Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-BYT-TT

Hà Nội, ngày 21 tháng 07 năm 1964

THÔNG TƯ

VỀ NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG KHOA HỌC KỸ THUẬTTẠI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC BỘ VÀ TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ ĐỊA PHƯƠNG

Kính gửi:

- Các sở, ty y tế
- Các đơn vị trực thuộc

Thực hiện quyết định số 615-BYT-QĐ ngày 08 tháng 7 năm 1964 của Bộ Y tế về việc đổi tên Ban Khoa học kỹ thuật tại các đơn vị trực thuộc Bộ và các Tiểu ban hay Tổ Khoa học kỹ thuật tại các cơ sở y tế địa phương thành Hội đồng Khoa học kỹ thuật tại các đơn vị trực thuộc Bộ và tại các cơ sở y tế địa phương, thông tư này hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ, tổ chức và thành phần Hội đồng Khoa học kỹ thuật, một số điểm như sau:

I. NHIỆM VỤ

Hội đồng Khoa học kỹ thuật có nhiệm vụ giúp thủ trưởng ở mỗi đơn vị làm tốt công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật, cụ thể là:

1. Xây dựng, quản lý kế hoạch công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật và tổ chức thực hiện các kế hoạch đó. Tiến hành sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm cho việc chỉ đạo công tác nghiên cứu của ngành được tốt.

2. Tổ chức xác minh, phân loại các công trình nghiên cứu và các sáng kiến phát minh của cán bộ, nhân viên ở mỗi đơn vị.

3. Có kế họach tổ chức các cuộc hội nghị chuyên môn hoặc chuyên đề, các sinh hoạt học thuật.

4. Hướng dẫn tổ chức xây dựng thư viện chuyên môn ở mỗi đơn vị như: xây dựng thư mục, lưu trữ, sưu tầm khai thác tài liệu nghiên cứu đã có kết luận và các tài liệu nghiên cứukhác có tính chất lâu dài trong và ngoài ngành.

5. Tham gia vào kế hoạch đào tạo bổ túc cán bộ nghiên cứu khoa học của cơ sở, của ngành chuyên khoa.

6. Tham gia việc xây dựng kinh phí nghiên cứu khoa học kỹ thuật, cách sử dụng cho hợp lý giúp chocơ quan quản lý tốt tình hình cơ sở trang bị chuyên môn có liên quan đến việc phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học ở mỗi đơn vị.

7. Đặt quan hệ chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật được tốt.

II. TỔ CHỨC THÀNH PHẦN VÀ BIÊN CHẾ

a) Tổ chức:

Hội đồng Khoa học kỹ thuật là một tổ chức trực thuộc thủ trưởng, chịu sự quản lý trực tiếp mọi mặt công tác của thủ trưởng ở mỗi đơn vị.

1. Thành phần của Hội đồng Khoa học kỹ thuật gồm có:

- Một chủ tịch (do thủ trưởng kiêm nhiệm);

- Một hoặc hai phó chủ tịch;

- Một số ủy viên (tùy theo tình hình ở mỗi đơn vị mà quy định cho phù hợp);

- Ban thư ký, đồng thời là bộ phận thường trực của Hội đồng (trong Ban thư ký có thể từ 1 đến 3 người).

2. Tiêu chuẩn chọn cử ủy viên:

- Các ông thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng đương nhiên tham gia Hội đồng.

- Các cán bộ có trình độ chuyên môn và lãnh đạo trực tiếp làm công tác nghiên cứu, được quần chúng tín nhiệm và có nhiệt tình thực sự trong công tác nghiên cứu.

Khi tiến hành lựa chọn các ủy viên vào Hội đồng Khoa học kỹ thuật, cần chú ý:

- Các Ban Giám đốc phối hợp cùng với Đảng ủy, Công đoàn các cơ quan trực thuộc Bộ lựa chọn và đề nghị danh sách ủy viên lên Bộ thông qua.

- Các cơ quan y tế địa phương đề nghị thành phần các ủy viên do cấp ủy và Ủy ban hành chính địa phương quyết định và báo cáo lên Bộ biết.

b) Biên chế:

Hiện nay chưa có biên chế chuyên trách riêng. Nhưng để các cán bộ trong Ban thư ký làm công tác tổng hợp báo cáo giúp Hội đồng được tốt, các cơ quan, cần chú ý tạo mọi điều kiện phương tiện và quy định thời gian thích đáng để các cán bộ trong Ban thư ký hoàn thành tốt nhiệm vụ.

III. QUAN HỆ CÔNG TÁC VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC

- Căn cứ vào chủ trương kế hoạch của Bộ và tình hình nhiệm vụ cụ thể ở mỗi đơn vị, Hội đồng Khoa học kỹ thuật có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chương trình nghiên cứu cho sát với tình hình nhiệm vụ ở mỗi đơn vị, các kế hoạch đó phải được thủ trưởng thông qua và ghi vào chỉ tiêu kế hoạch ở mỗi đơn vị để hoạt động.

- Trong quá trình xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cần phải quan hệ với các phòng y vụ, giáo vụ, tổ chức, quản trị kế toán, v .v… về kinh phí, cán bộ và các điều kiện cần thiết khác để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học ở đơn vị được tốt.

- Hội đồng Khoa học kỹ thuật có Ban thư ký là bộ phận thường trực của Hội đồng để giải quyết công việc thường xuyên. Ban thư ký có nhiệm vụ tổng hợp tình hình hoạt động nghiên cứu khoa học để báo cáo với Hội đồng ở mỗi đơn vị.

- Hội đồng Khoa học kỹ thuật có thể chia làm nhiều Tiểu ban chuyên môn (tùy theo tình hình cụ thể về khối lượng công tác và tính chất nhiệm vụ ở mỗi đơn vị mà quy định cho phù hợp).

- Hàng quý, năm, Hội đồng Khoa học kỹ thuật phải sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, tổ chức các buổi sinh hoạt, học thuật, lưu trữ các hồ sơ tài liệu nghiên cứu,nhằm nâng cao hơn nữa trình độ nghiên cứu, đồng thời báo cáo kỳ hạn lên Bộ và Ban Y học.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Những điểm quy định về nhiệm vụ tổ chức và thành phần Ban Khoa học kỹ thuật, Tiểu ban hay Tổ Khoa học kỹ thuật tại nghị định số 453-BYT-NĐ ngày 09-6-1958 nếu trái với thông tư này đều bãi bỏ.

Thông tư nàycó hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Trong quá trình thực hiện, gặp khó khăn trở ngại đề nghị phản ánh cho Bộ Y tế biết để nghiên cứu bổ sung hoặc sửa đổi cho thích hợp.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
BÁC SĨ




Phạm Ngọc Thạch

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 22-BYT-TT-1964 về nhiệm vụ tổ chức Hội đồng Khoa học kỹ thuật tại các đơn vị trực thuộc Bộ và tại các cơ quan sở y tế địa phương do Bộ Y Tế ban hành

  • Số hiệu: 22-BYT-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 21/07/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Phạm Ngọc Thạch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 29
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản