Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ CÔNG AN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2004/TT-BCA | Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2004 |
Ngày 19/12/2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã). Để thực hiện thống nhất Nghị định nêu trên của Chính phủ, Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định, cụ thể
I. VỀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TẠI CẤP XÃ
1. Việc áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã phải đúng đối tượng được quy định tại Điều 23 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Điều 3 của Nghị định số 163/2003/NĐ-CP ngày 19/12/2003 của Chính phủ (sau đây gọi chung là Nghị định số 163) và hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã phải là công dân Việt
a. Người từ đủ 12 tuổi đến 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý được quy định tại Bộ luật Hình sự;
b. Người từ đủ 12 tuổi trở lên nhiền lần có hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, gây rối trật tự công cộng;
c. Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên;
d. Người bán dâm có tính chất thường xuyên từ đủ 14 tuổi trở lên;
đ. Người có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây có từ 2 lần vi phạm trở lên trong thời hạn 12 tháng, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:
- Xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài;
- Xâm phạm tài sản của tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài;
- Tổ chức, môi giới mại dâm;
- Chống người thi hành công vụ;
- Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
- Tổ chức cưỡng ép, lôi kéo, dụ dỗ người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép;
- Các hành vi khác vi phạm về trật tự, an toàn xã hội;
e. Người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, nhưng trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam.
3. Để bảo đảm việc xem xét lập hồ sơ, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã đối với từng đối tượng cụ thể theo đúng quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 163, trong khi thực hiện cần chú ý một số điểm sau đây:
a. Về độ tuổi: Thời điểm để xác định độ tuổi của đối tượng quy định tại điểm 2 nêu trên là ngày đối tượng thực hiện lần cuối hành vi vi phạm. Riêng đối với trường hợp có hành vi phạm pháp luật thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, nhưng trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam cần áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã, thì thời điểm để xác định độ tuổi là ngày ký quyết định giáo dục tại cấp xã. Căn cứ pháp lý để xác định độ tuổi là Giấy khai sinh, nếu không có Giấy khai sinh thì phải căn cứ vào sổ hộ khẩu hoặc Chứng minh nhân dân hoặc tài liệu do Công an cấp xã xác minh, thu thập.
b. Người thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự, phải được hiểu là những tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy đến bảy năm tù.
c. Người nhiều lần có hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm pháp luật có tính chất thường xuyên là có từ hai lần vi phạm pháp luật trở lên trong thời hạn 12 tháng.
d. Người có hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, gây rối trật tự công cộng phải được hiểu là họ thực hiện những hành vi đó, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
đ. Người có nơi cư trú nhất định phải là người có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú có thời hạn tại một địa phương nhất định và thường xuyên làm ăn, sinh sống tại nơi đó.
4. Đối với các trường hợp do cơ quan Công an cấp tỉnh, cấp huyện trực tiếp phát hiện, thụ lý, điều tra trong các vụ vi phạm pháp luật, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 163, thì đối tượng đó cũng phải có đủ các điều kiện quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 163 và hướng dẫn của Thông tư này.
5. Người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, nhưng trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 163, bao gồm:
a. Người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, khi thực hiện lần cuối hành vi vi phạm pháp luật hoặc trường hợp trong thời gian lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục, thì họ đã trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam, trong những trường hợp này không lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, mà đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã (Chủ tịch Uỷ ban nhân dân) áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã đối với họ.
b. Người đã bị lập hồ sơ và thường trực Hội đồng tư vấn chuyển hồ sơ đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, nhưng đến ngày ký quyết định họ đã trên 55 tuổi đối với nữ hoặc trên 60 tuổi đối với nam, thì Giám đốc Công an cấp tỉnh phải làm văn bản đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh không ra quyết định đưa vào cơ sở giáo dục. Sau đó, chuyển toàn bộ hồ sơ đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã.
c. Người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, nhưng chưa tổ chức thi hành quyết định hoặc người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, nhưng chưa chấp hành quyết định mà bỏ trốn, đến khi bắt lại họ đã trên 55 tuổi đối với nữ hoặc trên 60 tuổi đối với nam, thì Giám đốc Công an cấp tỉnh phải làm văn bản đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh huỷ quyết định đưa vào cơ sở giáo dục đó. Trong trường hợp này, cơ quan Công an cấp tỉnh phải chuyển hồ sơ đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã để ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã đối với họ theo đúng quy định của pháp luật.
II. VỀ THỜI HẠN GIÁO DỤC TẠI CẤP XÃ
1. Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 163, thì thời hạn giáo dục tại cấp xã là từ 3 tháng đến 6 tháng; thời hạn này phải được ghi cụ thể trong quyết định giáo dục tại cấp xã.
2. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và nhân thân của người được áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã (sau đây gọi chung là người được giáo dục) mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định thời hạn giáo dục tại cấp xã cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Thời hạn giáo dục tại cấp xã được tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục người được giáo dục tổ chức cuộc họp theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 163 để thi hành quyết định giáo dục tại cấp xã.
III. VỀ XEM XÉT, RA QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TẠI CẤP XÃ
Việc xem xét áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã phải thực hiện theo đúng quy định tại các Điều 8, 9 và Điều 10 Nghị định số 163, trong khi thực hiện cần chú ý một số điểm sau đây:
1. Đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã
a. Việc đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã của Trưởng Công an cấp xã, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, đại diện của một trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị dân cư ở cơ sở phải bằng văn bản. Cơ quan, tổ chức, đơn vị dân cư ở cơ sở bao gồm: Ban Tư pháp; Thanh tra nhân dân; Ban Giáo dục; Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em; nhà trường; Đoàn Thanh niên; Hội Phụ nữ; Hội Cựu chiến binh; tổ trưởng Tổ dân phố hoặc Tổ nhân dân; Trưởng thôn, ấp, làng, bản. Đề nghị này phải được gửi tới Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã để xem xét, quyết định.
Nội dung của văn bản đề nghị phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm đề nghị; họ, tên, địa chỉ, chữ ký của người đề nghị hoặc họ, tên, chữ ký của người đại diện cơ quan, tổ chức đề nghị; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, nhân thân của người được đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã; lý do đề nghị, phải ghi rõ hành vi vi phạm pháp luật của người được đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã.
b. Đối với các trường hợp do cơ quan Công an chuyển hồ sơ đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 163, trong thời hạn 02 ngày Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phải chuyển hồ sơ đó đến Trưởng Công an cấp xã. Trưởng Công an xã có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ và báo cáo trước cuộc họp tóm tắt hồ sơ và những vi phạm pháp luật của người được đề nghị giáo dục, những biện pháp giúp đỡ, giáo dục đã áp dụng đối với người đó theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 163. Báo cáo của Trưởng Công an cấp xã phải bằng văn bản, nội dung của báo cáo phải ghi rõ họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, nhân thân, những vi phạm pháp luật của người được đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã.
2. Xem xét áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã
a. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Trưởng Công an cấp xã, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, đại diện của một trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị dân cư ở cơ sở hoặc nhận được hồ sơ do cơ quan Công an chuyển đến, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phải triệu tập và chủ trì cuộc họp để xét duyệt áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã. Thành phần cuộc họp bao gồm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an cấp xã, đại diện Ban Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan, tổ chức đề nghị, đại diện đơn vị dân cư ở cơ sở và đại diện gia đình của người được đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã.
Ngoài ra, tuỳ theo từng đối tượng được đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có thể mời thêm đại diện nhà trường, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Ban Giáo dục, Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Thanh tra nhân dân, Tổ hoà giải ở cơ sở tham dự cuộc họp.
b. Tại cuộc họp, đại diện cơ quan, tổ chức đề nghị trình bày lý do, nêu rõ hành vi vi phạm pháp luật của người được đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã, những biện pháp giúp đỡ, giáo dục đối với người đó. Người được đề nghị giáo dục (nếu có) có thể được phát biểu ý kiến trình bày những nội dung có liên quan tới bản thân mình như: hành vi vi phạm pháp luật, hình thức bị xử lý, hoàn cảnh gia đình, độ tuổi... Trên cơ sở đó, các đại biểu tham gia cuộc họp phát biểu ý kiến, thảo luận, đối chiếu với quy định của pháp luật đối với người được đề nghị.
c. Cuộc họp phải được lập biên bản ghi đầy đủ nội dung và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp và người được đề nghị giáo dục (nếu có).
d. Đối với những trường hợp chưa đủ tài liệu, chứng cứ kết luận hành vi vi phạm pháp luật hoặc chưa xác định chính xác độ tuổi của người được đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã giao cho Trưởng Công an cùng cấp xác minh, thu thập tài liệu, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật hoặc độ tuổi của người được đề nghị giáo dục. Sau khi đã làm rõ hành vi vi phạm pháp luật hoặc độ tuổi của người được đề nghị giáo dục, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phải tổ chức lại cuộc họp, nhưng không được quá 15 ngày, kể từ lần họp trước.
đ. Trong trường hợp vì lý do đặc biệt như phải tập trung vào việc phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thực hiện yêu cầu chính trị của địa phương hoặc vì lý do khác mà không thể triệu tập được cuộc họp, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phải lấy ý kiến bằng văn bản của Trưởng Công an cấp xã, đại diện Ban Tư pháp, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, cơ quan, tổ chức đề nghị, đại diện đơn vị dân cư ở cơ sở về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã đối với người được đề nghị. Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm tập hợp các ý kiến của đại diện cơ quan, tổ chức nêu trên và báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định.
3. Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã
a. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc họp hoặc kể từ ngày nhận được báo cáo của Trưởng Công an cấp xã theo quy định tại điểm 2 nêu trên, căn cứ vào biên bản cuộc họp hoặc báo cáo của Trưởng Công an cấp xã, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phải xem xét, ra quyết định giáo dục tại cấp xã đối với người được đề nghị.
b. Quyết định giáo dục tại cấp xã có hiệu lực kể từ ngày ký.
c. Nội dung quyết định giáo dục tại cấp xã phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ tên, chức vụ của người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người được giáo dục; hành vi vi phạm của người được giáo dục; điều khoản của văn bản pháp luật được áp dụng, thời hạn giáo dục, ngày thi thành quyết định; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình được giao quản lý, giáo dục; quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định giáo dục tại cấp xã theo quy định của pháp luật.
IV. THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH GIÁO DỤC TẠI CẤP XÃ
Việc thi hành quyết định giáo dục tại cấp xã phải được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 13 Nghị định số 163 và hướng dẫn cụ thể sau đây:
1. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục người được giáo dục phải chủ trì, phối hợp với Công an cấp xã trường hợp cuộc họp tại đơn vị dân cư ở cơ sở, nơi người được giáo dục cư trú để thi hành quyết định đối với họ. Cuộc họp chỉ được tiến hành khi có mặt của người được giáo dục, theo trình tự và bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a. Đại diện cơ quan, tổ chức được giao quản lý, giáo dục người được giáo dục khai mạc cuộc họp, đọc Quyết định giáo dục tại cấp xã của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã; nêu rõ những vi phạm pháp luật của người được giáo dục;
b. Người được giáo dục tự mình đọc bản kiểm điểm và cam kết sửa chữa sai phạm. Trường hợp người được giáo dục không biết chữ, không biết đọc thì phải trình bày miệng về những sai phạm, hướng sửa chữa sai phạm và cam kết của mình trước cuộc họp;
c. Các đại biểu tham dự cuộc họp phát biểu ý kiến, phân tích những sai phạm, nguyên nhân dẫn đến sai phạm của người được giáo dục và ý kiến giúp đỡ họ sửa chữa sai phạm để tiến bộ;
d. Người được giao trách nhiệm trực tiếp giúp đỡ người giáo dục phát biểu ý kiến và nêu những biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục trong thời gian thi hành quyết định giáo dục tại cấp xã của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân;
đ. Đại diện tổ chức được giao quản lý, giáo dục người được giáo dục nêu rõ trách nhiệm, quyền của người được giáo dục trong thời hạn chấp hành quyết định và kết luận cuộc họp.
2. Nội dung cuộc họp phải được lập biên bản và được lưu vào hồ sơ do Công an cấp xã quản lý, theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 163.
3. Trường hợp người được giáo dục cố tình trốn tránh thi hành quyết định, thì việc tổ chức thi hành quyết định được thực hiện khi người được giáo dục có mặt tại nơi cư trú. Thời gian người được giáo dục trốn tránh thi hành quyết định không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định.
V. VỀ VIỆC ĐI LẠI CỦA NGƯỜI ĐƯỢC GIÁO DỤC
1. Trong thời gian chấp hành quyết định giáo dục tại cấp xã, người được giáo dục được đi ra khỏi phạm vi xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú, nhưng không được ở lại qua đêm.
2. Người được giáo dục có thể được vắng mặt tại nơi cư trú, nếu có lý do chính đáng
a. Người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú đến 10 ngày, thì phải báo cáo người trực tiếp giúp đỡ hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã biết và phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ khẩu.
b. Người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú từ trên 10 ngày đến 30 ngày, thì phải làm đơn xin phép nêu rõ lý do, thời gian vắng mặt, nơi đến. Đơn xin phép phải có ý kiến của người được phân công trực tiếp giúp đỡ. Căn cứ vào đơn xin phép và ý kiến của người được phân công trực tiếp giúp đỡ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc Trưởng Công an cấp xã xem xét, cho phép người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú. Trong trường hợp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an cấp xã đồng ý cho phép người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú, thì Trưởng Công an cấp xã cấp giấy chứng nhận tạm vắng cho họ, trong đó ghi rõ lý do, thời gian vắng mặt (từ ngày, tháng, năm đến ngày, tháng, năm) và nơi đến.
3. Người được giáo dục có trách nhiệm báo cáo Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú biết. Khi hết thời hạn tạm trú phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú về thời hạn tạm trú và việc chấp hành pháp luật tại nơi đến tạm trú.
4. Thời gian người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú được tính vào thời hạn chấp hành quyết định. Nếu người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú mà không báo cáo, không được sự đồng ý của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc của Trưởng Công an cấp xã; trong thời gian tạm trú và vi phạm pháp luật, không trình báo giấy chứng nhận tạm vắng với Công an nơi đến tạm trú; hết thời hạn tạm trú mà không có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi đến tạm trú, thì thời gian vắng mặt đó không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định.
VI. VỀ VIỆC MIỄN CHẤP HÀNH PHẦN THỜI GIAN CÒN LẠI CỦA QUYẾT ĐỊNH GIÁO DỤC TẠI CẤP XÃ
1. Việc xem xét, quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại cấp xã phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 17 Nghị định số 163 và Thông tư này.
2. Khi người được giáo dục chấp hành được một nửa thời hạn giáo dục tại cấp xã và có tiến bộ rõ rệt, thì tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục phải có trách nhiệm làm văn bản đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại cấp xã.
3. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phải chuyển ngay đề nghị đó đến Trưởng Công an cấp xã. Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan, tổ chức có liên quan, đề xuất ý kiến của mình bằng văn bản và chuyển toàn bộ văn bản nêu trên đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại cấp xã đối với người được giáo dục.
VII. CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐÃ CHẤP HÀNH XONG QUYẾT ĐỊNH GIÁO DỤC TẠI CẤP XÃ
Việc cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời hạn giáo dục tại cấp xã phải thực hiện đúng quy định tại Điều 18 Nghị định số 163. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày người được giáo dục chấp hành xong quyết định, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phải cấp "Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại cấp xã" cho họ.
1. Giúp đỡ, động viên, hỗ trợ người được giáo dục trong cuộc sống, học văn hoá; giúp họ tìm kiếm việc làm hoặc đề xuất với Uỷ ban nhân dân cấp xã tạo điều kiện, tìm kiếm việc làm cho người được giáo dục.
2. Phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục và báo cáo với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã. Người trực tiếp giúp đỡ phải là người có khả năng giúp đỡ người được giáo dục sửa chữa sai phạm của mình, có uy tín đối với người được giáo dục, gương mẫu chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có điều kiện thường xuyên tiếp xúc với người được giáo dục và tìm hiểu được tâm tư nguyện vọng, nguyên nhân, hoàn cảnh đã dẫn đến người được giáo dục vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp người trực tiếp giúp đỡ không còn điều kiện để có thể giúp đỡ người được giáo dục như: gia đình gặp khó khăn, chuyển đi nơi khác; bản thân bị ốm nặng, già yếu, không có điều kiện tiếp xúc, giúp đỡ người được giáo dục, không có uy tín để giúp đỡ người được giáo dục tiến bộ..., thì phải kịp thời phân công người khác có đủ điều kiện trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục.
3. Người đứng đầu tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục phải thường xuyên trao đổi, bàn bạc với người được phân công trực tiếp giúp đỡ để nắm tình hình về việc chấp hành quyết định, sự tiến bộ của người được giáo dục; kịp thời giúp đỡ người được giáo dục giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khi chấp hành biện pháp này.
4. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan khác và gia đình của người được giáo dục trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ họ trở thành người có ích cho xã hội.
Đối với người được giáo dục là người chưa thành niên, thì cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh để có các hình thức giáo dục thích hợp.
5. Kiến nghị với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã về các hình thức giúp đỡ thích hợp đối với người được giáo dục như: học nghề, giải quyết việc làm, cho vay vốn, trợ giúp công cụ, phương tiện lao động; tạo điều kiện làm ăn sinh sống; động viên thăm hỏi khi người được giáo dục ốm đau hoặc khi gia đình họ có việc hiếu, hỷ.
6. Định kỳ hàng tháng báo cáo với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã về tình hình, kết quả công tác giúp đỡ, quản lý, giáo dục đối với người được giáo dục và sự tu dưỡng của họ.
7. Làm văn bản đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại cấp xã đối với trường hợp người được giáo dục có tiến bộ rõ rệt.
8. Phối hợp với công an cấp xã đề xuất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có các biện pháp phù hợp để tiếp tục giúp đỡ, động viên người được giáo dục sau khi họ đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại cấp xã.
IX. TRÁCH NHIỆM CỦA TRƯỞNG CÔNG AN CẤP XÃ
1. Phân công trách nhiệm cho cán bộ, chiến sỹ công an hoặc Phó trưởng Công an xã, công an viên phối hợp với người đứng đầu tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục người được giáo dục để nắm tình hình, quản lý, giáo dục và giúp đỡ người được giáo dục trong việc chấp hành quyết định và thực hiện cam kết sửa chữa sai phạm.
2. Giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã theo dõi việc vắng mặt và thời gian vắng mặt của người được giáo dục; xem xét việc cho phép người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú; theo dõi việc chấp hành quyết định giáo dục tại cấp xã của người được giáo dục.
3. Báo cáo, đề xuất ý kiến với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại cấp xã đối với người được giáo dục.
4. Quản lý, lưu giữ hồ sơ, tài liệu về công tác giáo dục tại cấp xã.
5. Thu thập tài liệu, lập hồ sơ để quản lý và theo dõi sự tiến bộ của người được giáo dục tại cấp xã. Hồ sơ bao gồm:
a. Sơ yếu lý lịch;
b. Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục;
c. Biên bản cuộc họp về việc đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục; bản xác minh của Trưởng Công an cấp xã quy định tại Điều 10 Nghị định số 163 (nếu có);
d. Quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã;
đ. Biên bản các cuộc họp kiểm điểm, các báo cáo hàng tháng của tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục;
e. Biên bản ghi lời khai của người được giáo dục (nếu có);
g. Các bản kiểm điểm và cam kết sửa chữa sai phạm của người được giáo dục;
h. Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại cấp xã; quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại cấp xã;
i. Các báo cáo, tài liệu khác về hành vi vi phạm pháp luật hoặc có liên quan đến người được giáo dục trong thời hạn chấp hành quyết định giáo dục tại cấp xã.
6. Thực hiện chế độ quản lý hồ sơ theo quy định của Bộ Công an và Nhà nước.
Thực tế hiện nay, do đặc thù phân cấp hành chính, một số đơn vị cấp huyện không có (hoặc chưa có) cấp xã, do vậy, chính quyền cấp huyện ở những nơi này ngoài việc có các thẩm quyền theo quy định của pháp luật đối với chính quyền cấp huyện, còn thực hiện những thẩm quyền mà pháp luật trao cho chính quyền cấp xã. Vì vậy, để thi hành biện pháp giáo dục tại cấp xã theo đúng quy định của pháp luật, ở những đơn vị cấp huyện không có cấp xã, thì việc áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã đối với những đối tượng quy định tại điểm 2 Phần I của Thông tư này do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định. Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định, thi hành biện pháp giáo dục tại cấp xã được thực hiện như đối với cấp xã được quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 163 và Thông tư này.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây của Bộ Công an về biện pháp giáo dục tại cấp xã trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
2. Tổng cục Cảnh sát chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện Thông tư này.
3. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
4. Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương mình tổ chức thực hiện Thông tư này; định kỳ gửi báo cáo 6 tháng đầu năm, báo cáo năm về Bộ (qua Tổng cục II, V19) về việc thực hiện quy định của pháp luật về biện pháp giáo dục tại cấp xã.
5. Công an cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Công an cấp xã thực hiện nghiêm túc biện pháp giáo dục tại cấp xã; định kỳ 03 tháng một lần và hàng năm báo cáo Công an cấp tỉnh (qua PV 11, PC 13) việc thực hiện quy định của pháp luật về biện pháp giáo dục tại cấp xã.
6. Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong việc theo dõi giáo dục, quản lý đối với người được giáo dục ở địa phương; định kỳ 03 tháng một lần và hàng năm báo cáo Công an cấp huyện về tình hình thực hiện biện pháp giáo dục tại cấp xã.
7. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương cần báo cáo về Bộ (qua Tổng cục II) để hướng dẫn kịp thời.
Lê Thế Tiệm (Đã ký) |
Thông tư 22/2004/TT-BCA(V19) hướng dẫn thi hành Nghị định 163/2003/NĐ-CP quy định biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do Bộ Công an ban hành
- Số hiệu: 22/2004/TT-BCA
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 15/12/2004
- Nơi ban hành: Bộ Công An
- Người ký: Lê Thế Tiệm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 27
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra