BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 23-TC-NHKT | Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 1964 |
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Kính gửi: | - Các Ông Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ,cơ quan trực thuộc hội đồng chính phủ |
Việc cấp phát vốn xây dựng cơ bản để trả:
- Tiền mua, vận chuyển, gia công, bảo quản thiết bị và vật liệu viện trợ và vay;
- Tiền mua, vận chuyển, gia công, bảo quản thiết bị mua bằng vốn trong nước;
- Và các chi phí về chuyên gia, thực tập sinh, đồ án thiết kế thuộc vốn viện trợ và vay.
Đã được quy định trong các điều 14, 15, 22 và 23 của điều lệ cấp phát vốn xây dựng cơ bản ban hành theo nghị định số 64-CP ngày 19-11-1960 của Hội đồng Chính phủ.
Thông tư này nhắc lại, giải thích thêm và bổ sung một số chi tiết thi hành các quy định nói trên nhằm một mặt thúc đẩy cải tiến việc lập và thực hiện kế hoạch mua thiết bị, vật liệu cho cân đối với nhu cầu thi công, một mặt khác tăng cường theo dõi việc bảo quản và đưa thiết bị, vật liệu vào công trình để tránh tình trạng sử dụng lãng phí, để mất mát ứ đọng, chiếm dụng nhập nhằng, v.v...
Thông tư này chia làm bốn phần:
Phần I. - Cấp phát cho thiết bị và vật liệu viện trợ và vay.
Phần II. - Cấp phát cho thiết bị mua bằng vốn trong nước.
Phần III. - Cấp phát để thanh toán tiền chuyên gia, thực tập sinh, đồ án thiết kế bằng vốn viện trợ và vay.
Phần IV. – Một số quy định về việc thi hành thông tư.
I. CẤP PHÁT TIỀN, THIẾT BỊ VÀ VẬT LIỆU VIỆN TRỢ VÀ VAY
Việc cấp phát vốn xây dựng cơ bản để thanh toán tiền thiết bị và vật liệu trợ và vay thường tiến hành trước khi các thiết bị, vật liệu này được đưa vào thành khối lượng công trình nên việc theo dõi tình hình sử dụng sau khi cấp phát cần phải hết sức chặt chẽ.
Tới nay, việc theo dõi còn nhiều sơ hở ngay từ lúc đơn vị kiến thiết nhận hàng và giao cho đơn vị thi công đến khi đơn vị thi công đem sử dụng vào công trình và xử lý số hàng còn lại sau khi hoàn thành công trình. Do đó đã để xảy ra tình trạng phổ biến là sử dụng lãng phí; quá định mức, để ứ đọng, hư hỏng, mất mát; sử dụng nhập nhằng cho công trình khác, sử dụng nhập nhằng vật liệu viện trợ và vay thay cho vật liệu mua bằng vốn trong nước, hay chiếm dụng trái phép làm vốn lưu động, v.v...
Để sửa chữa tình trạng trên, từ nay phải áp dụng phương pháp cấp phát theo khối lượng công trình và cấp phát phải sát khối lượng thực tế hoàn thành. Biện pháp cụ thể như sau:
1. Việc cấp phát cho đơn vị kiến thiết để thanh toán tiền thiết bị và vật liệu viện trợ và vay (gồm giá mua, tiền vận chuyển, tiền gia công, tiền bảo quản, v.v...) chỉ coi là "cấp phát vốn tạm ứng để chuẩn bị", đến khi thực sự sử dụng vào công trình mới "cấp phát cho khối lượng hoàn thành", đồng thời thu hồi dần vốn tạm ứng.
2. Đối với số vật liệu viện trợ và vay do đơn vị kiến thiết tạm ứng bằng hiện vật cho đơn vị thi công thì khi số vật liệu này thực sự đưa vào công trình cũng cấp phát theo đúng khối lượng hoàn thành và thu hồi dần vốn tạm ứng.
a) Cấp phát vốn tạm ứng cho đơn vị kiến thiết để chuẩn bị thiết bị và vật liệu viện trợ và vay.
Vốn tạm ứng để chuẩn bị thiết bị và vật liệu viện trợ và vay được cấp bằng hai loại vốn:
- Bằng vốn viện trợ và vay để thanh toán giá thiết bị (theo giá bán của nước ngoài tính ra tiền Việt Nam theo tỷ lệ hối đoái nội bộ) giá vật liệu (tính theo giá điều động nội bộ) và tiền vận chuyển từ nước ngoài về tới cảng hay ga biên giới;
- Bằng vốn trong nước để thanh toán các chi phí vận chuyển, gia công, bảo quản... ở trong nước.
Hàng năm, Bộ chủ quản công trình phải căn cứ vào các hợp đồng đặt hàng và nhận hàng đã ký với nước ngoài và với Bộ Ngoại thương để lập và xin phê chuẩn các kế hoạch khối lượng và tài vụ xây dựng cơ bản năm. Kế hoạch tài vụ xây dựng cơ bản năm phải ước tính đủ số vốn cần thiết để thanh toán trong từng quý giá hàng và chi phí vận chuyển, gia công, bảo quản thiết bị, vật liệu viện trợ và vay; nhưng đến mỗi quý, nếu tình hình hàng về có thay đổi thì phải xin điều chỉnh hạn mức cấp phát quý và kế hoạch thi công cho cân đối với tình hình hàng về.
Thể thức cấp phát cụ thể như sau:
1. Cấp phát để thanh toán giá hàng và tiền vận chuyển ngoài nước.
Khi hàng về, Ngoại thương gửi hóa đơn đến Bộ chủ quản để đòi tiền mua hàng và tiền vận chuyển ngoài nước. Nếu hóa đơn gốc của nước ngoài đến trước khi hàng về, Ngoại thương cũng cứ lập hóa đơn đòi tiền ngay không đợi hàng về. Nếu hóa đơn gốc chưa đến mà hàng đã về thì Ngoại thương tạm tính giá hàng và lập hóa đơn tạm gửi đến Bộ chủ quản kèm theo phiếu giao hàng của cơ quan vận chuyển; hóa đơn chính thức sẽ lập và gửi sau khi nhận được hóa đơn gốc của nước ngoài. Giá tạm tính của Ngoại thương phải được Bổ chủ quản và Bộ Tài chính thỏa thuận và sẽ tạm dùng trong việc thanh toán, hạch toán kế toán và hạch toán thống kê, đến khi có giá chính thức sẽ điều chỉnh lại.
Nhận được hóa đơn của Ngoại thương, Bộ chủ quản làm thủ tục xin cấp phát vốn để thanh toán, không đợi đơn vị kiến thiết nhận được đủ hàng mới thanh toán. Về căn cứ cấp phát ngoài các tài liệu nói trong điều 5 của điều lệ cấp phát số 64-CP, Bộ chủ quản phải gửi đến Ngân hàng Kiến thiết trung ương bản sao hợp đồng đặt thiết bị toàn bộ với nước ngoài, hợp đồng nhập hàng hàng năm, hóa đơn của Ngoại thương thanh toán với nước ngoài và các tài liệu khác nói trong thông tư số 07-TTg ngày ngày 07-01-1961 của Thủ tướng Chính phủ ban hành thể lệ hợp đồng đặt hàng thiết bị toàn bộ (điều 15).
Nguyên tắc là vốn tạm ứng phải cấp phát cho từng đơn vị kiến thiết; nhưng để việc thanh toán tiến hành được nhanh chóng, Ngân hàng Kiến thiết trung ương trích hạn mức của đơn vị kiến thiết để cấp phát vốn tạm ứng cho Bộ chủ quản thanh toán ở cấp trung ương với Ngoại thương thay cho đơn vị kiến thiết nhưng đồng thời, Bộ chủ quản phải phân phối ngay cho đơn vị kiến thiết một hạn mức vốn tạm ứng bằng hiện vật tương đương với số tiền đã thanh toán cho Ngoại thương kèm theo hóa đơn và cả phiếu giao hàng (nếu hàng đã giao). Hạn mức bằng hiện vật vừa là văn kiện phân phối hạn mức vừa là văn kiện cấp phát vốn.
Trước khi cấp phát vốn tạm ứng như trên cho Bộ chủ quản để thanh toán với Ngoại thương, Ngân hàng Kiến thiết trung ương thẩm tra từng thứ hàng ghi trong hóa đơn đối chiếu với hoạt động đặt mua hàng và với các kế hoạch khối lượng và tài vụ xây dựng cơ bản hàng năm, có phân tích thiết bị, vật liệu thiết bị thi công và phân tích vốn trong nước và vốn viện trợ và vay. Khi hàng nhập kho của đơn vị kiến thiết, Chi hàng Kiến thiết cũng phải cùng đơn vị kiến thiết kiểm tra từng thứ hàng, đối chiếu với hóa đơn và phiếu giao hàng đã gửi về và Chi hàng cũng như đơn vị đều phải hạch toán việc cấp phát vốn tạm ứng này vào kế toán của mình.
Việc thanh toán tiền hàng với Ngoại thương phải tiến hành rất khẩn trương. Bộ Tài chính sẽ có thông tư quy định biện pháp thúc đẩy thanh toán nhanh tiền hàng nhập khẩu với Ngoại thương.
2. Cấp phát để thanh toán tiền vận chuyển, gia công, bảo quản trong nước.
Các khoản chi phí này đều thanh toán bằng vốn trong nước và cộng thêm vào giá trị thiết bị, vật liệu.
Khi Bộ chủ quản phân phối cho đơn vị kiến thiết hạn mức vốn viện trợ và vay (bằng hiện vật) nói ở đoạn 1 trên đây, Bộ chủ quản đồng thời cũng giao thêm hạn mức vốn trong nước để đơn vị kiến thiết thanh toán tiền vận chuyển, gia công, bảo quản trong nước.
Đơn vị kiến thiết sẽ xin Chi hàng Kiến thiết cấp phát vốn tạm ứng mỗi khi phải thanh toán với người vận chuyển, gia công, bảo quản... trường hợp được tự làm lấy các việc trên thì đơn vị kiến thiết được cấp phát vốn tạm ứng theo dự toán chi phí. Nếu việc vận chuyển hàng từ cảng hay ga biên giới về công trường do Ngoại thương đảm nhiệm, Bộ chủ quản có thể xin cấp phát vốn tạm ứng để thanh toán ở cấp trung ương với Ngoại thương thay cho đơn vị kiến thiết, nhưng đồng thời Bộ chủ quản phải phân phối ngay cho đơn vị kiến thiết một hạn mức vốn tạm ứng bằng hiện vật tương đương với số tiền đã thanh toán với Ngoại thương.
Tất cả các khoản tiền vận chuyển, gia công, bảo quản trong nước do đơn vị kiến thiết trực tiếp thanh toán, hoặc do Bộ chủ quản thanh toán ở trung ương rồi gửi hạn mức hiện vật về đều phải được hạch toán là một khoản tạm ứng để chuẩn bị (bằng vốn trong nước), trong kế toán của đơn vị kiến thiết cũng như của Chi hàng Kiến thiết.
b) Tạm ứng vật liệu viện trợ và vay cho đơn vị thi công.
Đối với số vật liệu viện trợ và vay nhận được của Bộ chủ quản; đơn vị kiến thiết giao dần hay giao toàn bộ một lần cho đơn vị thi công để đưa dần vào khối lượng xây lắp hay gia công thành thiết bị.
Số vật liệu giao này coi là một khoản vốn tạm ứng bằng hiện vật của đơn vị kiến thiết cho đơn vị thi công, và phải được hạch toán vào kế toán của cả hai đơn vị và của Chi hàng Kiến thiết. Về mặt giá trị, vốn tạm ứng này bao gồm giá gốc và tiền vận chuyển ngoài nước (bằng vốn viện trợ và vay) và các khoản chi phí trong nước về vận chuyển, gia công, bảo quản... (bằng vốn trong nước).
Để đảm bảo sự cân đối giữa việc nhập hàng và kế hoạch thi công, hợp đồng giao nhận thi công ký kết giữa đơn vị kiến thiết và đơn vị thi công phải căn cứ vào các hợp đồng đặt hàng với nước ngoài, vào kế hoạch nhập hàng về và vào các kế hoạch khối lượng và tài vụ xây dựng cơ bản hàng năm để quy định số lượng và thời gian giao hàng và tiến độ thi công. Nếu kế hoạch nhập hàng thay đổi thì Ngoại thương và Bộ chủ quản cần kịp thời báo cho hai đơn vị biết để điều chỉnh kế hoạch thi công. Nếu kế hoạch thi công thay đổi đơn vị thi công phải kịp thời báo cho đơn vị kiến thiết để xin Bộ chủ quản và Ngoại thương điều chỉnh kế hoạch nhập hàng cho khớp.
c) Cấp phát cho khối lượng công trình và thu hồi vốn tạm ứng về thiết bị và vật liệu viện trợ và vay.
Khi đơn vị thi công đưa thiết bị hay vật liệu vào thành khối lượng xây lắp hay thiết bị, Chi hàng kiến thiết cấp phát cho khối lượng công trình hoàn thành, dồng thời thu hồi vốn tạm ứng trong phạm vi số thiết bị hay vật liệu đã đưa vào công trình.
Cần phân biệt các trường hợp sau đây;
1. Đưa vật liệu vào thành khối lượng xây lắp: Trường hợp này đơn vị thi công tính giá trị của số vật liệu viện trợ và vay đã đưa vào khối lượng xây lắp và ghi vào biên lai tạm chi hay biên lai kết toán khối lượng hoàn thành đưa đơn vị kiến thiết xác nhận, rồi đưa Chi hàng Kiến thiết cấp phát. Khi cấp phát Chi hàng thu hồi ngay vào khoản tạm ứng của ngân sách Nhà nước cho đơn vị kiến thiết, cũng như vào khoản tạm ứng vật liệu viện trợ và vay của đơn vị kiến thiết cho đơn vị thi công một số tiền bằng giá trị của số vật liệu đã sử dụng. Giá trị của số vật liệu viện trợ và vay này tính bằng cách dựa vào thống kê sử dụng vật liệu hoặc dựa vào định mức vật liệu trong đơn giá và phải phân tích rõ phân tính vào vốn viện trợ và vay (giá mua vật liệu và phí tổn vận chuyển ngoài nước) và phần tính vào vốn trong nước (phí tổn vận chuyển, gia công, bảo quản trong nước). Khi hạch toán kế toán việc tạm chi hay kết toán cũng như việc thu hồi bớt hai khoản vốn tạm ứng, hai đơn vị và Chi hàng phải phân tích rõ hai loại vốn như trên.
2. Gia công vật liệu viện trợ và vay để làm thành thiết bị: Trong trường hợp này Chi hàng Kiến thiết cấp phát thêm vốn tạm ứng để chuẩn bị thiết bị cho đơn vị kiến thiết (số cấp phát thêm bằng gíá trị vật liệu cộng với chi phí gia công) đồng thời thu hồi bớt hai khoản tạm ứng (số thu hồi bớt bằng với giá trị của số vật liệu đã được gia công thành thiết bị). Còn như việc cấp phát cho khối lượng thiết bị và thu hồi bớt khoản tạm ứng của ngân sách cho đơn vị kiến thiết thì chỉ tiến hành khi thiết bị gia công đã trở thành khối lượng thiết bị hoàn thành, nghĩa là đã được lắp đặt vào công trình (hay đã được đưa vào sử dụng nếu là thiết bị không cần lắp đặt).
3. Đưa thiết bị vào lắp đặt: Thiết bị cần lắp đặt được coi là khối lượng hoàn thành từ lúc xuất kho để đưa vào lắp đặt, vì vậy khi xuất kho đưa thiết bị vào lắp đặt, vì vậy khi xuất kho đưa thiết bị vào lắp đặt, đơn vị kiến thiết (hay đơn vị thi công được ủy nhiệm) lập ngay bảng kê khối lượng thiết bị hoàn thành (giá trị bao gồm cả phí tổn vận chuyển, gia công bảo quản... và phân tích ra vốn trong nước và vốn viện trợ vay) gửi tới Chi hàng Kiến thiết yêu cầu cấp phát. Chi hàng cấp phát cho khối lượng thiết bị hoàn thành sau khi đã kiểm tra, đồng thời thu hồi bớt khoản tạm ứng của ngân sách cho đơn vị kiến thiết.
4. Đưa thiết bị không cần lắp đặt vào sử dụng: Các thiết bị không cần lắp đặt được coi là khối lượng hoàn thành về thiết bị kể từ lúc các thiết bị đó nhập cho công trường, khi cấp phát vốn cho khối lượng hoàn thành về thiết bị (không cần lắp đặt), Chi hàng Kiến thiết cũng thu hồi bớt khoản tạm ứng của ngân sách cho đơn vị kiến thiết.
5. Đưa thiết bị thi công vào sử dụng: Đối với thiết bị thi công không cần lắp đặt mà đơn vị kiến thiết giao cho đơn vị thi công nhận thầu nội bộ và các thiết bị thi công không cần lắp đặt mà Bộ Kiến trúc giao cho các công trường hoặc Công ty Kiến thiết, thì cũng coi như khối lượng thiết bị hoàn thành kể từ lúc nhập kho công trường, khi cấp phát cho khối lượng thiết bị hoàn thành, Chi hàng cũng thu hồi bớt khoản tạm ứng của ngân sách cho đơn vị kiến thiết.
Đối với thiết bị thi công cần lấp đặt thì tiền lắp đặt lần đầu sau khi nhập về là tiền lắp thiết bị thi công và cộng thêm và giá trị thiết bị thi công chứ không phải là khối lượng lắp máy.
Đơn vị kiến thiết được tạm ứng để trả tiền lắp thiết bị thi công và khi lắp đặt xong đưa vào sử dụng thì được cấp phát cho khối lượng thiết bị thi công và thu hồi bớt khoản tạm ứng.
6. Sử dụng thiết bị toàn bộ vào thi công cho đơn vị khác thuê thiết bị thi công trước khi khởi công công trình; cho đơn vị thi công nhận thầu nội bộ sử dụng thiết bị sản xuất vào thi công: Thiết bị sử dụng trong các trường hợp này không coi là khối lượng hoàn thành về thiết bị, không được cấp phát cho khối lượng hoàn thành mà chỉ coi là cho thuê thiết bị. Trong quá trình sử dụng vẫn tính và thu tiền khấu hao. Lúc chính thức lắp các thiết bị nói trên cho công trình hoặc bàn giao cho xí nghiệp sản xuất thì chỉ tính và bàn giao giá trị tài sản cố định còn lại sau khi trừ đi số khấu hao đã thu. Nhưng khi quyết toán công trình thì phải quyết toán cả toàn bộ giá trị tài sản cố định và số khấu hao đã thu cho khớp với tổng số tạm ứng về thiết bị.
d) Xử lý số hàng thừa và thu hồi nốt các khoản vốn tạm ứng về thiết bị và vật liệu viện trợ và vay.
Số vật liệu và thiết bị còn thừa sau khi hoàn thành công trình sẽ giao cho đơn vị kiến thiết và đồng thời số tạm ứng hiện vật của đơn vị kiến thiết cho đơn vị thi công sẽ thu hồi nốt.
Nếu đơn vị kiến thiết giao ngay số hàng thừa cho xí nghiệp sản xuất làm vốn lưu động hay tai sản cố định (thiết bị dự trữ); thì sẽ coi như trích vốn xây dựng cơ bản giao sang vốn sản xuất. Chi hàng Kiến thiết sẽ hạch toán giá trị số hàng giao sang vốn sản xuất là một khoản giảm cấp phát vốn xây dựng cơ bản, thu hồi nốt vốn tạm ứng của đơn vị kiến thiết và nộp ngân sách để cấp phát thành vốn lưu động của xí nghiệp sản xuất. Biên bản bàn giao có xí nghiệp sản xuất ký nhận, Chi hàng xác nhận và Bộ chủ quản duyệt y, sẽ dùng làm chứng từ hạch toán kế toán và chứng từ quyết toán số tạm ứng cho đơn vị kiến thiết. Nếu đơn vị kiến thiết giao ngay số hàng thừa cho công trình khác theo quyết định của Bộ chủ quản thì giá trị hàng giao sẽ chuyển thành vốn tạm ứng cho công trình khác đó và công trình này vẫn phải hạch toán theo thành phần vốn viện trợ và vay và vốn trong nước như đơn vị kiến thiết cũ.
Mặt khác vốn tạm ứng của đơn vị kiến thiết cũ được giảm bớt theo một mức tương đương. Biên bản bàn giao dùng làm chứng từ quyết toán của đơn vị kiến thiết cũ.
Nếu đơn vị kiến thiết giải thể trước khi xử lý hết số thiết bị và vật liệu còn lại, thì sẽ bàn giao số này cho Bộ chủ quản chịu trách nhiệm cho đến khi xử lý xong toàn bộ và thu hồi hết vốn tạm ứng.
Trường hợp điều hòa thiết bị thi công giữa các xí nghiệp xây lắp thì chỉ coi như chuyển tài sản cố định.
II. CẤP PHÁT CHO THIẾT BỊ MUA BẰNG VỐN TRONG NƯỚC
Thiết bị mua bằng vốn trong nước gồm thiết bị mua ở nước ngoài nhưng bằng tiền trong nước cũng như thiết bị mua trong nước.
Để tăng cường theo dõi việc đưa thiết bị vào công trình và cân đối việc cung cấp thiết bị với nhu cầu thi công, từ nay việc cấp phát cho thiết bị mua bằng vốn trong nước cũng sẽ áp dụng đầy đủ các biện pháp quy định trong phần I cho việc cấp phát cho thiết bị viện trợ và vay. Cụ thể là:
1. Việc cấp phát để thanh toán tiền mua thiết bị, tiền vận chuyển, gia công, bảo quản... cho cơ quan Ngoại thương và các cơ quan vận chuyển, gia công, bảo quản... cũng sẽ tiến hành theo hình thức cấp phát vốn tạm ứng (hoàn toàn bằng vốn trong nước) cho đơn vị kiến thiết.
Đối với thiết bị mua ở nước ngoài về, Bộ chủ quản cũng có thể xin cấp phát vốn tạm ứng để thanh toán ở cấp trung ương cho Ngoại thương đồng thời phân phối hạn mức hiện vật cho đơn vị kiến thiết.
Trường hợp Bộ chủ quản đặt mua tập trung một loại thiết bị ở trong nước để phân phối cho nhiều đơn vị kiến thiết, Bộ chủ quản cũng có thể xin cấp phát vốn tạm ứng để thanh toán cho người bán hàng đồng thời phân phối hạn mức hiện vật cho từng đơn vị kiến thiết.
Trong việc đặt sản xuất thiết bị trong nước, Bộ chủ quản cũng như đơn vị kiến thiết phải đặt mua những thiết bị hoàn chỉnh và Ngân hàng Kiến thiết cũng chỉ được cấp phát cho những thiết bị hoàn chỉnh. Trường hợp một thiết bị hoàn chỉnh phải do nhiều xí nghiệp sản xuất ra, mỗi xí nghiệp chỉ sản xuất được một số bộ phận, thì vẫn phải đặt mua thiết bị hoàn chỉnh tại một trong những xí nghiệp đó để xí nghiệp này liên hệ với các xí nghiệp khác đặt kế hoạch sản xuất tất cả các bộ phận thiết bị cho cân đối với nhau và cung cấp được cùng một lúc thành thiết bị hoàn chỉnh.
2. Khi thiết bị được đưa vào thành khối lượng kiến thiết thì cũng lúc đó mới cấp phát cho khối lượng (hoàn toàn bằng vốn trong nước), đồng thời thu hồi vốn tạm ứng của đơn vị kiến thiết như quy định trong phần I; đối với số thiết bị còn lại sau khi hoàn thành công trình thì cũng xử lý như trong phần I và thu hồi nốt vốn tạm ứng của đơn vị kiến thiết.
III. CẤP PHÁT VỀ THỰC TẬP SINH, LƯƠNG CHUYÊN GIA, ĐỒ ÁN THIẾT KẾ BẰNG VỐN VIỆN TRỢ VÀ VAY
Việc cấp phát vốn viện trợ và vay để thanh toán tiền thực tập sinh, lương chuyên gia, tiền đồ án thiết kế... cho Bộ Ngoại thương cũng tiến hành cho phương pháp quy định trong phần I cho việc thanh toán tiền thiết bị và vật liệu viện trợ và vay (Bộ chủ quản xin cấp phát ở cấp trung ương đồng thời phân phối hạn mức hiện vật cho đơn vị kiến thiết) nhưng khác ở một điểm: để thanh toán tiền thiết bị, vật liệu thì cấp phát tạm ứng để chuẩn bị, nhưng để thanh toán tiền thực tập sinh, lương chuyên gia, đồ án thiết kế thì cấp phát cho khối lượng hoàn thành (về xây dựng cơ bản khác).
IV. MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THI HÀNH THÔNG TƯ NÀY
Thông tư này thi hành từ ngày 01-01-1965. Bắt đầu sang ngày 01-01-1965, số thiết bị và vật liệu tồn kho hay đang mua hoặc gia công dở dang đến cuối ngày 31-12-1964 đều phải chuyển sang hạch toán thành vốn tạm ứng như sau:
a) Hạch toán thành vốn tạm ứng của Nhà nước cho đơn vị kiến thiết;
1. Toàn bộ số thiết bị và vật liệu viện trợ và vay đã thanh toán với ngoại thương rồi nhưng chưa thành khối lượng công trình tồn kho đến 31-12-1964 (kể cả số đang đi trên đường về kho và số tồn kho của đơn vị thi công) phải hạch toán thành vốn tạm ứng của ngân sách cho đơn vị kiến thiết. Giá hạch toán gồm cả tiền vận chuyển, gia công, bảo quản... Phải hạch toán riêng số tạm ứng về thiết bị và số tạm ứng về vật liệu và phải phân tích rõ vốn viện trợ và vay và vốn trong nước.
2. Toàn bộ số thiết bị mua bằng vốn trong nước và đã trả tiền rồi nhưng chưa thành khối lượng công trình tồn kho đến cuối ngày 31-12-1964, kể cả số đang đi trên đường về kho. Giá hạch toán các thiết bị này cũng bao gồm cả các phí tổn vận chuyển, gia công, bảo quản đã thanh toán.
b) Hạch toán thành vốn tạm ứng bằng hiện vật của đơn vị kiến thiết cho đơn vị thi công: toàn bộ số vật liệu viện trợ và vay tồn kho đến cuối ngày 31-12-1964 trong kho của đơn vị thi công (giá hạch toán gồm cả chi phí vận chuyển, gia công, bảo quản... và phải phân tích ra vốn viện trợ và vay và vốn trong nước).
Khoản vốn tạm ứng hiện vật này của đơn vị kiến thiết cho đơn vị thi công phải ghi chú vào khoản vốn tạm ứng của ngân sách Nhà nước cho đơn vị kiến thiết đã nói ở đoạn "a" trên đây.
Để có căn cứ thực hiện việc hạch toán trên đây, các đơn vị kiến thiết và thi công có sử dụng thiết bị và vật liệu viện trợ và vay và thiết bị mua bằng vốn trong nước phải tiến hành việc kiểm kê số tồn kho về các thứ hàng kể trên đến cuối ngày 31-12-1964 và gửi báo cáo kiểm kê đến Chi hàng Kiến thiết cũng vào cuối ngày 31-12-1964 để kịp hạch toán ngay từ lúc bắt đầu ngay 01-01-1965. Báo cáo kiểm kê phải ghi rõ tên từng loại vật liệu, thiết bị với số lượng hiện vật và giá trị bằng vốn trong nước và vốn viện trợ và vay. Trường hợp đặc biệt có đơn vị đến cuối ngày 31-12-1964 chưa kiểm kê xong thì tạm báo cáo theo tinh hình tồn kho trên sổ sách, đến khi kiểm kê xong sẽ gửi báo cáo kiểm kê chính thức để thay thế.
Nhận được báo cáo kiểm kê, Chi hàng Kiến thiết thẩm tra và xác định các số tồn kho nói trên đây rồi báo cho các đơn vị, Bộ chủ quản và Ngân hàng Kiến thiết trung ưong để hạch toán và theo dõi.
Kể từ ngày 01-01-1965 Bộ chủ quản và Ngân hàng Kiến thiết trung ương sẽ phân phối hạn mức và cấp phát theo các quy định trong thông tư này. Các đơn vị và Chi hàng sẽ hạch toán lũy kế vào các sổ đã hạch toán như nói trên.
Thông tư này không áp dụng đối với khoản phân bón viện trợ và vay của Bộ Nông trường. Số phân bốn viện trợ và vay này sẽ giao cho Cục Cung tiêu của Bộ Nông trường, và các nông trường sẽ mua lại số phân bón đó bằng vốn trong nước (theo chế độ mua vật liệu trong nước).
Việc thi hành tốt thông tư này sẽ có tác dụng tăng cường quản lý việc mua sắm thiết bị và quản lý vốn viện trợ và vay góp phần đáng kể vào việc tăng cường quản lý kinh tế tài chính nói chung.
Vì vậy tuy việc thi hành thông tư (nhất là việc áp dụng biện pháp tạm ứng và thu hồi tạm ứng) sẽ đòi hỏi làm thêm một số công việc. Bộ Tài chính mong các Bộ, Tổng cục chỉ thị cho các đơn vị kiến thiết, đơn vị thi công và tổ chức trực thuộc khác có liên quan, có kế hoạch tích cực chấp hành và nếu gặp khó khăn xin trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính (Ngân hàng Kiến thiết trung ương) để giải quyết.
Các địa phương có các loại chi tiêu về vốn xây dựng cơ bản nói trong thông tư này cũng cần có kế hoạch tích cực chấp hành các quy định trong thông tư này.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
Thông tư 23-TC-NHKT-1964 hướng dẫn thi hành Điều lệ cấp phát vốn kiến thiết cơ bản theo Nghị định 64-CP-1960 do Bộ Tài Chính ban hành
- Số hiệu: 23-TC-NHKT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 23/11/1964
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Trịnh Văn Bính
- Ngày công báo: 31/12/1964
- Số công báo: Số 48
- Ngày hiệu lực: 07/12/1964
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định