Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG LÂM | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 21NL/TT | Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1958 |
VỀ CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG CHO NHÂN CÔNG THUÊ MƯỚN THỜI VỤ Ở CÁC NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH
Hàng năm các nông trường quốc doanh đều phải thuê hàng ngàn nhân công để phục vụ ngày mùa và những công tác đột xuất. Nhưng từ trước tới nay chưa có một chế độ lao động để thi hành cho nhân công thuê mướn đó, cho nên các nông trường quốc doanh đã áp dụng một số điểm trong thông tư số 4 và 19 của Liên bộ về chế độ lao động ở công trường, ngày 10-06-1957 Bộ ra chỉ thị số 934 đình chỉ việc thi hành chế độ ấy vì nó không thích hợp với tính chất quốc doanh và quy định nguyên tắc trả tiền công cho nhân công thuê mướn ở các nông trường quốc doanh. Đến nay, việc trả tiền tiền công và các chế độ lao động cho nhân công thuê mướn ấy cũng chưa được thống nhất và còn nhiều điểm chưa thích hợp với tính chất sản xuất và kế hoạch tiền lương, cũng như quản lý nhân công và giá công của địa phương.
Để thống nhất giải quyết quyền lợi cho anh chị em đến làm việc tại các nông trường quốc doanh, sau khi được Bộ Lao động thỏa thuận (công văn số 1472 ngày 25-08 năm 1958), Bộ quy định như sau:
I. - NGUYÊN TẮC THUÊ MƯỚN VÀ TỔ CHỨC LAO ĐỘNG
a) Tùy theo kế hoạch sản xuất và nhu cầu cấp thiết của thời vụ, hoặc công tác đột xuất của từng nông trường quốc doanh mà công nhân cố định không đủ khả năng hoàn thành, thì mới được thuê mướn nhân công, nhưng cũng chỉ nằm trong kế hoạch nhân lực đã được Bộ duyệt y.
Việc chọn lấy người làm việc phải nhằm vào những người khỏe mạnh, có thái độ lao động tốt và bảo đảm công việc sản xuất ở các nông trường quốc doanh. Không thuê mướn những người già yếu, mất sức lao động phụ nữ có thai và trẻ em dưới 17 tuổi.
b) Về tổ chức: Cần phải tổ chức thành từng tổ, từng đội, có người chịu trách nhiệm điều khiển, phân công, phân nhiệm rõ ràng. Nông trường quốc doanh phải có cán bộ chuyên trách trực tiếp quản lý số công nhân thuê mướn ấy về mọi mặt.
A. – Tiền lương.
Nói chung anh chị em làm việc cho nông trường quốc doanh trong ngày mùa, hoặc công tác đột xuất, đều có tính chất tạm thời ngoài biên chế của nông trường quốc doanh, cho nên không áp dụng chế độ lương như công nhân cố định, nhưng cũng dựa vào mức lương và tiêu chuẩn của công nhân cố định làm việc nặng, nhẹ, đơn giản hay phức tạp và xét theo trình độ kỹ thuật và khả năng lao động của mỗi người, mà trả công cho họ.
Cụ thể có 3 mức trả công theo ngày lao động như sau:
- 1.150 đ một ngày | (1.150đ x 313 | = 30.000đ một tháng) đối với lao động nhẹ. |
12 | ||
- 1.300đ một ngày | (1.300đ x 313 | = 34.000đ một tháng) đối với lao động tương đối nặng. |
12 | ||
- 1.460đ một ngày | (1.460đ x 313 | = 38.000đ một tháng) đối với lao động nặng nề và phức tạp. |
12 |
Đối với các loại thợ chuyên môn như mộc, nề theo 3 mức quy định dưới đây:
- 1.500 đồng một ngày
- 1.620 đồng một ngày
- 1.800 đồng một ngày
Còn các tiêu chuẩn nghề nghiệp của các loại nhân công nói trên đều thống nhất như công nhân cố định.
Ngoài các mức lương đã quy định ra anh chị em được hưởng thêm một khoản phụ cấp khu vực (nếu có).
Trong ngày mùa nhân công hiếm, giá công địa phương có nơi cao, công việc nông trường quốc doanh cần phải có nhân công để hoàn thành kế hoạch trong một thời hạn nhất định như cấy lúa theo nước, gặt lúa bị mưa, cà phê chín rộ v.v… thì từng nơi có thể tăng giá công thuê mướn từ 5% đến 20% tiền cơ sở các mức lương nói trên, nhưng phải được sự đồng ý của chính quyền và cơ quan lao động địa phương để tránh tình trạng làm đảo lộn giá công nơi đó.
Để thực hiện đúng nguyên tắc trả lương theo lao động, các nông trường quốc doanh cần phải định tiêu chuẩn sản xuất hàng ngày cho từng người và phải làm cho từng người thấy rõ trách nhiệm là phải hoàn thành tốt tiêu chuẩn đó trong ngày lao động của họ.
B. – Chế độ phụ cấp xã hội.
- Ốm đau: Mỗi nhân công được cấp phát thuốc phòng và thuốc thông thường theo tiêu chuẩn chung như công nhân cố định của nông trường quốc doanh. Căn cứ đầu người từng tháng, các nông trường quốc doanh lập dự trù tổ chức tủ thuốc riêng và do y tế nông trường quốc doanh quản lý việc cấp thuốc phòng cũng như điều trị cho anh chị em ốm đau.
Khi đau ốm nặng, khả năng tủ thuốc không chữa được thì nông trường quốc doanh giới thiệu đến bv và bệnh nhân hưởng tiêu chuẩn thuốc của bv, nông trường không đài thọ viện phí. Nếu bv không có chỗ nằm thì gia đình người ốm có trách nhiệm bảo dưỡng.
Trường hợp đau ốm phải nghỉ việc, nếu thời gian đã làm việc trên 02 tháng và dưới 06 tháng được trợ cấp từ 1 đến 15 ngày lương và phụ cấp khu vực (nếu có).
Trường hợp có người làm việc từ 06 tháng trở lên thì được cấp từ 01 ngày đến 30 ngày lương và phụ cấp khu vực (nếu có).
- Chết vì ốm đau: Về mai táng phí không đặt ra, nhưng trường hợp có người ốm chết tại nông trường quốc doanh thì được trợ cấp 1 áo quan trung bình và 6 mét vải phín Nam Định hạng vừa, để khâm liệm. Việc tổ chức chôn cất sẽ do công đoàn vận động anh em công nhân giúp đỡ; (ngày đi chôn cất người chết của một số anh em công nhân được coi như là ngày sản xuất của nông trường quốc doanh).
- Thai sản: Nhất thiết không thuê mướn người có thai, nhưng trường hợp không biết mà đã lỡ thuê mướn phải người có thai thì nông trường sẽ bố trí công việc nhẹ cho chị em làm, không có việc nhẹ thì cho về. Nều vì lao động mà xẩy thai thì người xẩy thai được trả đủ lương trong số ngày được nghỉ việc theo đề nghị của y sĩ với sự đồng ý của Quản đốc.
- Tai nạn lao động: Nếu xảy ra tai nạn lao động thì nông trường có trách nhiệm điều trị ngay. Trong thời gian điều trị nông trường phải thanh toán đủ tiền lương. Nếu thành thương tật hay bị chết thì nông trường phải thi hành đúng nghị định 111 của Liên Bộ ngày 11-11-1955, thông tư số 13 và nghị định số 703 của Thủ tướng phủ ngày 29/02/1956, thông tư 12-TT/LB ngày 24-07-1957.
C. – Bảo hộ lao động:
Việc bảo hộ lao động ở các nông trường quốc doanh cần phải được coi trọng; các Ban quản đốc và những cán bộ phụ trách công nhân phối hợp với công đoàn có kế hoạch giáo dục anh chị em trước khi làm việc cũng như trong khi làm việc và có kế hoạch đề phòng tai nạn lao động. Những quy định về chế độ phòng hộ cho công nhân cố định đều được áp dụng đối với công nhân thuê mướn trong những việc làm nguy hiểm.
III. - TỔ CHỨC ĂN, Ở, ĐI ĐƯỜNG
Ở: Tùy điều kiện nhà ở của nông trường quốc doanh mà bố trí cho anh chị em có đủ chỗ ở (trừ những người có thể đi về hàng ngày được).
- Việc làm nhà mới nói chung không đặt ra; trường hợp không tìm ra chỗ ở cho anh chị em thì mới được làm thêm, nhưng phải có dự trù trước và được Bộ duyệt y.
Ăn: Nói chung vấn đề phương tiện dụng cụ cấp dưỡng cũng như nấu ăn là do anh chị em tự túc và tự phân công nhau nấu nướng, nông trường quốc doanh không chịu trách nhiệm. Nếu có sẵn dụng cụ thì nông trường quốc doanh sẽ cho anh chị em mượn một số cần thiết, điều chủ yếu là anh chị em phải tự mua sắm, mang theo. Ở những nông trường quốc doanh có tổ tiếp phẩm thì có thể tùy theo khả năng mà phân phối những thịt rau với giá của tổ tiếp phẩm.
Tiền tàu xe đi đường: Anh chị em ở xã do yêu cầu của nông trường quốc doanh thì khi đi mỗi ngày được cấp 900 đồng và khi về mỗi ngày được cấp 80% tiền lương và phụ cấp khu vực (nếu có) trong những ngày đi đường.
IV. - NHIỆM VỤ CỦA CÔNG NHÂN VÀ CƠ QUAN SỬ DỤNG
Về phần công nhân:
Đến giúp việc cho nông trường quốc doanh phải thi hành đúng mấy điểm sau đây:
- Đi làm cũng như khi nghỉ phải đúng giờ đã quy định.
- Luôn luôn phải có thái độ lao động tốt.
- Thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức tiêu chuẩn sản xuất hàng ngày.
- Tôn trọng nội quy, tôn trọng kỷ luật lao động của nông trường.
- Đoàn kết giúp đỡ nhau, đấu tranh chống hiện tượng tham ô lãng phí bảo vệ của công.
Nếu ai phạm một trong những điều kiện nói trên thì phải phê bình kiểm thảo, giúp đỡ sửa chữa. Tùy theo tác hại nhiều hay ít, sai lầm nặng hay nhẹ mà cảnh cáo hoặc trả về địa phương.
Về phần cơ quan sử dụng có trách nhiệm:
- Phổ biến cho mọi người thông suốt những điều quy định trên trước khi họ đến làm việc cho nông trường.
- Tổ chức và quản lý nhân công trong thời gian làm việc cho nông trường.
- Chịu trách nhiệm thi hành các chế độ lao động, và giúp đỡ anh chị em ăn, ở, làm việc.
- Tổ chức sinh hoạt, phổ biến các chính sách cần thiết của Đảng và Chính phủ cho anh chị em biết và làm tốt.
V. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
Đối tượng áp dụng:
- Anh chị em nông dân xong mùa, tổ chức thanh toán đến xin làm việc được sự đồng ý của nông trường quốc doanh và đôi bên đã làm hợp đồng với thời hạn nhất định.
- Gia đình cán bộ, công nhân trong nông trường làm công nhật những việc có tính chất thời vụ hay đột xuất.
Chế độ này không áp dụng cho các đối tượng sau đây:
- Đồng bào địa phương xung quanh nông trường quốc doanh đến làm công nhật có tính chất tự do, lẻ tẻ không có hợp đồng.
- Nông dân các địa phương xa đến lẻ tẻ, ở nhờ nhà nhân dân xung quanh, hàng ngày đến làm công nhật, không có hợp đồng.
- Gia đình cán bộ, công nhân làm việc trong những ngày bình thường không thuộc thời vụ hay công việc đột xuất.
Thông tư này áp dụng kể từ ngày ban hành. Những văn bản nào ban hành trước đây trái với thông tư này đều hủy bỏ.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM |
Thông tư 21NL/TT năm 1958 về chế độ lao động cho nhân công thuê mướn thời vụ ở các nông trường quốc doanh do Bộ Nông Lâm ban hành.
- Số hiệu: 21NL/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 19/12/1958
- Nơi ban hành: Bộ Nông lâm
- Người ký: Nguyễn Tạo
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 1
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra