Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 24/2011/TT-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2011

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN KHEN THƯỞNG CÁ NHÂN, TẬP THỂ THAM GIA PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH; ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN, CƠ QUAN HOÀN TRẢ THIỆT HẠI VỀ GIÁ TRỊ TÀI SẢN CHO NGƯỜI TRỰC TIẾP THAM GIA PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007;

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện khen thưởng cá nhân, tập thể tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; đối tượng, điều kiện, cơ quan hoàn trả thiệt hại giá trị tài sản cho người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

MỤC I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sau đây gọi tắt là Nghị định số 08/2009/NĐ-CP).

2. Việc hoàn trả thiệt hại về giá trị tài sản cho người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP.

Điều 2. Nguyên tắc khen thưởng và hoàn trả thiệt hại

1. Nguyên tắc khen thưởng:

a) Chính xác, công khai, dân chủ, công bằng và kịp thời trên cơ sở đánh giá đúng hiệu quả công tác của các tập thể, cá nhân; việc khen thưởng đối với tập thể, cá nhân không bắt buộc theo trình tự từ hình thức khen thưởng thấp đến hình thức khen thưởng cao, thành tích đạt tới đâu khen thưởng tới đó. Những thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng lớn hơn được xem xét, đề nghị khen thưởng với mức cao hơn;

b) Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng;

c) Đảm bảo thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng khen thưởng;

d) Kết hợp chặt chẽ giữa động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất.

2. Việc hoàn trả giá trị tài sản bị thiệt hại cho người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình phải thực hiện đúng đối tượng và điều kiện quy định tại Thông tư này.

MỤC II. KHEN THƯỞNG

Điều 3. Tiêu chuẩn và hình thức khen thưởng

1. Tiêu chuẩn khen thưởng:

a) Cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình như: tổ chức, chỉ đạo công tác phòng, chống bạo lực gia đình, truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình; thông tin, tố giác, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình; hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; xử lý các hành vi bạo lực gia đình; huy động nguồn lực hoặc trực tiếp hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình;

b) Cá nhân, tập thể có những đóng góp đột xuất tạo được ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia đình;

c) Tiêu chuẩn khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy chương, Huân chương thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.

2. Hình thức khen thưởng:

a) Giấy khen;

b) Bằng khen;

c) Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

d) Huy chương;

đ) Huân chương;

e) Cá nhân, tập thể được khen thưởng ngoài các hình thức khen thưởng quy định tại điểm a, b, c, d và đ, khoản 2 Điều này còn được nhận tiền thưởng tương ứng với hình thức được khen thưởng theo định hiện hành.

Điều 4. Điều kiện khen thưởng

1. Điều kiện đề nghị xét tặng Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Đạt một trong các tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư này;

b) Tại thời điểm đề nghị khen thưởng không vi phạm những quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

2. Điều kiện đề nghị xét tặng Giấy khen của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

Cá nhân, tập thể đạt một trong các điều kiện sau đây thì được đề nghị xét tặng Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Cá nhân, tập thể được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khen 2 lần liên tục hoặc 3 lần không liên tục và tại thời điểm đề nghị khen thưởng không vi phạm những quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;

b) Cá nhân, tập thể có những đóng góp đột xuất, tạo được ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia đình;

c) Cá nhân, tập thể có sáng kiến trong phòng, chống bạo lực gia đình được áp dụng vào thực tiễn của địa phương và thu được kết quả tích cực;

d) Cá nhân, tập thể thuộc cơ quan, tổ chức cấp huyện được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về phòng, chống bạo lực gia đình.

3. Điều kiện đề nghị xét tặng Giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Cá nhân, tập thể thuộc cơ quan, tổ chức cấp tỉnh được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình.

4. Điều kiện đề nghị xét tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Cá nhân, tập thể đạt một trong các điều kiện sau đây thì được đề nghị xét tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Cá nhân, tập thể thuộc cấp xã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tặng Giấy khen 2 lần liên tục hoặc 3 lần không liên tục;

b) Cá nhân, tập thể thuộc cấp huyện được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tặng Giấy khen 3 lần liên tục hoặc 4 lần không liên tục;

c) Cá nhân, tập thể thuộc cấp tỉnh được Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Giấy khen 3 lần liên tục hoặc 4 lần không liên tục;

d) Cá nhân, tập thể có đóng góp đột xuất, đặc biệt quan trọng, tạo được ảnh hưởng tích cực trong phạm vi cấp tỉnh về phòng, chống bạo lực gia đình.

5. Điều kiện đề nghị xét tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Cá nhân, tập thể đạt một trong các điều kiện sau đây thì được đề nghị xét tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Cá nhân, tập thể có những đóng góp tạo được ảnh hưởng tích cực trên phạm vi vùng hoặc toàn quốc về phòng, chống bạo lực gia đình;

b) Cá nhân, tập thể có công trình nghiên cứu, sáng kiến, phát minh trong phòng, chống bạo lực gia đình được áp dụng vào thực tiễn trên phạm vi vùng hoặc toàn quốc và thu được kết quả tích cực;

c) Cá nhân, tập thể thuộc cấp Trung ương được công nhận 2 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình;

d) Cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong tham mưu, chỉ đạo công tác phòng, chống bạo lực gia đình làm giảm số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn quản lý liên tục từ 2 năm trở lên, năm sau giảm hơn năm trước ít nhất 15%; nhân rộng và duy trì Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liên tục từ 2 năm trở lên, năm sau số địa bàn triển khai cao hơn năm trước ít nhất 10% (trừ những địa bàn đã phủ kín hoặc gần kín các thôn, ấp và đơn vị cấp tương đương).

6. Điều kiện đề nghị xét tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

7. Điều kiện đề nghị xét tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy chương, Huân chương thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.

Điều 5. Quy trình, thủ tục khen thưởng

Quy trình, thủ tục khen thưởng thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

MỤC III. HOÀN TRẢ GIÁ TRỊ TÀI SẢN BỊ THIỆT HẠI

Điều 6. Đối tượng và điều kiện để nhà nước hoàn trả thiệt hại

Nhà nước hoàn trả thiệt hại về tài sản cho người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP trong trường hợp sau đây:

1. Người gây thiệt hại là người bị bệnh tâm thần đủ các điều kiện gồm:

a) Có Hồ sơ bệnh án trước thời điểm gây ra thiệt hại về tài sản cho người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình;

b) Có xác nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên về tình trạng bệnh tật;

c) Không có người giám hộ hoặc có người giám hộ nhưng người giám hộ có đủ căn cứ chứng minh họ không có lỗi trong việc giám hộ người bị bệnh tâm thần hoặc người giám hộ có tên trong danh sách hộ nghèo theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã còn hiệu lực tại thời điểm gây ra thiệt hại về tài sản.

2. Người gây bạo lực thuộc diện hộ nghèo là người phải có tên trong danh sách Quyết định công nhận hộ gia đình nghèo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã còn hiệu lực tại thời điểm gây ra thiệt hại về tài sản và có căn cứ chứng minh không có tài sản để hoàn trả người bị hại cả trong hiện tại và tương lai.

Điều 7. Cơ quan chịu trách nhiệm hoàn trả giá trị tài sản bị thiệt hại cho người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chịu trách nhiệm hoàn trả giá trị tài sản bị thiệt hại cho người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình trong trường hợp đủ căn cứ xác minh người gây thiệt hại không có khả năng hoàn trả theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

2. Căn cứ vào tình hình địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phân cấp hoàn trả thiệt hại về tài sản theo thẩm quyền và giao kinh phí cho cơ quan được phân cấp.

MỤC IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Điều 8. Kinh phí thực hiện khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phòng, chống bạo lực gia đình

Kinh phí thực hiện công tác khen thưởng được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 71/2011/TT-BTC ngày 24 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng theo quy định tại Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.

Điều 9. Kinh phí thực hiện hoàn trả giá trị tài sản bị thiệt hại

Kinh phí hoàn trả giá trị tài sản bị thiệt hại theo quy định tại Điều 6 Thông tư này được sử dụng từ ngân sách của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh dành cho nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 143/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Điều 10. Chi chế độ thực hiện lập và hoàn thiện hồ sơ

Kinh phí lập và hoàn thiện Hồ sơ (họp thẩm định giá trị tài sản bị thiệt hại, công tác phí, chi phí đi lại và các chi phí khác nếu có) thực hiện theo quy định của Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 07 tháng 10 năm 2010 của Bộ Tài chính Quy định chế độ chi công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và quy định của pháp luật về tài chính có liên quan.

MỤC V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2012.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 24/2011/TT-BVHTTDL Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện khen thưởng cá nhân, tập thể tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; đối tượng, điều kiện, cơ quan hoàn trả thiệt hại giá trị tài sản cho người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

  • Số hiệu: 24/2011/TT-BVHTTDL
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/12/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Hoàng Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 133 đến số 134
  • Ngày hiệu lực: 14/02/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản