Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 29/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Điều 14. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

1. Tổ chức thực hiện việc đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt, tổng thành, thiết bị, linh kiện trong phạm vi cả nước.

2. Tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành khi thực hiện việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của sản phẩm.

3. Thực hiện kiểm tra và thống nhất quản lý việc phát hành, cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định theo quy định cho các đối tượng kiểm tra, chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra.

4. Lưu trữ hồ sơ đăng kiểm:

a) Đối với hồ sơ đăng kiểm phương tiện, tổng thành, thiết bị, linh kiện nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp: lưu trữ trong suốt thời hạn sử dụng của phương tiện, tổng thành, thiết bị, linh kiện;

b) Đối với hồ sơ đăng kiểm phương tiện định kỳ: lưu trữ trong thời hạn ba (03) năm;

c) Đối với hồ sơ đăng kiểm thiết bị tín hiệu đuôi tàu định kỳ: lưu trữ trong thời hạn một (01) năm.

5. Thu, sử dụng lệ phí, giá dịch vụ kiểm định theo quy định hiện hành.

Điều 15. Trách nhiệm của cơ sở thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đơn vị nhập khẩu và chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện

1. Trách nhiệm của cơ sở thiết kế, sản xuất, lắp ráp:

a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm thiết kế, sản xuất, lắp ráp do mình thực hiện;

b) Chịu sự giám sát về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong quá trình sản xuất, lắp ráp;

c) Tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành khi sản xuất, lắp ráp, hoán cải, sửa chữa, phục hồi sản phẩm;

d) Xây dựng quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm phù hợp với các quy định liên quan. Tổ chức kiểm tra chất lượng cho từng sản phẩm và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm xuất xưởng.

2. Trách nhiệm của đơn vị nhập khẩu:

a) Tuân thủ theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc tiêu chuẩn đã được cấp thẩm quyền phê duyệt;

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm nhập khẩu.

3. Trách nhiệm của chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện:

a) Chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện để bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giữa hai kỳ kiểm tra của Cục Đăng kiểm Việt Nam;

b) Theo dõi và kiểm tra đối với các sản phẩm nhập khẩu có thiết kế mới lần đầu đang trong quá trình thử nghiệm vận dụng;

c) Xây dựng quy trình kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện và gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam trước khi kiểm tra định kỳ lần đầu và khi có thay đổi trong quá trình khai thác;

d) Bảo quản hồ sơ kỹ thuật, chứng chỉ chất lượng, giấy chứng nhận, tem kiểm định và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Trách nhiệm chi trả lệ phí và giá dịch vụ đăng kiểm, kiểm định: Cơ sở sản xuất, lắp ráp, đơn vị nhập khẩu và chủ phương tiện, thiết bị tín hiệu đuôi tàu, chủ khai thác phương tiện, thiết bị tín hiệu đuôi tàu chi trả lệ phí, giá dịch vụ kiểm định theo quy định hiện hành.

Thông tư 29/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 29/2018/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/05/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Đông
  • Ngày công báo: 01/06/2018
  • Số công báo: Từ số 661 đến số 662
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra