Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/GD-ĐT

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 1996

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 22/GD-ĐT NGÀY 30 THÁNG 9 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 90/CP NGÀY 15 THÁNG 12 NĂM 1995 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ "QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ HỌC NGHỀ"

Ngày 15/12/1995, Chính phủ ra Nghị định số 90/CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về học nghề. Trong Điều 1 Chương I "Những quy định chung" của Nghị định 90 ngày 15/12/1995 "quy định hệ thống trường nghề chính quy và các cơ sở dạy nghề đào tạo dài hạn, ngắn hạn do Bộ Giáo dục và đào tạo quản lý không thuộc phạm vi áp dụng của Nghị định này".

Theo tinh thần đó, Thông tư này Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ hướng dẫn những cơ sở đào tạo nghề nào là thuộc phạm vi mà Nhà nước giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

I. NHỮNG HÌNH THỨC HỌC NGHỀ THUỘC HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN

1- ở Điều 1 trong Nghị định 90/CP ngày 24/11/1993 của Chính phủ quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng chứng chỉ về giáo dục và đào tạo của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nói rõ đào tạo nghề là một trong năm phân hệ của hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất. Cụ thể của cơ cấu hệ thống đó là:

a) Giáo dục mầm non: nhà trẻ, mẫu giáo

b) Giáo dục phổ thông: tiểu học, trung học cơ sở, trung học chuyên ban

c) Giáo dục chuyên nghiệp: Trung học chuyên nghiệp, trung học nghề, đào tạo nghề.

d) Giáo dục đại học: cao đẳng, đại học, sau đại học.

e) Giáo dục thường xuyên.

2. Đào tạo nghề bao gồm: đào tạo nghề tại các trường dạy nghề, đào tạo nghề tại các lớp dạy nghề của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ quan, đào tạo nghề tại các trung tâm dạy nghề và tư nhân đào tạo nghề.

Tuỳ theo mục tiêu đào tạo, thời gian học để người học có thể chọn cơ sở đào tạo nghề phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình.

3. ở Điều 2 Nghị định 90/CP ngày 24/11/1993 quy định: xét về trách nhiệm quản lý, điều hành và đầu tư chính về cơ sở vật chất, có 4 loại hình trường, lớp, trung tâm dạy nghề là: Công lập, bán công, dân lập và tư thục.

Đặc điểm lớn nhất của những loại trường, lớp, trung tâm dạy nghề này như sau:

Đặc điểm trường lớp, TTDN

Trách nhiệm quản lý điều hành và đầu tư chính về cơ sở vật chất

Trách nhiệm chính về trả lương chi dùng thường xuyên

Ghi chú

1. Công lập

Nhà nước

Nhà nước

2. Bán công

Nhà nước

Nhà trường, lớp, TTDN tự quản thu chi

3. Dân lập

Tổ chức xã hội

Tổ chức xã hội có trách nhiệm quản lý điều hành.

Có thể có hỗ trợ của Nhà nước

4. Tư thục

Tư nhân

Tư nhân có trách nhiệm quản lý điều hành

Có thể có hỗ trợ của Nhà nước

Tất cả các cơ sở dạy nghề thuộc loại trường, lớp, trung tâm dạy nghề này, không phân biệt hình thức sở hữu là của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội hay cá nhân; không phân biệt cấp trên quản lý trực tiếp là tỉnh, thành phố hay Bộ, Ngành nào, đều đặt trong sự quản lý Nhà nước của hệ thống giáo dục quốc dân; ở địa phương do Sở Giáo dục - Đào tạo quản lý, ở Trung ương do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quy chế riêng cho từng hình loại, trường dạy nghề, lớp dạy nghề, trung tâm dạy nghề.

4. ở Điều 5 Nghị định 90/CP ngày 24/11/1993 quy định: Văn bằng và chứng chỉ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân do Nhà nước thống nhất quản lý; giá trị văn bằng, chứng chỉ đào tạo này có hiệu lực trong cả nước, trong tất cả các loại hình trường, lớp, trung tâm là công lập, bán công, dân lập, tư thục. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo quản lý thống nhất, quy định mẫu, thủ tục cấp phát, thu hồi văn bằng, chứng chỉ đào tạo.

Quy định cụ thể về việc cấp phát bằng, chứng chỉ cho lĩnh vực Trung học nghề và dạy nghề như sau:

- Bằng trung học nghề do Hiệu trưởng trường trung học nghề và Hiệu trưởng các trường Trung học chuyên nghiệp, các trường có bậc đào tạo cao hơn, được phép đào tạo trung học nghề cấp.

- Bằng nghề: do Hiệu trưởng trường nghề và Hiệu trưởng các trường Trung học chuyên nghiệp, trung học nghề và các trường có bậc đào tạo cao hơn được phép đào tạo nghề cấp.

- Chứng chỉ đào tạo: do Giám đốc trung tâm dạy nghề, Giám đốc trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, dạy nghề, Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên và các loại hình trung tâm khác được phép đào tạo nghề, Hiệu trưởng các trường Trung học chuyên nghiệp, trung học nghề, trường nghề, chủ nhiệm các lớp dạy nghề của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lớp dạy nghề của cơ quan và lớp dạy nghề tư nhân cấp.

II. NHỮNG HÌNH THỨC HỌC NGHỀ KHÔNG THUỘC HỆ THỐNG GDQD

1. Truyền nghề: Người dạy nghề hướng dẫn những động tác, những nguyên nhân hư hỏng, cách khắc phục, sửa chữa cho người học việc không có bài giảng, không tổ chức thành tổ, lớp học không theo quy định khung về chương trình kế hoạch đào tạo do các cấp giáo dục quản lý, thường là một người kèm cặp hai, ba người học việc để tuyển dụng vào làm việc hoặc chuyển đổi công nghệ.

2. Bồi dưỡng nâng bậc: Hàng năm theo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức lớp học hướng dẫn kỹ thuật theo trình độ bậc thợ kề trên cho công nhân, sau đó tổ chức sát hạch trình độ đạt được nhằm đánh giá năng lực để bố trí công việc cho hợp lý và xếp lương mới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các ông (bà) Giám đốc của Sở Giáo dục và Đào tạo, các ông (bà) Hiệu trưởng trường dạy nghề, các ông (bà) Giám đốc trung tâm dạy nghề, các Chủ nhiệm các lớp dạy nghề của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân dạy nghề có kế hoạch triển khai thực hiện đúng theo Nghị định 90/CP ngày 24/11/1993 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn này.

Trần Chí Đáo

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 22/GD-ĐT-1996 hướng dẫn Nghị định 90/CP-1995 hướng dẫn Bộ luật lao động về học nghề do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 22/GD-ĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/09/1996
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Trần Chí Đáo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản