Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 28/2013/TT-BKHCN quy định kiểm tra nhà nước về đo lường do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định kiểm tra nhà nước về đo lường bao gồm:

a) Kiểm tra đối với phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn khi nhập khẩu, trong sản xuất, trên thị trường hoặc trong sử dụng;

b) Kiểm tra hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

2. Kiểm tra đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường, phép đo bức xạ, hạt nhân, kiểm tra hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường bức xạ, hạt nhân, kiểm tra đối với hoạt động đo lường đặc thù thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan thực hiện kiểm tra.

2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, lưu thông trên thị trường phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo, thực hiện phép đo.

4. Tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia.

5. Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

6. Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được chỉ định.

7. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chuẩn đo lường là phương tiện kỹ thuật để thể hiện, duy trì đơn vị đo của đại lượng đo và được dùng làm chuẩn để so sánh với phương tiện đo hoặc chuẩn đo lường khác.

Chất chuẩn là một loại chuẩn đo lường đặc biệt có độ đồng nhất và ổn định nhất định đối với một hoặc một số thuộc tính. Chất chuẩn được sử dụng để hiệu chuẩn, kiểm định thiết bị, phương tiện đo, đánh giá phương pháp đo hoặc để xác định giá trị về thành phần, tính chất của vật liệu hoặc chất khác.

2. Phương tiện đo là phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo.

3. Phạm vi đo là khoảng giá trị mức đo (từ mức đo nhỏ nhất đến mức đo lớn nhất) của phương tiện đo theo công bố của nhà sản xuất phương tiện đo.

4. Phép đo là tập hợp những thao tác để xác định giá trị đo của đại lượng cần đo.

5. Hàng đóng gói sẵn theo định lượng (sau đây gọi là hàng đóng gói sẵn) là hàng hóa được định lượng theo đơn vị đo khối lượng, thể tích, chiều dài, diện tích hoặc theo số đếm, được đóng gói và ghi định lượng trên nhãn hàng hóa mà không có sự chứng kiến của bên mua.

6. Kiểm định là hoạt động đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo yêu cầu kỹ thuật đo lường.

7. Hiệu chuẩn là hoạt động xác định, thiết lập mối quan hệ giữa giá trị đo của chuẩn đo lường, phương tiện đo với giá trị đo của đại lượng cần đo.

8. Thử nghiệm là việc xác định một hoặc một số đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, chuẩn đo lường.

9. Yêu cầu kỹ thuật đo lường là tập hợp các quy định về đặc tính kỹ thuật đo lường của chuẩn đo lường, phương tiện đo, phép đo hoặc lượng của hàng đóng gói sẵn do tổ chức, cá nhân công bố hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

10. Các thuật ngữ khác được hiểu theo quy định tại Điều 3 của Luật Đo lường.

Điều 4. Hình thức kiểm tra nhà nước về đo lường, biện pháp kiểm tra đặc thù

1. Hình thức kiểm tra nhà nước về đo lường

a) Kiểm tra thường xuyên được tiến hành theo chương trình, kế hoạch đã được cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền phê duyệt;

b) Kiểm tra đột xuất được tiến hành khi giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đo lường hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Kiểm tra đặc thù là biện pháp nghiệp vụ kiểm tra có sử dụng phương tiện giao thông, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dùng thực hiện lấy mẫu, kiểm tra trước khi xuất trình quyết định kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về đo lường.

Điều 5. Phương thức kiểm tra nhà nước về đo lường

1. Kiểm tra nhà nước về đo lường được tổ chức thực hiện theo phương thức đoàn kiểm tra.

2. Đoàn kiểm tra do Thủ trưởng cơ quan thực hiện kiểm tra thành lập trong quyết định kiểm tra nhà nước về đo lường (theo Mẫu 4. QĐKTĐL tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).

3. Thành phần của đoàn kiểm tra bao gồm: Trưởng đoàn và thành viên, số lượng thành viên đoàn kiểm tra tùy thuộc vào nội dung kiểm tra và do Thủ trưởng cơ quan thực hiện kiểm tra quyết định.

4. Trưởng đoàn là cán bộ quản lý thuộc cơ quan thực hiện kiểm tra. Trưởng đoàn chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đoàn; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra; tổ chức thực hiện lập biên bản kiểm tra hoặc biên bản vi phạm hành chính theo quy định; thông qua hồ sơ, biên bản để trình cơ quan ra quyết định kiểm tra, chuyển cho cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Thành viên

a) Cán bộ kỹ thuật có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực đo lường cần kiểm tra và làm nhiệm vụ kiểm tra về kỹ thuật đo lường;

b) Người của cơ quan thực hiện kiểm tra, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, thanh tra viên khoa học và công nghệ, công an, quản lý thị trường, người của cơ quan, tổ chức khác được cử tham gia đoàn kiểm tra và thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Trưởng đoàn kiểm tra.

6. Thành viên đoàn kiểm tra chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, xử lý theo phân công và quy định của pháp luật.

7. Trưởng đoàn, cán bộ kỹ thuật quy định tại Điểm a và người của cơ quan thực hiện kiểm tra quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều này phải có chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm tra nhà nước về đo lường do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức.

Điều 6. Xử lý vi phạm hành chính trong quá trình kiểm tra nhà nước về đo lường

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm hành chính, việc xử lý thực hiện như sau:

1. Trường hợp đoàn kiểm tra không có thành viên là thanh tra viên khoa học và công nghệ, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, công an, quản lý thị trường hoặc người có thẩm quyền thì trưởng đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính (theo Mẫu 11. BBVPHC tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) và đề nghị cơ quan thực hiện kiểm tra chuyển hồ sơ và kiến nghị người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Hồ sơ chuyển người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính bao gồm: Công văn chuyển hồ sơ của cơ quan thực hiện kiểm tra, quyết định kiểm tra, biên bản kiểm tra, các văn bản, tài liệu và chứng cứ vi phạm hành chính (nếu có), biên bản vi phạm hành chính.

2. Trường hợp đoàn kiểm tra có thành viên là thanh tra viên khoa học và công nghệ, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, công an, quản lý thị trường hoặc người có thẩm quyền thì thành viên này lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được gửi cho cơ quan thực hiện kiểm tra để phối hợp.

Thông tư 28/2013/TT-BKHCN quy định kiểm tra nhà nước về đo lường do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 28/2013/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/12/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Việt Thanh
  • Ngày công báo: 06/04/2014
  • Số công báo: Từ số 417 đến số 418
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH