Hệ thống pháp luật

Điều 9 Thông tư 26/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Điều 9. Xử lý vi phạm

1. Trường hợp hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn áp dụng, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, các biện pháp quản lý chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với hàng hóa và yêu cầu về điều kiện liên quan đến quá trình sản xuất xử lý như sau:

a) Đoàn kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng yêu cầu người bán hàng tạm dừng việc bán hàng hóa, đồng thời người bán hàng phải liên hệ với người sản xuất, người nhập khẩu để thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục, sửa chữa trong thời hạn ghi trong biên bản.

Trong thời hạn không quá 24 giờ, Đoàn kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng phải báo cáo với cơ quan kiểm tra chất lượng hàng hóa để cơ quan kiểm tra ra thông báo tạm dừng lưu thông hàng hóa (theo Mẫu 7. TBTDLT - phần Phụ lục kèm theo Thông tư này) và xử lý theo thẩm quyền; thời gian tạm dừng lưu thông hàng hóa ghi trong Thông báo tạm dừng lưu thông được tính từ thời điểm ký biên bản kiểm tra;

b) Cơ quan kiểm tra chỉ ra thông báo hàng hóa được tiếp tục lưu thông trên thị trường (theo Mẫu 9. TBTTLT - phần Phụ lục kèm theo Thông tư này) khi người bán hàng hàng hóa đó đã khắc phục đạt yêu cầu và báo cáo bằng văn bản kèm theo bằng chứng cho cơ quan kiểm tra;

c) Trường hợp người bán hàng vẫn tiếp tục vi phạm, không chấp hành các yêu cầu của cơ quan kiểm tra thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận về sự tiếp tục vi phạm của người bán hàng, tùy theo mức độ vi phạm, quy mô ảnh hưởng, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng địa phương hoặc trung ương tên người bán hàng, địa chỉ nơi bán hàng, tên hàng hóa và sự không phù hợp của hàng hóa (theo Mẫu 10. TBKĐCL - phần Phụ lục kèm theo Thông tư này). Đồng thời, cơ quan, kiểm tra chuyển hồ sơ và kiến nghị người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp hàng hóa có kết quả thử nghiệm mẫu không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, chứng nhận hợp chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, đoàn kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng xử lý như sau:

a) Đoàn kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng phải báo cáo với cơ quan kiểm tra về kết quả thử nghiệm mẫu để cơ quan kiểm tra trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi cơ quan kiểm tra nhận được phiếu kết quả thử nghiệm thông báo kết quả thử nghiệm mẫu không đạt yêu cầu chất lượng cho người bán hàng (theo Mẫu 5. TBKQTNKĐ - phần Phụ lục kèm theo Thông tư này). Cơ quan kiểm tra chuyển hồ sơ và kiến nghị người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

b) Lập biên bản niêm phong và niêm phong hàng hóa còn tồn ở cơ sở đã kiểm tra (theo Mẫu 8a. BBNP - ĐKT- phần Phụ lục kèm theo Thông tư này). Trường hợp đại diện cơ sở được kiểm tra không ký biên bản thì Trưởng đoàn kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng ghi rõ trong biên bản “đại diện cơ sở không ký biên bản”. Biên bản có chữ ký của Trưởng đoàn kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng vẫn có giá trị pháp lý. Trong thời hạn không quá 24 giờ. Đoàn kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng phải báo cáo với cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa để cơ quan kiểm tra ra thông báo tạm dừng lưu thông hàng hóa;

c) Yêu cầu người bán hàng cung cấp thông tin liên quan đối với hàng hóa cùng loại như số lượng hàng hóa còn tồn, đã bán và liên hệ với người sản xuất, nhập khẩu biết để khắc phục, xử lý, sửa chữa và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Trường hợp hàng hóa đã bán thì báo cáo cơ quan kiểm tra để cơ quan kiểm tra chuyển hồ sơ và kiến nghị người có thẩm quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với hành vi bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

d) Trường hợp không nhất trí với kết quả thử nghiệm mẫu, trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo kết quả thử nghiệm mẫu không đạt yêu cầu chất lượng, người bán hàng có thể đề nghị bằng văn bản đối với cơ quan kiểm tra thử nghiệm lại đối với mẫu lưu ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác. Kết quả thử nghiệm này là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng. Chi phí thử nghiệm mẫu này do người bán hàng chi trả;

đ) Cơ quan kiểm tra chỉ thông báo hàng hóa được tiếp tục lưu thông trên thị trường (theo Mẫu 9. TBTTLT - phần Phụ lục kèm theo Thông tư này) khi người bán hàng đã khắc phục đạt yêu cầu và báo cáo bằng văn bản kèm theo bằng chứng cho cơ quan kiểm tra.

3. Trường hợp hàng hóa vi phạm nghiêm trọng về nhãn (giả nhãn; hết hạn sử dụng; thông tin, cảnh báo trên nhãn không trung thực gây nguy hiểm), hàng hóa có bằng chứng trực quan thấy nguy hiểm, hàng hóa có kết quả thử nghiệm mẫu không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, chứng nhận hợp chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đe dọa sự an toàn của người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường hoặc người bán hàng không thực hiện các yêu cầu trong thông báo tạm dừng lưu thông thì cơ quan kiểm tra chuyển hồ sơ và kiến nghị người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên người bán hàng, địa chỉ nơi bán hàng, tên hàng hóa và sự không phù hợp của hàng hóa.

4. Trong quá trình kiểm tra phát hiện vi phạm hành chính:

a) Trường hợp Đoàn kiểm tra không có thành viên là Thanh tra viên chuyên ngành, Kiểm soát viên thị trường thì Trưởng đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính (theo Mẫu 11. BBVPHC - phần Phụ lục kèm theo Thông tư này) và đề nghị cơ quan kiểm tra chuyển hồ sơ và kiến nghị người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp Đoàn kiểm tra có thành viên là Thanh tra viên chuyên ngành, Kiểm soát viên thị trường thì Thanh tra viên chuyên ngành, Kiểm soát viên thị trường lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Sau khi phát hiện hàng hóa lưu thông trên thị trường không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng thì cơ quan kiểm tra có trách nhiệm thông báo cho cơ quan kiểm tra tương ứng nơi có cơ sở sản xuất, nhập khẩu hàng hóa đó xem xét việc tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm tại cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu theo quy định tại Điều 5, xử lý theo quy định tại Điều 6 và Điều 8 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

6. Hồ sơ chuyển người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm, bao gồm: Quyết định kiểm tra, Biên bản kiểm tra, Thông báo kết quả thử nghiệm mẫu hoặc bằng chứng khẳng định sản phẩm không phù hợp, Biên bản vi phạm hành chính, Biên bản niêm phong, Thông báo tạm dừng lưu thông, Công văn của cơ quan kiểm tra đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm có trách nhiệm xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho cơ quan kiểm tra biết kết quả xử lý để theo dõi, tổng hợp.

Thông tư 26/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 26/2012/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/12/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Việt Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 21 đến số 22
  • Ngày hiệu lực: 27/01/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra