Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2023/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2023

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC DẠY VÀ HỌC TIẾNG VIỆT CHO TRẺ EM LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TRƯỚC KHI VÀO LỚP MỘT

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư Quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một, bao gồm: Nội dung dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một; tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một; công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi điều kiện giao tiếp tiếng Việt của trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một còn hạn chế; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một là trẻ em người dân tộc thiểu số đang trong giai đoạn chuẩn bị vào lớp Một và đủ tuổi vào học lớp Một theo quy định Điều lệ trường Tiểu học (sau đây gọi chung là trẻ).

2. Cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học bao gồm các trường tiểu học, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học (sau đây gọi chung là trường tiểu học).

Điều 3. Mục đích

1. Tổ chức, quản lí, hướng dẫn hoạt động dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một.

2. Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, tạo hứng thú, chủ động cho trẻ trong học tập; hình thành một số kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một.

3. Xác định được những nội dung cần phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một.

Điều 4. Quan điểm và nguyên tắc thực hiện

1. Tiếp cận theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, trong đó lấy việc hình thành và phát triển năng lực tiếng Việt làm định hướng cơ bản.

2. Thực hiện phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm, phương pháp dạy học ngôn ngữ thứ hai để dạy học tiếng Việt cho trẻ.

3. Tổ chức thông qua hoạt động chơi, trải nghiệm, khám phá, phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lí của trẻ trong độ tuổi chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học.

4. Tích hợp dạy và học tiếng Việt với dạy các kĩ năng học tập ban đầu, tích hợp dạy và học tiếng Việt với dạy và học văn hóa dân tộc.

5. Bảo đảm tính kế thừa và liên thông: nội dung dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một kế thừa nội dung của chương trình giáo dục bậc Mầm non và liên thông với nội dung của chương trình giáo dục cấp Tiểu học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương II

NỘI DUNG DẠY VÀ HỌC TIẾNG VIỆT CHO TRẺ LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TRƯỚC KHI VÀO LỚP MỘT

Điều 5. Nội dung dạy và học tiếng Việt

Dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một theo các nội dung cụ thể sau:

1. Chuẩn bị tâm thế vào lớp Một.

2. Hình thành các kĩ năng học tập cơ bản.

3. Hình thành và phát triển năng lực nghe, nói.

4. Hình thành và phát triển năng lực đọc.

5. Hình thành và phát triển năng lực viết.

Các nội dung này được sắp xếp theo trình tự khoa học, tương ứng với 20 bài học, thể hiện thông qua các chủ đề, chủ điểm gần gũi và phù hợp với trẻ theo định hướng tiếp cận năng lực và phẩm chất người học (Nội dung chi tiết thực hiện theo Phụ lục đính kèm).

Điều 6. Chuẩn bị tâm thế vào lớp Một

1. Trẻ được làm quen với môi trường vật chất ở trường, lớp cấp tiểu học: không gian lớp học, trường học, thư viện, phòng học bộ môn, khu vui chơi, bán trú, công trình phụ trợ; đồ dùng học tập, thiết bị dạy học và phương tiện học tập.

2. Trẻ được làm quen với môi trường tâm lí ở trường tiểu học: cảm giác an toàn, môi trường thân thiện, được tôn trọng về ngôn ngữ, văn hóa địa phương và của dân tộc mình.

3. Trẻ được tham gia học tập và tham gia các hoạt động giáo dục khác; được rèn nếp sống tự lập, tự phục vụ và sinh hoạt tập thể theo quy định của lớp, trường.

Điều 7. Hình thành các kĩ năng học tập cơ bản

1. Kĩ năng chuẩn bị, sử dụng, bảo quản và giữ gìn đồ dùng học tập, xác định được các vị trí trên bảng con, bảng lớn trong không gian lớp học, trường học.

2. Kĩ năng sử dụng các kí hiệu, quy ước được sử dụng trong học tập, vui chơi và trong các hoạt động tập thể khác.

3. Kĩ năng làm việc cá nhân theo hướng dẫn của giáo viên; kĩ năng tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, thầy cô khi gặp khó khăn trong học tập.

4. Kĩ năng ban đầu khi làm việc theo cặp, theo nhóm và tham gia các hoạt động chung của trường, của lớp.

5. Kĩ năng nhận nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ được giao và tự trình bày kết quả học tập của cá nhân, của nhóm với bạn bè, thầy cô ở mức độ đơn giản.

Điều 8. Hình thành và phát triển năng lực nghe, nói

1. Biết cách sử dụng tiếng Việt trong những nghi thức giao tiếp cơ bản: cảm ơn, xin lỗi, hỏi và trả lời những câu hỏi đơn giản.

2. Nghe - nói trong những tình huống làm quen ban đầu và giao tiếp bằng tiếng Việt phù hợp với lứa tuổi.

3. Nghe - hiểu và nói được một số mẫu câu giao tiếp đơn giản theo chủ đề như lời đề nghị, yêu cầu, xin phép...

Điều 9. Hình thành và phát triển năng lực đọc

1. Rèn kĩ thuật sử dụng sách, kĩ thuật đọc đúng: cầm sách, mở sách, lật sách; giữ khoảng cách giữa mắt với sách; nhận biết bìa sách và trang sách, chữ và hình ảnh minh họa trong sách; cách đưa mắt từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, đọc theo các mức độ (to- nhỏ- nhẩm- thầm).

2. Củng cố việc nhận dạng và đọc được chữ cái đơn (một âm ghi bằng một chữ) là chữ in thường, các chữ số từ 1 đến 9.

Điều 10. Hình thành và phát triển năng lực viết

1. Biết ngồi viết đúng tư thế, biết cách cầm bút chì bằng ba đầu ngón tay, biết cách tô chữ và chữ số trên vở ô li.

2. Biết cách xác định đường kẻ ngang, đường kẻ dọc, dòng kẻ, ô ly và điểm tọa độ khi tô chữ, chữ số: điểm đặt bút, điểm chuyển hướng và điểm kết thúc.

3. Tô được các tổ hợp nét cơ bản: nét ngang, nét thẳng, nét xiên trái, nét xiên phải; nét móc xuôi, nét móc ngược, nét móc hai đầu; nét cong kín, nét cong trái, nét cong phải; nét khuyết trên, nét khuyết dưới, nét thắt trên, nét thắt giữa.

4. Thực hiện các hoạt động tô chữ, tô từ và tô chữ số từ 1 đến 9.

Chương III

TỔ CHỨC DẠY VÀ HỌC TIẾNG VIỆT CHO TRẺ LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TRƯỚC KHI VÀO LỚP MỘT

Điều 11. Xây dựng kế hoạch dạy học

1. Thời lượng, thời gian: Thời lượng thực hiện không quá 80 tiết học (mỗi tiết 35 phút), tối đa là một tháng; thời gian thực hiện trong hè, trước khi trẻ học chương trình lớp Một. Các địa phương, nhà trường tùy tình hình thực tế để bố trí thời gian, thời lượng cho phù hợp, hiệu quả.

2. Phân phối thời gian dạy học: Tùy vào điều kiện về lớp học, giáo viên, đối tượng trẻ và điều kiện sống ở từng địa phương, Hiệu trưởng và bộ phận chuyên môn lập kế hoạch chi tiết về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một phù hợp, hiệu quả.

3. Căn cứ yêu cầu, mục tiêu cần đạt và kế hoạch chi tiết về việc dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp với tình hình thực tế, trình Hiệu trưởng phê duyệt trước khi thực hiện.

Điều 12. Chuẩn bị điều kiện thực hiện

1. Về cơ sở vật chất và đồ dùng dạy học:

a) Địa điểm tổ chức dạy và học tại trường tiểu học: tại điểm trường chính hoặc tại các điểm trường lẻ của trường tiểu học bảo đảm thuận tiện đi lại, an toàn và phù hợp với tâm sinh lí của trẻ.

b) Lớp học phải bảo đảm vệ sinh, an toàn, thoáng mát, đủ ánh sáng, bàn ghế phù hợp, đúng quy định, có đủ nước sạch; không gian thân thiện có góc văn hóa địa phương, góc bổ trợ học ngôn ngữ...

c) Được trang bị đầy đủ đồ dùng dạy học, các trang thiết bị, tài liệu dạy học phục vụ cho việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một bảo đảm hiệu quả, chất lượng.

2. Về đội ngũ giáo viên:

a) Bố trí giáo viên tham gia dạy học tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp Một, ưu tiên những giáo viên có năng lực tốt, có tay nghề vững vàng, biết tiếng dân tộc và am hiểu văn hóa địa phương, dân tộc của trẻ.

b) Giáo viên được tập huấn về nội dung và phương pháp dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một, phương pháp dạy ngôn ngữ thứ hai để chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ; được bồi dưỡng tiếng dân tộc (tiếng mẹ đẻ) của trẻ.

3. Chế độ chính sách cho giáo viên và trẻ là người dân tộc thiểu số tham gia dạy và học tiếng Việt trước khi vào lớp Một:

a) Giáo viên tham gia dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một được hưởng chế độ theo quy định.

b) Trẻ tham gia học tiếng Việt trước khi vào lớp Một được hưởng các chính sách dành cho học sinh vùng dân tộc thiểu số tại các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định.

Điều 13. Xây dựng môi trường học tập thân thiện

1. Môi trường học tập bảo đảm sạch sẽ, an toàn, tạo cảm giác hào hứng, thú vị đối với trẻ.

2. Giáo viên hỗ trợ trẻ lựa chọn và thực hiện các hoạt động học tập phù hợp với năng lực của trẻ, những nội dung, ngữ liệu học tập gần gũi với cuộc sống thực tế của trẻ; khích lệ, động viên trẻ trong quá trình dạy và học; hình thành cách học và nền nếp cho trẻ ngay từ những ngày đầu đến lớp.

3. Mối quan hệ giáo viên với trẻ thân thiện, cởi mở. Giáo viên tôn trọng văn hóa và ngôn ngữ dân tộc của trẻ; cách ứng xử, giao tiếp của giáo viên nhẹ nhàng, tự nhiên, khuyến khích trẻ hoạt động, tạo cơ hội cho trẻ học tập thông qua tổ chức hoạt động học tập và trải nghiệm.

Điều 14. Yêu cầu đối với hoạt động dạy và học

1. Thiết kế các bài học theo các hoạt động cơ bản gồm: Hoạt động 1: khởi động, kết nối; Hoạt động 2: khám phá, luyện tập; Hoạt động 3: vận dụng, trải nghiệm.

2. Đa dạng hóa các hoạt động dạy và học (hoạt động dạy học từ và câu; hoạt động đóng vai và tham gia trò chơi học tập; hoạt động múa hát, đọc thơ, vè và đồng dao; hoạt động tô, vẽ tranh; hoạt động kể chuyện....) thông qua các hình thức và phương pháp tổ chức khác nhau (làm mẫu, thực hành, trải nghiệm...) để nâng cao hiệu quả dạy học.

3. Linh hoạt trong quá trình tổ chức các hoạt động cho trẻ, trong việc sử dụng ngữ liệu dạy học, đồ dùng dạy học phù hợp với điều kiện và tâm lí trẻ. Sau mỗi tiết dạy, cần cho trẻ nghỉ chuyển tiết, thời gian nghỉ chuyển tiết từ 5 đến 10 phút. Một buổi dạy tối đa 120 phút.

Điều 15. Yêu cầu đối với giáo viên và trẻ

1. Đối với giáo viên:

a) Giáo viên nắm được nội dung và phương pháp dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một, phương pháp dạy ngôn ngữ thứ hai để chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ.

b) Giáo viên biết xây dựng kế hoạch bài học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đưa ra giải pháp giáo dục, điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp với trẻ để trẻ thấy tự tin, thoải mái, thích đến lớp.

c) Giáo viên có kĩ năng và phương pháp phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ trong việc chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe, tinh thần của trẻ khi đến lớp.

d) Giáo viên có khả năng xây dựng môi trường học tập thân thiện giúp trẻ khám phá và tương tác với giáo viên, bạn bè; sử dụng phương pháp dạy học tích cực giúp trẻ được trải nghiệm trong việc học và hình thành các kĩ năng học tập cần thiết.

2. Đối với trẻ:

a) Về tâm thế học tập:

Trẻ luôn cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi được đến trường, thích đi học; tự lập, biết tự phục vụ bản thân như: tự phục vụ trong bữa ăn (đối với trẻ tham gia bán trú); tự vệ sinh cá nhân; tự chuẩn bị trang phục, sách vở, tài liệu học tập trước khi đi học.

Trẻ tự tin và chủ động thực hiện những nhiệm vụ được giao; hứng thú, tham gia tích cực các hoạt động của trường, lớp; mạnh dạn giao tiếp và có ứng xử phù hợp với những người xung quanh.

b) Về kết quả học tập:

Trẻ được hình thành các kĩ năng học tập cơ bản như sử dụng đồ dùng học tập; làm việc theo cặp đôi, theo nhóm; nhận nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ và tự trình bày kết quả với thầy cô, bạn bè.

Trẻ được hình thành và phát triển năng lực về nghe, nói, đọc, viết ở mức độ ban đầu; được phát triển năng lực giao tiếp tiếng Việt và kĩ năng ứng xử trong môi trường mới.

Chương IV

CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA NHÀ TRƯỜNG, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

Điều 16. Nhà trường

1. Hiệu trưởng lập kế hoạch về các hoạt động phối hợp với gia đình trẻ:

a) Tổ chức các buổi gặp mặt, giới thiệu trường học cho cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ đồng thời nêu ra trách nhiệm của gia đình đối với việc chuẩn bị đồ dùng học tập, trang phục và đảm bảo điều kiện cho trẻ đến trường.

b) Cung cấp thông tin về các hoạt động của nhà trường, những mục tiêu, mong đợi của nhà trường đối với cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ trong giai đoạn chuẩn bị vào lớp Một.

c) Trang bị cho cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ một số kĩ năng hỗ trợ cho trẻ trước, trong và sau khi vào lớp Một.

d) Tổ chức các buổi trao đổi, chia sẻ giữa giáo viên tiểu học (lớp Một) với giáo viên mầm non (lớp năm tuổi) về nội dung, phương pháp cách thức chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp Một; phối hợp với trường Mầm non trên địa bàn tổ chức đưa trẻ mầm non thăm trường tiểu học để giao lưu cùng các anh chị ở trường tiểu học.

2. Giáo viên lập kế hoạch thực hiện các hoạt động và phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ:

a) Lập bảng danh sách thông tin của cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ (họ tên, mối quan hệ với trẻ, số điện thoại, địa chỉ nhà ở...) để thuận tiện liên hệ.

b) Tìm hiểu, quan sát, phát hiện những đặc điểm của trẻ và có phương án xếp nhóm/lớp phù hợp và đề xuất sự hỗ trợ trong giai đoạn trẻ chuẩn bị vào lớp Một.

c) Lên kế hoạch đến thăm gia đình của những trẻ cần được gia đình hỗ trợ nhiều hơn trong việc học tập.

d) Trao đổi với từng cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ để biết về hoàn cảnh gia đình và đặc điểm riêng của trẻ.

e) Phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ trong việc chăm sóc dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi đến trường.

Điều 17. Gia đình

1. Cho trẻ đi học đúng độ tuổi, ra lớp chuyên cần, tạo điều kiện, khuyến khích trẻ đi học đầy đủ, đúng giờ. Theo dõi sự thay đổi về tinh thần, sức khỏe của trẻ trong những ngày đầu đi học lớp Một.

2. Chuẩn bị trang phục sạch sẽ, đồ dùng học tập đầy đủ cho trẻ trước khi đến lớp; chuẩn bị góc học tập có đủ bàn ghế, ánh sáng và sắp xếp gọn gàng, trang trí đẹp mắt để tạo hứng thú học tập; hướng dẫn trẻ khi tự học, tự phục vụ ở nhà.

3. Không gây áp lực về thành tích học tập đối với trẻ. Giải tỏa tâm lí và tinh thần cho trẻ bằng cách lôi cuốn trẻ vào các hoạt động thư giãn khác như: làm việc nhà, thể dục nhẹ nhàng, tham gia các hoạt động vui chơi, nghệ thuật...

4. Xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt ở gia đình: nói chuyện với trẻ bằng tiếng Việt, dùng ngôn ngữ phổ thông trong giao tiếp với người khác khi có mặt trẻ.

5. Triển khai hoạt động nhóm cha mẹ/người giám hộ cùng chia sẻ kiến thức kinh nghiệm phối hợp với nhà trường về nuôi dạy trẻ. Tham gia cùng trẻ vào những hoạt động hỗ trợ học tập theo hướng dẫn của giáo viên.

Điều 18. Các đoàn thể, tổ chức xã hội ngoài cơ sở giáo dục

1. Tuyên truyền và tham gia hướng dẫn cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ về việc chuẩn bị cho trẻ đi học lớp Một.

2. Tổ chức các sân chơi, sử dụng các thiết chế văn hóa tại địa phương để tổ chức sinh hoạt chung giữa trẻ mầm non năm tuổi với các học sinh tiểu học.

3. Thành lập câu lạc bộ, nhóm trẻ giúp trẻ sử dụng hiệu quả thời gian ngoài giờ học, tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt, giúp trẻ phát triển kĩ năng tiếng Việt.

4. Hỗ trợ thành lập các tổ giám sát để giám sát/hỗ trợ nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, chất lượng học tập của trẻ, đặc biệt là trẻ chậm phát triển và trẻ khuyết tật.

5. Khuyến khích thành lập các nhóm cốt cán nhằm hỗ trợ giáo viên (tự nguyện hỗ trợ ngôn ngữ bằng tiếng mẹ đẻ của trẻ) trong thời gian tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp Một.

Điều 19. Mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội

1. Nhà trường, gia đình và các đoàn thể, tổ chức xã hội ngoài cơ sở giáo dục thống nhất, đồng thuận thực hiện các hoạt động giáo dục trong giai đoạn chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một. Sự phối hợp và cam kết giữa nhà trường, gia đình và các đoàn thể, tổ chức xã hội ngoài cơ sở giáo dục thúc đẩy và đảm bảo tính dân chủ, bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục đối với mọi trẻ không phân biệt giới tính, vùng miền và sắc tộc.

2. Nhà trường chủ động tuyên truyền, vận động cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ đưa trẻ đến lớp chuyên cần, đúng giờ; thông báo tới gia đình trẻ về kế hoạch và hoạt động giáo dục trong thời gian chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một; thường xuyên trao đổi với cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ về tình hình rèn luyện, học tập và thống nhất biện pháp hỗ trợ trẻ; tạo điều kiện để cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ đến lớp tìm hiểu và hỗ trợ trẻ học tập; huy động, tạo điều kiện để gia đình trẻ tham gia xây dựng nhà trường theo đúng quy định của pháp luật và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đóng góp.

3. Nhà trường tuyên truyền phổ biến đối với các đoàn thể, tổ chức xã hội trên địa bàn về định hướng, kế hoạch của nhà trường trong việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp Một, những hoạt động cần sự hợp tác, hỗ trợ từ các đoàn thể, tổ chức xã hội.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Căn cứ tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định về nhân sự, kinh phí để thực hiện việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một tại địa phương theo thẩm quyền quy định.

2. Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một trên địa bàn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc tổ chức dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một trên địa bàn; bố trí nhân sự, đảm bảo cơ sở vật chất, nguồn lực, kinh phí để chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện tổ chức dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một theo thẩm quyền quy định.

Điều 21. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc tổ chức dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một phù hợp với điều kiện của địa phương; kịp thời khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhằm phát huy những kết quả đạt được trong việc tổ chức dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một.

2. Hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện; tập huấn và bồi dưỡng cho cán bộ quản lí, giáo viên về nội dung, phương pháp dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một.

3. Theo dõi, kiểm tra, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư này tại địa phương; tổng hợp và báo cáo kết quả tổ chức thực hiện dạy học về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo yêu cầu.

Điều 22. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo

1. Tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, kinh phí để đảm bảo các điều kiện tổ chức dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một trên địa bàn theo thẩm quyền quy định.

2. Hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một trên địa bàn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức tập huấn và bồi dưỡng cho cán bộ quản lí, giáo viên về nội dung, phương pháp dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn các trường tiểu học xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một; tổ chức dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một, thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một trên địa bàn.

4. Theo dõi, kiểm tra, phát hiện những khó khăn vướng mắc và có biện pháp hỗ trợ hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương trong quá trình thực hiện; kịp thời khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhằm phát huy những kết quả đạt được trong việc tổ chức dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một trên địa bàn; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giáo dục và Đào tạo khi kết thúc thời gian dạy học.

Điều 23. Trách nhiệm của Hiệu trưởng các trường tiểu học

1. Chịu trách nhiệm tuyên truyền, tổ chức thực hiện việc dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một tại đơn vị; tôn trọng quyền tự chủ của giáo viên trong việc thực hiện dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một; thực hiện chi trả chế độ kịp thời cho giáo viên và trẻ được phân công, tham gia hoạt động dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một theo quy định.

2. Chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học; sắp xếp, bố trí nhân sự phù hợp để thực hiện nội dung dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một theo quy định.

3. Giải trình, giải quyết thắc mắc, kiến nghị, nhận xét và đánh giá kết quả dạy học trong phạm vi quyền hạn của hiệu trưởng các trường tiểu học; báo cáo kết quả thực hiện về Phòng Giáo dục và Đào tạo trước khi năm học mới bắt đầu

Điều 24. Trách nhiệm của giáo viên

1. Tham gia tập huấn và xây dựng kế hoạch bài dạy, triển khai dạy học và tổ chức hoạt động học cho trẻ theo đúng nội dung, phương pháp dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một.

2. Chịu trách nhiệm đánh giá quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học tập trong việc dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một; tổng hợp kết quả dạy học trong lớp, báo cáo hiệu trưởng theo yêu cầu.

3. Theo dõi sự tiến bộ của mỗi trẻ, ghi chép những lưu ý với trẻ có nội dung chưa hoàn thành hoặc có tiến bộ trong học tập và rèn luyện; trao đổi và phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ khi cần thiết.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 23 tháng 01 năm 2024

Điều 26. Trách nhiệm thi hành

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường tiểu học và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Như Điều 27 (để thực hiện);
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT BGDĐT;
- Lưu: VT, Vụ GDTH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Ngô Thị Minh

PHỤ LỤC

NỘI DUNG DẠY VÀ HỌC TIẾNG VIỆT CHO TRẺ EM LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TRƯỚC KHI VÀO LỚP MỘT
(Kèm theo Thông tư số 23/2023/TT-BGDĐT ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bài và Chủ điểm

Nói và nghe theo mẫu

Mở rộng vốn từ và mẫu câu

Đọc

Viết

Kĩ năng học tập

1. Làm quen với tiếng Việt

- Chào gặp mặt và chào tạm biệt;

- Tự giới thiệu, làm quen;

- Xin phép trong lớp;

- Cảm ơn và xin lỗi.

- Từ ngữ chỉ người: Em và những người gần gũi quanh em;

- Mẫu câu: chào gặp mặt và tạm biệt, tự giới thiệu bản thân, xin phép, cảm ơn và xin lỗi.

- Làm quen với sách và việc đọc: cầm sách, mở sách, lật sách, giữ khoảng cách mắt với sách, nhận biết bìa sách và trang sách, chữ và hình trong sách, cách đưa mắt đọc từ trên xuống, từ trái sang phải (tranh khổ lớn).

- Tập cầm bút chì tô trên vở ô ly đúng cách;

Tô tổ hợp các nét cơ bản trong vở (viết trên bảng con): nét thẳng, nét ngang, nét xiên trái, nét xiên phải.

- Chuẩn bị đồ dùng học tập: bộ đồ dùng học tập, bút chì, sách, vở, phấn, bảng, vật dụng lau bảng;

- Học sử dụng các đồ dùng học tập;

- Làm quen với kí hiệu, tín hiệu và quy ước;

- Nhận nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ theo hướng dẫn của giáo viên.

2. Nói về em

- Tự giới thiệu tên, tuổi, lớp học, cô giáo, cha mẹ, sở thích cá nhân.

- Từ ngữ chỉ người thân của em ở nhà, ở lớp;

- Từ ngữ chỉ tuổi, chỉ sở thích của em;

- Mẫu câu giới thiệu em, sở thích của em.

Đọc to nghe chung 1 bài về chủ đề gặp gỡ, làm quen với bạn bè ở trường (tài liệu thực hiện là tranh của một trang sách tranh khổ lớn).

- Tập cầm bút chì tô trên vở ô ly đúng cách;

- Tô tổ hợp các nét cơ bản trong vở (viết trên bảng con): nét móc xuôi, nét móc ngược, nét móc hai đầu trên bảng con và trong vở.

- Học sử dụng các đồ dùng học tập;

- Làm quen với kí hiệu, tín hiệu và quy ước;

- Lấy, sắp xếp đồ dùng ra bàn và cất đồ dùng học tập vào cặp sách;

- Nhận nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ theo hướng dẫn của giáo viên.

3. Em và bạn bè

- Giới thiệu bạn của em;

- Câu hỏi về một nhân vật (hỏi về bạn, hỏi về người thân..).

- Từ ngữ chỉ bạn bè, hoạt động của bạn, người thân;

- Mẫu câu: câu giới thiệu nhân vật, câu hỏi về một nhân vật, câu nói về hoạt động (của em /bạn bè..)

- Đọc to nghe chung bài đọc có nội dung về bạn ở trường/ lớp (tài liệu thực hiện là sách tranh kho lớn).

- Tô tổ hợp các nét cơ bản trong vở (viết trên bảng con); Nét cong kín, nét cong trái, nét cong phải trên bảng con và trong vở.

- Học sử dụng các đồ dùng học tập;

- Lấy, sắp xếp đồ dùng ra bàn và cất đồ dùng học tập vào cặp sách;

- Làm quen với kí hiệu, tín hiệu và quy ước;

- Xin phép khi muốn ra khỏi chỗ.

4. Em và bạn bè

- Giới thiệu bạn trong lớp của em;

- Câu hỏi về người (hỏi về bạn).

- Từ ngữ chỉ bạn bè, tính tình hoặc sở thích của bạn;

- Mẫu câu, câu giới thiệu người, câu hỏi về người, câu chỉ tính tình hoặc sở thích của người (em/bạn bè).

- Đọc to nghe chung bài đọc có nội dung về bạn hàng xóm (bài trong tài liệu này là sách tranh khổ lớn).

- Tô tổ hợp các nét cơ bản trong vở (viết trên bảng con), nét khuyết trên, nét khuyết dưới, nét thắt trên bảng con và trong vở.

- Học sử dụng các đồ dùng học tập;

- Lấy, sắp xếp đồ dùng ra bàn và cất đồ dùng học tập vào cặp sách;

- Làm quen với kí hiệu, tín hiệu và quy ước;

- Tập làm việc theo cặp;

- Xin phép khi muốn rời khỏi chỗ ngồi.

5. Em và trường lớp

- Giới thiệu trường, lớp của em;

- Câu hỏi về trường, lớp.

- Từ ngữ chỉ sự vật trong trường, lớp;

- Mẫu câu: câu giới thiệu trường, lớp của em; câu hỏi về trường, lớp của em; câu giới thiệu đồ vật, câu hỏi về đồ vật trong lớp.

- Đọc chữ a và từ chỉ có 1 âm chính là a dấu huyền, dấu sắc;

- Đọc to nghe chung bài đọc có nội dung về mọi người ở trường: Thầy giáo/Cô giáo/ cô nhân viên/ bác bảo vệ, (thực hiện tài liệu là sách tranh khổ lớn).

- Tô dấu huyền, dấu sắc, chữ a và tô từ có chữ a trong vở (Ví dụ: ca, cà, cá...).

- Tập làm việc theo cặp;

- Xác định vị trí trên bảng con, bảng lớn (bảng lớp);

- Nghe chỉ dẫn tham gia trò chơi;

- Phát biểu ý kiến khi được cho phép.

6. Em và trường lớp

- Giới thiệu lớp của em;

- Câu hỏi về đồ vật (hỏi về đồ vật trong lớp).

- Từ ngữ chỉ đồ vật trong lớp;

- Mẫu câu: câu giới thiệu đồ vật, câu hỏi về đồ vật trong lớp.

- Đọc chữ b, c và từ có âm đầu là b, c; dấu hỏi;

- Đọc to nghe chung bài đọc có nội dung về đồ dùng học tập (thực hiện tài liệu là sách tranh khổ lớn).

- Tô dấu hỏi, chữ b, c và tô từ có âm đầu là b, c trong vở (Ví dụ: bà, cả).

- Tập làm việc theo nhóm nhỏ;

- Phát biểu ý kiến khi được cho phép.

- Nghe chỉ dẫn tham gia trò chơi;

- Xác định vị trí không gian trong lớp học.

7. Em và trường lớp

- Kể về hoạt động của lớp và hoạt động của các bạn ở lớp của em;

- Câu hỏi về các hoạt động (hỏi về hoạt động ở lớp, ở trường).

- Từ ngữ chỉ hoạt động của lớp và hoạt động của các bạn ở lớp, ở trường;

- Mẫu câu: câu kể hoạt động, câu hỏi về hoạt động.

- Đọc chữ d, đ và từ có âm đầu là d, đ; dấu ngã;

- Đọc to nghe chung bài đọc có nội dung về hoạt động ở trường lớp (thực hiện tài liệu là sách tranh khổ lớn).

- Tô dấu ngã, chữ d, đ và tô từ có âm đầu là d, đ trong vở (Ví dụ: đã, da...).

- Tập làm việc theo nhóm nhỏ;

- Tập nêu ý kiến cá nhân trong nhóm;

- Xác định vị trí không gian trường học (một số vị trí cần thiết: phòng bảo vệ, phòng thư viện, phòng y tế, phòng ăn bán trú...).

8. Em và gia đình

- Giới thiệu người trong gia đình em;

- Kể việc làm của một vài người thân;

- Câu hỏi về người và hoạt động của người thân trong gia đình.

- Từ ngữ chỉ hoạt động của người trong gia đình;

- Mẫu câu: câu kể hoạt động, câu hỏi về hoạt động.

- Đọc chữ e, ê và từ có chữ e, ê; dấu nặng.

- Đọc to nghe chung bài đọc có nội dung về các thành viên trong gia đình (thực hiện tài liệu là sách tranh khổ lớn).

- Tô dấu nặng, chữ e, ê và từ chỉ có 1 âm chính là e, ê trong vở (Ví dụ: dẻ, bệ...).

- Tham gia trò chơi học tập;

- Tập báo cáo kết quả;

- Chuẩn bị đồ dùng học tập trước khi đến lớp.

9. Em và gia đình

- Giới thiệu đồ dùng trong nhà em.

- Từ ngữ chỉ đồ dùng trong nhà;

- Mẫu câu: câu giới thiệu đồ vật.

- Đọc chữ g, h và từ có âm đầu là g, h. Đọc chữ số: 0, 1;

- Đọc to nghe chung bài đọc có nội dung về các đồ dùng gia đình (thực hiện tài liệu là sách tranh khổ lớn).

- Tô chữ g, h và tô từ có âm đầu là g, h trong vở (Ví dụ: gà, hẹ...);

- Tô chữ số 0, 1.

- Tham gia trò chơi học tập;

- Tập báo cáo kết quả;

- Chuẩn bị trang phục trước khi đến lớp.

10. Em và gia đình

- Kể việc em làm ở nhà;

- Câu hỏi về việc em làm ở nhà.

- Từ ngữ chỉ công việc trẻ làm ở nhà;

- Mẫu câu: câu kể hoạt động của em ở nhà, câu hỏi việc em làm ở nhà.

- Đọc chữ i, y và từ chỉ 1 âm chính là i, y. Đọc chữ số 2,3;

- Đọc to nghe chung bài đọc có nội dung về hoạt động của em và gia đình ở nhà (thực hiện tài liệu này sách tranh khổ lớn).

- Tô chữ i, y và tô từ chỉ có 1 âm chính là i, y trong vở (Ví dụ: đi, ý...);

- Tô chữ số 2, 3 trong vở.

- Tập bảo quản và giữ gìn đồ dùng học tập;

- Sắp xếp đồ dùng ở góc học tập.

11. Em và bản làng

- Giới thiệu bản làng em, dân tộc em: tên bản làng, tên dân tộc;

- Câu hỏi về bản làng, về dân tộc.

- Từ ngữ chỉ người trong bản làng (người theo độ tuổi);

- Mẫu câu: câu giới thiệu bản làng, dân tộc, câu hỏi về bản làng, dân tộc.

- Đọc chữ k, 1 và từ có âm đầu là k, 1. Đọc chữ số 4, 5;

- Đọc to nghe chung bài đọc có nội dung giới thiệu về văn hóa bản làng (thực hiện tài liệu này là sách tranh khổ lớn).

- Tô chữ k, l và tô từ có âm đầu là k, l. trong vở (Ví dụ: kể, lá);

- Tô chữ số 4,5 trong vở.

- Tập giữ gìn sách, vở;

- Trang trí góc học tập.

12. Em và bản làng

- Giới thiệu những cảnh vật ở bản làng em (núi, suối, cây cối, nương rẫy, nhà cửa...);

- Câu hỏi về cảnh vật ở bản làng em.

- Từ ngữ chỉ cảnh vật ở bản làng;

- Mẫu câu: câu giới thiệu cảnh vật ở bản làng, câu hỏi về cảnh vật ở bản làng, câu hỏi vị trí Ở đâu? Cái gì?

- Đọc chữ m, n và từ có âm đầu là m, n. Đọc chữ số 6,7;

- Đọc to nghe chung về cảnh vật của bản làng (thực hiện tài liệu này là sách tranh khổ lớn).

- Trả lời câu hỏi đọc hiểu đơn giản: Ở đâu? Cái gì?

-Tô chữ m, n và tô từ có âm đầu là m, n. trong vở (Ví dụ: mẹ, na...);

- Tô chữ số 6,7 trong vở.

- Tham gia hoạt động trải nghiệm với lớp;

- Chuẩn bị đồ dùng khi tham gia trải nghiệm với lớp.

13. Em và bản làng

- Kể về công việc của người trong bản làng: trồng rừng, làm nương, chăn nuôi, dệt vải, lễ hội...;

- Câu hỏi về hoạt động của người trong bản làng.

- Từ ngữ chỉ hoạt động, công việc của người trong bản làng ở bản làng;

- Mẫu câu: câu kể hoạt động của người ở bản làng, câu hỏi hoạt động của người ở bản làng, câu hỏi vị trí Ở đâu? câu hỏi thời gian Khi nào?

- Đọc chữ o và từ chỉ có 1 âm chính là o. Đọc chữ số 8,9;

- Đọc to nghe chung bài đọc về hoạt động của người ở bản làng (trồng rừng, làm nương, chăn nuôi, làm nghề thủ công, lễ hội).

- Trả lời câu hỏi đọc hiểu đơn giản: Ở đâu? Khi nào?

- Tô chữ o và tô từ chỉ có 1 âm chính là o trong vở (Ví dụ cỏ, no cỏ...);

- Tô chữ số 8, 9 trong vở.

- Tham gia hoạt động trải nghiệm với lớp;

- Chuẩn bị trang phục khi tham gia trải nghiệm với lớp.

14. Em và thiên nhiên

- Giới thiệu về những con vật ở quanh em;

- Câu hỏi về con vật ở quanh em.

- Từ ngữ chỉ con vật ở quanh em (vật nuôi, con vật sống trong rừng, trong tự nhiên);

- Mẫu câu: câu giới thiệu con vật, câu hỏi vị trí Ở đâu? câu hỏi hoạt động Làm gì?

- Đọc chữ ô, ơ và từ có chữ ô, ơ;

- Đọc to nghe chung bài đọc về con vật ở quanh em (vật nuôi, vật ở trong rừng; trên bầu trời);

- Trả lời câu hỏi đọc hiểu đơn giản: Ở đâu? Làm gì?

- Tô chữ ô, ơ và tô từ ngữ chỉ có âm chính là ô, ơ dưới hình minh họa (Ví dụ: cô, nơ).

- Tập trình bày kết quả học của cá nhân;

- Kĩ năng tìm kiếm sự hỗ trợ trong học tập khi cần thiết từ bạn bè.

15. Em và thiên nhiên

- Giới thiệu về những loài cây, loài hoa quả ở quanh em;

- Câu hỏi về cây cối, hoa quả ở quanh em.

- Từ ngữ chỉ cây cối, hoa và quả ở quanh em;

- Mẫu câu: câu giới thiệu cây cối, hoa và quả, câu hỏi vị trí Ở đâu? câu hỏi đặc điểm Thế nào?

- Đọc chữ p, q và từ có âm đầu là p, q;

- Đọc to nghe chung bài đọc về cây cối, hoa và quả ở quanh em;

- Trả lời câu hỏi đọc hiểu đơn giản: Ở đâu? Thế nào?

- Tô chữ p, q và tô từ ngữ có âm đầu là p, q dưới hình minh họa (Ví dụ: pa - cô, quả...).

- Tập trình bày kết quả học của cá nhân;

- Kĩ năng tìm kiếm sự hỗ trợ trong học tập khi cần thiết từ bạn bè.

16. Em và thiên nhiên

- Kể những việc người dân làm để giữ cho thiên nhiên ở bản làng sạch đẹp, an toàn;

- Câu hỏi về hoạt động bảo vệ môi trường thiên nhiên ở bản làng.

- Từ ngữ chỉ hoạt động của người dân bảo vệ môi trường thiên nhiên ở bản làng;

- Mẫu câu: kể về hoạt động bảo vệ môi trường thiên nhiên ở bản làng, câu hỏi vị trí Ở đâu? câu hỏi hoạt động Làm gì?

- Đọc chữ r, s và từ có âm đầu là r, s;

- Đọc to nghe chung bài đọc về hoạt động bảo vệ môi trường thiên nhiên ở quanh em (trồng cây, bảo vệ thú rừng, chim rừng, dọn rác thải..)

- Trả lời câu hỏi đọc hiểu đơn giản: Ở đâu? Làm gì?

- Tô chữ r, s và tô từ ngữ có âm đầu là r, s dưới hình minh họa (Ví dụ: rổ, sẻ...).

- Tập trình bày kết quả học của nhóm;

- Kĩ năng tìm kiếm sự hỗ trợ trong học tập khi cần thiết từ Thầy Cô.

17. Ước mơ của em

- Kể về những trò chơi, cuộc đi chơi em muốn;

- Hỏi về những trò chơi, cuộc đi chơi em thích.

- Từ ngữ chỉ trò chơi, cuộc đi chơi thú vị của trẻ;

- Mẫu câu: giới thiệu những trò chơi thú vị, câu kể về hoạt động trong cuộc đi chơi thú vị, câu hỏi Trò chơi gì? Đi đâu?

- Đọc chữ t và từ ngữ có âm đầu là t.

- Đọc to nghe chung bài đọc về trò chơi, cuộc đi chơi thú vị của trẻ;

- Trả lời câu hỏi đọc hiểu đơn giản: Trò chơi gì? Đi đâu?

- Tô chữ t và tô từ ngữ có âm đầu là t dưới hình minh họa (Ví dụ: tổ, tạ...).

- Tập trình bày kết quả học của nhóm;

- Kĩ năng tìm kiếm sự hỗ trợ trong học tập khi cần thiết từ Thầy Cô.

18. Ước mơ của em

- Kể về những hoạt động học em thích (vẽ, hát, thể dục, đọc sách, học toán...)

- Hỏi về những hoạt động học em thích.

- Từ ngữ chỉ hoạt động học (vẽ, hát, thể dục thể thao, đọc sách, học toán...)

- Mẫu câu: kể những hoạt động học em thích, câu hỏi Học gì?

- Đọc chữ u, ư và từ ngữ chỉ có 1 âm chính là u, ư.

- Đọc to nghe chung bài đọc về sở thích của trẻ.

- Trả lời câu hỏi đọc hiểu đơn giản: Em có sở thích gì?

- Tô chữ u, ư và tô từ ngữ chỉ có 1 âm chính là u, ư dưới hình minh họa (Ví dụ: su su, củ từ).

- Tham gia các hoạt động chung của lớp: thi đọc thơ, kể chuyện theo sách tranh khổ lớn hoặc truyện tranh, thi hát múa...

- Kĩ năng tìm kiếm sự hỗ trợ trong học tập khi cần thiết từ người thân.

19. Ước mơ của em

- Kể về những nghề em thích làm khi lớn lên;

- Câu hỏi về nghề nghiệp.

- Từ ngữ chỉ nghề nghiệp phổ biến;

- Mẫu câu: kể những hoạt động nghề nghiệp, câu hỏi Làm gì? Ở đâu?

- Đọc chữ v, x và từ có chữ v, x;

- Đọc to nghe chung bài đọc về nghề nghiệp em thích;

- Trả lời câu hỏi đọc hiểu đơn giản: Em thích làm nghề gì?

- Tô chữ v, x và tô từ ngữ có âm đầu là v, x dưới hình minh họa (Ví dụ: vẽ, xô...).

- Tham gia các hoạt động chung của lớp: thi đọc thơ, kể chuyện theo sách tranh khổ lớn hoặc truyện tranh, thi hát múa, thi khéo tay hay làm...;

- Kĩ năng tìm kiếm sự hỗ trợ trong học tập khi cần thiết từ người thân.

20. Ôn tập

- Tự giới thiệu bản thân;

- Kể về gia đình: người thân trong gia đình, nhà ở;

- Kể về hoạt động học em thích.

- Cùng đọc với giáo viên sách tranh khổ lớn;

- Trả lời câu hỏi đọc hiểu đơn giản: Ai? Cái gì? Con gì? Làm gì? Ở đâu?

- Tô chữ cái đã học;

- Tô từ chứa chữ cái đã học dưới hình;

- Tô chữ số đã học.



1 Đọc to nghe chung: Là hình thức giáo viên đọc cho trẻ nghe. Trong quá trình đọc giáo viên tương tác với trẻ giúp trẻ làm quen, nhận biết với nhân vật, sự kiện được đề cập trong câu chuyện.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 23/2023/TT-BGDĐT quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 23/2023/TT-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/12/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Ngô Thị Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1329 đến số 1330
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản