Hệ thống pháp luật

Chương 5 Thông tư 28/2016/TT-BYT hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Chương V

ĐIỀU TRA BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 14. Các trường hợp điều tra bệnh nghề nghiệp

1. Điều tra lần đầu bệnh nghề nghiệp áp dụng đối với các trường hợp sau:

a) Người lao động có yêu cầu điều tra bệnh nghề nghiệp có liên quan đến bản thân mà chưa được giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động;

b) Người sử dụng lao động có yêu cầu điều tra bệnh nghề nghiệp;

c) Xảy ra nhiều trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính hoặc nhiều người bị ốm, mắc bệnh trong cùng một thời điểm tại một cơ sở lao động;

d) Kết quả quan trắc môi trường lao động vượt giới hạn cho phép nhưng không có trường hợp người lao động được phát hiện bệnh nghề nghiệp hoặc cơ sở lao động không thực hiện quan trắc môi trường lao động và khám sức khỏe cho người lao động;

đ) Cơ quan Bảo hiểm xã hội có yêu cầu điều tra bệnh nghề nghiệp;

2. Điều tra lại bệnh nghề nghiệp áp dụng đối với các trường hợp sau:

a) Tổ chức, cá nhân có kiến nghị về kết quả điều tra bệnh nghề nghiệp;

b) Phục vụ hoạt động kiểm tra định kỳ, đột xuất của cơ quan có thẩm quyền.

3. Điều tra lần cuối bệnh nghề nghiệp áp dụng đối với trường hợp có kiến nghị của tổ chức, cá nhân đối với kết quả điều tra lại bệnh nghề nghiệp.

Điều 15. Thẩm quyền thành lập đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp

1. Đoàn điều tra lần đầu bệnh nghề nghiệp do:

a) Giám đốc Sở Y tế, Lãnh đạo các bộ, ngành quyết định thành lập đoàn theo đề nghị của thanh tra Sở Y tế hoặc thủ trưởng cơ quan y tế bộ, ngành đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư này;

b) Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế quyết định thành lập đoàn đối với các trường hợp quy định tại điểm c, điểm d Khoản 1 Điều này hoặc trường hợp vượt quá khả năng điều tra của Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp quy định tại điểm a Khoản này.

2. Đoàn điều tra lại bệnh nghề nghiệp do Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế quyết định thành lập đoàn đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư này.

3. Đoàn điều tra lần cuối bệnh nghề nghiệp do lãnh đạo Bộ Y tế thành lập đối với trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 14 Thông tư này.

Điều 16. Thành phần Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp

1. Thành phần đoàn điều tra lần đầu bệnh nghề nghiệp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 15 Thông tư này gồm:

a) 01 đại diện Lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế, Lãnh đạo y tế Bộ, ngành làm trưởng đoàn;

b) 01 bác sĩ có chứng chỉ bệnh nghề nghiệp làm ủy viên thư ký;

c) 01 bác sĩ chuyên khoa liên quan đến bệnh nghề nghiệp đang điều tra;

d) 01 đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

đ) 01 đại diện Liên đoàn lao động tỉnh;

e) 01 đại diện cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bộ, ngành;

g) Các thành viên khác do Trưởng đoàn điều tra quyết định trong trường hợp cần thiết.

2. Thành phần đoàn điều tra lần đầu bệnh nghề nghiệp quy định tại điểm b Khoản 1 và đoàn điều tra lại bệnh nghề nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư này gồm:

a) 01 đại diện lãnh đạo Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế làm trưởng đoàn;

b) 01 bác sĩ có chứng chỉ bệnh nghề nghiệp làm ủy viên thư ký;

c) 01 bác sĩ chuyên khoa liên quan đến bệnh nghề nghiệp đang điều tra;

d) 01 đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Y tế;

đ) 01 đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi thực hiện điều tra;

e) Các thành viên khác do Trưởng đoàn điều tra quyết định trong trường hợp cần thiết.

3. Đoàn điều tra lần cuối bệnh nghề nghiệp cấp trung ương do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thành lập theo đề nghị của Chánh thanh tra Bộ hoặc Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, bao gồm:

a) 01 đại diện lãnh đạo Thanh tra Bộ Y tế làm trưởng đoàn;

b) 01 bác sĩ chuyên khoa bệnh nghề nghiệp của Viện thuộc hệ y tế dự phòng làm ủy viên thư ký;

c) 01 bác sĩ chuyên khoa liên quan đến bệnh nghề nghiệp đang điều tra;

d) 01 đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

đ) 01 đại diện cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

e) Các thành viên khác do Trưởng đoàn điều tra quyết định trong trường hợp cần thiết.

Điều 17. Trách nhiệm của thành viên Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp

1. Trưởng đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp có trách nhiệm:

a) Tổ chức, điều hành các hoạt động của đoàn điều tra, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Đoàn điều tra;

b) Tổ chức thảo luận trong đoàn để đi đến thống nhất khi các thành viên trong đoàn điều tra còn có những vấn đề chưa thống nhất. Nếu không đạt được sự thống nhất thì Trưởng đoàn quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;

c) Công bố biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp.

2. Các thành viên đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp có trách nhiệm:

a) Thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Trưởng đoàn và chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn về kết quả công việc mà mình được phân công;

b) Có quyền bảo lưu ý kiến. Ý kiến bảo lưu phải được ghi đầy đủ vào biên bản điều tra.

3. Không được tiết lộ các thông tin, tài liệu trong quá trình điều tra khi chưa công bố biên bản điều tra.

Điều 18. Thời hạn, trình tự điều tra và công bố Biên bản điều tra

1. Thời hạn điều tra: Không quá 45 ngày kể từ ngày quyết định thành lập đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp có hiệu lực thi hành.

2. Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp tiến hành điều tra, lập biên bản theo trình tự sau:

a) Xem xét hiện trường cơ sở lao động;

b) Thu thập vật chứng, tài liệu có liên quan đến bệnh nghề nghiệp (thực hiện lấy mẫu về các yếu tố có hại tại nơi làm việc để phân tích, nhận định làm căn cứ xác định yếu tố gây bệnh);

c) Xem xét hồ sơ quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp của cơ sở lao động;

d) Phỏng vấn trực tiếp người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng khác có liên quan đến công tác quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp của cơ sở lao động;

đ) Tổ chức khám và làm xét nghiệm cần thiết đối với các trường hợp người lao động nghi ngờ mắc bệnh nghề nghiệp (nếu cần);

e) Các nội dung khác do Trưởng đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp chỉ định trong trường hợp cần thiết.

3. Công bố Biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp:

Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp tổ chức cuộc họp ngay sau khi hoàn thành điều tra để công bố biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp tại cơ sở bị điều tra, thành phần cuộc họp bao gồm:

a) Trưởng đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp, chủ trì cuộc họp;

b) Các thành viên đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp;

c) Người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền bằng văn bản;

d) Đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời hoặc là Người được tập thể người lao động chọn cử khi cơ sở chưa có đủ điều kiện thành lập công đoàn;

đ) Người yêu cầu, người làm chứng và người có trách nhiệm, quyền lợi liên quan đến bệnh nghề nghiệp;

e) Đại diện cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ sở (nếu có);

g) Lập biên bản cuộc họp với đầy đủ chữ ký của những thành viên đã tham dự họp. Trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu điều tra hoặc tổ chức, cá nhân bị điều tra không đồng ý với nội dung biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp được ghi ý kiến của mình vào biên bản điều tra, nhưng vẫn phải ký tên và đóng dấu (nếu có) vào biên bản điều tra và thực hiện các kiến nghị của đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp;

h) Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp phải gửi biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp và biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp tới các cơ quan thuộc thành phần đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp, cơ quan Bảo hiểm xã hội, cơ sở sử dụng lao động và các nạn nhân trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày công bố biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp.

Điều 19. Hồ sơ điều tra bệnh nghề nghiệp

1. Biên bản hiện trường cơ sở lao động.

2. Vật chứng, tài liệu có liên quan.

3. Hồ sơ quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp của cơ sở lao động.

4. Biên bản phỏng vấn trực tiếp người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng khác có liên quan đến công tác quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp của cơ sở lao động.

5. Kết quả khám và làm xét nghiệm đối với các trường hợp người lao động nghi ngờ mắc bệnh nghề nghiệp (nếu có).

6. Biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp.

7. Biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp.

8. Những tài liệu khác có liên quan đến quá trình điều tra bệnh nghề nghiệp.

9. Thời gian lưu giữ hồ sơ điều tra bệnh nghề nghiệp là 15 năm tại cơ sở sử dụng lao động và các cơ quan của thành viên đoàn điều tra.

Điều 20. Bảo đảm kinh phí hoạt động đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp

1. Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thành lập thì Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có kiến nghị điều tra thành lập thì kinh phí hoạt động của Đoàn điều tra do tổ chức, cá nhân có kiến nghị điều tra chi trả.

Thông tư 28/2016/TT-BYT hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 28/2016/TT-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/06/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thanh Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 905 đến số 906
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH