Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 29/2017/TT-BLĐTBXH Quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo (sau đây gọi là liên kết đào tạo) bao gồm: đối tượng, hình thức liên kết đào tạo, tổ chức liên kết đào tạo, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết đào tạo.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng cho các trường trung cấp, trường cao đẳng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, và các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi là đơn vị), cá nhân có nhu cầu liên kết đào tạo liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 1 của Thông tư này.

2. Thông tư này không áp dụng với đối tượng liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Liên kết đào tạo là sự hợp tác giữa đơn vị chủ trì liên kết đào tạo với đơn vị phối hợp liên kết đào tạo để tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, chứng chỉ sơ cấp nhưng không hình thành pháp nhân mới.

2. Liên kết đào tạo trong nước là hình thức hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước với nhau hoặc giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu liên kết đào tạo.

3. Đơn vị chủ trì liên kết đào tạo là trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng; chịu trách nhiệm chính trong tổ chức quá trình liên kết đào tạo (bao gồm: ra thông báo và công nhận kết quả tuyển sinh, quản lý chất lượng, đánh giá và công nhận kết quả học tập, rèn luyện, cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ đào tạo).

4. Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo là đơn vị, cá nhân có nhu cầu liên kết đào tạo; trực tiếp tham gia liên kết đào tạo với vai trò phối hợp với đơn vị chủ trì liên kết đào tạo trong quản lý, giảng dạy lý thuyết, giảng dạy thực hành và đảm bảo các điều kiện thực hiện liên kết đào tạo (Cơ sở vật chất, thiết bị, nhà xưởng, quản lý học sinh, sinh viên, v.v...).

Điều 4. Hình thức liên kết đào tạo

Liên kết đào tạo được tổ chức theo 2 hình thức sau:

1. Liên kết phối hợp đào tạo là việc đơn vị phối hợp liên kết đào tạo trực tiếp tham gia giảng dạy chương trình đào tạo, phối hợp quản lý quá trình đào tạo và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện liên kết đào tạo.

Nhà nước khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp liên kết để tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; trong đó doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác trong xác định chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình, phát triển đội ngũ giảng viên doanh nghiệp, tổ chức tuyển sinh/tuyển dụng, tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp, ký kết hợp đồng đào tạo với người học...; Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hợp tác để tổ chức và công nhận kết quả đào tạo một số modun, môn học lý thuyết và thực hành (bao gồm cả đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn).

2. Liên kết đặt lớp đào tạo là việc đơn vị phối hợp liên kết đào tạo không tham gia giảng dạy, chỉ phối hợp quản lý và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện liên kết đào tạo.

Thông tư 29/2017/TT-BLĐTBXH Quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 29/2017/TT-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/12/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Quân
  • Ngày công báo: 04/01/2018
  • Số công báo: Từ số 9 đến số 10
  • Ngày hiệu lực: 29/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra