Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trường dự bị đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Điều khoản chuyển tiếp

1. Thời gian giáo viên dự bị đại học giữ hạng III, hạng II, hạng I theo quy định tại Thông tư số 06/2017/TT-BNV, Thông tư số 30/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 07/2018/TT-BNV tương đương với thời gian giữ hạng III, hạng II, hạng I quy định tại Thông tư này. Thời gian giáo viên dự bị đại học giữ ngạch giảng viên chính (mã số 15.110) tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng I. Thời gian giáo viên dự bị đại học giữ ngạch giáo viên trung học cao cấp (mã số 15.112) tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II. Thời gian giáo viên dự bị đại học giữ ngạch giảng viên (mã số 15.111) hoặc giáo viên trung học (mã số 15.113) tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng III. Khi chuyển chức danh nghề nghiệp tương ứng thì thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp cũ được xác định là tương đương với thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp được chuyển.

2. Trường hợp giáo viên dự bị đại học đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học các hạng III, hạng II, hạng I theo quy định của pháp luật trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 được xác định là có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học.

Điều 11. Điều khoản áp dụng

1. Trường hợp giáo viên dự bị đại học đã có bằng trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm hoặc có chứng chỉ hoặc chứng nhận bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ sư phạm, lý luận dạy học do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp theo quy định trước ngày 22 tháng 5 năm 2021 thì được xác định là có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học phổ thông theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Trường hợp giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II (mã số V.07.07.18) nếu đã có bằng thạc sĩ trở lên, đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên dự bị đại học hạng II và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng III (mã số V.07.07.19) hoặc tương đương đủ từ 06 (sáu) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng thì được xác định là đủ yêu cầu về thời gian giữ hạng theo quy định tại điểm i khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

3. Nhiệm vụ của giáo viên dự bị đại học được quy định đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp là những công việc giáo viên dự bị đại học thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được hiệu trưởng phân công. Hiệu trưởng có thể phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn nếu giáo viên có khả năng thực hiện.

4. Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4, điểm b khoản 2 Điều 5 và điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư này được xác định là chứng chỉ được cấp theo Chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Quyết định số 2003/QĐ-BGDĐT ngày 11 tháng 7 năm 2023.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học quy định tại Thông tư này là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên dự bị đại học trong các trường dự bị đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Hiệu trưởng các trường dự bị đại học trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm:

a) Rà soát các vị trí việc làm của đơn vị, lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp;

b) Tổ chức bồi dưỡng hoặc cử giáo viên tham gia các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học.

Điều 13. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2024

2. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

3. Thông tư số 30/2017/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 12 năm 2017 quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

4. Thủ trưởng các đơn vị có liên quan; Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hiệu trưởng các trường dự bị đại học chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trường dự bị đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 22/2023/TT-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/11/2023
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phạm Ngọc Thưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/01/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra