Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31-TT

Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 1956

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN VẤN ĐỀ XẾP BẬC CHO CÁN BỘ CHUYÊN MÔN GIÁO DỤC

Thủ tướng Phủ đã ra Nghị định số 747-TTg ngày 23/4/1956 ban bố thang lương 11 bậc cho ngành giáo dục.

Bộ ra Thông tư này để hướng dẫn những điểm cụ thể dưới đây:

1. Ngành giáo dục không phải là một ngành kỹ thuật, thang lương 11 bậc của giáo dục không phải là thang lương kỹ thuật, mà là thang lương chuyên môn của ngành giáo dục.

Thang lương này xuất phát từ chính sách chiếu cố của Đảng và Chính phủ đối với giáo viên của ngành phổ thông, bình dân học vụ và đại học đang làm nghề dạy học vì công tác giảng dạy khó nhọc ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Vì vậy đối tượng chính để xếp vào thang lương 11 bậc là những người đi dạy.

Nhưng vì nhu cầu công tác của ngành và cũng để phục vụ cho việc giảng dạy, một số giáo viên được điều động lên Ty, Khu, Nha để làm các công tác như biên soạn tài liệu, nghiên cứu khoa học đúc kết kinh nghiệm giảng dạy, kiểm tra trường lớp. Phải là những giáo viên và là giáo viên có kinh nghiệm mới làm được và làm được tốt các công tác ấy.

Do đó, cũng xếp vào thang lương 11 bậc những loại cán bộ sau đây:

a. Những giáo viên phổ thông hay đại học (có dạy sau Cách mạng tháng 8) và giáo viên bổ túc văn hóa hiện đang làm công tác biên soạn sách giáo khoa, tài liệu giáo khoa, nghiên cứu và hướng dẫn chương trình học, phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng huấn luyện giáo viên, kiểm tra trường, lớp, làm công tác giáo vụ.

b. Hiệu trưởng, hiệu phó các trường.

c. Những cán bộ bình dân học vụ từ huyện đến Nha, đang làm đúng công tác chuyên môn của mình: biên soạn tài liệu giáo khoa, nghiên cứu và hướng dẫn chương trình học, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, huấn luyện, lãnh đạo, vận động phong trào, đúc kết và phổ biến kinh nghiệm.

Ngoài ra xếp vào thang lương 17 bậc:

- Những giáo viên, cán bộ bình dân học vụ làm công tác hành chính, văn thư, tổ chức cán bộ thống kê, kế hoạch chung.

- Những cán bộ lãnh đạo các cấp trong ngành Trưởng, Phó, Ty, Chánh, Phó Giám đốc Khu, Nha.

- Những cán bộ chính trị mới đưa qua làm công tác chuyên môn giáo dục chưa có thể đối chiếu với trình độ giáo viên để xếp vào khung mốc của giáo viên, thì tạm xếp vào thang lương 17 bậc. Nếu những cán bộ này làm Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường, có quản lý ký túc xá và các trường chuyên nghiệp thuộc Bộ, thì tạm xếp vào thang lương 17 bậc theo khung mốc như sau:

- Hiệu trưởng trường vỡ lòng và phổ thông cấp 1 có ký túc xá: từ bậc 14 đến 11.

- Hiệu trưởng trường Sư phạm sơ cấp và Phổ thông cấp 2 có ký túc xá: từ bậc 13 đến bậc 10.

- Hiệu trưởng trường Sư phạm và chuyên nghiệp trung cấp có ký túc xá: từ bậc 12 đến 9.

- Hiệu trưởng trường Sư phạm và chuyên nghiệp cao cấp có ký túc xá: từ bậc 12 đến 7.

2. Tiêu chuẩn xếp giáo viên và cán bộ bình dân học vụ hiện đang làm công tác nghiên cứu:

Việc điều động giáo viên lên cơ quan làm công tác biên soạn, nghiên cứu thường nhìn vào những giáo viên có kinh nghiệm ở mỗi cấp này để biên soạn hay nghiên cứu tài liệu phục vụ cho cấp ấy; cho nên cán bộ nghiên cứu trước kia là giáo viên cấp nào thì được xếp vào khung của cấp ấy; vì việc xếp vào thang lương 11 bậc chính là để chiếu cố giáo viên đang đi dạy, không phải để chiếu cố cán bộ nghiên cứu.

Nhưng trong quá trình nghiên cứu, người cán bộ có nhiều tiến bộ, có thể biên soạn hay nghiên cứu tài liệu cho cấp liền trên; trường hợp ấy phải được chiếu cố thích đáng; nhưng chỉ khi nào người cán bộ được chính thức công nhận ở cấp liền trên mới được xếp vào khung của cấp ấy.

- Các loại cán bộ bình dân học vụ hiện đang làm công tác chuyên môn ở các cấp được xếp vào thang lương 11 bậc như sau:

Cán bộ Huyện xếp từ bậc 10 đến bậc 8.

Cán bộ Ty xếp từ bậc 10 đến bậc 7.

Cán bộ Khu xếp từ bậc 10 đến bậc 6.

Cán bộ Nha xếp từ bậc 10 đến bậc 5.

Ở Nha và Khu thường có đủ các loại cán bộ từ trình độ Huyện, Ty trở lên. Nên khi xếp phải căn cứ vào đức, tài, lịch sử đấu tranh của từng người mà xếp, đồng thời chú ý cân nhắc với những cán bộ tương đương đang công tác ở cơ quan cấp dưới để đánh giá cho đúng. Đối với cán bộ bình dân học vụ trước là giáo viên phổ thông chuyển sang thì căn cứ vào khả năng và nhiệm vụ công tác hiện nay là chính, đồng thời chú ý đến bậc của những cán bộ giảng dạy bên phổ thông có trình độ tương đương với họ.

Đối với giáo viên xung phong và cán bộ bình dân học vụ công tác ở miền núi vẫn chú ý thích đáng đến điều kiện làm việc khó khăn của những giáo viên ấy.

3. Phần bổ sung Thông tư số 23-TCCB-TT ngày 30/3/1956:

a. Đối với một số giáo viên cấp 1 hay cấp 2 đã dạy một số lớp cấp liền trên, Bộ đang nghiên cứu chủ trương công nhận chính thức những giáo viên ấy ở cấp xứng đáng với khả năng hiện tại của họ (sau khi đã qua lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ và sát hạch để đảm bảo chất lượng). Tuy vậy hiện nay phải căn cứ vào khả năng thực tế của giáo viên (đang dạy ở lớp nào, đức, tài và lịch sử công tác) mà xếp.

Trong khi chờ đợi được công nhận chính thức, giáo viên trước kia dạy ở cấp 1, nay đưa lên dạy ở cấp 2, mà chỉ dạy được lớp 5 và 6 thì chỉ xếp cao nhất là bậc 7.

- Giáo viên trước kia dạy ở cấp 2, nay chỉ dạy được đến lớp 8 thì chỉ xếp cao nhất là bậc 6.

- Giáo viên ở trường dự bị đại học ra, hoặc tốt nghiệp lớp sư phạm cao cấp Liên khu 4, tốt nghiệp khoa học cơ bản, khi ra trường trình độ rất chênh lệch nhau, nên chỉ căn cứ vào khả năng thực tế mà xếp, việc công nhận chính thức ở cấp nào sẽ xét sau.

Căn cứ đúng các tiêu chuẩn trên để xếp bậc này hay bậc khác (tham khảo bản hướng dẫn tiêu chuẩn kèm theo bản Thông tư số 23-TCCB) bỏ những danh từ “trung bình, khá, xuất sắc” nhưng nên quan niệm ở ngay một bậc cũng có người nhích hơn hay kém hơn.

b. Bỏ danh từ “giáo viên sơ cấp và cơ bản” và gọi là giáo viên lớp 1, 2 giáo viên cấp 1. Giáo viên hiện dạy lớp 1, 2 xếp từ bậc 11 đến bậc 9 (dồn xuống 1 bậc). Giáo viên dạy được lớp 3 có thể xếp cao nhất là bậc 8.

Những giáo viên có thể dạy cả 4 lớp, từ lớp 1 đến lớp 4, thì xếp vào khung giáo viên cấp 1.

c. Huấn luyện viên giáo viên vỡ lòng trước có 1 bậc 8, nay xếp từ bậc 9 đến bậc 7.

Huấn luyện viên thể thao, thể dục trước có 1 bậc 8, nay xếp từ bậc 9 đến bậc 7.

d. Giữa phụ tá và phụ trách các phòng thì nghiệm cấp 3 và đại học, thêm một loại nhân viên nữa xếp từ bậc 9 đến bậc 7, cụ thể:

Bậc 9. - Phụ tá bậc 10 đã có nhiều kinh nghiệm và thành tích trên công tác.

- Tốt nghiệp lớp 7 và một lớp đào tạo, nếu không phải giáo sinh tốt nghiệp sơ cấp thì phải trải qua công tác ít nhất 1 năm.

Bậc 8. – Đã ở bậc 9 ít nhất 3 năm, có kinh nghiệm, có khả năng hướng dẫn một môn ở cấp 2.

- Trình độ lớp 9 đã qua một lớp đào tạo, đã công tác ít nhất một năm. Hoặc đã tốt nghiệp lớp 9, nhưng khả năng chưa phụ trách được một phòng thí nghiệm ở cấp 3.

e. Trường hợp xếp dưới khởi điểm một bậc:

Chỉ áp dụng cho những người mới tốt nghiệp các trường sư phạm mà trước khi đi học chỉ là học sinh, thời gian tối thiểu ở bậc này trước định một học kỳ, nay định trở lại một năm. Thời gian này để làm căn cứ mà xếp lại chứ không phải sau một năm là đương nhiên xếp lên.

Đối với những người trước khi đi học là giáo viên hay cán bộ các ngành khác được xếp ngay vào bậc khởi điểm

g. Phần đại học:

- Đối với trợ lý: tối thiểu có khả năng thực tế hướng dẫn (thêm tiêu chuẩn thực tế), có phụ trách được một giáo trình (chứ không phải một phần giáo trình)… đã giúp giáo sư ít nhất 3 năm (trước ghi là 2 năm).

- Đối với phụ giảng: tối thiểu là tự mình giảng một giáo trình (chứ không phải một phần giáo trình).

- Đối với giáo viên và giáo sư: công trình nghiên cứu sáng tác (thêm tiêu chuẩn nghiên cứu).

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên