BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27-BTC/HCVX | Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 1993 |
Thực hiện thông báo số 24/TB ngày 16/12-1992 của Văn phòng Chính phủ về "Một số chính sách đối với các doanh nghiệp Nhà nước chuyên tổ chức biểu diễn nghệ thuật", Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về một số chính sách tài chính đối với các doanh nghiệp nhà nước chuyên tổ chức biểu diễn nghệ thuật như sau:
I- ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG:
Các nhà hát và các rạp thuộc các doanh nghiệp nhà nước chuyên tổ chức biểu diễn nghệ thuật được đăng ký lại và hoạt động theo đúng chức năng nhiệm vụ quy định trong Nghị định số 388/HĐBT ngày 20-11-1991 của Hội đồng Bộ trưởng là đối tượng thi hành thông tư này.
1. Tài sản các nhà hát, các rạp của các doanh nghiệp nhà nước chuyên tổ chức biểu diễn nghệ thuật là tài sản Nhà nước thuộc các công trình phúc lợi công cộng văn hoá - xã hội có giá trị lớn, nhiều công trình còn mang ý nghĩa như di tích lịch sử về kiến trúc và văn hoá. Vì vậy, Nhà nước không đặt vấn đề thu hồi vốn từ những công trình này. Các đơn vị được giao quyền quản lý các tài sản này không phải nộp thuế vốn và khấu hao tài sản cố định, nhưng phải hạch toán các khoản thuế vốn và chi phí khấu hao vào chi phí tổ chức biểu diễn nghệ thuật để đưa vào quỹ phát triển sản xuất kinh doanh dùng cho việc duy tu, nâng cấp, sửa chữa các công trình đó.
2. Đối với các hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật và cho thuê rạp hát để biểu diễn nghệ thuật của các doanh nghiệp nhà nước chuyên tổ chức biểu diễn nghệ thuật được áp dụng mức thuế doanh thu là 4% theo quy định tại Thông tư số 59 TC/TCT ngày 2-11-1991 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn Luật thuế doanh thu. Ngoài ra còn phải nộp thuế môn bài theo pháp lệnh hiện hành.
3. Hàng năm các doanh nghiệp nhà nước chuyên biểu diễn nghệ thuật phải lập kế hoạch thu, chi tài chính gửi cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính đồng cấp để xét duyệt theo quy định hiện hành.
Các khoản thuế vốn, khấu hao cơ bản được để lại khi sử dụng phải coi như nguồn vốn của Nhà nước cấp cho doanh nghiệp. Do đó, phải có kế hoạch chi tiêu cụ thể đính kèm kế hoạch tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp sử dụng các khoản tiền để nâng cấp, cải tạo công trình nhà hát phải lập luận chứng kinh tế kỹ thuật riêng gửi cơ quan chủ quản, cơ quan tài chính, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước đồng cấp xét duyệt, thực hiện theo đúng quy trình quản lý vốn đầu tư XDCB đối với các công trình xây dựng cơ bản.
Một số doanh nghiệp Nhà nước chuyên tổ chức biểu diễn nghệ thuật không có khả năng tự trang trải về tài chính thì cơ quan chủ quản làm việc với cơ quan tài chính đồng cấp để xem xét hỗ trợ một phần kinh phí trên cơ sở xét duyệt quyết toán và tình hình thực hiện kế hoạch thu, chi tài chính hàng năm của doanh nghiệp.
4. Các doanh nghiệp Nhà nước chuyên tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải thực hiện chế độ lập và gửi quyết toán hàng quý, năm theo quy định hiện hành. Trong quyết toán hàng năm phải giải trình riêng việc sử dụng các khoản chi từ thuế vốn, khấu hao cơ bản để lại cho doanh nghiệp. Cơ quan chủ quản chủ trì phối hợp với cơ quan tài chính đồng cấp tổ chức kiểm tra xét duyệt quyết toán năm theo quy định hiện hành và tổng hợp xét duyệt quyết toán hàng năm gửi cơ quan tài chính đồng cấp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-1993 (riêng thuế doanh thu được áp dụng từ 1-1-1992), áp dụng cho các doanh nghiệp Nhà nước chuyên tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong cả nước. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị gửi văn bản về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.
Tào Hữu Phùng (Đã Ký) |
Thông tư 27-BTC/HCVX năm 1993 hướng dẫn chính sách tài chính đối với các doanh nghiệp Nhà nước chuyên tổ chức biểu diễn nghệ thuật do Bộ tài chính ban hành
- Số hiệu: 27-BTC/HCVX
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 30/03/1993
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Tào Hữu Phùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/01/1993
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực