Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20-CT/NLTL

Hà Nội, ngày 27 tháng 05 năm 1971

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC THU THUẾ NÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI CÁC LOẠI CÂY LƯU NIÊN, CÂY ĂN QUẢ

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Chính sách thuế nông nghiệp đối với các loại cây lưu niên, cây ăn qủa đã được ban hành tại Nghị định số 374-TTg ngày 15/10/1959 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng do chưa có hướng dẫncủa Bộ Tài chính, đến nay còn một số địa phương chưa thi hành, những địa phương đã thi hành thì chủ yếu mới thu thuế những cây đặc sản do hợp tác xã quản lý, chưa thu thuế hoặc thu thuế còn qúa thấp đối với những vườn và đồi cây lưu niên, cây ăn quả do xã viên sản xuất riêng.

Một số tỉnh chỉ mới tích cực thu thuế một số loại cây lưu niên, cây ăn quả hoặc chỉ mới thu ở một số huyện, nhưng đã tích lũy đáng kể cho ngân sách địa phương như tỉnh Vĩnh Phú (vùng trung du), tỉnh Hải Hưng (đồng bằng)…Hiện nay nhiều tỉnh khác có khả năng tương tự hoặc nhiều hơn, nhưng thu còn quá ít, chưa quan tâm đúng mức nhiệm vụ động viên tích lũy ngân sách Nhà nước.

Do tình hình trên, một số hộ nông dân nhờ điều kiện đất đai thuận lợi, có vườn hoặc đồi cây lưu niên, cây ăn qủa, được thu nhập khá, đời sống cao, mà chưa nộp thuế nông nghiệp là đã vi phạm nghĩa vụ đóng góp của công dân đối với Nhà nước, là không công bằng hợp lý so với đông đảo nông dân đã làm nghĩa vụ và không có lợi cho việc củng cố quan hệ sản xuất mới ở nông thôn.

Yêu cầu chỉ tiêu của tài chính Nhà nước hiện nay và các năm tới đòi hỏi ngày càng lớn và khẩn trương, chính vì vậy nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng điểm thứ 7 về nhiệm vụ kinh tế cụ thể trong 3 năm 1971-1973 đã xác định : “Tạo ra nguồn tích lũy bao đầu để xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ cấp thiết và gian khổ trong điều kiện của nước ta. Trên cơ sở phấn đấu phát triển sản xuất và mở rộng lưu thông, tăng năng suất lao động xã hội… khôi phục và nâng cao mức tích lũy trong nước, tăng nguồn thu và tích lũy Nhà nước từ khu vực kinh tế quốc doanh và bằng cách tích cực thu các loại thuế (thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp) đối với kinh tế tập thể và kinh tế cá thể, tích cực thu nợ cho Nhà nước… đó là hướng phấn đấu có ý nghĩa kinh tế quan trọng nhất hiện nay… ”

Để góp phần tích cực thực hiện nghị quyết lần thứ 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và để khắc phục những khuyết điểm nói trên, căn cứ Nghị định số 374-TTg ngày 15/10/1959 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu thuế nông nghiệp đối với các loại lưu niên, cây ăn qủa (thường gọi thuế sản vật đặc biệt) như sau:

1. Mục đích yêu cầu:

- Bảo đảm thực hiện đúng chính sách thuế nông nghiệp, phần đất đai có hoa lợi nông nghiệp thì được hưởng hoa lợi đó phải nộp thuế nông nghiệp cho Nhà nước (trừ những trường hợp được miễn thuế quy định ở điều 4 và 5 trong điều lệ thuế nông nghiệp);

- Thực hiện động viên đóng góp công bằng hợp lý trong nhân dân, công bằng hợp lý giữa kinh tế tập thể và kinh tế phụ gia đình xã viên, góp phần củng cố quan hệ sản xuất mới ở nông thôn và khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp;

- Góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

2. Tính thuế và thu thuế.

Điều 1 Nghị định số 374-TTg ngày 15/10/1959 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định: “Đối với các loại cây lưu niên có tính chất sản vật đặc biệt của từng địa phương, thì hoa lợi không gộp vào hoa lợi ruộng đất để tính thuế theo thuế biểu chung, mà tính riêng, thuế thu từ 7% đến 12% số hoa lợi thực thu.

Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh căn cứ vào chủ trương của địa phương đối với từng loại cây mà quy định thuế suất cụ thể sau khi được Bộ Tài chính đồng ý, nếu đối với một loại cây nào cần phải tăng thuế suất lên trên 12% hay hạ thuế suất dưới 7% thì phải được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y... ”

Để thực hiện đúng quy định trên cho phù hợp với tình hình hiện nay ở nông thôn, việc tính và thu thuế đối với các loại cây lưu niên cần phải lưu ý một số điểm dưới đây:

a) Các loại cây lưu niên có tính chất sản vật đặc biệt chịu thuế theo quy định trên đây là những loại cây trồng một lần, được thu hoa lợi nhiều năm, trồng tương đối nhiều và hoa lợi thành một nguồn thu nhập đáng kể của nhân dân, gồm những loại cây trồng do hợp tác xã đã quản lý và cả những loại cây trồng do xã viên sản xuất riêng, dưới đây là một số trường hợp cụ thể:

- Ở vùng trung du và đồng bằng, trên đất vườn hoặc đất đồi xung quanh nhà ở, nhân dân vừa trồng trọt các loại cây lương thực, thực phẩm, hoa màu, vừa trồng trọt các loại cây lưu niên, cây ăn qủa (trồng xen kẽ) thì tùy theo thu nhập của loại cây trồng để quyết định tính thuế cho đúng chính sách:

Nếu nhân dân trồng trọt các loại cây lưu niên, cây ăn quả là chính, thì tính thuế theo điều 1 của Nghị định số 374-TTg nói trên.

Nếu nhân dân trồng trọt cây lương thực, thực phẩm, hoa màu là chính thì tính thuế như đất trồng ngô, khoai, sắn.

Mỗi hộ nông dân vẫn được miễn thuế 100 mét vuông đất vườn tiếp giáp xung quanh nhà ở, nhưng phải theo đúng quy định tại điều 4 điều lệ thuế nông nghiệp là: “đất ở gồm nền nhà, sân phơi, đường đi, đất chung quanh nhà dưới 100 mét vuông thì miễn thuế, nếu rộng qúa 100 mét vuông thì chỉ được miễn thuế 100 mét vuông”. Ngoài 100 mét vuông nói trên vẫn phải nộp thuế.

- Ở vùng trung du, ngoài đất vườn xung quanh nhà, một số hợp tác xã hoặc hộ nông dân sử dụng đất đồi núi trồng trọt các loại cây đặc sản (tre, bương, vầu, gỗ, lá, cọ, sơn, hồi quế…), hoặc các loại cây ăn qủa (cam quýt, bòng, bưởi, dứa, chuối, tràm…), hoặc các loại cây công nghiệp dài ngày chè, trầu, sở, dừa…) đều thuộc diện chịu thuế theo điều 1 của Nghị định số 374-TTg.

- Ở miền núi, một số hợp tác xã và một số hộ nông dân trồng trọt các loại cây lưu niên, cây ăn quả trên đất vườn xung quanh nhà ở hoặc trồng trọt trên đất núi xa nhà ở, thì căn cứ 2 điều kiện sau đây để xét:

Nếu nhân dân trồng trọt chỉ để sử dụng trong gia đình có tính chất tự cấp, tự túc thì được miễn thuế;

Nếu nhân dân trồng trọt được thu nhập như ở đồng bằng và trung du đã nói ở trên thì thuộc diện chịu thuế theo điều 1 Nghị định số 374-TTg.

Việc quy định cụ thể vùng nào có cây lưu niên, cây ăn quả chịu thuế theo những quy định trên đây là do Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh quyết định, riêng ở khu tự trị Việt Bắc, Tây Bắc là do Ủy ban hành chính tỉnh đề nghị và do Ủy ban hành chính khu quyết định.

b) Căn cứ để tính thuế đối với các loại cây lưu niên, cây ăn quả là hoa lợi thực thu, tức là tính thuế theo thu nhập thực tế hàng năm của các loại cây lưu niên, cây ăn quả và nếu không có thu nhập thì không phải nộp thuế. Để có cơ sở xác định đúng đắn số thu nhập nói trên phù hợp với tình hình trồng trọt cây lưu niên, cây ăn quả cần phải căn cứ vào đặc điểm của từng loại cây ở từng vùng mà phân loại, định năng suất để tính sản lượng cho từng loại cây như sau:

- Đối với các loại cây như chè, sơn, dứa, chuối… trồng tương đối tập trung và mật độ cây trồng tương đối đều đặn, thì phân ra các loại tốt, xấu, trung bình… rồi điều tra nắm diện tích và định năng suất trung bình một mẫu (hoặc hécta) để làm căn cứ tính sản lượng cho từng loại cây.

- Đối với các loại cây như tre, bương, vầu, lá cọ, trám, mít, bòng, bưởi… mật độ cây trồng mau, thưa không đều nhau, thì phân ra các loại tốt, xấu, trung bình, rồi điều tra nắm tổng số gốc cây hoặc tổng số khóm và định năng suất trung bình theo khóm hoặc theo gốc cây để tính sản lượng. Ví dụ: mỗi cây cọ thu 10 tầu lá/ năm, mỗi khóm tre bương thu hoạch 100 cây/năm; mỗi cây trám, mít thu hoạch 50kg quả/năm.

- Đối với các vườn xung quanh nhà ở, một phần dân trồng nhiều loại cây lưu niên, cây ăn qủa, cũng áp dụng một trong hai cách định năng suất để tính sản lượng nói trên hoặc có thể quy loại các cây thành 2, 3 loại cây chính đại diện cho vườn cây, rồi áp dụng một trong hai cách tính nói trên.

Các định mức về năng suất và sản lượng nói trên có thể sử dụng để tính thuế trong nhiều năm nếu tính tình hình sản xuất, thu nhập của các loại cây trồng tương đối ổn định. Năm nào sản xuất, thu nhập của loại cây nào thay đổi lớn (tăng lên hoặc giảm đi) thì phải điều chỉnh lại sản lượng tính thuế cho phù hợp.

Riêng một số địa phương đã ổn định sản lượng tính thuế cho một số cây như chè, dứa… nếu xét có tác dụng tốt với sản xuất, có thể tiếp tục duy trì việc ổn định đó và do Ủy ban hành chính tỉnh quyết định. Tuỳ từng trường hợp cụ thể trong phạm vi thời gian nhất định, xét cần thiết, Ủy ban hành chính tỉnh sẽ quyết định điều chỉnh lại sản lượng tính thuế cho phù hợp.

Giá để tính từ sản lượng nói trên thành thu nhập bằng tiền để tính thuế là giá nông dân thực tế bán nông sản ở địa phương. Sản phẩm nào nông dân bán cho Nhà nước thì căn cứ theo giá mua của Nhà nước, sản phẩm nào nông dân không bán cho Nhà nước thì căn cứ theo giá ở thị trường địa phương trong năm tính thuế để tính thành mức thu nhập chịu thuế.

c) Việc thu thuế các loại cây lưu niên, cây ăn quả có thể tiến hành cùng một lúc với thu thuế nông nghiệp vụ hạ và vụ đông, hoặc có thể thu thời vụ của cây trồng, cốt sao thuận tiện đóng góp cho nhân dân và tránh khê đọng, thất thu thuế.

Việc thu thuế trên đây tuy không phải là thi hành chính sách mới, nhưng có nhiều phức tạp khó khăn. Để công tác thu thuế này đạt kết quả như yêu cầu đã đề ra ở trên, đề nghị Ủy ban hành chính lưu ý làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ và nhân dân về ý thức chấp hành nghiêm chỉnh chính sách đã ban hành, thực hiện tốt nghĩa vụ thu nộp cho ngân hàng Nhà nước, đảm bảo đóng góp công bằng hợp lý, coi trọng đúng mức công tác tổ chức và chỉ đạo thực hiện, giao nhiệm vụ và trách nhiệm rõ ràng cho sở, ty tài chính và các huyện… Trong quá trình thi hành có gì vướng mắc khó khăn, đề nghị phản ánh kịp thời cho Bộ Tài chính nghiên cứu góp ý kiến cùng địa phương giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Sơn

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 20-CT/NLTL-1971 hướng dẫn việc thu thuế nông nghiệp đối với các loại cây lưu niên, cây ăn quả do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 20-CT/NLTL
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/05/1971
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Thanh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản