Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP-BỘ LÂM NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20-TT/LB

Hà Nội, ngày 11 tháng 05 năm 1978

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC GIAO ĐẤT, GIAO RỪNG ĐỂ HỢP TÁC XÃ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ LÂM NGHIỆP THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 272-CP NGÀY 03-10-1977 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Thực hiện Quyết định số 272-CP ngày 03-10-1977 của Hội đồng Chính phủ ban hành chính sách đối với hợp tác xã mở rộng diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới, thực hiện định canh định cư và thực hiện Chỉ thị số 257-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng và giao đất, giao rừng cho hợp tác xã kinh doanh, Bộ Lâm nghiệp và Bộ Nông nghiệp hướng dẫn thực hiện việc giao đất, giao rừng để hợp tác xã phát triển sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp được ghi trong văn bản nói trên như sau.

I. NGUYÊN TẮC GIAO ĐẤT, GIAO RỪNG ĐỂ HỢP TÁC XÃ KINH DOANH

1. Đất và rừng trên lãnh thổ cả nước đều là tài sản chung của toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, không một đơn vị hoặc cá nhân nào được chiếm làm của riêng. Chỉ Nhà nước mới có thẩm quyền giao đất, giao rừng cho các đơn vị quốc doanh và các hợp tác xã quản lý, sử dụng theo đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình kỹ thuật và chấp hành đúng chính sách, luật lệ của Nhà nước.

2. Đất và rừng giao cho hợp tác xã phải dựa trên cơ sở đã được phân vùng, quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp và phương hướng sản xuất của từng vùng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt, Ủy ban nhân dân huyện tuỳ theo điều kiện đất và rừng của địa phương và tuỳ theo khả năng lao động của từng hợp tác xã để xác định diện tích đất và rừng giao cho hợp tác xã. Những nơi chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch chưa được duyệt, nhưng do yêu cầu cấp thiết thì Ủy ban nhân dân tỉnh tạm thời xác định địa bàn, nhiệm vụ, loại cây trồng, biện pháp kỹ thuật và thông báo cho Ủy ban nhân dân huyện giao đất, giao rừng cho hợp tác xã trồng rừng, sản xuất lương thực, khai thác và bảo vệ rừng.

Phần đất giao cho hộ xã viên làm nhà và làm kinh tế phụ cũng dựa trên cơ sở quy hoạch trong khu dân cư và được giao chung cho hợp tác xã để hợp tác xã phân phối lại cho các hộ xã viên.

3. Những hợp tác xã hiện có tại chỗ, hợp tác xã của đồng bào định canh định cư, hợp tác xã của đồng bào ở vùng khác chuyển đến vùng kinh tế mới và những tổ chức liên doanh của các hợp tác xã nhỏ có đủ các điều kiện sau đây thì được giao đất, giao rừng để quản lý, kinh doanh:

- Có đầy đủ tư cách pháp nhân;

- Có quy hoạch sản xuất cụ thể và phương hướng sản xuất rõ ràng;

- Có tổ chức và phân công lao động để làm nông nghiệp, lâm nghiệp;

- Tự nguyện làm đơn xin nhận đất, nhận rừng.

4. Hợp tác xã nhận đất, nhận rừng phải đưa hết đất và rừng đã nhận vào sản xuất theo đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình kỹ thuật và chấp hành đúng chính sách, luật lệ của Nhà nước. Đất lâm nghiệp để làm lâm nghiệp, đất nông nghiệp để làm nông nghiệp, không được sử dụng tuỳ tiện hoặc bỏ hoang. Rừng được giao ở bất kỳ độ dốc nào, hợp tác xã đều phải quản lý, bảo vệ theo pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng, không được phá rừng hoặc khai thác tuỳ tiện.

5. Những sản phẩm nông, lâm nghiệp do hợp tác xã làm ra theo quy hoạch, kế hoạch trên đất và rừng được giao phải bán cho Nhà nước theo hợp đồng với giá do Nhà nước quy định.

II. LOẠI ĐẤT, LOẠI RỪNG VÀ TIÊU CHUẨN GIAO CHO HỢP TÁC XÃ

1. Loại đất, loại rừng giao cho hợp tác xã

Đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và rừng cây thường xen kẽ với nhau rất phức tạp. Nếu phạm vi hoạt động của hợp tác xã có cả đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và rừng cây thì sẽ giao cả hai loại đất và rừng ở những nơi chưa sử dụng đến cho hợp tác xã mở rộng diện tích kinh doanh theo quy hoạch. Đất nông nghiệp giao để hợp tác xã trồng cây lương thực, cây công nghiệp và làm đồng cỏ chăn nuôi. Đất lâm nghiệp để hợp tác xã trồng các loại rừng lấy gỗ lớn, trụ mỏ, nguyên liệu giấy, sợi, đặc sản, tre luồng… Rừng gỗ, tre nứa non tái sinh, rừng mới trồng để hợp tác xã chăm sóc, tu bổ. Rừng còn sản lượng khai thác được để hợp tác xã khai thác gỗ, tre nứa theo kế hoạch Nhà nước giao.

Các nông, lâm trường đã có trước đây, nay sau khi quy hoạch lại, xét thấy hợp lý thì có thể giao một phần hoặc toàn bộ đất và rừng (kể cả rừng tự nhiên và rừng trồng) do nông lâm trường đang trực tiếp kinh doanh cho các hợp tác xã kinh doanh. Các nông, lâm trường sẽ đến sản xuất kinh doanh một nơi khác theo quy hoạch mới. Những kết quả sản xuất và cơ sở vật chất kỹ thuật của nông, lâm trường có trên diện tích đó, tuỳ hoàn cảnh cụ thể mà quy định chuyển giao cho hợp tác xã sau khi đã được kiểm kê, đánh giá.

Những đất và rừng lâu nay do cá nhân bao chiếm, thì do Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện có chủ trương, biện pháp cụ thể để tập thể hóa trên nguyên tắc vừa đảm bảo sự quản lý của hợp tác xã, vừa giải quyết thoả đáng quyền lợi cho cá nhân. Diện tích đất và rừng đã tập thể hoá được tính vào tiêu chuẩn để giao cho hợp tác xã.

Đất phân tán lẻ tẻ như gò, đống, cồn, bãi… không thành quy hoạch tập trung, thuộc phạm vi hợp tác xã nào thì do hợp tác xã đó sử dụng vào sản xuất hoặc vận động nhân dân trồng cây. Đất này không tính vào diện tích giao cho hợp tác xã.

2. Loại đất, loại rừng không giao cho hợp tác xã

Không giao cho hợp tác xã các khu rừng cấm, rừng phòng hộ và các khu đất, khu rừng đã giao cho các xí nghiệp, cơ quan, đơn vị khác sử dụng.

Diện tích đất và rừng đã quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp nhưng còn dự trữ, chưa giao cho đơn vị nào sử dụng thì Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, xã tổ chức quản lý, bảo vệ theo phạm vi lãnh thổ.

Sau khi đã có lâm phận ổn định, nông phận ổn định, nếu còn nhu cầu cần giao đất, giao rừng cho hợp tác xã thì đất và rừng thuộc ngành vào, ngành đó có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân địa phương tiến hành giao.

3. Tiêu chuẩn đất và rừng giao cho hợp tác xã

Quyết định số 272-CP của Hội đồng Chính phủ quy định: “Mỗi hợp tác xã được giao một diện tích đất hoặc diện tích rừng ở gần hợp tác xã để phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp tương ứng với số lao động có trong thời gian 5 năm kể từ ngày đăng ký xin đất dùng vào sản xuất, theo tiêu chuẩn một lao động nông lâm nghiệp từ 1 hécta đến 4 hécta, tùy theo từng loại cây trồng và sản phẩm làm ra đòi hỏi nhiều hay ít công lao động để sản xuất thâm canh và chế biến”.

Ở mỗi địa phương, mỗi vùng phải căn cứ vào tình hình cụ thể về đất và rừng hiện có; căn cứ vào quy trình kinh doanh, định mức kinh tế kỹ thuật, định mức lao động đối với từng loại cây, loại rừng, loại đất; căn cứ vào điều kiện tự nhiên và trình độ, khả năng mọi mặt của hợp tác xã, đặc biệt là số lao động của mỗi ngành nghề có đến 5 năm sau, được phân phối cho các khâu cụ thể trong sản xuất nông lâm nghiệp… để xác định tiêu chuẩn đất và rừng giao cho từng hợp tác xã được hợp lý. Tránh tình trạng ước tính chung chung để sau khi hợp tác xã nhận đất, nhận rừng không có lao động sản xuất thâm canh, chuyên canh và không thực hiện được chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước giao.

Đối với sản xuất lâm nghiệp, cây có chu kỳ sản xuất dài như thông, sa mộc, mỡ, bạch đàn để lấy gỗ lớn có thể giao cho từ 3 đến 4 hécta cho mỗi lao động; cây có chu kỳ sản xuất ngắn như tre, bương, xoan, bồ đề để lấy nguyên liệu giấy, sợi có thể giao từ 2 đến 3 hécta cho mỗi lao động. Nơi nào dưới tán rừng có khả năng kinh doanh đặc sản như sa nhân, ba kích, củ nâu, củ mài, song, mây,… thì diện tích đất và rừng có thể giao ít hơn những nơi không có khả năng này.

Dưới đây là tiêu chuẩn cụ thể về đất và rừng giao cho hợp tác xã:

Loại đất, loại rừng

Diện tích giao cho mỗi lao động (hécta)

- Đất để trồng cây lương thực, hoa màu

Từ 1 đến 2

- Đất để trồng cây công nghiệp

Từ 1 đến 2

- Đất đồng cỏ tự nhiên để chăn nuôi

3

- Đất trồng rừng

Từ 2 đến 4

- Rừng trồng

4

- Rừng non, rừng tu bổ

4

- Rừng tre nứa để khai thác

3

- Rừng gỗ để khai thác

4

4. Giao đất để hộ xã viên làm nhà ở và làm kinh tế phụ

Theo quy định của Chính phủ, mỗi hộ xã viên được cấp từ 200 m2 đến 300 m2 đất để làm nhà ở và từ 500 m2 đến 700 m2 đất để làm kinh tế phụ. Tùy từng địa phương, từng vùng, căn cứ vào khả năng đất đai trong phạm vi hợp tác xã có nhiều hay ít, tốt hay xấu, hộ nhiều hay ít người, tập quán sinh hoạt của từng dân tộc… mà vận dụng tiêu chuẩn để giao một cách hợp lý, nhưng không được vượt quá tiêu chuẩn quy định. Đất giao cho hộ xã viên làm kinh tế phụ có thể ở cùng khu vực đất làm nhà ở, cũng có thể ở ngoài khu vực đất làm nhà, nhưng đều thuộc vùng đã quy hoạch tập trung theo từng tổ, đội sản xuất để tiện cho sản xuất và sinh hoạt. Đất giao cho hộ xã viên làm kinh tế phụ phải được sử dụng tốt theo phương hướng chung của hợp tác xã để tự túc một phần lương thực, nguyên liệu làm nhà, và củi đun, không được sử dụng đất này tuỳ tiện hoặc bỏ hoang làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của kinh tế tập thể.

Tiêu chuẩn quy định trên đây áp dụng cho tất cả các vùng khác nhau, nhưng để tránh xáo trộn ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống, cần tiến hành như sau:

- Đối với những hộ xã viên của hợp tác xã đến xây dựng vùng kinh tế mới, những hộ mới định canh định cư thì phân bổ ngay theo quy hoạch dân cư.

- Đối với những hộ xã viên của hợp tác xã hiện có tại chỗ thì căn cứ vào quy hoạch dân cư được duyệt mà tiến hành điều chỉnh từng bước theo tiến độ tổ chức lại đất đai và làng bản.

III. THẨM QUYỀN, TỔ CHỨC VÀ THỦ TỤC GIAO ĐẤT, GIAO RỪNG CHO HỢP TÁC XÃ KINH DOANH

1. Về thẩm quyền:

Chỉ có chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện mới có thẩm quyền ký quyết định giao đất, giao rừng cho hợp tác xã kinh doanh theo quy định của Chính phủ.

2. Về tổ chức:

Ở tỉnh, thành lập ban giao đất, giao rừng, do phó chủ tịch phụ trách nông lâm làm trưởng ban; trưởng ty lâm nghiệp, trưởng ty nông nghiệp và chi cục trưởng kiểm lâm nhân dân làm phó ban, chi cục trưởng kiểm lâm nhân dân làm phó ban thường trực.

Ở các huyện thành lập ban giao đất, giao rừng do phó chủ tịch huyện làm trưởng ban; trưởng ban nông lâm nghiệp huyện và hạt trưởng kiểm lâm nhân dân làm phó ban; hạt trưởng kiểm lâm nhân dân làm phó ban thường trực.

Tỉnh và huyện huy động cán bộ lâm nghiệp, nông nghiệp, kiểm lâm nhân dân tổ chức thành từng đoàn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ban giao đất, giao rừng, xuống các huyện, các xã phối hợp với cán bộ cơ sở thực hiện việc giao đất, giao rừng cho hợp tác xã.

3. Về thủ tục:

a) Ủy ban nhân dân huyện phải nắm vững quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp và phương hướng sản xuất của từng vùng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt hoặc văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân tỉnh về loại đất, loại rừng được giao cho hợp tác xã (nếu chưa có quy hoạch), nắm vững nhu cầu về đất và rừng của hợp tác xã để dự kiến diện tích giao cho hợp tác xã.

b) Ban quản trị hợp tác xã căn cứ vào khả năng lao động của hợp tác xã (gồm lao động hiện có và lao động bổ sung theo quy hoạch) đã được xác định và phân bổ cho từng ngành nghề, làm đơn xin nhận đất, nhận rừng để kinh doanh nông, lâm nghiệp, làm nhà ở và làm kinh tế phụ cho các hộ xã viên, đưa ra đại hội xã viên thảo luận và thông qua. Đơn của hợp tác xã phải có ý kiến xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, kèm theo phương án quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp để gửi đến Ủy ban nhân dân huyện.

Những hợp tác xã miền xuôi đến địa điểm mới, chưa có điều kiện mở đại hội xã viên thì ban quản trị lâm thời của hợp tác xã căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch xây dựng hợp tác xã đến nắm định hình để làm đơn theo thủ tục trên đây. (Có mẫu đơn kèm theo thông tư). ([1][1])

c) Sau khi nhận được đơn của hợp tác xã, trong phạm vi 15 ngày, Ủy ban nhân dân huyện tổ chức xem xét, kiểm tra và ký quyết định giao đất, giao rừng cho hợp tác xã.

Ban giao đất, giao rừng giúp Ủy ban nhân dân huyện bàn giao đất và rừng cho hợp tác xã trên sổ sách, giấy tờ, bản đồ và trên thực địa có xác định ranh giới rõ ràng và cắm biển mốc. Lập biên bản giao, nhận có đủ chữ ký của bên giao, bên nhận và đại diện của Ủy ban nhân dân xã chứng kiến. (Có mẫu quyết định và biên bản kèm theo thông tư).(1)

d) Những nơi có diện tích đất và rừng của nông trường, lâm trường chuyển giao cho hợp tác xã thì sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân huyện, phải tổ chức hội đồng bàn giao gồm đại diện Ủy ban nhân dân huyện. Ủy ban nhân dân xã sở tại, Ban nông lâm huyện, hạt kiểm lâm nhân dân, giám đốc nông trường hoặc lâm trường, chủ nhiệm hợp tác xã. Hội đồng này có trách nhiệm kiểm kê, đánh giá tài sản và lập biên bản giao, nhận.

đ) Sau khi nhận đất, nhận rừng, hợp tác xã làm thủ tục đăng ký sử dụng đất và rừng với ban nông lâm huyện và hạt kiểm lâm nhân dân. Phần đất làm nhà và làm kinh tế phụ của hộ xã viên do hợp tác xã phân phối lại cho từng hộ sau khi được Ủy ban nhân dân xã thông qua dự kiến phân phối của ban quản trị hợp tác xã.

IV. NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA HỢP TÁC XÃ

1. Hợp tác xã nhận đất, nhận rừng của Nhà nước để kinh doanh có nghĩa vụ:

a) Phải tìm mọi biện pháp, huy động mọi khả năng của hợp tác xã để đưa nhanh, đưa hết diện tích đất và rừng đã nhận vào kinh doanh theo đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình kỹ thuật, chế độ chính sách và luật lệ của Nhà nước, nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời phải quản lý, bảo vệ đất đai và rừng cây được tốt, không để rừng bị phá hoại, đất bị thoái hoá.

b) Quản lý, sử dụng vốn được vay hoặc vốn được trợ cấp để kinh doanh nông, lâm nghiệp vào đúng mục đích và chấp hành đúng chế độ, chính sách về tài chính do Nhà nước quy định.

c) Tuân theo sự hướng dẫn về nghiệp vụ, kỹ thuật của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và các ngành có liên quan khác.

d) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bán nông, lâm sản cho Nhà nước theo giá quy định.

đ) Báo cáo định kỳ lên Ủy ban nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân xã về tình hình quản lý, bảo vệ, sử dụng đất và rừng được giao.

2. Hợp tác xã nhận đất, nhận rừng của Nhà nước để kinh doanh có những quyền lợi:

a) Được Nhà nước giao đất, giao rừng lâu dài để sản xuất kinh doanh. Trong trường hợp đặc biệt, Nhà nước phải thu lại một phần hay toàn bộ đất và rừng đã giao cho hợp tác xã để sử dụng vào mục đích công cộng khác, thì hợp tác xã sẽ được giao một diện tích tương đương khác và được đền bù thích đáng những công trình, hoa màu do hợp tác xã đã làm ra trên diện tích thu lại.

b) Nhà nước hướng dẫn, giúp đỡ hợp tác xã về các mặt như cho vay vốn, cung cấp vật tư, bồi dưỡng cán bộ, thu mua sản phẩm do hợp tác xã làm ra.

c) Hợp tác xã được sử dụng một phần gỗ và lâm sản khác do hợp tác xã làm ra trên diện tích đất rừng đã giao cho hợp tác xã để sử dụng vào các công trình công cộng, sau khi được Ủy ban kế hoạch tỉnh xét duyệt, phân bổ. Ngoài ra hợp tác xã và xã viên được tận dụng cành ngọn, lấy củi khô để dùng cho tập thể và cho gia đình. Việc sử dụng gỗ và lâm sản khác của hợp tác xã và xã viên do hạt kiểm lâm nhân dân hướng dẫn.

d) Ngoài việc kinh doanh lâm nghiệp trên đất và rừng được giao, hợp tác xã được tận dụng đất để kinh doanh các nông, lâm sản phụ dưới tán rừng hoặc xen kẽ với cây rừng, nhưng không được làm trở ngại đến việc thực hiện kế hoạch sản xuất chính của hợp tác xã và không gây thiệt hại đến rừng hoặc cây trồng chính.

đ) Hợp tác xã được quyền quản lý nghiệp vụ sản xuất kinh doanh đối với diện tích đất và rừng được giao. Nhà nước bảo đảm quyền kinh doanh của hợp tác xã.

Hợp tác xã thực hiện các quyền lợi trên đây theo điều lệ hợp tác xã, chế độ chính sách và pháp luật của Nhà nước dưới sự hướng dẫn, kiểm tra của Ủy ban nhân dân xã, huyện, trực tiếp là ban nông lâm nghiệp huyện và hạt kiểm lâm nhân dân.

V. TRÁCH NHIỆM CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP VÀ CỦA HAI NGÀNH LÂM NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

Tổ chức thực hiện giao đất, giao rừng cho hợp tác xã mở rộng diện tích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp là trách nhiệm chính của Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương, trong đó Ủy ban nhân dân huyện là cấp trực tiếp. Cụ thể là:

- Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách giao đất, giao rừng trong cán bộ, nhân dân để mọi người hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung của chính sách và chấp hành cho đúng.

- Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào quy hoạch mở rộng diện tích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và vốn đầu tư đã được Chính phủ duyệt, lập kế hoạch cụ thể và phân bổ chỉ tiêu cho từng huyện thực hiện giao đất, giao rừng.

- Ủy ban nhân dân huyện phải tổ chức thực hiện giao đất, giao rừng cho các hợp tác xã trong huyện và quản lý chặt chẽ việc mở rộng diện tích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp để các hợp tác xã sử dụng đất, rừng được giao theo đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình kỹ thuật và chính sách, luật lệ của Nhà nước, đảm bảo đất và rừng mới nhận được đưa hết vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.

- Ủy ban nhân dân huyện phải có kế hoạch giúp hợp tác xã tổ chức lại sản xuất, bồi dưỡng cán bộ quản lý cho hợp tác xã để hợp tác xã đảm đương được nhiệm vụ kinh doanh nông, lâm nghiệp.

- Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm cùng cán bộ giao đất, giao rừng của huyện và ban quản trị hợp tác xã thực hiện nhiệm vụ giao đất, giao rừng trong xã.

2. Trách nhiệm của ngành lâm nghiệp, ngành nông nghiệp.

Các cơ quan lâm nghiệp ở tỉnh, huyện có trách nhiệm chính và phối hợp chặt chẽ với cơ quan nông nghiệp cùng cấp dưới sự chỉ đạo thống nhất của ngành từ trung ương, giúp Ủy ban nhân dân các cấp triển khai thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho hợp tác xã kinh doanh. Trong khi thực hiện nhiệm vụ phải vận dụng đúng nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ. Cụ thể là:

- Nắm vững tình hình đất và rừng ở địa phương để làm phân vùng, quy hoạch và thiết kế sản xuất nông, lâm nghiệp từ tỉnh đến huyện, xã. Trên cơ sở quy hoạch nông lâm nghiệp huyện và nhiệm vụ sản xuất của mỗi ngành đã được xác định ở từng vùng để hướng dẫn hợp tác xã kinh doanh sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch.

- Ty lâm nghiệp, Ty nông nghiệp, Chi cục kiểm lâm nhân dân làm tham mưu và trực tiếp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện thực hiện giao đất, giao rừng như xây dựng kế hoạch, xét duyệt kế hoạch, huy động lực lượng cán bộ giúp huyện làm công tác quy hoạch và giao đất, giao rừng.

- Ban nông lâm huyện và hạt kiểm lâm nhân dân, nắm vững yêu cầu về mở rộng diện tích phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp trong huyện và từng hợp tác xã để giúp Ủy ban nhân dân huyện thực hiện giao đất, giao rừng cho từng hợp tác xã và trực tiếp hướng dẫn các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp theo đúng quy hoạch, kế hoạch.

- Các nông trường, lâm trường quốc doanh trung ương và địa phương làm trung tâm, nòng cốt đối với hợp tác xã về mặt khoa học kỹ thuật và trực tiếp giúp đỡ hợp tác xã về kỹ thuật, thiết kế, sản xuất giống cây, giống con,… khi cần thiết.

Các nông trường, lâm trường phải huy động cán bộ tham gia công tác giao đất, giao rừng theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân địa phương.

Bộ Lâm nghiệp và Bộ Nông nghiệp căn cứ vào thông tư này, khi cần thiết có thể ra văn bản hướng dẫn cụ thể những vấn đề thuộc ngành mình phụ trách, nhằm bảo đảm thực hiện được nhanh, được tốt chính sách của Chính phủ.

Quá trình thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho hợp tác xã kinh doanh của Chính phủ và thông tư này có gặp khó khăn gì, các cấp, các ngành cần phản ảnh kịp thời về Bộ Lâm nghiệp và Bộ Nông nghiệp.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Trìu

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LÂM NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Quế




[1][1] Không in các mẫu đơn

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 20-TT/LB-1978 hướng dẫn việc giao đất, giao rừng để hợp tác xã phát triển sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp theo Quyết định 272-CP-1977 do Bộ Lâm nghiệp-Bộ Nông nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 20-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/05/1978
  • Nơi ban hành: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Trìu, Trần Văn Quế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản