Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24-BYT-TT

Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 1964

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TUYỂN SINH XÉT NGHIỆM VIÊN ĐI HỌC LỚP Y SĨ XÉT NGHIỆM

Kính gửi:

- Ủy ban hành chính tỉnh các khu, thành, tỉnh,
- Các sở, ty y tế,
- Các bộ, các cơ quan ngang bộ,
- Các tổng cục,
- Các đơn vị trực thuộc bộ y tế,
- Cục quân y,

Để nâng cao trình độ kỹ thuật cho cán bộ xét nghiệm viên sơ cấp nhằm phục vụ tốt hơn nữa công tác điều trị, phòng bệnh ở các cơ sở từ trung ương đến địa phương, năm 1964 Bộ chủ trương mở một lớp y sĩ xét nghiệm lấy từ xét nghiệm viên sơ cấp công tác lâu năm trong ngành đi học. Thời gian học chuyên môn là hai năm, số lượng tuyển 50 người.
Bộ quy định một số tiêu chuẩn cụ thể và kế hoạch tuyển sinh như sau:

I. TIÊU CHUẨN TUYỂN SINH

1. Chính trị: Lý lịch phải thật rõ ràng, trong sạch, có phẩm chất chính trị tốt, ý thức tổ chức và kỷ luật, tư cách đạo đức tốt, chấp hành đầy đủ mọi chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và kế hoạch công tác của cơ quan giao cho.

2. Thâm niên chuyên môn: Tất cả các xét nghiệm viên được chọn cử đi học đều phải có sáu năm thâm niên chuyên môn kể từ ngày tốt nghiệp và liên tục công tác chuyên môn cho đến khi được xét chọn đi học (thâm niên tính từ ngày tốt nghiệp đến 01-09-1964).

Riêng các đối tượng sau đây được chiếu cố về thâm niên chuyên môn năm năm:

a) Là cán bộ đã trực tiếp tham gian kháng chiến nhưng đã được Chính phủ tặng thưởng huân chương hay huy chương Kháng chiến, huân chương hay huy chương Chiến thắng.

b) Các chiến sĩ thi đua cơ sở năm 1963, cán bộ miền Nam, phụ nữ, cán bộ công tác liên tục bốn năm (1961, 1962, 1963, 1964) lưu động, miền núi, hải đảo. (Các địa phương nằm trong diện khu vực miền núi, hải đảo đã quy định trong thông tư tuyển sinh số 03-BYT-TT ngày 22-02-1963).

Đối với xét nghiệm viên là người dân tộc thiểu số thì thâm niên chiếu cố ba năm.

3. Văn hóa:

a) Đối với người Kinh: Phải tốt nghiệp cấp II phổ thông hoặc bổ túc văn hóa.

b) Đối với dân tộc thiểu số: Đã tốt nghiệp văn hóa lớp 4, sau khi kiểm tra văn hóa xong, anh chị em xét nghiệm này sẽ học văn hóa cấp II cùng với anh chị em y tá, dược tá người dân tộc tuyển năm nay để học bổ túc lên y sĩ và dược sĩ trung cấp ở trường Y sĩ Việt bắc, học văn hóa xong sẽ học chuyên môn.

4. Sức khỏe: Phải có đầy đủ sức khỏe để học tập và công tác sau này, những người mắc các bệnh truyền nhiễm, mãn tính đang trong thời kỳ điều trị thì chưa xét chọn đi học.

5. Tuổi: Tối đa là 35, riêng đối với cán bộ kháng chiến lâu năm, cán bộ người dân tộc thiểu số thì tuổi lấy đến 45.

II. NGUYÊN TẮC VÀ KẾ HOẠCH TUYỂN SINH

1. Bộ ủy nhiệm cho Trường Bổ túc cán bộ y tế trung ương phụ trách toàn bộ công tác tuyển sinh, phụ trách việc thi kiểm tra văn hóa và nghiệp vụ, chuyên môn, sau khi thi kiểm tra văn hóa và nghiệp vụ, chuyên môn xong trường sẽ lập danh sách thí sinh trình Bộ duyệt.

2. Ban lãnh đạo các Sở, Ty và các đơn vị xét chọn cán bộ đi học và lập danh sách trình Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh duyệt và ra quyết định cử cán bộ đi học.

3. Khi xét chọn cán bộ đi học, các đối tượng sau đây được ưu tiên chọn trước:

- Cán bộ kháng chiến có nhiều thành tích trong công tác trước đây và hiện nay.

- Cán bộ người dân tộc thiểu số, chú ý các dân tộc thiểu số, rẻo cao, vùng chậm phát triển.

- Các chiến sĩ thi đua, cán bộ công tác ở hải đảo, miền núi, lưu động lâu năm.

4. Những cán bộ bị thi hành kỷ luật từ cảnh cáo trở lên (kể cả kỷ luật của chính quyền và đoàn thể) trong năm 1963, 1964 thì không được xét chọn đi học.

5. Các cán bộ công tác ở các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thì Ban lãnh đạo các đơn vị đó xét duyệt và ra quyết định cử cán bộ đi học.

Các cán bộ công tác ở các đơn vị trực thuộc Bộ sở quan quản lý thì Vụ Tổ chức cán bộ của các Bộ đó ra quyết định cử cán bộ đi học.

6. Các xét nghiệm viên sơ cấp công tác ở quân y theo chế độ công nhân viên quốc phòng cũng được xét chọn đi học.

7. Những xét nghiệm viên đã được tuyển chọn đi học y sĩ bổ túc khóa 10 niên khóa 1963 – 1964, năm nay học hết lớp 7, Bộ sẽ chuyển sang học lớp y sĩ xét nghiệm.

8. Các cán bộ được cử đi học phải nộp đúng các giấy tờ cần thiết dưới đây:

Hồ sơ gửi về Trường Bổ túc cán bộ y tế trung ương trước ngày 10-09-1964 gồm:

- Một đơn xin học và cam đoan sau khi tốt nghiệp sẽ công tác bất kỳ nơi nào theo yêu cầu công tác;

- Một bản sao lý lịch cũ do cơ quan quản lý và có chứng thực của đơn vị;

- Một bản tự kiểm điểm tư tưởng, lập trường, tư cách đạo đức, tinh thần công tác và có nhận xét của cơ quan;

- Một bản sao chứng chỉ tốt nghiệp văn hóa cấpII (đối với người Kinh) và bản sao chứng chỉ tốt nghiệp lớp 4 (đối với người dân tộc thiểu số);

- Một giấy khám sức khỏe của y bác sĩ cấp;

- Một bản sao văn bằng tốt nghiệp xét nghiệm viên sơ cấp.

9. Trong thời gian học tập, nếu vì một lý do gì không đủ tiêu chuẩn để theo học nữa thì nhà trường sẽ trả học sinh đó về cơ quan cũ.

10. Bộ phân phối số lượng học sinh vào học xét nghiệm ở các ngành như sau:

- Xét nghiệm sinh hóa

20

- Xét nghiệm vi trùng

20

- Xét nghiệm điện quang

10

Nhận được thông tư này, đề nghị Ủy ban hành chính các tỉnh, các Sở, Ty Y tế và các đơn vị cho tiến hành tuyển sinh đúng kế hoạch và thời hạn như đã quy định trên, trong khi tiến hành có gì khó khăn thì báo cáo về Bộ nghiên cứu để giải quyết.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
BÁC SĨ




Phạm Ngọc Thạch

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 24-BYT-TT-1964 về việc tuyển sinh xét nghiệm viên đi học lớp y sĩ xét nghiệm do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 24-BYT-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 18/08/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Phạm Ngọc Thạch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 31
  • Ngày hiệu lực: 03/09/1964
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản