Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 22/2018/TT-BGTVT quy định về vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương IV

GIẢI QUYẾT SỰ CỐ TRONG QUÁ TRÌNH VẬN CHUYỂN

Điều 43. Dỡ hàng vắng mặt người nhận hàng

Khi doanh nghiệp đã báo tin hàng đến và hết kỳ hạn nhận hàng mà người nhận hàng không đến nhận hàng hóa theo quy định Điều 35 Thông tư này thì doanh nghiệp được quyền dỡ hàng hóa vắng mặt người nhận hàng đối với những mặt hàng doanh nghiệp có khả năng dỡ và bảo quản. Khi đến nhận hàng hóa, người nhận hàng phải trả cho doanh nghiệp chi phí dỡ hàng hóa, bảo quản hàng hóa và các chi phí phát sinh khác theo quy định của doanh nghiệp.

Điều 44. Xử lý hàng hóa không có người nhận hoặc người nhận từ chối nhận hàng

1. Sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp báo tin cho người thuê vận tải biết hàng hóa đã được vận tải đến nơi trả hàng mà không có người nhận hoặc người nhận từ chối nhận hàng thì hàng hóa được coi như là hàng hóa không có người nhận.

2. Doanh nghiệp thỏa thuận với người thuê vận tải trước khi nhận vận chuyển về việc xử lý hàng hóa không có người nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều này, đối với hàng hóa mau hỏng thì việc xử lý có thể thực hiện trước thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 45. Hàng hóa coi như bị mất mát

1. Hàng hóa coi như bị mất mát nếu quá kỳ hạn vận chuyển với thời hạn sau mà doanh nghiệp chưa báo tin hàng đến:

a) Đối với hàng hóa thông thường là 15 ngày;

b) Đối với hàng hóa mau hỏng là 04 ngày.

2. Việc bồi thường thiệt hại do hàng hóa bị mất mát thực hiện theo quy định tại Điều 54 Thông tư này.

Điều 46. Hàng hóa bị tịch thu, xử lý

Trong quá trình vận chuyển, nếu hàng hóa bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, tịch thu hoặc xử lý thì doanh nghiệp phải lập biên bản giao nhận và báo ngay cho người nhận hàng, người thuê vận tải biết.

Điều 47. Tắc đường vận chuyển

1. Khi tắc đường mà không thể vận chuyển tiếp hàng hóa thì doanh nghiệp phải báo ngay cho người thuê vận tải, người nhận hàng biết để thống nhất biện pháp xử lý. Người thuê vận tải lựa chọn và thống nhất với doanh nghiệp thực hiện một trong các hình thức giải quyết sau:

a) Đưa hàng hóa quay về ga gửi;

b) Đưa hàng hóa quay lại để dỡ xuống một ga dọc đường trên cùng tuyến đường;

c) Chuyển tải hàng hóa để đi tiếp;

d) Đợi thông đường để đi tiếp.

2. Khi tắc đường do lỗi của doanh nghiệp, người thuê vận tải có quyền yêu cầu doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa theo một trong những hình thức quy định tại Khoản 1 Điều này. Việc thanh toán tiền vận chuyển giải quyết như sau:

a) Nếu đưa hàng hóa về ga gửi, doanh nghiệp phải hoàn lại toàn bộ tiền vận chuyển và các chi phí phát sinh theo hợp đồng mà người thuê vận tải đã trả cho doanh nghiệp;

b) Nếu đưa hàng hóa quay lại để dỡ xuống một ga dọc đường trên cùng tuyến đường, doanh nghiệp phải trả lại tiền vận chuyển trên đoạn đường từ ga dỡ hàng đến ga đến ghi trong hóa đơn gửi hàng hóa;

c) Nếu chuyển tải hàng hóa để đi tiếp, doanh nghiệp tổ chức chuyển tải đối với những hàng hóa mà mình có khả năng tổ chức chuyển tải, người thuê vận tải không phải trả chi phí chuyển tải.

3. Khi tắc đường không do lỗi của doanh nghiệp, người thuê vận tải thỏa thuận với doanh nghiệp để lựa chọn vận chuyển hàng hóa theo một trong những hình thức quy định tại Khoản 1 Điều này. Việc thanh toán tiền vận chuyển giải quyết như sau:

a) Nếu đưa hàng hóa về ga gửi hoặc dỡ xuống một ga dọc đường trên cùng một tuyến đường hoặc dỡ xuống tại ga tắc đường, doanh nghiệp trả lại tiền vận chuyển trên đoạn đường từ ga tắc đường đến ga đến ghi trong hóa đơn gửi hàng hóa và thu không quá 50% tiền vận chuyển đoạn đường quay trở lại;

b) Nếu chuyển tải hàng hóa để đi tiếp, doanh nghiệp tổ chức chuyển tải đối với những hàng hóa mà mình có khả năng tổ chức chuyển tải, người thuê vận tải phải trả mọi chi phí phát sinh từ việc chuyển tải.

4. Khi doanh nghiệp đã báo tin tắc đường mà không nhận được yêu cầu giải quyết của người thuê vận tải thì xử lý như sau:

a) Đối với hàng hóa dễ hư hỏng, động vật sống mà sau 04 ngày không nhận được ý kiến của người thuê vận tải, doanh nghiệp được quyền xử lý theo Điều 44 Thông tư này;

b) Đối với hàng hóa khác, doanh nghiệp chờ thông đường để tiếp tục vận chuyển.

5. Doanh nghiệp không thu tiền thay đổi nguyên toa của người thuê vận tải đối với các trường hợp quy định tại Điều này.

Điều 48. Xử lý khi phát hiện hàng hóa khai sai tên trong quá trình vận chuyển

1. Đối với hàng hóa thông thường, nếu phát hiện bị khai sai tên, doanh nghiệp tiếp tục chở đến ga đến và được thu của người nhận hàng tiền vận chuyển còn thiếu do khai sai tên hàng.

2. Đối với hàng nguy hiểm, hàng hóa cần có biện pháp bảo vệ đặc biệt, nếu phát hiện người thuê vận tải khai không đúng thì giải quyết như sau:

a) Trường hợp có thể gây nguy hại đến an toàn chạy tàu và các hàng hóa khác, doanh nghiệp cho dỡ xuống ga gần nhất tàu sắp tới và báo cho người thuê vận tải, người nhận hàng biết. Doanh nghiệp tính lại tiền vận chuyển, thu các chi phí phát sinh trên đoạn đường thực tế đã vận chuyển;

b) Trường hợp có thể tiếp tục vận chuyển mà không gây mất an toàn, doanh nghiệp tiếp tục chở tới ga đến và có quyền thu của người nhận hàng các Khoản tiền theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 49. Hàng xếp sai trọng lượng, xếp quá tải

Trường hợp hàng hóa xếp sai trọng lượng, xếp quá tải thì giải quyết như sau:

1. Khi doanh nghiệp tổ chức xếp hàng hóa lên toa xe để xảy ra quá tải thì doanh nghiệp chịu các chi phí phát sinh và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

2. Khi người thuê vận tải tổ chức xếp hàng hóa lên toa xe thì giải quyết như sau:

a) Trường hợp tổng trọng lượng hàng thực tế trên toa xe không vượt quá 5% trọng tải kỹ thuật của toa xe nhưng chưa vượt quá trọng tải kỹ thuật cho phép của toa xe thì doanh nghiệp tiếp tục chở tới ga đến và thu thêm của người nhận hàng tiền vận chuyển phần bội tải theo quy định của doanh nghiệp;

b) Trường hợp phát hiện tổng trọng lượng hàng thực tế trên toa vượt quá 5% trọng tải kỹ thuật của toa xe hoặc vượt quá trọng tải kỹ thuật cho phép của toa xe thì doanh nghiệp được quyền dỡ phần trọng lượng bội tải, thông báo cho người thuê vận tải biết và thống nhất biện pháp giải quyết. Doanh nghiệp được quyền thu tiền bội tải và các chi phí phát sinh theo quy định của doanh nghiệp. Nếu người thuê vận tải yêu cầu chở tiếp phần hàng bội tải tới ga đến thì được vận chuyển theo thỏa thuận mới.

Điều 50. Hủy bỏ vận chuyển

Doanh nghiệp, người thuê vận tải có quyền yêu cầu hủy bỏ vận chuyển khi tàu chưa chạy tại ga gửi và phải chịu chi phí phát sinh do việc hủy bỏ vận chuyển gây ra.

Điều 51. Thay đổi người nhận hàng

1. Người thuê vận tải có quyền chỉ định lại người nhận hàng khi hàng hóa đó chưa được giao cho người nhận hàng trước đó và phải chịu chi phí phát sinh do thay đổi người nhận hàng.

2. Doanh nghiệp quy định cụ thể các chi phí phát sinh do việc thay đổi người nhận hàng.

Điều 52. Thay đổi ga đến

1. Người thuê vận tải có quyền thay đổi ga đến ngay cả khi hàng hóa đang được vận chuyển trên đường hoặc đã tới ga đến và phải chịu chi phí phát sinh do thay đổi ga đến.

2. Doanh nghiệp quy định cụ thể các chi phí phát sinh do việc thay đổi ga đến.

Thông tư 22/2018/TT-BGTVT quy định về vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 22/2018/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/05/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Đông
  • Ngày công báo: 17/05/2018
  • Số công báo: Từ số 583 đến số 584
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH