UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 278-VB/CQL | Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 1962 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC SỬ DỤNG VẬT LIỆU
Kính gửi: | - các bộ, |
Song song với việc ban hành định mức năng suất lao động số 1073, tháng 5/1959, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã ban hành bảng định mức tạm thời về việc sử dụng vật liệu số 1080 để áp dụng cho các công trình nhà cửa dân dụng và công nghiệp.
Trong 2 năm qua bảng định mức vật liệu đó đã được áp dụng trong việc lập đơn giá, lập dự toán và thanh quyết toán giữa A và B đồng thời nó đã nâng cao thêm ý thức tiết kiệm vật liệu của cán bộ và công nhân trên các công trường như đã có Công ty, công trường tận dụng các phế phẩm để thay thế cho các vật liệu hiếm hoặc đã đấu tranh giảm bớt mức hao hụt vật liệu mà Nhà nước đã quy định.
Tuy vậy những hiện tượng sử dụng vật liệu không hợp lý và hiện tượng bảo quản vật liệu không tốt còn khá phổ biến; tình trạng lãng phí về vật liệu còn nghiêm trọng cần phải ra sức khắc phục.
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, nhiệm vụ xây dựng cơ bản rất to lớn, cần phải đẩy mạnh tốc độ xây dựng, tiết kiệm vật liệu, nâng cáo chất lượng công trình và hạ giá thành xây dựng. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ban hành bảng định mức vật liệu số 277-UB/CQL kèm theo thông tư này để thay thế bảng định mức vật liệu số 1080-UB/CQL.
I. NỘI DUNG BẢNG ĐỊNH MỨC VẬT LIỆU MỚI.
Bảng định mức vật liệu mới gồm 3 phần:
1. Phần định mức vật liệu cho các loại công tác có 82 định mức.
2. Phần định mức hao hụt vật liệu, có 27 định mức.
3. Phần phụ lục gồm có một bảng thành phẩm pha trộn các loại vữa.
Việc xây dựng bảng vật liệu mới này đã dựa vào số liệu thống kê của các ngành xây dựng cơ bản và đã được sự góp ý các Bộ, các ngành và các địa phương. Bảng định mức vật liệu mới này sẽ là một nhân tố đẩy mạnh việc quản lý và sử dụng tốt vật liệu trên các công trường nhằm thực hiện phương châm cần kiệm xây dựng nước nhà của Đảng và Nhà nước.
Bảng định mức vật liệu số 277-UB/CQL sẽ chính thức áp dụng kể từ ngày ban hành, nó cần được áp dụng trong mọi công tác xây dựng cơ bản về công trình công nghiệp và dân dụng từ việc lập đơn giá lập dự toán, thanh quyết toán với đơn vị thi công đến việc áp dụng trong công tác thi công.
- Đối với các công trình đang làm dở mà khối lượng còn ít và thời gian thi công còn quá ngắn thì áp dụng theo công văn số 1055-TC/NHKT/TH ngày 19/12/1961 của Bộ Tài chính để thanh toán.
- Đối với các công trình đang làm dở mà khối lượng còn nhiều thì phải áp dụng định mức vật liệu mới, trừ những bộ phận công trình nào đã thi công với định mức cũ thì những bộ phận công trình ấy thanh toán theo định mức cũ.
- Đối với công trình mới thì phải áp dụng hoàn toàn định mức vật liệu mới.
2. Các Công ty, công trường có trách nhiệm quản lý chặt chẽ vật liệu xây dựng, từ việc mua sắm, cung cấp, bảo quản đến việc sử dụng vật liệu.
a) Thực hiện đầy đủ các thủ tục về kế toán vật liệu từ lúc mua sắm vật liệu đến lúc sử dụng để có thể hạch toán số vật liệu đến lúc sử dụng để có thể hạch toán số vật liệu đã dùng cho mỗi hạng mục công trình.
b) Cung cấp vật liệu cho công nhân trên cơ sở khối lượng xây dựng tính toán với định mức và cho từng hạng mục công trình, không được mang vật liệu cấp phát cho công trình này dùng vào công trình khác.
c) Thống kê hàng ngày việc tiêu dùng vật liệu trên công trường nhằm khống chế việc sử dụng vật liệu theo định mức của Nhà nước, chấm dứt mọi hiện tượng lãng phí hàng ngày có thể xảy ra như rơi vãi và sử dụng không hợp lý v.v…
d) Áp dụng triệt để bản điều lệ số 04-UB/CQL ngày 28/1/1961 của Ủy ban Kế hoạch về việc bảo quản vật liệu, để bảo đảm phẩm chất vật liệu, tránh tình trạng hư hỏng mất mát.
e) Triệt để áp dụng quy phạm kỹ thuật thi công, để bảo đảm chất lượng xây dựng, tránh hiện tượng làm xong nhưng phải sửa chữa, hay làm hỏng phải phá đi làm lại gây lãng phí vật liệu.
3. Các cơ quan, các ngành và các địa phương lãnh đạo các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có trách nhiệm kiểm tra các cơ sở sản xuất bảo đảm phẩm chất và thống nhất quy cách vật liệu xây dựng và bắt buộc các cơ sở áp dụng đúng quy phạm kỹ thuật trong việc sản xuất vật liệu.
4. Các Ủy ban Kế hoạch các địa phương và Công ty, công trường có trách nhiệm thống kê, theo dõi tình hình sử dụng vật liệu và cứ 3 tháng một lần báo cáo về việc thực hiện định mức vật liệu.
- Đối với các Công ty, công trường trực thuộc Bộ Kiến trúc, các công trường trực thuộc Bộ công nghiệp nặng thì báo cáo gửi 1 bản lên Bộ, 1 bản lên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và 1 bản đến Ủy ban Kế hoạch địa phương.
- Các Ủy ban Kế hoạch địa phương chỉ tập hợp tình hình thực hiện định mức của Nhà nước ở các công trường do địa phương quản lý để báo cáo lên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Việc thi hành tốt các định mức sử dụng vật liệu mới của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước là một vấn đề hết sức quan trọng, vì vật liệu xây dựng chiếm khoảng từ 70 đến 80% giá thành xây dựng. Nó là một yếu tố quyết định việc tiết kiệm vật liệu và hạ giá thành xây dựng, giúp cho các công trường có cơ sở hạch toán kinh tế được dễ dàng và giảm bớt được những khó khăn trong việc cung cấp vật liệu.
Sau đâu là mấy điểm cần làm trong việc chấp hành bản thông tư:
1. Tăng cường công tác tư tưởng trong cán bộ và công nhân làm cho anh em thấy rõ được tầm quan trọng của việc thực hiện định mức vật liệu, và lấy việc thực hiện tốt định mức vật liệu làm một trong những mục tiêu phấn đấu thi đua của cán bộ và công nhân để hoàn thành tốt kế hoạch và hạ giá thành xây dựng.
Trong phong trào thi đua cần lãnh đạo cán bộ công nhân triệt để chấp hành đúng quy phạm kỹ thuật thi công và định mức vật liệu và kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện tư tưởng cung cấp, hoặc chỉ cốt được việc mà không quan tâm đến định mức vật liệu.
2. Các đơn vị thi công phải tuyệt đối tôn trọng quy cách, liều lượng mà cơ quan thiết kếhay cơ quan phụ trách quản lý kỹ thuật đã quy định, không được tự ý thêm bớt vật liệu xây dựng.
Trong khi thi công, nếu có sáng kiến mà sáng kiến đó làm thay đổi quy cách, phẩm chất hay liều lượng của cấu kiện thì phải được bộ phận kỹ thuật và thiết kế xác nhận mới được tiến hành.
3. Các cơ quan thiết kế, thi công cần nghiên cứu các biện pháp thi công tiên tiến, nhằm mục đích tiết kiệm vật liệu xây dựng. Nghiên cứu thay thế đà giáo tre bằng đà giáo công cụ như ghế xây, giáo ngoàm cửa sổ, giáo treo… thay ván khuôn bằng khuôn tre để đúc bê tông, dùng liều lượng vữa có pha xà phòng; tránh dùng xi măng, cốt thép vào những công trình hay bộ phận công trình có thể tránh được…
4. Để việc thi hành bảng định mức vật liệu mới đạt kết quả tốt, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đề nghị các Bộ và các Ủy ban hành chính và Ủy ban Kế hoạch khu, thành, tỉnh kiểm tra, đôn đốc các cơ sở thi hành nghiêm chỉnh các định mức vật liệu mới theo như các điều đã quy định trong thông tư này.
KT. CHỦ NHIỆM ỦY BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC |
- 1Quyết định 785-UB-ĐM năm 1963 ban hành định mức sử dụng vật liệu trong công trình thuỷ lợi do Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước ban hành
- 2Quyết định 829-UB-ĐM năm 1964 về bản định mức sử dụng vật liệu trong công tác kiến thiết cơ bản do Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước
- 3Quyết định 04-UB/CQL năm 1961 ban hành chế độ bảo quản và sử dụng nguyên vật liệu xây dựng của Chủ nhiệm Uỷ Ban Kế Hoạch Nhà Nước
- 1Quyết định 785-UB-ĐM năm 1963 ban hành định mức sử dụng vật liệu trong công trình thuỷ lợi do Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước ban hành
- 2Quyết định 829-UB-ĐM năm 1964 về bản định mức sử dụng vật liệu trong công tác kiến thiết cơ bản do Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước
- 3Quyết định 04-UB/CQL năm 1961 ban hành chế độ bảo quản và sử dụng nguyên vật liệu xây dựng của Chủ nhiệm Uỷ Ban Kế Hoạch Nhà Nước
Thông tư 278-VB/CQL năm 1962 quy định mức sử dụng vật liệu do Ủy ban kế hoạch Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 278-VB/CQL
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 10/02/1962
- Nơi ban hành: Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
- Người ký: Nguyễn Côn
- Ngày công báo: 28/02/1962
- Số công báo: Số 6
- Ngày hiệu lực: 25/02/1962
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định