Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 28/2020/TT-BCT quy định, hướng dẫn thực hiện Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định 66/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 68/2017/NĐ-CP do Bộ Công thương ban hành

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. ĐIỀU CHỈNH PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP

Điều 3. Các thay đổi nhỏ, thường xuyên về cụm công nghiệp

1. Các thay đổi nhỏ, thường xuyên về cụm công nghiệp gồm tên gọi, vị trí thay đổi trong địa giới hành chính cấp huyện, diện tích thay đổi phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện, ngành nghề hoạt động, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và nội dung khác nhưng không làm thay đổi mục tiêu, bản chất, không làm tăng diện tích sử dụng đất của phương án phát triển cụm công nghiệp trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt hoặc quỹ đất dành cho phát triển các cụm công nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Căn cứ văn bản đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xem xét, làm rõ sự cần thiết, cơ sở đề xuất đối với các thay đổi nhỏ, thường xuyên về cụm công nghiệp cũng như tác động, ảnh hưởng đến quy hoạch tỉnh; báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Công Thương thống nhất. Trường hợp thay đổi diện tích cụm công nghiệp, Bộ Công Thương lấy ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan để xem xét, xử lý.

Căn cứ văn bản thống nhất của Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện các thay đổi nhỏ, thường xuyên về cụm công nghiệp, đồng thời cập nhật, thể hiện trong quy hoạch tỉnh những nội dung thay đổi để báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại kỳ lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tỉnh.

Mục 2. ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT CỤM CÔNG NGHIỆP

Điều 4. Lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp

1. Tiếp nhận, lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn:

a) Ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp của doanh nghiệp, hợp tác xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện thông báo việc tiếp nhận, thời gian lập hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương;

b) Quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp (trong đó có nội dung giao doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp) được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương ngay sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký ban hành.

2. Việc lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là một nội dung thẩm định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp. Thời gian lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nằm trong thời gian thẩm định hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.

3. Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư (sau đây đây gọi là Hội đồng):

a) Trong quá trình thẩm định hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, Sở Công Thương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng gồm: Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Sở Công Thương, Thư ký Hội đồng là đại diện phòng quản lý chuyên môn của Sở Công Thương, thành viên Hội đồng là đại diện các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính và một số cơ quan, đơn vị có liên quan khác (nếu cần thiết);

b) Hội đồng tiến hành đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp khi có ít nhất 2/3 thành viên tham gia, thực hiện theo phương pháp chấm điểm với thang điểm 100 cho các tiêu chí phương án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 15 điểm), phương án quản lý, bảo vệ môi trường cụm công nghiệp (tối đa 15 điểm), năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã (tối đa 30 điểm) và phương án tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 40 điểm). Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, Sở Công Thương báo cáo Hội đồng thống nhất về nguyên tắc, phương thức làm việc của Hội đồng, các nội dung của từng tiêu chí và mức điểm đạt được tương ứng của các nội dung đó cho phù hợp;

c) Điểm đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp do Hội đồng quyết định, thể hiện bằng văn bản, có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng (hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng nếu được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền), thư ký Hội đồng và các thành viên Hội đồng tham gia;

Doanh nghiệp, hợp tác xã có sổ điểm từ 50 trở lên được xem xét, giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Trường hợp có từ hai doanh nghiệp, hợp tác xã trở lên cùng đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã có số điểm cao nhất; nếu có từ hai doanh nghiệp, hợp tác xã trở lên cùng có số điểm bằng nhau thì Hội đồng thống nhất đề xuất lựa chọn một doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

d) Hội đồng chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

4. Nhiệm vụ của Sở Công Thương:

a) Chủ trì thẩm định hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp theo quy định tại các Điều 10, 11, 12, 13 và 14 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP;

b) Hoàn thành, gửi dự thảo báo cáo thẩm định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, bảo sao hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, dự kiến các nội dung của từng tiêu chí và mức điểm đạt được tương ứng và các tài liệu liên quan khác đến các thành viên Hội đồng trước ngày họp;

c) Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Hội đồng tiến hành họp, chấm điểm và triển khai thực hiện các kết luận của Hội đồng;

d) Hoàn thiện hồ sơ, tài liệu liên quan để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp (trong đó có nội dung giao doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp);

đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan.

Điều 5. Quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp

1. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp thực hiện theo quy định về quy hoạch chi tiết khu chức năng tại Luật Xây dựng; Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng; Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Việc xác định và quản lý chi phí quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp thực hiện theo Thông tư 20/2019/TT-BXD ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.

3. Lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu, xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

Điều 6. Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp

1. Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP.

2. Nội dung, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng và Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

3. Khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư tiến hành đồng thời lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Nội dung, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 7. Nhiệm vụ của đơn vị được giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP

1. Tham gia xây dựng, điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp, lập báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; tổ chức lập, quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp.

2. Tổ chức triển khai, quản lý, đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy định.

3. Quản lý, vận hành, bảo dưỡng và đảm bảo hoạt động thường xuyên hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chung của cụm công nghiệp và tổ chức cung cấp các dịch vụ, tiện ích trong cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật.

4. Xúc tiến đầu tư, hướng dẫn thủ tục triển khai các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất di dời vào cụm công nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.

5. Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ quan có thẩm quyền giao và theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Hoạt động phát triển cụm công nghiệp

Hoạt động phát triển cụm công nghiệp quy định tại Điều 30 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP được thực hiện thông qua đề xuất các nội dung hoạt động phát triển cụm công nghiệp, dự toán kinh phí được phê duyệt hằng năm:

1. Cục Công Thương địa phương chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, đơn vị có chức năng liên quan đề xuất Bộ Công Thương phê duyệt các nội dung, dự toán kinh phí và tổ chức thực hiện hoạt động phát triển cụm công nghiệp hằng năm quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP sau khi được phê duyệt.

2. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị có chức năng liên quan đề xuất cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các nội dung, dự toán kinh phí và tổ chức thực hiện hoạt động phát triển cụm công nghiệp hằng năm trên địa bàn cấp tỉnh quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP sau khi được phê duyệt.

3. Phòng chuyên môn quản lý công thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị có chức năng liên quan đề xuất cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các nội dung, dự toán kinh phí và tổ chức thực hiện các hoạt động phát triển cụm công nghiệp hằng năm trên địa bàn cấp huyện quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP sau khi được phê duyệt.

Mục 3. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, MẪU VĂN BẢN, QUY CHẾ QUẢN LÝ VỀ CỤM CÔNG NGHIỆP

Điều 9. Chế độ báo cáo về cụm công nghiệp

1. Đối tượng thực hiện chế độ báo cáo:

a) Cục Công Thương địa phương;

b) Sở Công Thương;

c) Phòng chuyên môn quản lý công thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; Cơ quan thống kê cấp huyện;

d) Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp;

đ) Các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.

2. Thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ

a) Thời gian chốt số liệu báo cáo 6 tháng (đầu năm) được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo;

b) Thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ hàng năm được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.

3. Chế độ báo cáo định kỳ:

a) Định kỳ trước ngày 20 tháng 6 và 20 tháng 12 hàng năm, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh trong 6 tháng và cả năm theo Biểu số 1.1 Phụ lục I Thông tư này, gửi Cơ quan thống kê cấp huyện và sao gửi Phòng chuyên môn quản lý công thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;

b) Định kỳ trước ngày 20 tháng 6 và 20 tháng 12 hàng năm, chủ đầu tư báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trong 6 tháng và cả năm theo Biểu số 1.2 Phụ lục I Thông tư này, gửi Cơ quan Thống kê cấp huyện và sao gửi Phòng chuyên môn quản lý công thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Công Thương;

c) Định kỳ trước ngày 25 tháng 6 và 25 tháng 12 hàng năm, Phòng chuyên môn quản lý công thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp trên địa bàn trong 6 tháng và cả năm theo Biểu số 1.3 Phụ lục I Thông tư này, gửi Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp huyện;

d) Định kỳ trước ngày 30 tháng 6 và 31 tháng 12 hàng năm, Sở Công Thương báo cáo tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp trên địa bàn trong 6 tháng và cả năm theo Biểu số 1.4 Phụ lục I Thông tư này, gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Cục Công Thương địa phương;

đ) Định kỳ trước ngày 31 tháng 3 năm sau, Cục Công Thương địa phương tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp của cả nước.

4. Các đối tượng thực hiện chế độ báo cáo định kỳ bằng văn bản, hệ thống thư điện tử hoặc thông qua cập nhật dữ liệu vào Cơ sở sở dữ liệu cụm công nghiệp (đối với Cục Công Thương địa phương, Sở Công Thương, Phòng chuyên môn quản lý công thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện). Ngoài ra, các đối tượng thực hiện báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 10. Xây dựng, quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp

1. Cục Công Thương địa phương tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước; hướng dẫn Sở Công Thương cập nhật dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước.

2. Sở Công Thương tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành và hướng dẫn Phòng chuyên môn quản lý công thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện cập nhật dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh; có trách nhiệm cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác dữ liệu cụm công nghiệp trên địa bàn vào Cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước.

3. Phòng chuyên môn quản lý công thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác dữ liệu cụm công nghiệp trên địa bàn vào Cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh.

Điều 11. Các mẫu văn bản, quy chế quản lý về cụm công nghiệp

Các mẫu văn bản, quy chế quản lý về cụm công nghiệp tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này để các địa phương căn cứ áp dụng cho phù hợp thực tế.

Thông tư 28/2020/TT-BCT quy định, hướng dẫn thực hiện Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định 66/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 68/2017/NĐ-CP do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 28/2020/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/11/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1169 đến số 1170
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH