Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 22/2009/TT-BGTVT về thủ tục kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương 2.

KIỂM ĐỊNH XE CƠ GIỚI

Điều 4. Địa điểm kiểm định

1. Xe cơ giới được đăng ký và cấp biển số tại địa phương nào thì làm thủ tục kiểm tra lần đầu để cấp Sổ kiểm định tại một trong số các đơn vị đăng kiểm ở địa phương đó.

2. Đối với các lần kiểm định tiếp theo, xe cơ giới có thể được đưa đến bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào để kiểm định.

3. Khi xe cơ giới chuyển vùng, chủ xe phải làm thủ tục chuyển Hồ sơ phương tiện về một trong số các đơn vị đăng kiểm tại địa phương đăng ký biển số mới để quản lý kiểm định.

Điều 5. Hồ sơ kiểm định

1. Hồ sơ kiểm tra lần đầu để cấp Sổ kiểm định bao gồm:

a) Giấy Đăng ký xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

b) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;

c) Giấy chứng nhận chất lượng ô tô nhập khẩu hoặc Thông báo miễn kiểm tra chất lượng ô tô nhập khẩu (chỉ áp dụng với xe nhập khẩu);

d) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo (chỉ áp dụng với xe cơ giới cải tạo);

đ) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải (chỉ áp dụng với xe cơ giới có kinh doanh vận tải).

2. Hồ sơ kiểm định lần tiếp theo gồm:

a) Giấy Đăng ký xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

b) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;

c) Sổ kiểm định; Giấy chứng nhận và Tem kiểm định của lần kiểm định trước đó;

d) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải (chỉ áp dụng với xe cơ giới có kinh doanh vận tải).

Điều 6. Nội dung kiểm định

1. Xe cơ giới phải được kiểm định trên dây chuyền kiểm định. Trường hợp xe cơ giới quá khổ, quá tải, có kết cấu đặc biệt không kiểm tra được trên dây chuyền kiểm định hoặc xe hoạt động tại các vùng đảo, các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đưa xe tới đơn vị đăng kiểm thì thực hiện theo hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

2. Nội dung kiểm định được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 10/2009/TT-BGTVT ngày 24 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Điều 7. Hành vi bị nghiêm cấm trong kiểm định xe cơ giới

1. Kiểm định không tuân thủ nội dung, quy trình, quy định.

2. Kiểm định khi thiết bị kiểm tra không bảo đảm độ chính xác; khi mạng máy tính nội bộ hư hỏng; kiểm định ngoài dây chuyền khi chưa được phép.

3. Bố trí người thực hiện công việc kiểm định không đúng với tiêu chuẩn quy định.

4. Ép buộc chủ phương tiện đưa xe đi sửa chữa, bảo dưỡng tại các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng chỉ định.

5. Thu phí hoặc lệ phí sai quy định; có hành vi tiêu cực, sách nhiễu và nhận tiền hoặc quà biếu dưới mọi hình thức.

6. Kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới hết niên hạn sử dụng hoặc khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

7. Sử dụng ấn chỉ kiểm định không phải do Cục Đăng kiểm Việt Nam phát hành. Lập hồ sơ giả, cấp chứng chỉ kiểm định không đúng đối tượng.

Thông tư 22/2009/TT-BGTVT về thủ tục kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 22/2009/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/10/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 487 đến số 488
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra