Chương 3 Thông tư 22/2010/TT-BXD quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình do Bộ Xây dựng ban hành
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CHỦ THỂ ĐỐI VỚI AN TOÀN TRONG THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Điều 5. Trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng công trình
Chủ đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm:
1. Thành lập bộ phận chuyên trách hoặc kiêm nhiệm để kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng trên công trường.
2. Lựa chọn nhà thầu có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc đảm nhận theo quy định của pháp luật về xây dựng.
3. Tạm dừng thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục khi phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn lao động của nhà thầu. Nếu nhà thầu không khắc phục thì chủ đầu tư phải đình chỉ thi công hoặc chấm dứt hợp đồng.
4. Phối hợp với nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động, đồng thời báo cáo với các cơ quan chức năng về tình hình an toàn lao động của dự án, công trình theo quy định của pháp luật về lao động.
Điều 6. Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng công trình
Nhà thầu thi công xây dựng công trình bao gồm cả tổng thầu, nhà thầu chính và nhà thầu phụ trên công trường có trách nhiệm:
1. Lập và phê duyệt thiết kế biện pháp thi công, trong đó quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình. Định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra thực tế các diễn biến trên công trường để điều chỉnh biện pháp thi công, biện pháp an toàn lao động cho phù hợp.
2. Tuyển chọn và bố trí người lao động kỹ thuật trên công trường đúng chuyên môn được đào tạo, đủ năng lực hành nghề, đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật. Đồng thời cung cấp đầy đủ các trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
3. Thành lập mạng lưới và bộ phận quản lý công tác an toàn lao động trên công trường; đồng thời quy định cụ thể công việc thực hiện và trách nhiệm đối với những cá nhân quản lý công tác an toàn lao động trong quá trình thi công.
4. Tổ chức tập huấn và huấn luyện về an toàn cho đội ngũ làm công tác an toàn và người lao động thuộc quyền quản lý theo quy định.
5. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn lao động theo biện pháp đã được phê duyệt, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan.
6. Chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư khắc phục hậu quả, khai báo, điều tra, lập biên bản khi xảy ra sự cố công trình xây dựng, tai nạn lao động trên công trường.
7. Thực hiện công tác kiểm định, đăng ký(nếu có), bảo dưỡng máy và thiết bị nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và công trình theo quy định.
Điều 7. Trách nhiệm của Ban quản lý dự án hoặc Tư vấn quản lý dự án và Tư vấn giám sát thi công
Ban quản lý dự án hoặc Tư vấn quản lý dự án và Tư vấn giám sát thi công xây dựng có trách nhiệm:
1. Giám sát việc thực hiện của nhà thầu tuân thủ các biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn đã được phê duyệt; tuân thủ các quy phạm kỹ thuật an toàn trong thi công xây dựng.
2. Thông báo cho chủ đầu tư những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến an toàn trong quá trình thi công để có các giải pháp xử lý và điều chỉnh biện pháp thi công cho phù hợp.
3. Kiểm tra, báo cáo chủ đầu tư xử lý vi phạm, dừng thi công và yêu cầu khắc phục khi nhà thầu thi công vi phạm các quy định về an toàn trên công trường.
Điều 8. Quan hệ phối hợp giữa chủ đầu tư, tổng thầu hoặc thầu chính và thầu phụ
1. Trường hợp trên công trường có tổng thầu hoặc thầu chính
Trường hợp trên công trường có tổng thầu thi công xây dựng, tổng thầu EPC, tổng thầu chìa khóa trao tay hoặc chỉ có nhà thầu chính (sau đây gọi chung là tổng thầu) thì trách nhiệm và mối quan hệ giữa các chủ thể như sau:
a) Chủ đầu tư tổ chức giám sát việc thực hiện các biện pháp an toàn của tổng thầu và kiểm tra việc điều hành, giám sát của tổng thầu đối với các nhà thầu phụ trên công trường;
b) Đối với công trường xây dựng có nhiều nhà thầu phụ tham gia thi công, thì tổng thầu phải thành lập bộ phận quản lý an toàn chung để kiểm tra, giám sát và quản lý công tác an toàn, vệ sinh môi trường đối với các nhà thầu phụ trên công trường;
c) Tổng thầu chịu trách nhiệm toàn diện về việc điều hành tiến độ thi công giữa tổng thầu với các nhà thầu phụ cũng như tiến độ thực hiện giữa các nhà thầu phụ với nhau, không để xảy ra sự chồng chéo trong thực hiện công việc giữa các nhà thầu gây ra mất an toàn đối với người lao động, máy, thiết bị và công trình;
d) Tổng thầu có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp thi công và biện pháp an toàn của các nhà thầu phụ. Tổng thầu có quyền tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi nhà thầu phụ vi phạm các quy định về an toàn trên công trường;
đ) Nhà thầu phụ lập và phê duyệt biện pháp thi công và biện pháp an toàn phần việc do mình thực hiện. Trước khi phê duyệt phải được sự thỏa thuận của tổng thầu;
e) Nhà thầu phụ chịu trách nhiệm giám sát thực hiện biện pháp an toàn các công việc do mình thực hiện; đồng thời chịu sự điều hành, giám sát, kiểm tra việc thực hiện tiến độ, thực hiện biện pháp thi công cũng như biện pháp an toàn trên công trường của tổng thầu.
2. Trường hợp trên công trường có nhiều nhà thầu chính
Trường hợp trên công trường không có tổng thầu thi công xây dựng, tổng thầu EPC hoặc tổng thầu chìa khóa trao tay mà chỉ có các nhà thầu chính thì trách nhiệm và mối quan hệ giữa các chủ thể như sau:
a) Chủ đầu tư tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp an toàn của các nhà thầu chính; kiểm tra việc điều hành, giám sát của các nhà thầu chính đối với các nhà thầu phụ trên công trường;
b) Đối với công trường xây dựng có nhiều nhà thầu chính tham gia thi công, thì chủ đầu tư phải thành lập bộ phận quản lý an toàn chung để kiểm tra, giám sát và quản lý công tác an toàn, vệ sinh môi trường đối với các nhà thầu chính trên công trường;
c) Chủ đầu tư chịu trách nhiệm điều hành tiến độ thi công giữa các nhà thầu chính; nhà thầu chính chịu trách nhiệm về việc điều hành tiến độ thi công giữa nhà thầu chính với các nhà thầu phụ cũng như tiến độ thực hiện giữa các nhà thầu phụ với nhau, không để xảy ra sự chồng chéo trong thực hiện công việc giữa các nhà thầu gây ra mất an toàn đối với người lao động, máy, thiết bị và công trình;
d) Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp thi công và biện pháp an toàn của các nhà thầu chính. Chủ đầu tư có quyền tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi nhà thầu chính vi phạm các quy định về an toàn lao động trên công trường;
đ) Nhà thầu chính có trách nhiệm lập, phê duyệt biện pháp an toàn những phần việc do mình thực hiện; trước khi phê duyệt phải có sự thỏa thuận của chủ đầu tư;
e) Nhà thầu chính có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp thi công và biện pháp an toàn của các nhà thầu phụ. Nhà thầu chính có quyền tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi nhà thầu phụ vi phạm các quy định về an toàn trên công trường;
f) Nhà thầu phụ lập, phê duyệt biện pháp thi công và biện pháp an toàn những phần việc do mình thực hiện; trước khi phê duyệt phải có sự thỏa thuận của nhà thầu chính;
g) Nhà thầu phụ chịu trách nhiệm giám sát biện pháp an toàn các công việc do mình thực hiện; đồng thời chịu sự điều hành, giám sát, kiểm tra của nhà thầu chính về việc thực hiện tiến độ, thực hiện biện pháp thi công cũng như biện pháp an toàn trên công trường .
Điều 9 . Quyền và trách nhiệm của người lao động trên công trường xây dựng
Người lao động trên công trường xây dựng có quyền và trách nhiệm sau:
1. Có quyền từ chối thực hiện các công việc được giao khi thấy không đảm bảo an toàn lao động sau khi đã báo cáo với người phụ trách trực tiếp mà vẫn không được khắc phục, xử lý hoặc nhà thầu không cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo đúng quy định.
2. Chỉ được nhận thực hiện những công việc phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Chấp hành đầy đủ các quy định, nội quy về an toàn lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.
3. Người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thì phải được huấn luyện an toàn lao động và có thẻ an toàn lao động theo quy định.
Điều 10. Trách nhiệm của người làm công tác an toàn của nhà thầu
1. Người làm công tác an toàn thực hiện chế độ kiểm tra hàng ngày trên công trường theo quy định của nhà thầu. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện thấy các vi phạm về an toàn lao động hoặc các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động thì tạm dừng thi công công việc đó, đồng thời báo cáo trực tiếp nhà thầu để xem xét xử lý hoặc yêu cầu người trực tiếp phụ trách bộ phận đó đình chỉ thi công để có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và công trình, sau đó báo cáo người chỉ huy công trường.
2. Người làm công tác an toàn hoặc cán bộ kỹ thuật của nhà thầu phải giám sát liên tục công tác an toàn lao động trong suốt quá trình thi công xây dựng công trình.
Điều 11. Giải quyết sự cố khi xảy ra tai nạn lao động
Khi xảy ra tai nạn lao động do sự cố mất an toàn lao động hoặc do sự cố công trình phải được giải quyết như sau:
1. Khi xảy ra tai nạn lao động do sự cố mất an toàn lao động gây ra:
a) Nhà thầu phải bằng mọi biện pháp sơ, cấp cứu người bị tai nạn lao động, sau đó chuyển ngay đến cơ sở y tế để xử lý;
b) Chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị có liên quan phải báo cáo kịp thời với các cơ quan quản lý có liên quan thực hiện việc kiểm tra, thanh tra theo quy định để xác định nguyên nhân xảy ra sự cố, tai nạn lao động;
c) Việc khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê, báo cáo; quy trình xử lý sự cố; giải quyết các chế độ khi xảy ra tai nạn lao động được thực hiện theo quy định hiện hành;
d) Sau khi lấy dấu hiện trường, được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền và chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện việc dọn dẹp nơi xảy ra sự cố và tiếp tục thi công.
2. Khi xảy ra tai nạn lao động do sự cố công trình xây dựng:
a) Thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, c, khoản 1 Điều này;
b) Sau khi lấy dấu hiện trường, được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, nhà thầu thực hiện việc dọn dẹp nơi xảy ra sự cố; đồng thời kiểm tra, đánh giá mức độ ổn định của công trình hoặc công việc đang thi công theo quy định, nếu đảm bảo an toàn thì báo cáo chủ đầu tư cho phép tiếp tục thi công.
Thông tư 22/2010/TT-BXD quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình do Bộ Xây dựng ban hành
- Số hiệu: 22/2010/TT-BXD
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 03/12/2010
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Bùi Phạm Khánh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 725 đến số 726
- Ngày hiệu lực: 17/01/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 5. Trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng công trình
- Điều 6. Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng công trình
- Điều 7. Trách nhiệm của Ban quản lý dự án hoặc Tư vấn quản lý dự án và Tư vấn giám sát thi công
- Điều 8. Quan hệ phối hợp giữa chủ đầu tư, tổng thầu hoặc thầu chính và thầu phụ
- Điều 9. Quyền và trách nhiệm của người lao động trên công trường xây dựng
- Điều 10. Trách nhiệm của người làm công tác an toàn của nhà thầu
- Điều 11. Giải quyết sự cố khi xảy ra tai nạn lao động