Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/TT-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 1996

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 22/TT-LĐTBXH NGÀY 8 THÁNG 11 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN VIỆC KHAI BÁO, ĐĂNG KÝ VÀ XIN CẤP GIẤY PHÉP SỬ DỤNG CÁC LOẠI MÁY, THIẾT BỊ, VẬT TƯ VÀ CÁC CHẤT CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG

Căn cứ Điều 96, 185 và 186 của Bộ luật Lao động ngày 23/6/1994;
Căn cứ Nghị định số 96/CP ngày 7/12/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc khai báo, đăng ký và xin cấp giấy phép sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

Tất cả các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhận (gọi tắt là cơ sở) dưới đây có sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất (gọi tắt là các đối tượng) có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, đều phải thực hiện việc khai báo, đăng ký và xin cấp giấy phép sử dụng với cơ quan Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động:

- Các doanh nghiệp nhà nước;

- Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, các hợp tác xã, tổ sản xuất, các tổ chức, cá nhân;

- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp;

- Các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam;

- Các đơn vị sự nghiệp, kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể nhân dân và tổ chức chính trị, xã hội khác;

- Các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội khác.

II. KHAI BÁO, ĐĂNG KÝ VÀ XIN CẤP GIẤY PHÉP SỬ DỤNG CÁC LOẠI MÁY, THIẾT BỊ, VẬT TƯ VÀ CÁC CHẤT CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG

1. Khai báo:

a. Khai báo là sự kê khai, báo cáo của cơ sở với Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về số lượng, chất lượng và mục đích sử dụng các đối tượng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

b. Đối tượng phải khai báo bao gồm: các đối tượng thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 1 được ban hành kèm theo Thông tư này mà chưa được khai báo, đăng ký và cấp giấy phép sử dụng hoặc đã được khai báo, đăng ký và cấp giấy phép sử dụng nhưng chuyển đến cơ sở khác.

c. Thủ tục khai báo.

Các cơ sở phải khai báo các đối tượng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 được ban hành kèm theo Thông tư này với Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động theo quy định sau:

- Cơ sở (trừ cơ sở thuộc khu chế xuất) phải khai báo các đối tượng theo thứ tự từ 1 đến 16 của danh mục tại Phụ lục 1 được ban hành kèm theo Thông tư này với Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi lưu giữ và sử dụng đối tượng của cơ sở đó để được xem xét cấp giấy phép;

- Cơ sở phải khai báo các đối tượng theo thứ tự từ 17-22 của danh mục tại Phụ lục 1 được ban hành kèm theo Thông tư này với Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được xem xét, cấp giấy phép.

- Cơ sở thuộc các khu chế xuất phải khai báo tất cả đối tượng thuộc danh mục tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này với Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được xem xét cấp giấy phép.

2. Xin cấp giấy phép sử dụng

a. Xin cấp giấy phép sử dụng là thủ tục hành chính bắt buộc thực hiện đối với các cơ sở trước khi đưa vào sử dụng các đối tượng thuộc danh mục được quy định tại Phụ lục 1 được ban hành kèm theo Thông tư này.

b. Đối tượng mà cơ sở phải xin cấp giấy phép sử dụng bao gồm:

- Đối tượng thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 1 được ban hành kèm theo Thông tư này chưa được Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động cấp giấy phép;

- Đối tượng đã được cấp giấy phép sử dụng mà sau đó được tiến hành trung tu, đại tu và cải tạo;

- Đối tượng thuộc loại lắp đặt cố định đã được cấp giấy phép mà sau đó được chuyển đến lắp đặt ở địa điểm khác hoặc từ cơ sở khác chuyển đến.

c. Thủ tục xin cấp giấy phép sử dụng:

Cơ sở gửi hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng tới Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động theo quy định như sau:

+ Cấp giấy phép lần đầu:

Cơ sở gửi hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng lần đầu tới Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động nơi đã nhận đơn khai báo. Hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng bao gồm:

- Đơn xin cấp giấy phép sử dụng theo mẫu tại Phụ lục 3 được ban hành kèm theo Thông tư này;

- Lý lịch máy, thiết bị (kèm theo các bản vẽ);

- Quy trình vận hành, lắp đặt (nếu có) và xử lý sự cố;

- Biên bản kiểm định kỹ thuật an toàn của Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn được thành lập theo quyết định hoặc theo sự thoả thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

+ Gia hạn giấy phép:

Trước khi hết hạn một tháng cơ sở gửi hồ sơ xin gia hạn giấy phép sử dụng tới Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động nơi đã cấp giấy phép lần gần nhất. Hồ sơ xin gia hạn giấy phép sử dụng bao gồm:

- Đơn xin gia hạn giấy phép theo mẫu được quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Giấy phép sử dụng đã được cấp lần gần nhất;

- Biên bản kiểm định kỹ thuật an toàn ứng với thời gian xin cấp giấy phép của Trung tâm kiểm định kỹ thuật toàn được thành lập theo Quyết định hoặc theo sự thoả thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Bản bổ sung lý lịch thiết bị (nếu có).

+ Cấp lại giấy phép:

Việc cấp lại giấy phép áp dụng cho các trường hợp sau:

- Sau khi trung tu, đại tu và cải tạo theo quy định của các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn;

- Từ cơ sở khác chuyển đến;

- Sau khi lắp đặt đối tượng thuộc loại lắp đặt cố định ở địa điểm mới.

Cơ sở phải gửi hồ sơ xin cấp lại giấy phép tới Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động theo quy định tại điểm c mục 1 phần II của Thông tư này. Hồ sơ xin cấp lại giấy phép bao gồm:

- Đơn xin cấp lại giấy phép theo mẫu được quy định tại Phụ lục 3 được ban hành kèm theo Thông tư này;

- Giấy phép đã được cấp lần gần nhất;

- Lý lịch máy, thiết bị (kèm theo các bản vẽ). Trường hợp sau khi trung tu, đại tu hoặc cải tạo phải kèm theo tài liệu kỹ thuật có liên quan;

- Quy trình vận hành, lắp đặt (nếu có) và xử lý sự cố;

- Biên bản kiểm định kỹ thuật an toàn của Trung tâm kiểm định kỹ thuật toàn được thành lập theo quyết định hoặc theo sự thoả thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Đăng ký và cấp giấy phép sử dụng

a. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ xin cấp giấy phép của cơ sở, Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động xem xét, đăng ký và cấp giấy phép. Trường hợp không có đủ điều kiện cấp giấy phép Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động thông báo cho cơ sở bằng văn bản nêu rõ lý do để cơ sở khắc phục các sai sót.

b. Giấy phép sử dụng.

Giấy phép sử dụng do Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động cấp là giấy phép được ban hành kèm theo Quyết định số 1407/QĐ-LĐTBXH ngày 8 tháng 11 năm 1996 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Những giấy phép do Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động đã cấp trước khi ban hành Thông tư này vẫn còn hiệu lực cho đến hết hạn giấy phép.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm:

a. Tổ chức triển khai thực hiện đăng ký và cấp giấy phép theo thẩm quyền được giao tại Thông tư này.

b. Hướng dẫn, kiểm tra việc đăng ký và cấp giấy phép của Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động thuộc các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

c. Định kỳ tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình đăng ký và cấp giấy phép trong phạm vi cả nước. 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm chỉ đạo Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động thuộc Sở thực hiện các nhiệm vụ sau:

a. Tổ chức triển khai thực hiện việc đăng ký và cấp giấy phép theo thẩm quyền được giao tại Thông tư này.

b. Hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc khai báo đăng ký và xin cấp giấy phép sử dụng đối với các cơ sở trên địa bàn địa phương.

c. Định kỳ hàng quý báo cáo Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình khai báo, đăng ký và cấp giấy phép sử dụng ở địa phương.

Trước mắt những Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương chưa có khả năng thực hiện nhiệm vụ được quy định tại khoản 2 mục III của Thông tư này phải báo cáo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Những nhiệm vụ này sẽ do Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện.

Các Bộ, Ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở thuộc quyền thực hiện việc khai báo, đăng ký và xin cấp giấy phép theo đúng quy định của Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.

Những quy định trước đây về khai báo, đăng ký và cấp giấy phép sử dụng các đối tượng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đều bãi bỏ.

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

PHỤ LỤC 1:

DANH MỤC CÁC LOẠI MÁY, THIẾT BỊ, VẬT TƯ VÀ CÁC CHẤT CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG
(Kèm theo Thông tư số 22/TT-LĐTBXH ngày 8 tháng 11 năm 1996 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

1. Nồi hơi các loại (bao gồm cả bộ quá nhiệt và bộ hâm nước) có áp suất làm việc định mức của hơi trên 0,7 kg/cm2.

2. Nồi đun nước nóng có nhiệt độ môi chất lớn hơn 115 độ C;

3. Các bình chịu áp lực có áp suất làm việc định mức cao hơn 0,7 kg/cm2 (không kể áp suất thuỷ tĩnh), trừ các bình có dung tích nhỏ hơn 25 lít nếu tích số giữa dung tích (tính bằng lít) với áp suất (tính bằng kg/cm2) không lớn hơn 200 và các bình không làm bằng kim loại;

4. Bể (xitéc) và thùng dùng để chứa, chuyên chở khí hoá lỏng hoặc các chất lỏng có áp suất làm việc cao hơn 0,7 kg/cm2 hoặc chất lỏng, chất rắn dạng bột không có áp suấtnhưng khi tháo ra dùng khí có áp suất cao hơn 0,7 kg/cm2;

5. Hệ thống lạnh các loại, trừ hệ thống lạnh có môi chất làm việc bằng nước, không khí; hệ thống lạnh có lượng môi chất nạp vào nhỏ hơn 5 kg đối với môi chất làm lạnh thuộc nhóm 1, nhỏ hơn 2,5 kg đối với môi chất làm lạnh thuộc nhóm 2 (theo phân loại tại tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4206-86);

6. Đường ống dẫn hơi nước, nước nóng cấp một và 2 có đường kính ngoài từ 51 mm trở lên, các đường ống dẫn cấp III và cấp IV có đường kính ngoài từ 76 mm trở lên (theo phân loại tại quy phạm Việt Nam QPVN 09-77);

7. Các đường ống dẫn khí đốt;

8. Cần trục các loại: Cần trục ôtô, cần trục bánh lốp, cần trục bánh xích, cần trục đường sắt, cần trục tháp, cần trục chân đế, cần trục công xôn, cần trục thiếu nhi;

9. Cầu trục: cầu trục lăn, cầu trục treo;

10. Cổng trục: cổng trục, nửa cổng trục;

11. Trục cáp;

12. Palăng điện;

13. Xe tời điện chạy trên ray;

14. Tời điện dùng để nâng tải theo phương thẳng đứng;

15. Tời (thủ công, điện) dùng để nâng người;

16. Máy vận thăng;

17. Chai dùng để chứa, chuyên chở khí nén, khí hoá lỏng, khí hoà tan có áp suất làm việc cao hơn 0,7 KG/cm2;

18. Hệ thống điều chế, nạp khí, khí hoá lỏng, khí hoà tan;

19. Thang máy các loại;

20. Thang cuốn;

21. Các loại thuốc nổ;

22. Phương tiện nổ (kíp, dây nổ, dây cháy chậm...)

PHỤ LỤC 2:

MẪU ĐƠN BÁO ĐỐI TƯỢNG CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG
(Kèm theo Thông tư số 22/TT-LĐTBXH ngày 8 tháng 11 năm 1996 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

(TÊN CƠ SỞ.........) Số:.......

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

V/v khai báo đối tượng

có yêu cầu nghiêm ngặt

về an toàn lao động .... ngày.... tháng.....năm 199

Kính gửi: Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động

(Bộ hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

- Căn cứ Thông tư số 22/TT-LĐTBXH ngày 8/11/1996 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn khai báo, đăng ký và xin cấp giấy phép sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiệm ngặt về an toàn lao động;

- Đơn vị hoặc cá nhân: (Ghi rõ tên đơn vị hoặc người khai báo)

Trụ sở chính................................................

Điện thoại..................... Fax..........................

Xin khai báo các loại đối tượng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sau đây:

Số TT

Tên đối tượng có yêu cầu nghiêm ngặt về an

Mã hiệu

Năm sản

Đặc tính kỹ thuật

Mục đích sử dụng

toàn lao động

xuất

Thiết kế

Thực tế

Cơ sở ký tên và đóng dấu

Ghi chú: Trong phần đặc tính kỹ thuật

- Đối với nồi hơi ghi rõ áp suất làm việc, công suất hơi, loại nhiên liệu đốt.

- Đối với thiết bị chịu áp lực ghi rõ áp suất làm việc, dung tích, môi chất làm việc;

- Đối với máy lạnh ghi rõ công suất, loại môi chất làm việc;

- Đối với thiết bị nâng ghi rõ trọng tải, tầm với;

- Đối với thang máy ghi rõ sức chứa, vận tốc;

- Đối với vật liệu nổ ghi rõ công nổ, tốc độ nổ, khả năng truyền nổ, thời gian bảo quản.

PHỤ LỤC 3:

MẪU ĐƠN XIN CẤP (CẤP LẠI HOẶC GIA HẠN) GIẤY PHÉP SỬ DỤNG CÁC ĐỐI TƯỢNG CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG
(Kèm theo Thông tư số 22/TT-LĐTBXH ngày 08 tháng 11 năm 1996 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

(TÊN CƠ SỞ......) Số:...........

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

.... ngày..... tháng.... năm 199...

ĐƠN XIN CẤP (CẤP LẠI HOẶC GIA HẠN) GIẤY PHÉP SỬ DỤNG CÁC ĐỐI TƯỢNG CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG

Kính gửi: Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động

(Bộ hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

- Căn cứ Thông tư số 22/TT-LĐTBXH ngày 8/11/1996 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn khai báo, đăng ký và cấp giấy phép sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiệm ngặt về an toàn lao động;

Đơn vị hoặc cá nhân: (ghi rõ tên đơn vị hoặc người xin cấp giấy phép)

Trụ sở chính:....................................................

Điện thoại:................... Fax...............................

Xin cấp giấy phép sử dụng cho các đối tượng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sau (kèm theo hồ sơ xin cấp giấy phép):

Số TT

Tên đối tượng có yêu cầu nghiêm

Mã hiệu

Năm sản

Đặc tính kỹ thuật

Mục đích sử dụng

Lý do xin cấp giấy

ngặt về an
toàn lao động

xuất

Thiết kế

Thực tế

phép

Đề nghị Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động xem xét và cấp giấy phép sử dụng cho các đối tượng trên.

Cơ sở ký tên và đóng dấu

Ghi chú: Trong phần đặc tính kỹ thuật

- Đối với nồi hơi ghi rõ áp suất làm việc, công suất hơi, loại nhiên liệu đốt.

- Đối với thiết bị chịu áp lực ghi rõ áp suất làm việc, dung tich, môi chất làm việc;

- Đối với máy lạnh ghi rõ công suất, loại môi chất làm việc;

- Đối với thiết bị nâng ghi rõ trọng tải, tầm với;

- Đối với thang máy ghi rõ sức chứa, vận tốc;

- Đối với vật liệu nổ ghi rõ công nổ, tốc độ nổ, khả năng truyền nổ, thời gian bảo quản.