Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 25/2014/TT-BKHCN quy định việc chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định:

a) Việc chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân các cấp;

b) Việc lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân cấp cơ sở và cấp tỉnh.

2. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Tổ chức, cá nhân tham gia chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân;

b) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sự cố bức xạ và hạt nhân (sau đây gọi tắt là sự cố) là tình trạng mất an toàn bức xạ; mất an toàn hạt nhân; mất an ninh đối với nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, cơ sở bức xạ và cơ sở hạt nhân.

2. Ứng phó sự cố là việc áp dụng mọi biện pháp ứng phó nhanh chóng, kịp thời nhằm giảm thiểu hậu quả của sự cố gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe của con người, gây thiệt hại về môi trường và tài sản.

3. Chuẩn bị ứng phó sự cố là việc chuẩn bị nhân lực, thiết bị, phương tiện, quy trình để bảo đảm thực hiện các hành động ứng phó sự cố.

4. Kế hoạch ứng phó sự cố là văn bản quy định về các nguyên tắc hoạt động phân công trách nhiệm, cơ chế điều hành và phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố; đánh giá các nguy cơ; đưa ra các quy trình ứng phó sự cố chung.

5. Can thiệp là việc thực hiện các hành động nhằm giảm chiếu xạ, tránh hoặc ngăn chặn bị chiếu xạ từ sự cố như trú ẩn, sơ tán, uống thuốc Kali Iốt (KI) dự phòng.

6. Vùng bảo vệ khẩn cấp (PAZ) là toàn bộ diện tích xung quanh cơ sở cần có sự chuẩn bị để tiến hành hành động bảo vệ khẩn cấp, nhằm giảm thiểu rủi ro gây ra hiệu ứng sinh học tất định với người bên ngoài cơ sở khi xảy ra sự cố.

7. Vùng lập kế hoạch bảo vệ khẩn cấp (UPZ) là toàn bộ diện tích xung quanh cơ sở cần có sự chuẩn bị để tiến hành hành động bảo vệ khẩn cấp, nhằm ngăn ngừa bị chiếu xạ đối với công chúng bên ngoài cơ sở khi xảy ra sự cố.

8. Chiếu xạ trường diễn là việc bị chiếu xạ trong thời gian dài (trên 01 năm) từ các nhân phóng xạ có thời gian sống dài trong môi trường.

9. Lực lượng ứng phó ban đầu là lực lượng chủ chốt tham gia trong việc chuẩn bị và ứng phó sự cố, bao gồm ban chỉ huy, công an, phòng cháy chữa cháy, y tế, hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và hạt nhân, lực lượng ứng phó của cơ sở.

10. Hiệu ứng sinh học tất định là hiệu ứng sinh học do bức xạ gây ra đối với con người, chỉ xảy ra khi liều bức xạ vượt một mức ngưỡng và mức độ nghiêm trọng của hiệu ứng gây ra đối với con người tăng tỷ lệ thuận với liều bức xạ; một số biểu hiện của hiệu ứng sinh học tất định là nôn mửa, bỏng da, hoại tử, tử vong.

11. Hiệu ứng sinh học ngẫu nhiên là hiệu ứng sinh học do bức xạ gây ra đối với con người, xác suất xảy ra hiệu ứng tăng lên khi liều bức xạ tăng và mức độ nghiêm trọng của hiệu ứng gây ra đối với con người độc lập với liều bức xạ nhận được; một số biểu hiện của hiệu ứng sinh học ngẫu nhiên là bệnh bạch cầu và ung thư.

12. Nhóm nguy cơ gây ra sự cố (sau đây gọi tắt là nhóm nguy cơ) là nhóm các cơ sở, nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân và các hoạt động có khả năng gây ra sự cố với mức độ thiệt hại tương đương nhau.

13. Mức can thiệp là mức liều bức xạ có thể tránh được khi thực hiện hành động bảo vệ cụ thể trong trường hợp xảy ra sự cố hoặc trường hợp chiếu xạ trường diễn.

14. Mức can thiệp tác nghiệp là mức can thiệp được thể hiện dưới dạng suất liều hoặc hoạt độ của vật liệu phóng xạ phát tán ra, nồng độ phóng xạ trong không khí, nồng độ phóng xạ bề mặt hoặc trong lòng đất tích phân theo thời gian, nồng độ phóng xạ trong mẫu môi trường, mẫu lương thực và mẫu nước. Mức can thiệp tác nghiệp được sử dụng làm căn cứ cho việc đưa ra hành động can thiệp tương ứng.

15. Mức báo động là chỉ thị mức độ trầm trọng hoặc khẩn cấp của tình huống sự cố đang diễn ra hoặc sắp diễn ra nhằm xác định các biện pháp ứng phó sự cố, mức độ huy động nguồn nhân lực ứng phó phù hợp.

16. Chỉ huy tại hiện trường là người được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm để chỉ đạo các hoạt động ứng phó tại chỗ và phối hợp các hoạt động hỗ trợ của quốc gia tại hiện trường nơi xảy ra sự cố.

17. Chuyên gia bảo vệ chống bức xạ là cá nhân được đào tạo về vật lý sức khỏe, an toàn bức xạ và có khả năng thực hiện việc đánh giá liều, ghi đo bức xạ, kiểm soát nhiễm bẩn, tư vấn về việc áp dụng các hành động bảo vệ khẩn cấp.

18. Phòng điều khiển là nơi lắp đặt hệ thống điều khiển, thiết bị hiển thị, đo đạc và lưu giữ các thông số của nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng nghiên cứu.

Điều 3. Nguyên tắc, yêu cầu đối với công tác chuẩn bị và hoạt động ứng phó sự cố

1. Công tác chuẩn bị ứng phó và hoạt động ứng phó sự cố phải tuân theo các nguyên tắc sau:

a) Hành động can thiệp phải bảo đảm mang lại nhiều lợi ích hơn là thiệt hại do hành động can thiệp đó gây ra;

b) Hình thức, phạm vi và khoảng thời gian áp dụng các hành động can thiệp phải tối ưu để lợi ích thực tế đạt được là tối đa;

c) Kế hoạch ứng phó sự cố được xây dựng phải bảo đảm việc ứng phó sự cố được tiến hành kịp thời, được quản lý, kiểm soát, phối hợp đồng bộ và hiệu quả từ cấp cơ sở, cấp tỉnh, quốc gia;

d) Việc phân công trách nhiệm giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó phải rõ ràng cũng như việc chỉ đạo trong ứng phó sự cố phải tuân theo nguyên tắc tập trung thống nhất theo quy định trong Kế hoạch ứng phó sự cố được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Hoạt động ứng phó sự cố phải đạt được các yêu cầu sau:

a) Kiểm soát được diễn biến sự cố;

b) Ngăn chặn, giảm thiểu hậu quả tại hiện trường;

c) Ngăn chặn khả năng xảy ra hiệu ứng sinh học tất định đối với nhân viên ứng phó và công chúng;

d) Cung cấp các biện pháp cứu trợ ban đầu và điều trị nạn nhân;

đ) Giảm thiểu khả năng xảy ra hiệu ứng sinh học ngẫu nhiên ảnh hưởng đến sức khoẻ của công chúng;

e) Ngăn chặn tối đa khả năng xảy ra hậu quả phi phóng xạ đối với cá nhân và công chúng;

g) Giảm tới mức thấp nhất thiệt hại về tài sản và môi trường;

h) Tạo tiền đề thuận lợi cho công tác khắc phục sự cố lâu dài và cho việc lập kế hoạch chuẩn bị đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại trạng thái bình thường.

Điều 4. Nhóm nguy cơ, mức can thiệp, mức báo động

1. Nhóm nguy cơ được sử dụng làm căn cứ cho công tác chuẩn bị ứng phó và hoạt động ứng phó sự cố. Nhóm nguy cơ được phân thành năm nhóm I, II, III, IV và V được quy định trong Phụ lục I của Thông tư này.

2. Tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố căn cứ vào mức can thiệp để tiến hành các hành động can thiệp tương ứng. Mức can thiệp được quy định trong Phụ lục II của Thông tư này.

3. Mức báo động được áp dụng làm căn cứ cho việc huy động nguồn lực tiến hành hoạt động ứng phó sự cố. Mức báo động được quy định trong Phụ lục III của Thông tư này.

Điều 5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia chuẩn bị ứng phó và hoạt động ứng phó sự cố

1. Cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và khu vực diễn ra công việc bức xạ khác theo quy định tại Điều 18 Luật năng lượng nguyên tử sau đây được gọi chung là cơ sở.

Người đứng đầu cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và người chịu trách nhiệm chính đối với khu vực diễn ra công việc bức xạ khác theo quy định tại Điều 18 Luật năng lượng nguyên tử sau đây được gọi chung là người đứng đầu cơ sở.

Người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm chính trong công tác chuẩn bị và ứng phó sự cố tại cơ sở.

2. Tổ chức, cá nhân xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố theo quy định tại Khoản 5 Điều 83 Luật năng lượng nguyên tử có trách nhiệm:

a) Lập và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố;

b) Bổ nhiệm hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Trưởng Ban chỉ huy và các thành viên trong Ban chỉ huy;

c) Xây dựng nguồn nhân lực, trang thiết bị (tham khảo Phụ lục V của Thông tư này), phương tiện, cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc chuẩn bị ứng phó và ứng phó với sự cố phù hợp với điều kiện cụ thể; tổ chức đào tạo và diễn tập định kỳ;

d) Xây dựng quy chế phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân tham gia chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố; xây dựng cơ chế chuyển giao quyền chỉ huy ứng phó giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố;

đ) Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý các cấp, các lực lượng ứng phó và cơ sở trong việc tiến hành các biện pháp can thiệp.

3. Tổ chức, cá nhân tham gia chuẩn bị ứng phó và hoạt động ứng phó sự cố có trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền được quy định trong Kế hoạch ứng phó sự cố; có trách nhiệm phối hợp với tổ chức, cá nhân khác theo quy định.

4. Trưởng Ban chỉ huy có trách nhiệm:

a) Phân công trách nhiệm, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy;

b) Thông báo về sự cố, khởi động và chấm dứt ứng phó sự cố;

c) Chỉ huy, điều động các lực lượng tham gia hoạt động ứng phó sự cố; chỉ đạo thực hiện các biện pháp can thiệp với sự tư vấn của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ theo kế hoạch ứng phó sự cố được phê duyệt;

d) Bổ nhiệm người chỉ huy tại hiện trường phù hợp với từng tình huống cụ thể;

đ) Tổng hợp, đánh giá tình hình sự cố để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền;

e) Bổ nhiệm người đại diện cung cấp thông tin cho công chúng theo quy định của pháp luật;

g) Khi có thay đổi ảnh hưởng tới việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố phải cập nhật, bổ sung kế hoạch ứng phó sự cố và thông báo tới cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố.

5. Ban chỉ huy các cấp có trách nhiệm:

a) Điều phối cung cấp nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng cần thiết căn cứ trên các yêu cầu đối với công tác chuẩn bị và ứng phó sự cố và phù hợp với điều kiện cụ thể;

b) Tổ chức ứng phó sự cố theo quy định trong Kế hoạch ứng phó sự cố;

c) Tổ chức đào tạo và diễn tập định kỳ.

6. Chỉ huy ứng phó sự cố tại hiện trường có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo, điều hành các lực lượng tham gia ứng phó sự cố tại hiện trường;

b) Chỉ đạo, điều động mọi nguồn lực, cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc ứng phó sự cố;

c) Giữ vai trò đầu mối tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin tại hiện trường;

d) Tuân theo sự chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ huy.

Điều 6. Trung tâm ứng phó sự cố

1. Cơ sở thuộc nhóm nguy cơ I, II phải thiết lập Trung tâm ứng phó sự cố của cơ sở cách biệt về vật lý với Phòng điều khiển của cơ sở; Trung tâm ứng phó của cơ sở phải có đầy đủ trang thiết bị phục vụ trao đổi thông tin với Phòng điều khiển, các tổ chức, lực lượng tham gia ứng phó các cấp, theo dõi thông tin bức xạ; được trang bị các thiết bị bảo vệ chống phóng xạ.

2. Trung tâm ứng phó sự cố nằm ngoài cơ sở đối với nhóm nguy cơ I, II được xây dựng và trang bị đầy đủ các thiết bị, phương tiện ứng phó cần thiết cũng như phải được bảo đảm an toàn; trụ sở của Trung tâm ứng phó nằm ngoài cơ sở, lực lượng ứng phó ban đầu phải được xây dựng và duy trì theo quy định trong kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia.

3. Ban chỉ huy ứng phó sự cố cấp tỉnh thiết lập trung tâm ứng phó sự cố tỉnh được trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện cần thiết để ứng phó sự cố phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương.

Thông tư 25/2014/TT-BKHCN quy định việc chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 25/2014/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/10/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Quân
  • Ngày công báo: 05/11/2014
  • Số công báo: Từ số 971 đến số 972
  • Ngày hiệu lực: 24/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH