BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 24-TC-NHKT | Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 1963 |
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Kính gửi: | - Các Bộ, các Tổng cục và cơ quan ngang Bộ, |
Đối với công tác lắp đặt máy và gia công thiết bị trong xây dựng cơ bản việc cấp phát từ trước tới nay phần lớn thực hiện theo lối thực chỉ thực thanh. Một số công trình tuy có lập được dự toán lắp máy để thực hiện cấp phát theo khối lượng, nhưng cách làm chưa thống nhất. Do đó, công tác quản lý vốn lắp máy và gia công thiết bị thường gặp nhiều trở ngại để xảy ra nhiều lãng phí và chưa có tác dụng thúc đẩy được tốc độ thi công lắp đặt máy và gia công thiết bị.
Tình trạng này đã kéo dài trong thời gian qua, một phần vì bản thân công tác thi công lắp đặt máy và gia công thiết bị có nhiều phức tạp; một phần vì Nhà nước chưa xây dựng được các chỉ tiêu định mức về thi công lắp đặt máy và gia công thiết bị.
Hiện nay, việc phân công thi công trong xây dựng cơ bản đã từng bước đi vào nền nếp, các xí nghiệp xây lắp đã được dần dần ổn định và chuyên môn hóa. Các chỉ tiêu định mức về thi công lắp đặt máy và gia công thiết bị đã được Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước ban hành chính thức theo quyết định 633-UB_ĐM ngày 10-08-1963. Điều kiện lập dự toán để làm căn cứ thực hiện cấp phát theo khối lượng công trình cho các công tác lắp máy và gia công thiết bị do đó đã có cơ sơ thuận lợi.
Để tăng cường hơn nữa việc quản lý vốn xây dựng cơ bản, thực hiện nghiêm chỉnh điều 12 điều lệ cấp phát vốn xây dựng cơ bản ban hành theo nghị định số 64-CP ngày 19-11-1960 của Hội đồng Chính phủ, bộ Tài chính quy định dưới đây những điều kiện, nguyên tắc, thủ tục và phương pháp cấp phát theo khối lượng công trình đối với các công tác lắp đặt máy, lắp đặt công cụ, bàn thợ và gia công chế tạo hay tinh chế thiết bị trong xây dựng cơ bản.
Việc cấp phát theo khối lượng công tác lắp đặt máy và gia công thiết bị phải thực hiện theo các kiện và nguyên tắc sau đây:
1. Phải thực hiện chế độ ký kết hợp đồng giao nhận thi công giữa A và B hoặc giữa B chính và tổ chức thi công chia thầu (B phụ). Trường hợp các đơn vị kiến thiết tự làm, cũng nên xác định tổ chức A, B nội bộ và hợp đồng giao nhận thi công nội bộ.
2. Phải lập dự toán trên cơ sở các định mức của Nhà nước đã ban hành và theo các thành phần phí tổn phụ phí lắp máy và gia công thiết bị quy định trong công văn 881-UB-CQL ngày 14 tháng 04 năm 1959 và các văn bản khác có liên quan.
Riêng về các khoản phí tổn trực tiếp phí khác và phí tổn sử dụng máy thi công trong lắp máy và gia công vì hoàn toàn khác với các phí tổn này trong công trình kiến trúc, nên cần phải được giải quyết thích đáng với đặc điểm của công tác thi công lắp máy và gia công thiết bị và thích đáng với tổ chức và phương pháp thi công của từng công trình cụ thể.
3. Chế độ và phương pháp cấp phát phải đảm bảo cung cấp vốn đúng dự toán thiết kế, kịp thời cho nhu cầu thi công, sát khối lượng hoàn thành và phù hợp với đặc điểm của công tác thi công lắp máy. Đồng thời, cần đơn giản và phải phát huy tác dụng ngăn ngừa tình trạng thi công phân tán, đảm bảo thúc đẩy đưa nhanh công trình vào sản xuất.
II. THỦ TỤC VÀ PHƯƠNG PHÁP CẤP PHÁT
1. Vấn đề tạm ứng: Nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu cần cho việc lắp máy và gia công thiết bị phần lớn đã do bên A cung cấp cho đơn vị nhận thầu bằng hiện vật – và đơn vị nhận thầu lại cũng đã có vốn lưu động xí nghiệp xây lắp đảm bảo. Do đó, nói chung A không cần cấp phát cho B khoản tạm ứng bằng tiền để dự trữ vật liệu chính.
Trường hợp A không cung cấp nguyên vật liệu chính cho B và chuyển tiền tạm ứng cho B tự mua sắm thì khoản tiền tạm ứng này cần được tính toán quy định nhất trí giữa A, B, có sự thẩm tra của Ngân hàng kiến thiết địa phương.
2. Vấn đề tạm chi, kết toán:
a) Để thực hiện tạm chi kết toán khối lượng hoàn thành theo định kỳ, cần phải nghiên cứu quy định tạm thời tỷ lệ hoàn thành khối lượng cho mỗi giai đoạn thi công. Việc phân chia giai đoạn thi công và định tỷ lệ hoàn thành cho mỗi giai đoạn thi công nay phải căn cứ vào dự toán lập trên cơ sở định mức năng suất lao động đã tính cho từng động tác thi công lắp máy.
b) Tạm chi lắp máy thực hiện theo định kỳ 10 ngày một lần căn cứ tạm chi là tỷ lệ ước tính thực tế hoàn thành khối lượng chủ yếu so với kế hoạch thi công hàng tháng và được A, B nhất trí xác định. Mỗi tháng thực hiện tạm chi 2 tuần kỳ (10 ngày đầu và giữa tháng) còn cuối tháng phải thực hiện kết toán.
c) Kết toán khối lượng lắp máy hàng tháng: cơ sở kết toán tháng là khối lượng hiện vật của từng máy đã hoàn thành qua mỗi giai đoạn thi công lắp máy được A, B kiểm nhận và Ngân hàng kiến thiết thẩm tra.
d) Kết toán đơn vị máy hoàn thành, hạng mục công trình lắp máy hoàn thành, và toàn bộ công trình lắp máy hoàn thành:
- Mỗi máy, sau khi hoàn thành toàn bộ khối lượng công tác lắp đặt phải làm thủ tục kiểm nhận và kết toán đơn vị máy hoàn thành.
- Mỗi hạng mục công trình có lắp đặt nhiều máy, đã kết toán đơn vị máy khi mỗi máy hoàn thành, nhưng lúc toàn bộ các máy trong hạng mục đó được hoàn thành phải làm thủ tục kiểm nhận và kết toán hạng mục công trình lắp máy hoàn thành.
- Sau khi tất cả các hạng mục công trình lắp máy hoàn thành A, B phải làm thủ tục kiểm nhận kết toán toàn bộ công trình lắp máy hoàn thành.
đ) Thiết bị gia công tinh chế tạo chỉ thực hiện kết toán sau khi đã hoàn thành một khối lượng hiện vật cụ thể có thể kiểm nhận được, như; một chi tiết bộ phận thiết bị hoặc toàn bộ một thiết bị. Đối với thiết bị gia công chế tạo lớn; thời gian gia công dài; tùy tình hình cụ thể có thể thực hiện định kỳ kết toán hợp lý, không làm thủ tục phức tạp và không gây khó khăn về vốn cho tổ chức thi công.
Trên đây là một số quy định chung về cấp phát theo khối lượng công trình cho công tác lắp máy và gia công công thiết bị trong xây dựng cơ bản để bước đầu đưa việc cấp phát cho hai loại công tác này vào nề nếp. Ngân hàng kiến thiết trung ương cần có thông tư giải thích, hướng dẫn thêm về chi tiết thi hành.
Cấp phát theo khối lượng công trình cho công tác lắp máy và công tác gia công thiết bị là một công tác mới mẻ. Vì vậy; trong quá trình thi hành thông tư này, gặp khó khăn; mắc mứu, chúng tôi đề nghị các ngành; các địa phương, các đơn vị phản ánh về bộ Tài chính để chúng tôi góp ý kiến giải quyết hoặc kịp thời có những quy định bổ sung cần thiết.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
Thông tư 24-TC-NHKT năm 1963 về việc cấp phát theo khối lượng công trình cho các công tác lắp đặt máy và gia công thiết bị trong xây dựng cơ bản do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 24-TC-NHKT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 16/11/1963
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Đào Thiện Thi
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 46
- Ngày hiệu lực: 01/12/1963
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định