Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 223-VH/TT

Hà Nội, ngày 17 tháng 05 năm 1961

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 25-CP NGÀY 24-02-1961 (ĐĂNG CÔNG BÁO SỐ 08 NGÀY 08-03-1961) VỀ CHẾ ĐỘ NHUẬN BÚT TRẢ CHO NHỮNG TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT, KHOA HỌC, KỸ THUẬT

Chế độ nhuận bút trả cho những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật là một bộ phận trong chính sách của Đảng và Chính phủ nhằm khuyến khích nghiên cứu, sáng tác, phát minh trong văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật. Như vậy có nghĩa là ngoài chế độ nhuận bút ra, còn nhiều chính sách chế độ nữa ví dụ; chế độ cho văn nghệ sĩ vay tiền để sáng tác, chế độ cho văn nghệ sĩ hàng năm được nghỉ công tác 3 tháng để sáng tác v.v… cũng là nhằm tạo thêm điều kiện thuận lợi cho tác giả sáng tác tốt.

Từ ngày hòa bình được lập lại, chế độ nhuận bút của một số ngành văn học, nghệ thuật đã được nghiên cứu và quy định, nên đến nay đã căn bản bảo đảm được quyền lợi của tác giả, và có tác dụng khuyến khích công tác sáng tác và nghiên cứu trong mấy năm nay.

Điều đó đã được thể hiện trong bản quy định tạm thời về chế độ nhuận bút sách trước đây hoặc nhuận bút trả cho kịch bản sân khấu đã căn bản bảo đảm những điều kiện cần thiết cho đời sống và tạo thêm một phần những phương tiện cần thiết cho tác giả yên tâm làm việc đẩy mạnh sáng tác và nâng cao chất lượng tác phẩm.

Tuy vậy chế độ ấy còn có chỗ chưa hợp lý. Mức độ nhuận bút đối với từng ngành văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật chưa cân đối, sự phân biệt về giá trị của các loại tác phẩm chưa đúng mức.

Về nghệ thuật, nhuận bút trả cho kịch bản sân khấu còn san bằng, không phân biệt giá trị tư tưởng và nghệ thuật của từng kịch bản, nhất loạt trả cho tác giả 6% số tiền doanh thu biểu diễn, không phân biệt kịch bản đó thuộc loại sáng tác hay thuộc loại cải biên, phóng tác, chỉnh lý, chuyển thể. Vì vậy nên không có tác dụng khuyến khích tác giả nâng cao chất lượng tác phẩm.

Về xuất bản chưa khuyến khích đúng mức những sách có giá trị: vì những sách sáng tác thuộc loại nghiên cứu cao và có giá trị thường được in ra ít do trình độ số đông người đọc còn thấp tiền nhuận bút vì vậy bị thấp, không tương xứng với giá trị của tác phẩm; trái lại những sách thuộc loại chỉnh biên v.v… do số lượng in ra được nhiều, nên mức nhuận bút thường cao hơn sách sáng tác và nghiên cứu.

Nhuận bút trả cho các tác phẩm về chính trị và khoa học thường thấp hơn nhuận bút trả cho các tác phẩm về văn nghệ. Có nhà xuất bản đã trả nhuận bút cho sách chính trị chỉ bằng 50% số tiền nhuận bút trả cho sách văn nghệ, mặc dù những sách chính trị đó rất có giá trị.

Một số ngành âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, hội họa, điêu khắc, mỹ nghệ, múa, xiếc v.v… vì chưa quy định chế độ nhuận bút, nên có nơi trả nhuận bút cao, nơi trả nhuận bút thấp, có nơi không trả nhuận bút, có thể gây ảnh hưởng không hay đến việc phổ cập và nâng cao những ngành nghệ thuật ấy.

Trên đây là nêu lên một vài nét về tình hình trả nhuận bút của các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc ở trung ương sử dụng những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật. Còn các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc ở địa phương sử dụng những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, nhiều nơi không trả nhuận bút cho tác giả có những tác phẩm đó. Trừ ngành xuất bản sách ở các khu Tự trị Việt Bắc, Thái Mèo và ngành kịch bản sân khấu có trả nhuận bút, nhưng còn tính theo lối san bằng, không phân biệt giá trị tư tưởng và nghệ thuật.

Việc trả nhuận bút cho những tác phẩm của tác giả trong và ngoài biên chế cũng như tác giả trong biên chế sáng tác, chỉnh biên, dịch v.v… trong kế hoạch công tác và ngoài kế hoạch công tác chưa được phân định rõ ràng, nên những nơi sử dụng những tác phẩm của tác giả ấy, cò nơi trả đủ, có nơi trả một phần và cũng có nơi không trả nhuận bút. Vì vậy nên ảnh hưởng đến tư tưởng của những tác giả ấy.

Sỡ dĩ có trình trạng đó là do:

1. Quan niệm về sáng tác nghệ thuật, phát minh, sáng chế khoa học, kỹ thuật chưa đúng mức, lãnh đạo thực hiện chế độ nhuận bút chưa chặt chẽ.

2. Chưa kịp thời nghiên cứu ban hành chế độ nhuận bút trả cho những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật chưa toàn diện và thống nhất.

Nguyên tắc chung của chế độ nhuận bút trả cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật

Quán triệt nguyên tắc xã hội chủ nghĩa phân phối theo lao động (làm tốt, làm nhiều được hưởng cao, hưởng nhiều, làm kém, làm ít được hưởng thấp, hưởng ít) để xây dựng chế độ nhuận bút nhằm đền đáp công lao sáng tác nghiên cứu một cách xứng đáng và khuyến khích tài năng phát huy sức sáng tạo ngày thêm dồi dào đồng thời phù hợp với điều kiện của nền kinh tế và của đời sống chung trong nước; cần phải tránh hạ nhuận bút quá thấp, vì như thế không lợi cho việc khuyến khích sáng tác và nâng cao chất lượng tác phẩm; đồng thời phải tránh nâng nhuận bút quá cao gây ra sự chênh lệch quá đáng và hạn chế việc phổ biến các tác phẩm.

Tác giả có tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật được các cơ quan của Nhà nước và các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc sử dụng thì được trả tiền nhuận bút, tức là tiền đền bù sức lao động tiêu phí khi sáng tác ra tác phẩm, mà những tác phẩm ấy có giá trị là do trí óc sáng tạo ra để truyền bá tư tưởng, tình cảm, nâng cao kiến thức phổ thông của quần chúng và cũng là tài sản văn hóa của dân tộc. Công việc sáng tạo ra những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật đòi hỏi công phu nghiên cứu lâu dài và lao động sáng tác phức tạp. Vì vậy khi nơi sử dụng tác phẩm trả nhuận bút cho tác giả trước hết phải bảo đảm những điều kiện cần thiết cho đời sống và những phương tiện cần thiết cho tác giả yên tâm làm việc đẩy mạnh sáng tác đó là một cách đền đáp công lao sáng tác và nghiên cứu thiết thực.

2. Định nhuận bút một tác phẩm được xuất bản hoặc được biểu diễn v.v… chú ý phải căn cứ vào chất lượng cao hay thấp của tác phẩm ấy, tức là căn cứ vào giá trị tư tưởng và nghệ thuật của nó. Ngoài ra định nhuận bút một tác phẩm còn phải nghiên cứu khối lượng lao động, tính chất phức tạp và quan trọng của chủ đề; nhưng chủ yếu vẫn là căn cứ vào chất lượng của tác phẩm đó.

Còn lao động nhiều hưởng nhiều, lao động ít hưởng ít, việc khó và phức tạp hưởng mức cao, việc dễ và giản đơn hưởng mức thấp, nó đã được thể hiện ở giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm ấy rồi. Đó là sự thể hiện đúng đắn nguyên tắc xã hội chủ nghĩa phân phối theo lao động đem vận dụng vào việc trả nhuận bút cho những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật.

3. Chế độ nhuận bút một mặt phải bảo đảm trả cho tác giả một số tiền gốc gọi là nhuận bút cơ bản tương xứng với giá trị và công lao sáng tác tác phẩm, tức là tiền đền bù công sức lao động của tác giả sáng tạo ra tác phẩm mà trước hết là bảo đảm những điều kiện cần thiết cho đời sống để tác giả tiếp tục sáng tác những tác phẩm khác được thuận lợi. Mặt khác cũng phải tính theo tỷ lệ % (phần trăm) của nhuận bút cơ bản mà trả nhuận bút cho cả số lưọng tác phẩm được in ra và số lượt biểu diễn lại v.v… nhằm khuyến khích những tác phẩm có giá trị được sử dụng nhiều lần và lâu dài; là vì trong thực tế có tác phẩm được sử dụng nhiều lần và lâu dài, và ngược lại cũng có tác phẩm chỉ được sử dụng một vài lần, có tác phẩm có một số lượng đáng kể, mà cũng có một số tác phẩm có số lượng không đáng kể.

Nếu chỉ trả nhuận bút cơ bản thì sẽ hạn chế tác dụng khuyến khích những tác phẩm có một số lượng đáng kể hoặc những tác phẩm được sử dụng nhiều lần và lâu dài. Vì vậy những tác phẩm ấy thường là những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật và có nhiều tác dụng phục vụ với một đối tượng quần chúng rộng lớn và lâu dài, nên cần được khuyến khích hơn, cho nên ngoài nhuận bút cơ bản ra, còn trả thêm nhuận bút về số lượng, nhưng mức trả thêm đó thường thấp hơn nhuận bút cơ bản, vì nhuận bút về số lượng chỉ là khuyến khích thêm, cho nên không thể hưởng cao hơn nhuận bút cơ bản nhiều được, bởi vậy phải tính theo tỷ lệ % (phần trăm) giảm dần của nhuận bút cơ bản, cốt để làm cho việc trả thêm đó được đúng mức và hợp lý, chứ không có nghĩa là cắt xén tiền nhuận bút về số lượng của tác giả.

Có những tác phẩm không có số lượng thì chỉ hưởng nhuận bút cơ bản mà thôi, ví dụ: tranh chỉ vẽ một vài bức, mà không in ra hàng loạt.

Nói tóm lại nhuận bút trả cho tác giả có 2 mặt: một mặt trả nhuận bút cơ bản; mặt khác trả nhuận bút về số lượng; 2 mặt nhuận bút ấy là một cách thức tính toán áp dụng riêng để trả nhuận bút cho lao động sáng tác, tức là trả theo khối lượng và chất lượng lao động và đó cũng là sự thể hiện nguyên tắc hưởng thụ theo lao động dưới chế độ xã hội chủ nghĩa một cách đúng đắn.

4. Cùng một tác phẩm được sử dụng dưới hình thức nào thì nhuận bút sẽ được tính theo hình thức đó. Ví dụ: một kịch bản về điện ảnh hoặc sân khấu đã được hưởng nhuận bút cơ bản theo hình thức sân khấu hoặc điện ảnh rồi, nếu kịch bản đó được in ra thành sách, thì lại được hưởng nhuận bút theo chế độ nhuận bút trả cho sách và ngược lại, một tác phẩm văn học đã được in ra thành sách được hưởng nhuận bút theo hình thức sách rồi, nếu sau đó được sử dụng làm kịch bản của sân khấu hoặc điện ảnh thì tác phẩm đó vẫn được hưởng nhuận bút về sân khấu hoặc điện ảnh.

Sỡ dĩ một tác phẩm được sử dụng dưới hình thức nào thì nhuận bút sẽ được tính theo hình thức đó, là vì trong thực tế những tác phẩm ấy thường có chất lượng cao được sử dụng nhiều lần và lâu dài, nên cần được khuyến khích để phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức.

Đối với tác giả có tác phẩm nguyên bản tức là tác phẩm viềt đầu tiên bằng thơ, tiểu thuyết hoặc kịch bản sân khấu, điện ảnh nếu được người khác dùng tác phẩm ấy để cải biên hoặc chuyển thể v.v… thì nơi sử dụng tác phẩm ấy ngoài việc trả nhuận bút cho người cải biên hoặc chuyển thể đầy đủ rồi, còn phải trả cho tác giả có tác phẩm nguyên bản đó một số tiền nhuận bút từ 20% đến 30% số tiền nhuận bút cơ bản của người cải biên hoặc chuyển thể đó.

Sở dĩ người cải biên, chuyển thể v.v… hưởng mức tiền nhuận bút cơ bản thấp hơn sáng tác là vì tác phẩm thuộc loại cải biên, chuyển thể về công phu xây dựng cơ bản thường ít hơn tác phẩm sáng tác và chính nhờ có tác phẩm nguyên bản tức là tác phẩm viết đầu tiên mà tác giả cải biên, chuyển thể dựa vào tác phẩm ấy nên có điều kiện thuận lợi để hoàn thành tác phẩm cải biên hoặc chuyển thể của mình được nhanh chóng hơn. Còn tác giả có tác phẩm nguyên bản mà được khác dùng tác phẩm ấy để cải biên,chuyển thể thì vẫn được nơi sử dụng tác phẩm ấy trả thêm tiền nhuận bút từ 20% đến 30% số tiền nhuận bút cơ bản, vì là tác phẩm nguyên bản được sử dụng sang một hình thức khác thì tác dụng phục vụ của tác phẩm ấy nhiều hơn nên cần được khuyến khích hơn.

5. a) Tác giả ngoài biên chế được hưởng hoàn toàn nhuận bút về tác phẩm của mình là vì tác giả ấy hoàn toàn sống bằng lao động sáng tạo của mình.

b) Tác giả trong biên chế mà sáng tác, chỉnh biên, dịch v.v… trong kế hoạch công tác của mình thì cũng được hưởng hoàn toàn nhuận bút về tác phẩm của mìnhnhu tác giả ngoài biên chế là vì tác giả đó làm việc ngoài nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước hoặc do các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc nhân công cũng giống như người công nhân làm việc ngoài giờ hành chính và ngoài nhiệm vụ do xí nghiệp trực tiếp phụ trách quản lý phân công cho mình.

Còn tác giả trong biên chế mà sáng tác, chỉnh biên, chuyển thể v.v…trong kế hoạch công tác của mình thì không được hưởng nhuận bút, vì tác giả ăn lương cốt để làm việc đó; nhưng để khuyến khích tác giả làm tốt, các cơ quan sử dụng tác phẩm sẽ trích từ 5% đến 20% nhuận bút cơ bản tùy theo giá trị của tác phẩm để trả thêm cho tác giả đó.

Trong kế hoạch công tác tức là trong phạm vi công tác mà cơ quan Nhà nước và các đoàn thể trong Mặt trân Tổ quốc phân công cho mình và thường tác phẩm ấy viết trong giờ hành chính. Những tác phẩm viết trong kế hoạch công tác thường là tác giả ăn lương để chuyên trách sáng tác hoặc là vừa làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, biên tập lại kiêm sáng tác. Có khi có cán bộ làm một việc chuyên môn nào đó, được cơ quan đoàn thể trực tiếp phụ trách quản lý phân công chuyên trách sáng tác một tác phẩm nào đó, trong một thời gian nhất định và làm việc trong giờ hành chính thì tác phẩm ấy vẫn coi như là viết trong kế hoạch công tác.

Những cơ quan đoàn thể nào có tác giả viết trong kế hoạch công tác thì cần xét định kế hoạch công tác cho từng tác giả ấy được đúng mức và hợp lý tùy theo trình độ và khả năng công tác của từng tác giả. Ví dụ: Kế hoạch công tác của tác giả A phải hoàn thành một kịch bản trungb bình với thời gian là một năm. Nếu sau này kịch bản đó được sử dụng và được cơ quan hoặc đoàn thể của tác giả ấy công nhận thì coi như tác giả ấy hoàn thành kế hoạch đó công tác trong năm đó. Trường hợp kịch bản đó viết 8 tháng đã hoàn thành và được cơ quan của tác giả đó công nhận thì 4 tháng còn lại của năm đó, nếu tác giả có sáng tác thêm thì các tác phẩm viết sau coi như viết ngoài kế hoạch công tác.

Còn những cơ quan đoàn thể nào có tác giả viết trong kế hoạch công tác mà hiện nay chưa có kế hoạch công tác cho tác giả đó, thì cần được quy định kế hoạch công tác cho từng tác giả một cách tương đối. Nếu không quy định được kế hoạch công tác tức là không có cơ sở để phân biệt sáng tác trong hay ngoài kế hoạch công tác.

6. Thành lập một quỹ cho vay để trả nhuận bút của ngành sân khấu ở trung ương cũng như ở địa phương. Quỹ nào do Bộ Văn hóa và Bộ Tài chính quản lý và giám đốc việc sử dụng (cho vay và thu hồi số tiền cho vay).

Sỡ dĩ thành lập quỹ cho vay này là nhằm khuyến khích tác giả nâng cao chất lượng tác phẩm và tạo thêm điều kiện thuận lợi cho tác giả của ngành sân khấu sáng tác tốt, là vì trước đây nhuận bút trả cho kịch bản sân khấu còn tính theo lối san bằng, nhất loạt trả 6% số tiền doanh thu biểu diễn, không phân biệt kịch bản thuộc loại sáng tác với kịch bản thuộc loại cải biên, phóng tác, chỉnh lý, chuyển thể nên không có tác dụng khuyến khích tác giả nâng cao chất lượng tác phẩm.

Đến nay cần đảm bảo cho tác giả của ngành sân khấu có một số tiền gốc tương xứng với giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm ấy, nên cần phải thành lập một quỹ cho vay nói trên để có một số tiền ứng trước mà trả nhuận bút cơ bản.

7. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ cách mạng và sự phát triển của văn học nghệ thuật và khoa học kỹ thuật trong từng thời kỳ nhất định, chế độ nhuận bút có thể định mức cao hơn cho một số loại tác phẩm cần được khuyến khích nhiều hơn, nhưng không vì thề mà gây chênh lệch quá đáng giữa các loại với nhau. Việc trả nhuận bút để khuyến khích sáng tác phải bảo đảm phát triển nhịp nhàng giữa các ngành văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật cũng như giữa các ngành hoạt động văn hóa với các ngành hoạt động khác trong xã hội.

Xuất phát từ chỗ tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật phục vụ theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ nhất định, nên những tác phẩm ấy phải được phát triển toàn diện cân đối, nhịp nhàng để bảo đảm quan hệ chung và tránh trình trạng ngành thì phát triển nhanh, ngành thì phát triển chậm sẽ làm ảnh hưởng lẫn nhau, ví dụ: ngành kịch bản bao gồm kịch nói, kịch hát v.v…về công phu xây dựng cơ bản cho kịch nói cũng như kịch hát tương tự nhau, thế mà trước đây kịch hát thường được nhiều tiền nhuận bút hơn kịch nói, nên đã có một số tác giả kịch nói chuyển sang viết kịch hát, mà kịch nói trước đây cũng như từ nay về sau vẫn là bộ môn quan trọng của ngành sân khấu.

Để bảo đảm sự phát triển nhịp nhàng cân đối giữa các ngành văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật nên có một số loại tác phẩm cần được khuyến khích nhiều hơn, ví dụ: các loại sách viết cho thiếu nhi ngoài việc hưởng đủ tiền nhuận bút cơ bản rồi còn được trả thêm 5% tiền nhuận bút cơ bản nữa. Tỷ lệ trả thêm đó, một mặt có tác dụng khuyến khích cho các loại sách viết cho thiếu nhi phát triển hơn, mặt khác không gây chênh lệch quá đáng và không làm ảnh hưởng đến sự phát triển cân đối giữa các loại sách với nhau, cũng là để bảo đảm sự phát triển nhịp nhàng và cân đối giữa các ngành văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật với nhau.

Trên đây là một số điểm cần được giải thích trong nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về chế độ nhuận bút trả cho những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đức Quỳ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 223-VH/TT năm 1961 giải thích Nghị quyết 25-CP (đăng Công báo số 08 ngày 08-03-1961) về chế độ nhuận bút trả cho những tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật do Bộ Văn hoá ban hành

  • Số hiệu: 223-VH/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/05/1961
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá
  • Người ký: Nguyễn Đức Quỳ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 23
  • Ngày hiệu lực: 01/06/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản