Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 244-VP/PC | Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 1977 |
Đây là một sự kiện quan trọng có ý nghĩa củng cố và tăng cường Nhà nước chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước.
Nghị quyết số 76-CP của Hội đồng Chính phủ về vấn đề hướng dẫn thi hành pháp luật hiện hành làm cho cả nước có một bộ luật chung là một bước rất quan trọng của quá trình thống nhất hệ thống pháp luật trong cả nước, do đó mà tăng cường một bước nữa thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đây cũng là một bước quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng: “Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa làm cho mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước đi vào quy chế chặt chẽ, thực sự tôn trọng quyền làm chủ tập thể và bảo đảm quyền lợi của nhân dân, đồng thời đòi hỏi mọi công dân làm tròn nghĩa vụ và tuân theo pháp luật”.
Những luật pháp được Hội đồng Chính phủ quy định phổ biến thi hành lần này gồm những vấn đề thiết yếu nhất, cấp bách nhất và có thể thi hành được ngay. Đó là những văn bản quy định về tổ chức, nhiệm vụ, chức năng của bộ máy Nhà nước từ trung ương đến địa phương; những văn bản quy định phương hướng hoạt động và chỉ đạo hoạt động của các ngành, những văn bản quy định về các quyền tự do dân chủ và các nghĩa vụ của công dân; những quy định cần thiết cho đời sống xã hội hàng ngày.
Nội dung cơ bản những luật pháp hiện hành công bố theo Nghị quyết này là thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động bằng Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là kinh nghiệm quý báu về tổ chức và quản lý Nhà nước của Nhà nước cách mạng, của Nhà nước chuyên chính vô sản ở nước ta. Ngày nay khi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời, nền chuyên chính vô sản được xác lập trên toàn cõi Việt Nam, những kinh nghiệm đó được tổng hợp lại, các pháp luật đó được hệ thống hóa và hình thành một bộ luật chung xã hội chủ nghĩa tương đối toàn diện để công bố và thi hành thống nhất trong cả nước, đảm bảo cho Nhà nước xã hội chủ nghĩa quản lý đất nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội đúng phương thức mới: quản lý theo pháp luật, quản lý bằng pháp luật.
Nội dung lớn thứ hai của Nghị quyết số 76-CP là vấn đề xây dựng luật mới để phục vụ cho những vấn đề mới đặt ra trong giai đoạn mới của cách mạng. Ngoài Hiến pháp mới nhà Quốc hội đã chỉ định một ủy ban dự thảo, chúng ta còn phải xây dựng một hệ thống pháp luật bao gồm các đạo luật về mọi lĩnh vực quản lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đây là một vấn đề hết sức quan trọng mà Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng đã vạch rõ : “Xây dựng và ban hành kịp thời một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, trong đó chú trọng xây dựng sớm luật kinh tế”.
Nhận thức đầy đủ ý nghĩa quan trọng và nội dung cơ bản nghị quyến số 76-CP của Hội đồng Chính phủ là điều cần thiết để triển khai thực hiện Nghị quyết một cách nhanh chóng và nghiêm chỉnh.
Ở các tỉnh phía Bắc, cần chú trọng vào các nhiệm vụ: thực hiện kế hoạch Nhà nước với trọng tâm là sản xuất nông nghiệp, xúc tiến việc cải tiến quản lý tổ chức lại sản xuất, đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới; thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân; tăng cường công tác quản lý mọi mặt kinh tế, tài chính và khắc phục những mặt tiêu cực trong đời sống kinh tế và xã hội.
Ở các tỉnh phía Nam, cần chú trọng các vấn đề cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các ngành nghề công thương nghiệp tư bản tư doanh, y tế, văn hóa, vận tải, xây dựng; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp với biện pháp chủ yếu là công tác thủy lợi; củng cố kiện toàn bộ máy chính quyền, đảm bảo tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, tăng cường trật tự trị an và đảm bảo an ninh chính trị.
2. Để đảm bảo cho Nghị quyết số 76-CP được thi hành nghiêm chỉnh, cần thực hiện đúng theo trách nhiệm và quyền hạn mà Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ đã quy định rõ cho các Bộ, các ngành, các cơ quan trung ương, và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc phổ biến hướng dẫn thi hành pháp luật và về kế hoạch xây dựng các văn bản pháp luật mới.
Trong khi thi hành trách nhiệm, sự quy định về quyền hạn ghi rõ trong Nghị quyết cần được các Bộ, các ngành, các cấp thực hiện đúng đắn là “…gặp trường hợp phải bổ sung sửa đổi ít nhiều, nếu là những việc thuộc thẩm quyền Bộ giải quyết thì Bộ ra văn bản hướng dẫn sau khi đã bàn bạc và lấy ý kiến của Ủy ban Pháp chế và Văn phòng Phủ thủ tướng. Nếu là những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội giải quyết thì Bộ phải báo cáo với Chính phủ và đề nghị ý kiến của mình để Chính phủ hoặc Quốc hội giải quyết, không được tự ý quyết định…”
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng mới giải phóng, “… phát hiện có những điểm nào không thích hợp với địa phương mình mà cần xin sửa đổi, bổ sung hoặc muốn đề nghị hoãn thi hành một phần nào đó thì phải báo cáo lên Hội đồng Chính phủ quyết định. Trong khi chờ đợi, vẫn phải thi hành nghiêm chỉnh, không được tự ý làm trái pháp luật của Nhà nước…”.
Trong quá trình triển khai thực hiện thao trách nhiệm đã được quy định, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ về những vấn đề có liên quan, sự quan hệ phối hợp giữa các ngành ở trung ương với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên những vấn đề cần kết hợp sự quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ.
Các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, bên cạnh phần trách nhiệm trực tiếp của mình, còn phải tập hợp các văn bản pháp luật do các Bộ đưa xuống rồi căn cứ vào tình hình nhiệm vụ của địa phương mà phối hợp hướng dẫn thi hành cho sát.
3. Vấn đề căn bản của việc tổ chức hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 76-CP là tiến hành kiểm điểm lại tình hình pháp chế và tình hình thi hành pháp luật để đề ra những biện pháp chống hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo thi hành đúng pháp luật hiện hành.
Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tùy theo yêu cầu nhiệm vụ của mình trong từng thời gian mà lần lượt phổ biến thi hành các văn bản pháp luật một cách có trọng tâm trọng điểm. Cụ thể là cần đến đâu phổ biến đến đó, phổ biến đến đâu thì kiểm điểm đến đó theo phạm vi trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cán bộ và nhân dân, do đó mà tìm ra thiếu sót, nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra biện pháp tổ chức kiểm tra hướng dẫn thi hành đúng theo pháp luật hiện hành. Trong dịp này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, tiến hành hệ thống hóa các văn bản pháp quy do địa phương ban hành, soát xét kiểm tra kỹ để hủy bỏ những quy định trái với pháp luật, hoặc bổ sung sửa chữa những điều sai sót, đảm bảo thi hành đúng pháp luật hiện hành. Các tỉnh phía Nam, chú ý kiểm tra soát xét kỹ các văn bản do chính quyền các cấp ban hành tạm thời từ sau ngày giải phóng, nhằm đảm bảo thi hành đúng pháp luật hiện hành thống nhất cho cả nước. Các tỉnh ở miền Bắc vừa mới hợp nhất, cần soát xét lại văn bản pháp quy của các tỉnh cũ để thống nhất hệ thống hóa cho đúng với pháp luật hiện hành.
Trong quá trình hướng dẫn thi hành pháp luật, cần đề cao vai trò gương mẫu của các cơ quan, của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng “Đảng bắt buộc các tổ chức, các cán bộ đảng viên của Đảng tôn trọng quyền lực của cơ quan Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp và các quyết định, chỉ thị của cơ quan Nhà nước, coi đó là kỷ luật của Đảng.”
Nói chung, khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 76-CP, cần thực hiện những công tác chủ yếu sau đây:
a) Tổ chức phổ biến các văn bản pháp luật :
- Căn cứ vào trách nhiệm cụ thể đã quy định, các Bộ, (ngành) và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố dựa trên danh mục các văn bản pháp luật đã được Hội đồng Chính phủ thông qua, tập hợp lại thành bản danh mục văn bản pháp luật thuộc phạm vi Bộ hoặc địa phương quản lý để chuẩn bị mọi mặt cần thiết tổ chức phổ biến hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở đó, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế của ngành, của địa phương mà soát xét thật chu đáo để xác định các loại văn bản có thể phổ biến nguyên văn, loại phải bổ sung sửa đổi ít nhiều cho phù hợp, loại phải xin hoãn thi hành, nghiên cứu soạn các văn bản pháp quy và các tài liệu bổ sung hướng dẫn nội dung, lấy ý kiến của các cơ quan có trách nhiệm hoặc báo cáo đề nghị Chính phủ xét duyệt trước khi chính thức đưa ra văn bản hướng dẫn thi hành.
- Xuất bản các văn bản pháp luật chung thuộc phạm vi Bộ, ngành và địa phương quản lý, các văn bản pháp quy và các văn bản hướng dẫn cần thiết của ngành hay của địa phương, (theo kế hoạch riêng về xuất bản của Ủy ban pháp chế).
- Mở các cuộc hội nghị từ cán bộ lãnh đạo đến cơ sở để quán triệt tinh thần Nghị quyết số 75-CP, kiểm điểm tình hình pháp chế, và bàn kế hoạch thực hiện, mở các lớp bồi dưỡng tập huấn cán bộ về nội dung văn bản pháp luật và biện pháp hướng dẫn thi hành.
- Tổ chức chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc kiểm tra theo dõi nắm tình hình, rút kinh nghiệm, qua đó mà biểu dương những hành động tích cực, phổ biến những kinh nghiệm tốt, đồng thời uốn nắn bổ sung những lệch lạc thiếu sót, phê phán những hiện tượng tiếp tục vi phạm pháp luật trong cán bộ và nhân dân.
Các ngành, các địa phương tùy theo yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện của mình mà có thể tổ chức việc chỉ đạo riêng dước các hình thức: chỉ đạo làm thử từng loại vấn đề, chỉ đạo điểm, tập trung chỉ đạo vào các nhiệm vụ trung tâm, các địa bàn quan trọng v.v…
b) Đẩy mạnh mọi mặt công tác tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong cán bộ và nhân dân nhằm nâng cao ý thức pháp chế xã hội chủ nghĩa, tôn trọng và thi hành pháp luật.
Pháp luật xã hội chủ nghĩa chỉ có thể thực hiện thông qua hành động có ý thức bằng lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất cao, thông qua sinh hoạt có kỷ luật, có văn hóa văn minh của mọi người công dân. Cho nên thi hành pháp luật là một quá trình bền bỉ và liên tục tiến hành hàng loạt công tác, trong đó công tác tuyên truyền giáo dục có ý nghĩa hết sức quan trọng làm cho pháp luật trở thành hiện thực trong nếp sống lao động và sinh hoạt hàng ngày của công dân.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cơ quan thông tin, tuyên truyền giáo dục của Đảng và Nhà nước để tiến hành phổ biến tuyên truyền giáo dục sâu rộng và thường xuyên cho cán bộ và nhân dân về pháp luật bằng các hình thức phong phú sinh động trên báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, đài truyền thanh địa phương, triển lãm, hội họa, văn nghệ v.v…Đồng thời, có kế hoạch phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức quần chúng như mặt trận, công đoàn, đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ v.v…tiến hành thường xuyên công tác tuyên truyền giáo dục cho đông đảo quần chúng về ý thức thi hành pháp luật và tổ chức kiểm tra giám sát việc thi hành pháp luật.
c) Củng cố kiện toàn tổ chức pháp chế ở các ngành, các cấp để đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 76-CP và thông quan việc thực hiện Nghị quyết này mà từng bước nâng cao trình độ năng lực công tác và xây dựng tổ chức pháp chế.
Những vấn đề nói trên đây là nội dung công tác cụ thể của các cơ quan pháp chế - cơ quan làm nhiệm vụ tham mưu giúp thủ trưởng các Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, quản lý công tác pháp chế.
Để đảm bảo thực hiện đầy đủ Nghị quyết số 76-CP với hàng loạt công tác đó, các Bộ, các ngành, Ủy ban nhân dân các cấp cần bổ sung kiện toàn tổ chức pháp chế, đồng thời quan tâm chỉ đạo và tạo mọi điều kiện cần thiết cho tổ chức pháp chế có thể làm được nhiệm vụ tham mưu giúp lãnh đạo kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết.
Đây là vấn đề hết sức cấp thiết, do tình hình thực tế của tổ chức cơ quan pháp chế của nhiều Bộ, nhiều tỉnh còn rất thiếu và yếu, và chưa được sự quan tâm giúp đỡ chỉ đạo đúng mức của lãnh đạo.
Trong quá trình thực hiện, cần tiến hành bồi dưỡng, đào tạo cán bộ pháp chế thông qua công tác thực tế và bằng các lớp huấn luyện. Trên cơ sở đó mà nhanh chóng xây dựng mạng lưới tổ chức pháp chế, đảm bảo ở mỗi ty, ngành của tỉnh có phòng hay tổ công tác pháp chế ở huyện và xã có cán bộ lo công tác pháp chế. Thời gian trước mắt, cần chú ý tổ chức ở những ngành và những địa bàn quan trọng.
- Đi đôi với việc bổ sung kiện toàn tổ chức, cần chú trọng bồi dưỡng cho cán bộ pháp chế về kinh nghiệm, về nghiệp vụ công tác và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ học tập nâng cao trình độ mọi mặt.
Ủy ban Pháp chế của Chính phủ đề nghị các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố dựa vào những điểm chủ yếu trên đây để chỉ đạo các cơ quan pháp chế, vạch kế hoạch cụ thể sát với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình của từng nơi để triển khai thực hiện Nghị quyết số 76-CP.
Yêu cầu đồng chí phụ trách pháp chế ở các Bộ, các ngành và các địa phương lấy đó làm nội dung công tác cụ thể của mình để phát huy tính tích cực chủ động giúp các đồng chí thủ trưởng chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 76-CP có kết quả, đồng thời thông qua đó mà xây dựng tổ chức pháp chế và đưa công tác pháp chế tiến lên một bước mới. Mong các đồng chí thường xuyên gửi báo cáo về tình hình, kết quả và kinh nghiệm công tác để Ủy ban Pháp chế tổng hợp báo cáo lên Chính phủ và phổ biến hướng dẫn chỉ đạo thực hiện trong toàn ngành.
| CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP CHẾ CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
Thông tư 244-VP/PC-1977 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 76-CP về thi hành pháp luật hiện hành và xây dựng pháp luật thống nhất cho cả nước do Uỷ ban Pháp chế của Hội Đồng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 244-VP/PC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 06/06/1977
- Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Người ký: Trần Công Tường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 4
- Ngày hiệu lực: 21/06/1977
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra