuôi lên công tác ở các tỉnh miền núi nhất là Tây bắc, Hải ninh, Hòa bình, Lào cai, v.v…

Vì vậy Thủ tướng phủ quyết định điều động giáo viên cấp 1, 2, 3 ở các tỉnh miền xuôi lên miền núi công tác (số lượng phân phối cho từng tỉnh do Bộ Giáo dục quy định theo nhu cầu cần thiết của các tỉnh miền núi).

Giáo viên các cấp lên miền núi là để làm cho các tỉnh miền núi có thêm nhiều thầy giáo để đẩy mạnh phát triển giáo dục làm cho đồng bào và thanh thiếu niên miền núi có chỗ học và được đi học. Việc đưa giáo viên lên miền núi hàng loạt để phục vụ đồng bào dân tộc ngoài việc nâng cao trình độ văn hóa còn có ý nghĩa chính trị vô cùng quan trọng vì đồng bào sẽ nhận thấy rõ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ mà ra sức học tập, sản xuất góp phần tích cực xây dựng miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.

Để đảm bảo cho công tác điều động cán bộ lên miền núi được tốt, các Ủy ban hành chính khu, thành phố và các tỉnh được quy định điều động cán bộ cần chú trọng chọn những giáo viên có sức khỏe, có lập trường tư tưởng tốt (chú trọng chọn đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động) và phải làm cho giáo viên thấy rõ nghĩa vụ quang vinh mà tự nguyện đi phục vụ. Phải chú trọng giải quyết kịp thời những khó khăn cho giáo viên, thanh toán kinh phí lương bổng cho giáo viên chu đáo (cả tháng 9 và tháng 10).

Tất cả các giáo viên nói trên trước khi lên miền núi phải tập trung học tập 1 tháng kể từ 15-9-1959 đến 15-10-1959 do Bộ Giáo dục trực tiếp phụ trách.

Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh miền núi như: Khu Tự trị Thái mèo, Hòa bình, Hải ninh, Lào cai, Yên bái và Việt bắc phải chuẩn bị tiếp đón cho chu đáo và phân phối công tác cho giáo viên kịp thời và cùng với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính dự trù kinh phí lương bổng cho giáo viên bắt đầu từ 01 tháng 9 năm 1959.

Việc điều động hàng loạt giáo viên cấp 1, 2, 3 lên phục vụ miền núi lần này là lần đầu tiên trong sự nghiệp phát triển văn hóa giáo dục ở các vùng dân tộc, cho nên phải hết sức chú trọng lãnh đạo tư tưởng tốt và đề phòng các thiếu sót có thể xảy ra như mệnh lệnh, quan liêu, v.v…

Trên tinh thần ra sức phát triển miền núi, nhiệt tình xây dựng miền núi, Thủ tướng phủ mong rằng các cấp Ủy ban hết sức khắc phục khó khăn chấp hành đầy đủ chủ trương của Đảng và Nhà nước trong vấn đề này.

TL. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
BỘ TRƯỞNG THỦ TƯỚNG PHỦ




Nguyễn Khang

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 3116-A7 năm 1959 về việc điều động giáo viên cấp 1, 2, 3 ở các tỉnh miền xuôi lên miền núi công tác do Phủ Thủ tướng ban hành

  • Số hiệu: 3116-A7
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/08/1959
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Nguyễn Khang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 32
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản