Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 31/2015/TT-BTTTT hướng dẫn một số điều của Nghị định 187/2013/NĐ-CP đối với hoạt động xuất, nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Chương II

DANH MỤC CẤM NHẬP KHẨU

Điều 3. Nguyên tắc xây dựng và quy định áp dụng Danh mục cấm nhập khẩu

1. Nguyên tắc xây dựng Danh mục cấm nhập khẩu

a) Danh mục cấm nhập khẩu được lập dựa trên cơ sở Danh mục hàng hóa và mã số HS trong Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi;

b) Danh mục cấm nhập khẩu được xây dựng, bổ sung, sửa đổi phù hợp với tình hình phát triển của công nghệ thông tin và các quy định khác của pháp luật theo từng thời kì.

2. Các quy định áp dụng Danh mục cấm nhập khẩu

a) Danh mục chỉ cấm nhập khẩu những hàng hóa có mã số HS 8 số. Những mã HS 4 số và 6 số trong Danh mục cấm nhập khẩu chỉ có tác dụng làm rõ nội dung thông tin về chủng loại hàng hóa được quy định cấm bởi mã HS 8 số;

b) Linh kiện, phụ tùng, cụm linh kiện, phụ kiện đã qua sử dụng của các loại sản phẩm thuộc Danh mục cấm nhập khẩu cũng bị cấm nhập khẩu;

c) Đối với máy in, máy photocopy kỹ thuật số đa màu, khi nhập khẩu thực hiện quy định của pháp luật về in. Đối với máy photocopy kỹ thuật số đơn sắc (đen trắng) có kết hợp tính năng in hoặc kết hợp tính năng khác đã qua sử dụng, khi nhập khẩu thực hiện theo các quy định tại Thông tư này.

Điều 4. Trường hợp nhập khẩu sản phẩm thuộc Danh mục cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học

1. Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, cho phép nhập khẩu sản phẩm thuộc Danh mục cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học (bao gồm các hoạt động: nghiên cứu khoa học; làm mẫu phục vụ hoạt động thiết kế, nghiên cứu - phát triển sản phẩm và kiểm thử trong hoạt động sản xuất).

2. Hồ sơ, thủ tục đề nghị nhập khẩu sản phẩm thuộc Danh mục cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học như sau:

a) Người nhập khẩu có nhu cầu nhập khẩu gửi 01 (một) bộ hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Công nghệ thông tin), địa chỉ: Số 18 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hồ sơ gồm:

- Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc Quyết định/giấy phép thành lập, hoặc giấy chứng nhận đầu tư/giấy phép đầu tư), chứng minh nhân dân/hộ chiếu: bản sao có chứng thực, trường hợp nộp bản sao không có chứng thực thì khi nộp phải mang theo bản chính để đối chiếu;

- Đơn đề nghị nhập khẩu của người nhập khẩu, trong đó kê khai cụ thể tên hàng, mã số HS, số lượng, mục đích sử dụng từng mặt hàng và xác nhận, cam đoan tính xác thực của các nội dung này theo Mẫu 01 của Phụ lục 02 của Thông tư này: 01 (một) bản chính;

- Tài liệu mô tả sản phẩm: 01 (một) bản sao;

- Tài liệu liên quan khác (nếu có).

b) Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời cho phép nhập khẩu. Trường hợp không đồng ý, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Thông tư 31/2015/TT-BTTTT hướng dẫn một số điều của Nghị định 187/2013/NĐ-CP đối với hoạt động xuất, nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 31/2015/TT-BTTTT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/10/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Bắc Son
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1139 đến số 1140
  • Ngày hiệu lực: 15/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra