Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2025/TT-BCT | Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2025 |
Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 40/2025/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 86/2025/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại;
Thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại;
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2022/TT-BCT ngày 23 tháng 3 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 3 như sau:
“5. Ngành sản xuất trong nước trong điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp là tập hợp các nhà sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc đại diện của họ chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng hàng hóa của ngành đó được sản xuất trong nước. Việc xác định tỷ lệ chủ yếu của đại diện ngành sản xuất trong nước thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP.”
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:
“Điều 5. Phương pháp tính toán biên độ bán phá giá
Khi tính toán biên độ bán phá giá theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 26 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP, Cơ quan điều tra phải tính gộp tất cả các biên độ riêng lẻ, dù có kết quả dương hay âm, vào biên độ chung của mỗi nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài. Quy định này không hạn chế quyền của Cơ quan điều tra trong việc tính toán biên độ bán phá giá theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 26 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP.”
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 như sau:
“1. Chậm nhất 10 ngày trước khi có quyết định cuối cùng, Cơ quan điều tra có nghĩa vụ công bố bằng văn bản các dữ liệu trọng yếu trong dự thảo kết luận điều tra cuối cùng. Các bên liên quan có quyền đưa ra ý kiến trong thời gian quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP. Cơ quan điều tra sẽ xem xét và phản hồi ý kiến của các bên liên quan trong kết luận điều tra cuối cùng của vụ việc.”
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:
“Điều 7. Xử lý thông tin cần bảo mật
Các bên liên quan khi cung cấp thông tin cần bảo mật cho Cơ quan điều tra theo quy định tại Điều 75 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 phải cung cấp bản tóm tắt công khai thông tin cần bảo mật đó.”
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:
“Điều 10. Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp
1. Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp (trong Chương này gọi là hồ sơ yêu cầu) gồm các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ liên quan theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP.
2. Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP phải đáp ứng bổ sung các nội dung cụ thể sau đây:
a) Thông tin mô tả về hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 4 Điều 63 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP là thông tin về hàng hóa nhập khẩu được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định bị yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp. Trong đó, mã số hàng hóa phải căn cứ theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định RCEP;
b) Thông tin về khối lượng, số lượng và trị giá hàng hóa nhập khẩu quy định tại điểm a khoản này trong ít nhất 03 năm liên tiếp trước khi nộp hồ sơ yêu cầu và đã bao gồm ít nhất 06 tháng sau khi Hiệp định có hiệu lực đối với một hoặc nhiều nước thành viên bị yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp đó;
c) Thông tin, số liệu, chứng cứ về thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước theo quy định tại khoản 7 Điều 63 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP là thông tin, số liệu, chứng cứ trong ít nhất 03 năm liên tiếp trước khi nộp hồ sơ yêu cầu và đã bao gồm ít nhất 06 tháng sau khi Hiệp định có hiệu lực đối với một hoặc nhiều nước thành viên bị yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp đó. Trong trường hợp ngành sản xuất trong nước có thời gian hoạt động ít hơn 03 năm, dữ liệu thu thập là toàn bộ thời gian hoạt động của ngành sản xuất trong nước tính đến thời điểm nộp hồ sơ yêu cầu;
d) Yêu cầu cụ thể về việc áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp, thời hạn áp dụng và mức độ áp dụng.”
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 11 như sau:
“1. Việc thẩm định hồ sơ yêu cầu, điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp được thực hiện phù hợp với Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, Nghị định số 86/2025/NĐ-CP và các quy định tại Chương này.”
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 5 và khoản 8 Điều 12 như sau:
“1. Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp tạm thời. Việc áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp tạm thời thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và Điều 70 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP.”
“5. Biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp có thể được gia hạn không vượt quá 01 năm trên cơ sở kết quả rà soát cuối kỳ. Quy trình, thủ tục rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 96 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và Điều 74 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP.”
“8. Biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp tạm thời và biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp sẽ không được áp dụng cho hàng hóa có xuất xứ từ nước thành viên kém phát triển. Việc xác định danh sách nước thành viên kém phát triển thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP và theo quy định của Hiệp định RCEP.”
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 13 như sau:
“7. Việc tham vấn theo đề nghị của các bên liên quan trong quá trình điều tra áp dụng hoặc xem xét gia hạn biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 86/2025/NĐ-CP.”
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo quy định của pháp luật mới ban hành./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 3485/QĐ-BCT năm 2024 rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía (mã vụ việc: AR02.AC02.AD13-AS01) do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- 2Quyết định 848/QĐ-BCT năm 2025 gia hạn thời hạn rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- 3Thông tư 26/2025/TT-BCT hướng dẫn các biện pháp phòng vệ thương mại do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
Thông tư 29/2025/TT-BCT sửa đổi Thông tư 07/2022/TT-BCT hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- Số hiệu: 29/2025/TT-BCT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 15/05/2025
- Nơi ban hành: Bộ Công thương
- Người ký: Nguyễn Sinh Nhật Tân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/07/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra