BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21-TT/PC | Hà Nội, ngày 07 tháng2 năm 1984 |
Ngày 21-12-1982 Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định số 203-HĐBT ban hành Điều lệ bảo vệ đường bộ. Điều 17 trong điều lệ của Hội đồng Bộ trưởng đã ghi: "Những xe máy, xe bánh xích, xe quá trong tải, quá khổ giới hạn quy định muốn chạy trên đường giao thông công cộng phải có giấy phép của Bộ giao thông vận tải (nếu là đường do Bộ quản lý) hoặc của Uỷ ban nhân dân tỉnh (nếu là đường do tỉnh quản lý) và phải chấp hành các quy định về việc bảo vệ cầu đường, phà, phao v.v...".
Điều 22 của điều lệ quy định: "Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải có trách nhiệm quy định cụ thể việc thi hành điều lệ này".
Căn cứ vào nghị định và điều lệ của Hội đồng Bộ trưởng trên đây, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc thi hành như sau:
Hệ thống cầu đường của ta nói chung là xấu, yếu chưa vào cấp quy định, lại bị địch đánh phá trong những năm chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và chiến đấu để giải phóng miền Nam.
Hiện nay tuy đã sửa chữa, hoàn chỉnh, nâng cấp nhiều đoạn đường nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải ngày càng phát triển để phục vụ yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ xây dựng kinh tế.
Nhiều xe bánh xích, xe nặng vượt quá trọng tải thiết kế của cầu đường, xe quá khổ hoạt động trên đường đã không xin giấy phép hoặc tuy có giấy phép nhưng chấp hành không đúng các luật lệ giao thông và sự hướng dẫn việc đi lại đối với các loại xe này của cơ quan quản lý cầu đường bộ.
Do đó, đã làm cho cầu đường vốn đã xấu từ trước nay càng phát sinh biến dạng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động của vận tải ô tô, gây lãng phí nhiều tiền của của Nhà nước. Thậm chí còn gây ra những tai nạn giao thông đáng tiếc.
Để thi hành nghiêm chỉnh Nghị định số 203-HĐBT ngày 21-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng nhằm ngăn ngừa các hiện tượng làm hư hại cầu đường, kéo dài tuổi thọ các công trình bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.
Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể như sau.
II. CÁC LOẠI XE THUỘC ĐỐI TƯỢNG PHẢI CÓ GIẤY PHÉP ĐI LẠI TRÊN ĐƯỜNG GIAO THÔNG CÔNG CỘNG.
A. XE VƯỢT QUÁ TRỌNG TẢI QUI ĐỊNH.
1. Các loại xe có tổng trọng tải (xe và hàng) trên 13 tấn hoặc các xe kéo theo sơ-mi rơ-moóc (đầu kéo kéo theo sơ-mi rơ-moóc) hay kéo theo moóc bàn có từ 3 trục bánh trở lên nặng trên 16 tấn chạy trên các đoạn đường nêu trong phụ lục 1 của thông tư này (1).
2. Các loại xe có tổng trọng tải trên 10 tấn không kéo theo rơ-moóc hoặc có kéo theo rơ-moóc thì tổng cộng (xe, moóc, hàng) quá 15 tấn chạy trên các tuyến giao thông công cộng khác ngoài những đoạn đường nêu ở phụ lục 1 của các thông tư này (1).
3. Các loại xe có tổng trọng tải dưới mức quy định ở điểm 1 và 2 trên đây được chạy bình thường trên các đường giao thông thuộc trung ương quản lý và không phải xin giấy phép của cơ quan giao thông vận tải.
Nhưng các loại xe này khi chạy trên các đường thuộc địa phương quản lý thì phải tuân theo quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu về trọng tải cho phép đối với từng đường đó. Trường hợp xe vượt quá trọng tải quy định thì đều phải có giấy phép như các loại xe quy định ở điểm 1 và 2 trong mục A này.
B. XE BÁNH XÍCH BAO GỒM:
- Xe có bánh xích nhọn như xe ủi đất loại C100, C300, DT75, máy xúc vợt v.v...
- Xe có bánh xích gai như các loại xe kéo pháo ATC, ATL, xe tăng, xe thuyền, máy ủi DT.54, Đông phương hồng v.v...
- Xe có bánh xích bằng như xe đào đất, xe máy xúc, xe cần cẩu.
C. XE CÓ KÍCH THƯỚC VƯỢT QUÁ QUI ĐỊNH (QUÁ KHỔ):
1. Các loại xe có kích thước dài quá 8 mét (nếu kéo theo moóc thì dài quá 14 mét) rộng quá 2,60 mét chạy trên các đường nêu trong phụ lục 1 của thông tư này.(1)
2. Các xe có kích thước dài quá 7 mét (nếu kéo theo moóc thì dài quá 13 mét) rộng quá 2,50 mét - chạy trên các đường do trung ương và địa phương quản lý ngoài những đoạn đường nêu trong phụ lục 1 của thông tư này (1).
3. Các xe có cấu trúc các thiết bị chuyên dùng như dàn khoan, gầu đào, cần cẩu v.v... hoặc trên xe có chở hàng nếu thiết bị chuyên dùng hoặc hàng hoá trên xe chờm ra khỏi bề ngang thùng xe, chờm ra khỏi thân xe phía trước và phía sau xe quá 2,50 mét, cao quá 3,50 mét (từ mạt đất trở lên). Riêng hàng hoá nếu xếp chờm ra phía trước thân xe đều phải xin phép.
III. QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CẤP GIẤY PHÉP
1. Các xe có trọng tải lớn, xe có kích thước vượt quá quy định và xe có bánh xích của tất cả các cơ quan, các ngành (kể cả quân đội) nêu ở phần II trên đây khi chạy trên đường giao thông công cộng do trung ương hoặc địa phương quản lý đều phải có giấy phép của cơ quan giao thông vận tải có thẩm quyền dưới đây cấp:
a) Các xe chỉ chạy trên các đường địa phương hoặc đường trung ương quản lý nằm trong phạm vi một tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương do sở giao thông vận tải nơi đó cấp.
b) Các xe chạy trên các đường trung ương hoặc địa phương quản lý qua từ 2 tỉnh trở lên do vụ quản lý thi công và giao thông thuộc Bộ giao thông vận tải cấp.
c) Các cơ quan, đơn vị có các loại xe trên khi cần cho xe chạy trên đường phải có công văn yêu cầu cấp giấy phép gửi tới cơ quan giao thông vận tải có thẩm quyền quy định ở điểm 1 trên đây.
Giấy phép cấp theo mẫu thống nhất, khi cấp giấy phép, cơ quan cấp giấy phép được thu một khoản tiền lệ phí là 10 đồng cho mỗi giấy phép (trừ các xe thuộc lực lượng vũ trang).
IV. KIỆN BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN
Các loại xe nêu trong phần II khi được phép chạy trên đường giao thông công cộng phải tuân theo các kiện sau đây:
1. Xe có trọng tải lớn:
Các loại xe có trọng tải lớn khi hoạt động trên đường thường gây hư hỏng cầu đường và có thể xảy ra tai nạn nên đối với các thiết bị nặng cần phải tận dụng phương tiện vận tải thuỷ hoặc đường sắt để chuyên chở.
Trường hợp không có điều kiện mới được vận chuyển bằng đường bộ. Tinh thần chung là các loại xe có trọng tải lớn chỉ dùng để chở các thiết bị lớn hoặc cồng kềnh mà các loại xe nhẹ không thể chuyên chở được. Không dùng các loại xe này để chở các loại hàng rời như cát, đá, sỏi, gạch, ngói, vôi, than, xi măng, nhựa đường, tre, nứa lá, thóc gạo, v.v...
Trừ trường hợp kết hợp vận chuyển hai chiều có ghi trong giấy phép, các xe được cấp giấy phép phải trở đúng hàng và trọng tải đã ghi trong giấy phép.
- Khi qua các cầu, xe phải đi từng chiếc một, đi chậm, đúng tim cầu. Cự ly của xe đối với xe khác tối thiểu 30 mét. Cấm vượt xe khác trên cầu.
- Trường hợp nếu cầu đường bị hư hỏng bất ngờ, người lái xe phải bằng biện pháp nhanh nhất báo cho đơn vị quản lý đường sở tại biết đến giải quyết.
- Trường hợp do yêu cầu cấp thiết của Nhà nước phải vận chuyển các kiện hàng quá nặng trên các đường mà khả năng chịu lực của cầu đường, phà không thể đáp ứng được thì các cơ quan chủ hàng, chủ xe phải có kế hoạch trước với Bộ Giao thông vận tải, Sở giao thông vận tải hoặc Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng giao thông khu vực để bàn bạc các kế hoạch tăng cường cầu đường.
2. Đối với xe bánh xích. Xe bánh xích khi chạy trên đường thường gây hư hại lớn cho mặt đường, mặt cầu, phà, gây trở ngại và dễ gây tai nạn cho xe và người qua lại trên đường. Do đó, tinh thần chung là hạn chế các loại xe xích tự hành trên các đường giao thông.
a) Đối với tất cả các loại xe bánh xích bằng:
- Trường hợp đi từ kho đến các nơi nếu có đường sắt thì phải chuyển bằng đường sắt, nếu không có đường sắt phải trở bằng moóc bàn.
- Trường hợp phải tự hành thì chỉ được tự hành trên các đoạn đường dài tối đa là 2 kilô mét. Hạn chế hết mức loại xe này đi trên đường đã trải nhựa, đã đổ bê tông nhựa.
- Các xe bánh xích khi tự hành trên đường phải thực hiện các biện pháp bảo vệ quy định dưới đây:
Phải tranh thủ đi qua đêm, không đi lúc trưa nắng, không được chạy nhanh quá 10km/h, không được rẽ ngoặt bất ngờ hoặc quay đầu xe, máy ngay trên mặt đường.
Khi đi trên đường cố gắng điều khiển để một bánh xích đi trên lề đường.
Người điều khiển xe phải có ý thức bảo vệ cầu đường, bảo vệ an toàn giao thông.
Trường hợp nếu xe bánh xích làm hư hỏng cầu, đường, phà đơn vị quản lý đường có thể đình chỉ tại chỗ không cho xe tiếp tục chạy, lập biên bản, chủ xe và người lái xe phải chịu trách nhiệm.
b) Đối với các loại xe bánh xích nhọn:
Các loại xe bánh xích nhọn khi được phép đi trên đường, cầu, phà (kể cả các xe xích trở trên moóc bàn khi xuống đường tự hành) ngoài việc thực hiện các quy định nêu trong điểm a trên đây, xích của xe phải có guốc bằng cao su hoặc bằng gỗ hay phải lót tôn, lót ván ở hai vệt bánh xích.
Nếu lắp guốc phải được cơ quan quản lý đường sở tại kiểm tra trước khi cho xe chạy.
3. Đối với xe quá khổ:
Các xe quá khổ giới hạn khi chạy trên đường phải chạy với tốc độ quy định ghi trong giấy phép và hết sức thận trọng để tránh tại nạn xảy ra.
- Các xe chở hàng cao hoặc thiết bị có sẵn trên xe cao hơn mức quy định khi chạy trên đường phải có người quan sát và có sẵn dây và các dụng cụ nâng dây điện để hàng hoá hoặc thiết bị của xe khỏi vướng phải.
Khi có gió cấp 5 trở lên các xe quá khổ không được qua phà, cầu phao. - Các xe chở hàng dài chờm ra phía trước, phía sau xe hoặc chờm ra khỏi bề ngang của xe phải có người quan sát để kịp thời thông báo cho mọi người qua lại trên đường biết tránh nguy hiểm.
Riêng đối với các xe chở hàng dài chờm ra phía sau xe hoặc phía sau moóc từ 1 mét trở lên phải có tín hiệu bằng cờ đỏ (ban ngày) đèn đỏ (ban đêm) ở đoạn cuối của hàng hoá. Tuyệt đối không được để kéo lê hàng trên mặt đường.
Trường hợp cần vận chuyển các kiện hàng hoặc các xe có kích thước lớn mà việc đi lại trên đường sẽ gây cản trở giao thông, cơ quan chủ hàng, chủ xe phải có kế hoạch trước với Bộ Giao thông vận tải. Sở giao thông vận tải hoặc liên hiệp các xí nghiệp xây dựng giao thông khu vực để bàn bạc về kế hoạch cho xe đi.
Những hành động vi phạm thông tư này tuỳ theo mức độ nặng nhẹ mà bị xử lý bàng các hình thức sau đây:
a) Phê bình, cảnh cáo và xử phạt theo điều lệ xử phạt vi cảnh (ban hành kèm Nghị định số 143-CP ngày 27-5-1977 của Hội đồng Chính phủ.
b) Tạm giữ bằng lái xe chuyển sang cơ quan công an xử lý hoặc cắt ô phiếu kiểm soát.
c) Bồi thường mọi thiệt hại đã gây cho cầu, đường, phà.
Trường hợp vi phạm gây thiệt hại nghiêm trọng cho cầu, đường, phà thì có thể bị truy tố trước pháp luật.
d) Các cán bộ quản lý giao thông được quyền xử lý tại chỗ, lập biên bản và đề nghị truy tố trước pháp luật như quy định trong thông tư số 175-TT/PC ngày 21-9-1978 của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thi hành điều lệ xử phạt vi cảnh.
1. Các cơ quan, đơn vị có các loại xe nêu trên đây phải thực hiện nghiêm chỉnh việc xin giấy phép và chấp hành các quy định của cơ quan quản lý cầu đường, quản lý chặt chẽ hoạt động của xe, thường xuyên giáo dục lái xe nêu cao ý thức bảo vệ cầu đường, bảo đảm trật tự an toàn giao thông vận tải.
2. Cơ quan quản lý cầu đường: Vụ Quản lý thi công và giao thông phải thường xuyên nắm vững tình hình cầu đường trên tất cả các tuyến đường, kể cả các tuyến đường do địa phương quản lý. Đồng thời hướng dẫn các Sở giao thông vận tải trong việc xét cấp giấy phép cho các loại xe bánh xích, xe quá khổ, xe trọng tải lớn đi lại trên các đường trong phạm vi tỉnh, thành phố, đặc khu.
3. Các sở giao thông vận tải, Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng giao thông khu vực có trách nhiệm báo cáo ngay tình hình và khả năng trọng tải của cầu, đường, phà thuộc địa phương mình, đơn vị mình quản lý (kể cả đường địa phương, đô thị chuyên dùng) cho Vụ quản lý thi công và giao thông. Mỗi khi có sự thay đổi về cầu, đường trong địa phương phải kịp thời báo cáo về Vụ quản lý thi công giao thông để tiện việc cấp giấy phép cho các loại xe qua lại.
4. Trong khi cấp giấy phép cho xe có trọng tải lớn đi lại, nếu gặp trường hợp có những loại xe nặng, vượt quá trọng tải cầu, đường mà khả năng của Sở giao thông vận tải không có đủ kiện để giải quyết cho xe qua lại an toàn thì phải báo cáo về Bộ giao thông vận tải (qua vụ quản lý thi công giao thông) để giải quyết.
5. Vụ trưởng Vụ quản lý thi công giao thông, Tổng giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng giao thông khu vực, giám đốc các sở giao thông vận tải có trách nhiệm theo dõi kiểm tra, đôn đốc việc thi hành thông tư này.
Phải tăng cường công tác kiểm tra an toàn giao thông và có kế hoạch hướng dẫn các đơn vị bảo dưỡng đường bộ, các bến phà, cầu phao phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ an toàn cầu, đường thường xuyên kiểm tra xe cộ đi lại trên đường, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý những hiện tượng vi phạm các quy định bảo vệ an toàn cầu, đường, phà, an toàn giao thông vận tải.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký và bãi bỏ Thông tư số 2-TT/PC ngày 22-1-1970 của Bộ giao thông vận tải và các quy định của từng địa phương trái với thông tư này. Đề nghị các Bộ, các ngành và Uỷ ban nhân dân các địa phương phổ biến rộng rãi thông tư này cho các cấp, các đơn vị thuộc quyền biết và thực hiện.
Nguyễn Đình Doãn (Đã ký) |
- 1Nghị định 143-CP năm 1977 Điều lệ về phạt vi cảnh do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 203-HĐBT năm 1982 về Điều lệ bảo vệ đường bộ do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Thông tư 175-TT/PC-1978 hướng dẫn thi hành Điều lệ về phạt vi cảnh do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4Thông tư 84/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức giao thông và đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Thông tư 21-TT/PC-1984 về việc đi lại trên đường giao thông công cộng đối với các loại xe bánh xích, xe có trọng tải lớn, xe có kích thước quá khổ giới hạn của cầu đường bộ do Bộ giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 21-TT/PC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 07/02/1984
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Nguyễn Đình Doãn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 7
- Ngày hiệu lực: 07/02/1984
- Ngày hết hiệu lực: 20/04/2000
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực