Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 30/2011/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương 3.

QUY ĐỊNH VỀ TRIỆU HỒI CÁC SẢN PHẨM BỊ LỖI KỸ THUẬT

Điều 12. Sản phẩm phải triệu hồi

Cơ sở sản xuất phải triệu hồi các sản phẩm do mình sản xuất, lắp ráp trong các trường hợp sau:

1. Sản phẩm vi phạm các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành bắt buộc áp dụng cho đối tượng sản phẩm đó;

2. Sản phẩm gây ra nguy hiểm về sinh mạng và tài sản do các lỗi kỹ thuật trong quá trình thiết kế, chế tạo;

3. Sản phẩm dù chưa gây tổn thất về người và tài sản nhưng qua quá trình sử dụng có thể gây nguy hiểm trong một số điều kiện nhất định.

Cơ quan QLCL sẽ căn cứ theo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, các thông tin, kết quả điều tra để xem xét và đưa ra quyết định buộc thực hiện triệu hồi sản phẩm.

Điều 13. Triệu hồi sản phẩm

1. Đối với Cơ sở sản xuất:

Trường hợp phát hiện ra lỗi kỹ thuật của các sản phẩm đã bán ra thị trường, Cơ sở sản xuất cần thực hiện các công việc sau đây:

a) Tạm dừng việc cho xuất xưởng các sản phẩm của kiểu loại sản phẩm bị lỗi kỹ thuật;

b) Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện ra lỗi kỹ thuật, Cơ sở sản xuất phải thông báo bằng văn bản tới các đại lý bán hàng yêu cầu tạm dừng việc cung cấp sản phẩm cùng loại bị lỗi kỹ thuật ra thị trường;

c) Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện ra lỗi kỹ thuật, Cơ sở sản xuất phải gửi tới Cơ quan QLCL báo cáo bằng văn bản thông tin chi tiết về nguyên nhân xảy ra lỗi kỹ thuật, biện pháp khắc phục, số lượng sản phẩm phải triệu hồi và kế hoạch triệu hồi cụ thể;

d) Trong thời gian không quá 05 ngày kể từ khi Cơ quan QLCL nhận được kế hoạch về việc triệu hồi, Cơ sở sản xuất sẽ được thông báo kết quả phê chuẩn kế hoạch này. Việc triệu hồi sản phẩm phải tuân thủ theo yêu cầu của thông báo này;

đ) Cơ sở sản xuất phải báo cáo ít nhất là 03 tháng một lần việc thực hiện triệu hồi sản phẩm theo kế hoạch;

e) Sau thời gian không quá 30 ngày kể từ khi hoàn tất việc triệu hồi, Cơ sở sản xuất phải báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện việc triệu hồi tới Cơ quan QLCL;

g) Cơ sở sản xuất phải chịu mọi phí tổn liên quan đến việc triệu hồi sản phẩm kể cả chi phí vận chuyển.

2. Đối với Cơ quan QLCL

Trường hợp phát hiện ra lỗi kỹ thuật của các sản phẩm đã bán ra thị trường, Cơ quan QLCL cần thực hiện các công việc sau đây:

a) Yêu cầu Cơ sở sản xuất báo cáo về các thông tin liên quan đến lỗi kỹ thuật;

b) Căn cứ vào mức độ nguy hiểm và khẩn cấp của lỗi kỹ thuật để có yêu cầu cụ thể bằng văn bản về kế hoạch khắc phục của Cơ sở sản xuất trong phạm vi không quá 05 ngày;

c) Thông tin về sản phẩm bị triệu hồi trên trang thông tin điện tử chính thức của Cơ quan QLCL một cách kịp thời, đầy đủ và khách quan.

d) Theo dõi việc thực hiện của Cơ sở sản xuất theo kế hoạch triệu hồi đã thông báo;

đ) Tạm thời thu hồi giấy chứng nhận của các sản phẩm bị lỗi kỹ thuật cho đến khi Cơ sở sản xuất hoàn tất việc triệu hồi sản phẩm theo quy định. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày cuối cùng phải thực hiện việc triệu hồi mà Cơ sở sản xuất không có báo cáo về việc hoàn thành việc triệu hồi thì giấy chứng nhận kiểu loại nêu trên sẽ bị thu hồi vĩnh viễn và đương nhiên mất hiệu lực.

Điều 14. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan

1. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm sau:

a) Thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và theo dõi thông tin về các khách hàng mua sản phẩm để có thể thông tin khi cần thiết;

b) Thiết lập hệ thống thu thập các thông tin về chất lượng sản phẩm, phân tích các lỗi kỹ thuật và lưu trữ lại các thông tin có liên quan;

c) Chủ động báo cáo đầy đủ thông tin liên quan đến lỗi kỹ thuật. Trong quá trình Cơ quan QLCL điều tra phải hợp tác đầy đủ và cung cấp các thông tin cần thiết khi được yêu cầu;

d) Thông báo các thông tin cần thiết liên quan đến việc triệu hồi cho các đại lý, trạm dịch vụ và khách hàng;

đ) Thực hiện triệu hồi sản phẩm theo đúng yêu cầu của Thông tư này.

2. Các tổ chức, cá nhân sở hữu phương tiện có quyền và trách nhiệm sau:

a) Thông báo về lỗi kỹ thuật xuất hiện khi sử dụng cho Cơ sở sản xuất và Cơ quan QLCL;

b) Hợp tác đầy đủ với Cơ quan QLCL trong quá trình điều tra và tạo điều kiện để Cơ sở sản xuất triệu hồi sản phẩm theo quy định.

3. Cơ quan QLCL có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn thực hiện việc triệu hồi sản phẩm theo Thông tư này;

b) Bắt buộc việc thực hiện các quy định về triệu hồi sản phẩm;

c) Thông tin một cách chính xác, đầy đủ và công bằng về các sản phẩm phải triệu hồi theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

d) Thu hồi tạm thời hay vĩnh viễn giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm phải triệu hồi.

Điều 15. Các yêu cầu khác

1. Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan QLCL có thể trưng cầu các chuyên gia để đánh giá mức độ nguy hiểm của lỗi kỹ thuật để có thể đưa ra các quyết định cần thiết.

2. Cơ quan QLCL có quyền yêu cầu Cơ sở sản xuất phải trả các khoản chi phí liên quan đến việc kiểm tra, thử nghiệm hoặc giám định sản phẩm bị lỗi kỹ thuật theo quy định.

3. Các Cơ sở sản xuất vi phạm các quy định này thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị tạm dừng hoặc chấm dứt việc chứng nhận đối với tất cả các sản phẩm.

Thông tư 30/2011/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 30/2011/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/04/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
  • Ngày công báo: 14/05/2011
  • Số công báo: Từ số 283 đến số 284
  • Ngày hiệu lực: 30/05/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra