Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28-NV/TT

Hà Nội, ngày 28 tháng 09 năm 1957

THÔNG TƯ

VỀ KẾT THÚC VIỆC ĐIỀU CHỈNH LƯƠNG

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi:

- Các ông Bộ trưởng các bộ
- Thủ trưởng các cơ quan trung ương
- Chủ tịch Ủy ban Hành chính các khu, liên khu, Hà Nội, Hải Phòng
- Trưởng ban Cán sự Hành chính Lào-Hà-Yên
- Chủ tịch Ủy ban Hành chính các tỉnh

Việc điều chỉnh và hoàn thành xếp lương cho cán bộ nhân viên các cơ quan theo chỉ thị số 1179-TTg ngày 18-12-1956 của Thủ tướng phủ và các thông tư số 43-TT/NV ngày 28-12- 1956, số 14-TT/PL ngày 01-03-1957 của Bộ Nội vụ đến nay đã xong ở hầu hết các cơ quan trung ương và địa phương, chỉ còn một số ít đơn vị đương làm dở. Nhận thấy việc tiến hành nói chung đã quá chậm, để kéo dài mãi không lợi, nên Hội đồng sắp xếp trung ương đã quyết định hết tháng 10-1957 là kết thúc việc điều chỉnh theo các chỉ thị, thông tư kể trên và Bộ Tài chính sẽ không cấp phát kinh phí cho những trường hợp điều chỉnh sau ngày 31-10-1957.

Theo tinh thần trên, Bộ Nội vụ xin nói rõ thêm:

1) Những cơ quan nào xét cần điều chỉnh mà chưa làm xong thì cần làm xong trong tháng 10-1957.

2) Những cơ quan đã điều chỉnh rồi, nhưng còn một số cán bộ nhân viên vì lý do gì đó còn để lại, chưa ở trong diện được xét điều chỉnh, nay nếu cần, cũng xét cho điều chỉnh trong tháng 10-1957.

3) Những cơ quan đã điều chỉnh xong, ra quyết định và truy lĩnh rồi kết thúc, và từ nay trở đi, ai xếp bậc nào giữ nguyên bậc ấy, dầu cho có còn chỗ bất hợp lý cũng chưa thay đổi. Hiện nay có một số cơ quan đã điều chỉnh rồi lại có xu hướng muốn điều chỉnh lại, như vậy sẽ gây một tình trạng chắp vá, lộn xộn, không lợi.

Từ sau khi kết thúc ở từng cơ quan, có 3 trường hợp sau đây là có thể thay đổi bậc lương:

1) Cán bộ đã xếp nay được đề bạt lên một chức vụ ở một khung bậc mà bậc cuối cao hơn bậc lương người đó đang hưởng. Thí dụ một cán bộ xếp bậc 10 thang lương 17, nay được đề bạt làm Phó Giám đốc Vụ, thì được xếp lên bậc 9, là bậc cuối của khung Chánh Phó Giám đốc vụ, hau một Ủy viên tỉnh (bậc 10) nay được cử làm Phó Chủ tịch tỉnh thì hưởng lương bậc 9.

2) Cán bộ bị kỷ luật, giáng chức xuống một khung bậc chức vụ khác thấp hơn hoặc khi bị giáng có quy định hạ xuống một bậc lương nhất định.

3) Cán bộ kỷ thuật, cán bộ chuyên môn ngành Y tế, Giáo dục hết thời hạn tập sự.

Còn các trường hợp thay đổi công tác, chuyển từ ngành này sang ngành khác, từ thang lương này sang thang lương khác, đề bạt nhưng không ra ngoài khung bậc hiện hưởng… thì sẽ có quy định cụ thể như sau để sự thi hành được thống nhất.

Ngoài ra, các trường hợp quân nhân phục viên chuyển ngành chưa sắp xếp và cán bộ nhân viên mới tuyển thì vẫn được xếp bậc như thường lệ.

Để đảm bảo cho công việc được gọn, sau khi nhận được thông tư này, đề nghị các Bộ, các cơ quan, các khu, các tỉnh làm gấp cho mấy việc:

1) Nơi nào chưa xong thì đặt ngay kế hoạch xúc tiến cho kịp thời hạn.

2) Bộ nào chưa ra nghị định xếp bậc xong cho Chánh Phó Giám đốc khu, Trưởng Phó Ty xin làm cho xong.

3) Nơi nào đã xong, chưa gửi báo cáo tổng kết (kể cả thống kê) theo thông tư số 24-TT/PL ngày 13-07-1957 của Bộ Nội vụ thì xin gửi ngay. Nơi nào chưa làm đúng yêu cầu, chưa đúng mẫu thì xin nghiên cứu lại sự hướng dẫn trong thông tư kể trên mà bổ sung và gửi tiếp cho chúng tôi để kịp thời phục vụ cho việc nghiên cứu lương mới.

4) Nơi nào chưa báo cáo về những trường hợp đề nghị xét cho truy lĩnh lùi lại trước 01-07-1956 theo yêu cầu và mẫu đính theo thông tư số 10-TT/LB ngày 11-02-1957 của Liên bộ Nội vụ - Tài chính thì cũng xin gửi ngay. Nơi nào làm chưa đúng mẫu xin bổ khuyết và gửi tiếp để Bộ Nội vụ có đủ tài liệu tổng hợp, nghiên cứu và đề nghị giải quyết được mau chóng.

Mong các Bộ, các cơ quan, các khu, tỉnh hết sức lưu ý cho.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Tô Quang Đẩu