Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ-BỘ Y TẾ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 23-TTLB | Hà Nội,, ngày 29 tháng 08 năm 1959 |
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ CÔNG NHÂN VIÊN BỊ BỆNH LAO
Kính gửi: | - Các Bộ, |
Hiện nay với những thành tựu khoa học, việc chữa bệnh lao của ta đã thu được nhiều kết quả trong việc điều trị tại bệnh lao tại bệnh viện cũng như điều trị tại nhà và cơ quan. Các bệnh nhân lao khi khỏi bệnh, đại đa số về cơ quan tiếp tục công tác được tốt, nhưng cũng còn một số trường hợp tái phát do ở thể bệnh kinh niên chưa thực hiện đúng đắn các điểm của Viện Lao đã quy định.
Để tránh tình trạng trên làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ công nhân viên và tốn công quỹ Nhà nước nhiều thêm vì phải nằm bệnh viện lại, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và Lao động ra thông tư này quy định một số chế độ cần thiết thực hiện như sau:
1. Những cán bộ công nhân viên mắc bệnh lao tùy theo mức độ bệnh tình được chữa tại nhà, cơ quan hay tại bệnh viện trong một thời gian thích hợp trung bình là 6 tháng.
2. Khi khỏi bệnh vẫn phải tiếp tục uống thuốc INH từ 1 năm rưỡi đến 2 năm (kể cả thời gian điều trị), hoặc có thể dùng thêm một số thuốc khác (khi cần thiết Filatov, thuốc bổ) đều do Viện theo dõi điều trị quy định.
3. Trong khi dùng thuốc, cán bộ công nhân viên cần thực hiện đầy đủ sự chỉ dẫn của chuyên môn, y tế cơ quan có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ để bảo đảm chất lượng điều trị.
4. Sau khi khỏi bệnh, cán bộ công nhân viên vẫn phải theo các quy định của Viện như: thời gian trở lại kiểm tra và coi như sức khỏe chưa bình phục hoàn toàn mà tự giác chấp hành các điểm của Viện đề ra.
5. Các bệnh viện lao có trách nhiệm theo dõi liên tục tình hình sức khỏe và di chứng bệnh của các bệnh nhân mà bệnh viện đã chữa khỏi tối thiểu là 5 năm.
II. CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC, NGHỈ VÀ BỒI DƯỠNG
A. CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN ĐANG ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ:
Trong quá trình điều trị tùy theo tình hình bệnh:
1. Được nghỉ từ 1 đến 6 tháng (cách trả lương khi ốm đau sẽ theo quy định chung của Liên Bộ).
2. Làm việc 4 hay 6 tiếng một ngày.
3. Được bồi dưỡng từ 0đ30 đến 0đ60 một ngày.
B. CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN SAU KHI CHỮA KHỎI BỆNH:
1. Được nghỉ dưỡng sức từ 1 đến 6 tháng (cách trả lương như trên).
2. Khi trở lại công tác, mỗi ngày làm việc bắt đầu từ 4 rồi đến 6 tiếng trong thời gian từ 2 đến 6 tháng.
- Khi thi hành chế độ làm việc 8 tiếng, cần đảm bảo việc nắm 2 tiếng duổi trưa và tối 9 giờ đi ngủ.
3. Khi cần thiết được bồi dưỡng mỗi ngày 0đ30 trong thời gian từ 1 đến 3 tháng.
- Những điểm trong mục A và B ở trên đều do bệnh viện xác định mức độ cần thiết,
- Trong thời gian điều trị cơ quan cần cố gắng bố trí nơi ăn ngủ riêng cho bệnh nhân để đảm bảo tĩnh dưỡng và phòng bệnh chung, sau khi khỏi về cơ quan cũng sắp xếp ăn ngủ riêng trung bình 6 tháng.
C. TRƯỜNG HỢP CÁN BỘ CÔNG NHÂN VIÊN SAU KHI KHỎI, SỨC KHỎE GIẢM SÚT NHIỀU HAY MẤT HẾT KHẢ NĂNG LAO ĐỘNG.
1. Cán bộ công nhân viên đã khỏi mà trước đây làm công tác có hại đến chức năng của phổi hoặc làm những công tác nặng nhọc hay phải lưu động nhiều, nay không tiếp tục được nữa vì bệnh tình đã làm giảm nhiều đến sức khỏe được Viện và Hội đồng Giám định Y khoa xác nhận và đề nghị thì tùy theo khả năng cán bộ và tình hình của cơ quan, được bố trí sắp xếp công tác khác cho thích hợp để đảm bảo sức khỏe, tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên đóng góp lâu dài khả năng trong công tác.
Các giáo viên các trường đã bị lao phổi, được chuyển qua công tác khác vì tiếp tục giảng dạy mệt sẽ không hợp với sức khỏe, hại vì có thể chuyển vi trùng cho các em học sinh.
2. Cán bộ công nhân viên mà bệnh trạng làm mất hết khả năng lao động được Hội đồng Giám định Y khao xác nhận, nếu là cán bộ công nhân viên miền Nam tùy theo tình hình cụ thể mà giải quyết an dưỡng tại nhà, công tác hay tại Trại An dưỡng theo thể lệ chung (Nghị định số 118-TTg ngày 21-02-1958 và Chỉ thị số 1000-TTg của Thủ tướng Phủ ngày 09-08-1958); nếu là cán bộ công nhân miền Bắc có cơ sở gia đình bảo đảm thì giải quyết thôi việc theo thể lệ chung (Nghị định số 594-TTG ngày 11-12-1957). Cán bộ công nhân viên miền Bắc không có nơi nương tựa thì cũng được xét đưa vào Trại An dưỡng.
D. THAM GIA CÔNG TÁC LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA:
Sau khi khỏi bệnh cán bộ, công nhân viên được miễn tham gia công tác lao động nặng.
III. PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH
- Cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp xí nghiệp (kể cả Dân, Đảng) công nông lâm trường.
- Cán bộ, công nhân viên trong biên chế đã được xếp theo các thang lương chung.
- Đối với nhân viên ngoài biên chế và nhân viên lưu dụng sẽ nghiên cứu quy định sau.
Thông tư này thi hành kể từ ngày ký.
BỘ TRƯỞNG | BỘ TRƯỞNG | BỘ TRƯỞNG |
Thông tư 23-TTLB năm 1959 quy định chế độ đối với cán bộ công nhân viên bị bệnh lao do Bộ Y tế- Bộ Nội vụ - Bộ Lao động ban hành
- Số hiệu: 23-TTLB
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 29/08/1959
- Nơi ban hành: Bộ Lao động, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế
- Người ký: Nguyễn Văn Tạo, Phan Kế Toại, Phạm Ngọc Thạch
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 41
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra