Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 29/2004/TT-BQP

Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 2004

THÔNG TƯ

CỦA BỘ QUỐC PHÒNG SỐ 29/2004/TT-BQP NGÀY 08 THÁNG 3 NĂM 2004 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 151/2003/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 12 NĂM 2003 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG

Để thi hành Nghị định số 151/2003/NĐ-CP ngày 09/12/2003 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng (dưới đây gọi tắt là Nghị định số 151/2003/NĐ-CP), Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định như sau:

I- VỀ QUY ĐỊNH CHUNG

1- Nguyên tắc xử phạt

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Điều 3 Nghị định số 151/2003/NĐ-CP và các quy định cụ thể tại Điều 3, Điều 4 của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (dưới đây gọi tắt là Nghị định số 134/2003/NĐ-CP).

2- Thời hiệu xử phạt và thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Việc áp dụng thời hiệu xử phạt và thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng thực hiện theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP và các quy định cụ thể tại Điều 7, Điều 9 của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP.

3- Xác định mức phạt tiền, áp dụng hình phạt trục xuất, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề:

3.1- Xác định mức phạt tiền: Khi quyết định mức phạt tiền quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP, người có thẩm quyền xử phạt phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm để quyết định mức phạt tiền trong khung phạt tiền đã được quy định đối với từng hành vi vi phạm. Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ hoặc có tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ nhưng cân bằng nhau thì mức phạt tiền là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó; mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu cộng với mức tối đa. Nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ hoặc nhiều tình tiết giảm nhẹ hơn tình tiết tăng nặng thì mức phạt được giảm thấp hơn mức trung bình nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng hoặc nhiều tình tiết tăng nặng hơn tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt được tăng cao hơn mức trung bình nhưng không được tăng quá mức tối đa của khung.

3.2- Khi áp dụng hình phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP, người có thẩm quyền đã xử phạt chuyển quyết định xử phạt và bản sao các tài liệu liên quan đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an để thực hiện các thủ tục trục xuất theo quy định của pháp luật.

3.3- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Việc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP và Điều 11 của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP.

Trong trường hợp quân nhân, công chức quốc phòng, công nhân viên quốc phòng vi phạm hành chính cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề do cơ quan chức năng của Quân đội cấp để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì người xử phạt không trực tiếp xử lý mà gửi văn bản và bản sao quyết định đã xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị quân đội đã cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề đó xử lý.

Nếu giấy phép, chứng chỉ hành nghề cũng do cơ quan chức năng của Quân đội cấp nhưng không nhằm để sử dụng vào nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì xử lý như đối với các công dân khác.

Trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng vũ khí quy định tại khoản 3 Điều 22 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP, người có thẩm quyền xử phạt phải cân nhắc đến tính chất, mức độ vi phạm và tình hình an ninh, trật tự ở địa phương hoặc khu vực xảy ra vi phạm để quyết định tước hoặc không tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng vũ khí.

II- CĂN CỨ ĐỂ XÁC ĐỊNH MỘT SỐ HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG

1- "Lý do chính đáng" quy định tại khoản 1 Điều 8, khoản 1 Điều 9, khoản 1 Điều 12, khoản 1 Điều 13 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP là một trong các lý do sau đây:

a) Bản thân người phải thực hiện việc kiểm tra hoặc khám sức khoẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự, để tuyển chọn đi đào tạo sĩ quan dự bị; chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị, lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu nhưng bị ốm hoặc trên đường đi bị ốm, bị tai nạn.

b) Thân nhân của người nêu tại điểm a, như bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ (gồm cả bố mẹ nuôi của vợ hoặc chồng) vợ (chồng), con (gồm cả con đẻ và con nuôi) đang bị ốm nặng.

c) Nhà ở của người nêu tại điểm a hoặc nhà của các đối tượng là thân nhân nêu tại điểm b nằm trong vùng đang bị thiên tai như bão, lụt, lở đất, động đất, dịch bệnh, hoả hoạn làm ảnh hưởng đến cuộc sống.

Các trường hợp nêu tại các điểm a, b, c phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc bệnh viện, trạm y tế cấp xã.

d) Người nêu tại điểm a không nhận được giấy gọi kiểm tra sức khoẻ, lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị, lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm hoặc do hành vi của người khác gây khó khăn hoặc cản trở như hướng dẫn tại điểm 4 phần II Thông tư này.

2- Hành vi gian dối hoặc mua chuộc nhân viên y tế để làm sai lệch các yếu tố về sức khoẻ nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự quy định tại khoản 2 Điều 8, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đi đào tạo sĩ quan dự bị quy định tại khoản 3 Điều 12 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP, là:

a) Hành vi gian dối là khai báo về tình trạng sức khoẻ của mình không đúng sự thật như đưa ra những bệnh mà bản thân mình không có hoặc sử dụng thuốc hoặc biện pháp khác để tức thời biểu hiện các triệu chứng như đang mắc bệnh, ví dụ: mắt nhìn tốt nhưng khai báo là thị lực kém và cố tình đọc sai bảng chữ cái khi kiểm tra thị lực; uống thuốc để bị phù nề như đang mắc bệnh nặng... hoặc các hành vi như sửa chữa kết luận về tình trạng sức khoẻ, tráo người khác không đủ sức khoẻ để khám sức khoẻ thay.

b) Hành vi mua chuộc nhân viên y tế để làm sai lệch các yếu tố về sức khoẻ là dùng mọi thủ đoạn bằng tình cảm hoặc vật chất để tác động đến nhân viên y tế có trách nhiệm với việc kiểm tra hoặc khám sức khoẻ để làm sai lệch các yếu tố về sức khoẻ dẫn đến kết luận không đủ sức khoẻ để làm nghĩa vụ quân sự, đi đào tạo sĩ quan dự bị.

3- Hành vi vi phạm quy định về làm nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ.

a) Hành vi đào ngũ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 11 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP là tự ý rời bỏ hàng ngũ quân đội với mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ. Biểu hiện của hành vi này là tự ý đi khỏi đơn vị hoặc trong lúc đi công tác, đi phép, đi chữa bệnh, an dưỡng, chuyển đơn vị sau đó không về đơn vị đúng thời gian quy định. Người chỉ huy đơn vị quân đội cấp Trung đoàn và tương đương khi đã có căn cứ xác định quân nhân đào ngũ phải kịp thời ra văn bản thông báo quân nhân đào ngũ, trong đó ghi rõ đơn vị đã cắt quân số. Thời điểm xác định hành vi vi phạm để xử phạt là khi Uỷ ban nhân dân cấp xã và cơ quan quân sự cấp huyện nhận được giấy thông báo quân nhân đào ngũ và cắt quân số của chỉ huy đơn vị quân đội cấp Trung đoàn và tương đương.

b) Chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ quy định tại khoản 3, Điều 11 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP là hành vi để quân nhân đào ngũ lẩn trốn ở nhà hoặc ở cơ quan, tổ chức mà không khai báo với người hoặc cơ quan có thẩm quyền; làm các giấy tờ để hợp pháp hoá cho hành vi đào ngũ.

4- Hành vi gây khó khăn hoặc cản trở người có trách nhiệm thực hiện các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, thực hiện lệnh gọi nhập ngũ, thi hành các quy định về thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 10; gây khó khăn hoặc cản trở người có trách nhiệm chấp hành giấy gọi kiểm tra sức khoẻ hoặc lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị quy định tại khoản 4 Điều 12; gây khó khăn hoặc cản trở quân nhân dự bị thực hiện các quy định về tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP, là:

Hành vi gây khó khăn hoặc cản trở do cá nhân hoặc tổ chức thực hiện, thể hiện bằng một trong các hành vi như không thông báo hoặc thông báo chậm các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ hoặc dùng lời nói, hành động để đe dọa ngăn cản người khác thực hiện trách nhiệm và nhiệm vụ mà pháp luật quy định.

Người có trách nhiệm thi hành các quy định về thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự là những người có trách nhiệm trong việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, đăng ký quân nhân dự bị, khám sức khoẻ, tuyển chọn người nhập ngũ, gọi nhập ngũ, gọi quân nhân dự bị tập trung huấn luyện...; những người này có thể là thành viên của Hội đồng nghĩa vụ quân sự hoặc người được giao thực hiện các nhiệm vụ đó.

5- Hành vi cản trở việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ quy định tại khoản 1 Điều 20 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP biểu hiện bằng lời nói hoặc hành động như ngăn cản, đe doạ về vật chất hoặc tinh thần để người khác không dám tham gia dân quân tự vệ hoặc làm cho người có trách nhiệm trong việc tổ chức, điều hành lực lượng dân quân tự vệ không dám tổ chức hoặc thực hiện nhiệm vụ của mình đối với việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ.

6- Khi xem xét hành vi vi phạm quy định tại các điều 23, 24, 26 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP thì việc xác định khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng và khu quân sự là căn cứ vào biển báo, cột mốc, rào chắn hoặc ranh giới có người canh gác, bảo vệ.

7- Hành vi loan truyền tin tức bí mật của công trình quốc phòng và khu quân sự hoặc nơi có công trình quốc phòng và khu quân sự quy định tại khoản 1 Điều 25 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP, được thể hiện bằng lời nói hoặc qua thư từ để người khác biết được các tin tức bí mật về công trình quốc phòng và khu quân sự.

8- Hành vi đổ rác, chất thải vào bên cạnh công trình quốc phòng quy định tại điểm a, khoản 2, điểm b, khoản 3 Điều 26 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP được xác định nằm trong phạm vi ranh giới liền kề với công trình quốc phòng, nếu đổ rác, chất thải, đào, bới khai thác vật liệu... ở vị trí đó sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến công trình quốc phòng.

9- Hành vi xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến công trình quốc phòng và khu quân sự quy định tại khoản 4 Điều 26 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP là mọi trường hợp xây dựng công trình trong khu vực của công trình quốc phòng và khu quân sự chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

10- Hành vi lấn chiếm đất quốc phòng quy định tại khoản 1 Điều 28 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP nếu chưa đến mức xử lý bằng hình sự thì xử phạt vi phạm hành chính, không kể diện tích nhiều hay ít. Tuy nhiên khi xử phạt cần cân nhắc đến diện tích lấn chiếm, mục đích lấn chiếm, tính chất quan trọng của vị trí đất đã lấn chiếm để quyết định việc xử phạt và áp dụng mức phạt tiền cụ thể cho phù hợp.

11- Phương tiện vận tải quân sự quy định tại Điều 29, Điều 30 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP bao gồm phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường không và các phương tiện vận tải có gắn biển số dành riêng cho Quân đội hoặc các phương tiện vận tải đang được huy động sử dụng vào mục đích quân sự.

Hành vi giả danh mô tô, ô tô và phương tiện vận tải quân sự quy định tại Điều 30 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP là gắn biển số xe quân sự, sơn hoặc gắn biển hiệu, cờ hiệu chỉ dành riêng cho Quân đội và hoạt động quân sự vào mô tô, ô tô và phương tiện vận tải khác không thuộc trang bị của Quân đội hoặc không phải phương tiện vận tải đang huy động sử dụng vào múc đích quân sự.

12- Hành vi vi phạm quy định về sử dụng quân trang.

a) Quân trang bao gồm các loại đã quy định cụ thể tại các Điều 31, 32, 33 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP và các loại quân trang khác như dầy, dép, ba lô, tăng, võng, áo khoác, chăn, màn, bao, túi đựng hoặc các dụng cụ dùng cho sinh hoạt, huấn luyện, chiến đấu của Quân đội.

b) Hành vi làm giả quân trang quy định tại khoản 1 Điều 33 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP là việc sản xuất các chủng loại, mẫu mã giống với chủng loại, mẫu mã quân trang mà Quân đội và các cơ sở được Nhà nước giao đã sản xuất, khi sử dụng sẽ khó phân biệt thật giả.

c) Hành vi sản xuất, làm giả các loại quân trang, phù hiệu, biển công tác, cờ hiệu dành riêng cho Quân đội khi làm nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 33, khoản 1 Điều 36 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP nếu chưa đến mức xử lý bằng hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính, không kể số lượng nhiều hay ít. Tuy nhiên khi xử phạt cần cân nhắc đến số lượng, tính chất vi phạm để quyết định áp dụng mức phạt tiền cụ thể cho phù hợp.

III- TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ PHẠT VÀ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1- Trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, chấp hành quyết định xử phạt, đình chỉ hành vi vi phạm và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt thực hiện theo Điều 45, Điều 46 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP và các Điều 18, 19, 20, 21, 22, 23, 27, 28, 29, 30 của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP.

Các mẫu biểu liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng thực hiện theo quy định của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP.

2- Việc xử lý giấy tờ, tang vật, phương tiện bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định phạt tiền trong trường hợp được hoãn chấp hành quyết định phạt tiền, thực hiện theo Điều 26 của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP.

3- Việc xác định giá trị và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, thực hiện theo các Điều 31, 32, 33, 34 của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP.

4- Việc thu nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng thực hiện theo quy định tại Điều 44 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP, Điều 25 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

5- Trình tự, thủ tục áp dụng hình phạt trục xuất đối với người nước ngoài.

Khi áp dụng hình phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng (là hình thức xử phạt chính hoặc xử phạt bổ sung) thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt, người xử phạt gửi quyết định xử phạt và các tài liệu có liên quan đến việc xử phạt, áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính (nếu có) đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an để tiến hành các thủ tục trục xuất theo quy định của pháp luật.

Việc quản lý đối với người nước ngoài trong thời hạn làm thủ tục trục xuất, thực hiện theo quy định của pháp luật.

6- Thủ tục yêu cầu thi hành quyết định cưỡng chế và trách nhiệm của lực lượng kiểm soát quân sự thi hành quyết định cưỡng chế của Chánh thanh tra quốc phòng các cấp quy định tại khoản 5 Điều 46 của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP.

Chánh Thanh tra quốc phòng đã ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có văn bản yêu cầu người chỉ huy đơn vị có lượng kiểm soát quân sự đóng quân trên địa bàn hoặc nơi có vụ việc phải cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người chỉ huy đơn vị có trách nhiệm đáp ứng các yêu cầu đó.

Việc tổ chức, điều hành Lực lượng kiểm soát quân sự làm nhiệm vụ thi hành quyết định cưỡng chế do người có thẩm quyền thực hiện quyết định cưỡng chế thựchiện.

Khi thực hiện việc cưỡng chế phải đúng quy định của pháp luật.

IV- HIỆU LỰC THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Bộ Quốc phòng để hướng dẫn bổ sung.

Phạm Văn Trà

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 29/2004/TT-BQP hướng dẫn thi hành Nghị định 151/2003/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng do Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 29/2004/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/03/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Phạm Văn Trà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản