PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 198-TTg | Hà Nội, ngày 23 tháng 05 năm 1961 |
VỀ VIỆC CHẤP HÀNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Kính gửi: | - Các Ông bộ trưởng, |
Quốc hội trong kỳ họptháng 4 vừa qua đã phê chuẩn ngân sách Nhà nước năm 1961,
Bộ Tài chính đã chính thức thông báo cho các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ mức thu phải nộp cho ngân sách, cũng như mức chi được ngân sách cấp phát trong năm 1961.
Để ngân sách Nhà nước được chấp hành tốt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ông Bộ trưởng, các ông Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ và trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính địa phương thi hành những biện pháp sau đây:
1. Phổ biến ngân sách Nhà nước đến tận cơ sở:
Phổ biến ngân sách Nhà nước đến cơ quan, xí nghiệp, công trường là một khâu trọng yếu trong việc chấp hành ngân sách có tác dụng làm cho cán bộ, công nhân viên nắm được tinh thần cơ bản của ngân sách, đồng thời nắm được những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể của Nhà nước giao cho đơn vị mình mà ra sức phấn đấu thực hiện.
Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ phải phổ biến kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí được Nhà nước phê chuẩn cho cán bộ lãnh đạo các bộ máy quản lý trực thuộc và từ đó phổ biến đến các đơn vị cơ sở.
Các Giám đốc xí nghiệp căn cứ vào nhiệm vụ đã được quy định, động viên công nhân, viên chức tham gia xây dựng kế hoạch sản xuất, kỹ thuật, tài vụ của xí nghiệp ra sức củng cố và nâng cao chế độ hạch toán kinh tế nhằm phát huy mọi khả năng của xí nghiệp để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của kế hoạch, sử dụng tiết kiệm vốn, tăng thêm tích lũy cho ngân sách. Kế hoạch sản xuất, kỹ thuật, tài vụ phải gửi lên cấp trên phê chuẩn chính thức để làm mục tiêu phấn đấu cho mỗi cơ quan, xí nghiệp và công trường.
Cán bộ lãnh đạo các công trường, căn cứ vào nhiệm vụ kiến thiết cơ bản đã được quy định, động viên công nhân, nhân viên tham gia lập kế hoạch xây dựng và kế hoạch thu chi tài vụ thực hiện tốt chế độ hạch toán kinh tế nhằm đẩy mạnh tốc độ thi công, hoàn thành đúng thời hạn khối lượngcông trình, giảm giá thành xây dựng, tiết kiệm vốn, và tranh thủ đưa công trình vào sản xuất càng sớm càng tốt.
Cán bộ lãnh đạo các tổ chức, các cơ quan Nhà nước căn cứ vào nhiệm vụ công tác đã được quy định, động viên công nhân viên chức tham gia lập kế hoạch thu chi nhằm hết sức tiết kiệm vốn, chống lãng phí tham ô để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ công tác.
Ủy ban hành chính khu tự trị và các tỉnh, thành phố căn cứ vào nghị quyết Quốc hội phê chuẩn ngân sách Nhà nước, trình Hội đồng nhân dân xét và phê chuẩn dự án ngân sách địa phương. Dự án ngân sách địa phương phải chú ý khai thác mọi khả năng tăng thu đúng chính sách, đồng thời phải bố trí các khoản chi một cách chặt chẽ, tập trung đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị kinh tế chủ yếu của địa phương.
Về thu: Số dự thu của ngân sách Nhà nước tính toán theo chỉ tiêu kế hoạch kinh tế quốc dân đã được thông qua là quyển sổ phải bảo đảm hoàn thành vượt mức. Kinh nghiệm những năm qua là số thực thu trong nước đều thực hiện vượt mức dự toán ngân sách, năm 1958 vượt 11,2%; năm 1959 vượt 23,1%; năm 1960 mặc dù mất mùa nặng, thu trong nước vẫn thực hiện được vượt mức kế hoạch 4,5%.
Đó là do sự nỗ lực của các ngành các cấp, của cán bộ công nhân viên, thực hiện vượt mức các chỉ tiêu sản lượng, hạ giá thành, hạ phí lưu thông,v.v… nhưng đồng thời cũng do việc dự trù của các Bộ, các ngành, các cấp chưa sát.
Qua việc xây dựng kế hoạch kinh tế quốc dân và ngân sách Nhà nước năm 1961, đã xác minh là lực lượng dự trữ tiềm tàng trong nội bộ các xí nghiệp và tổ chức kinh doanh của Nhà nước còn nhiều…Đặc biệt năm 1961, trong phong trào thi đua đang sôi nổi ở khắp nơi, hàng loạt chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đang liên tiếp bị phá vỡ, mở ra nhiều triển vọng tốt để thực hiện vượt mức kế hoạch Nhà nước, tăng thêm tích lũy cho ngân sách. Các Bộ, các ngành, các xí nghiệp cần phải kết hợp với phong trào quần chúng, mà phát hiện những nguồn dự trữ mới trong nội bộ nền kinh tế quốc dân, và chuẩn bị điều chỉnh ngân sách Nhà nước kịp thời, sát với thực tế.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện kế hoạch thu, phải quản lý chặt các khoản thu quốc doanh là nguồn thu chủ yếu của ngân sách, đồng thời phải coi trọng việc quản lý thu thuế và không bỏ sót các nguồn thu khác.
Để đảm bảothu kịp thời cho ngân sách, các Bộ, các ngành, các xí nghiệp phải chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật thu nộp đã được quy định trong nghị định số 45-CP ngày 23-9-1960 của Thủ tướng Chính phủ về nộp lợi nhuận và khấu hao cho Nhà nước.
Về chi: Dự toán các khoản chi trong ngân sách nói chung còn chưa được chặt chẽ, nhiều khoản chi chưa có tiêu chuẩn định mức; nên trong quá trình tiến hành chi, các Bộ, các ngành cần phải tính toán lại thật kỹ, hết sức tiết kiệm, tránh lãng phí, phô trương hình thức, nâng cao hơn nữa hiệu suất sử dụng vốn của ngân sách.
Đối với chi về hành chính, thì phải cố gắng tiết kiệm, giảm bớt mua sắm không cần thiết, quản lý chặt chẽ biên chế và quỹ tiền lương.
Đối với chi về sự nghiệp kinh tế và văn hóa xã hội, trên cơ sở vốn được phân phối, phải cố gắng mở rộng chỉ tiêu sự nghiệp, đặc biệt chú trọng đảm bảo chất lượng công tác cao.
Đối với chi về kiến thiết cơ bản, căn cứ tính toán còn rất sơ sài; mức độ chính xác của kế hoạch khối lượng chưa đảm bảo, giá dự toán còn tính trên cơ sở tiêu chuẩn định mức cũ, nghĩa là còn cao so với thực tế đã thực hiện trong năm 1960. Nếu tính toán chặt chẽ hơn thì giá dự toán có thể giảm 3% - 4% hoặc hơn nữa.
Ủy ban kế hoạch Nhà nước phải gấp rút cùng với Bộ chủ quản và Bộ Tài chính tổng kết các tiêu chuẩn định mức đã thực hiện được trong năm 1960, trên cơ sở đó, mà tính toán lại giá dự toán, phấn đấu thực hiện mức giảm từ 3% đến 4% như Hội đồng Chính phủ đã nhận định.
Trong điều kiện cung cấp nguyên vật liệu khẩn trương, nhân lực thi công chưa được quản lý chặt chẽ thì việc tăng cường quản lý thi công là vô cùng cần thiết: phải giữ vững nguyên tắc thi công phải có thiết kế và dự toán thiết kế như chế độ của Nhà nước đã quy định: chỉ được châm chước trong phạm vi Nhà nước cho phép. Để tăng cường việc quản lý thi công, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm lập kế hoạch thi công thống nhất hàng quý nhằm đảm bảo việc tập trung khả năng vật liệu và tài chính vào trọng điểm, đảm bảo hoàn thành kịp thời cáccông trình, và chuyển sớm vào sản xuất và sử dụng.
Các Bộ, các ngành, các đơn vị phải triệt để chấp hành trình tự kiến thiết cơ bản Nhà nước đã quy định. Chú ý tập trung vốn vào công trình trọng điểm, trong mỗi công trình phải tập trung vào hạng mục chính, tranh thủ đưa nhanh vào sản xuất, mà vẫn đảm bảođược chất lượng công tác tốt, giá thành hạ; mặt khác phải ra sức đưa các đơn vị thi công vào hạch toán kinh tế, phát huy tác dụng của quần chúng thực hành, giám đốc và tham gia quản lý công tác kiến thiết cơ bản ở cơ sở; trong năm 1961, phải cố gắng mở rộng diện cấp phát vốn kiến thiết cơ bản theo khối lượng công trình, tiến tới thu hẹp và chấm dứt việc cấp phát theo lối cung cấp.
Về vốn lưu động, ngân sách Nhà nước đã dành một số vốn cần thiết để cấp thêm cho các ngành nhưng cũng chưa thỏa mãn hết mọi nhu cầu. Vì vậy cần phải hết sức tiết kiệm; các xí nghiệp phải tăng nhanh tốc độ vòng quay của vốn; chống các hiện tượng sản phẩm và vật tư ứ đọng; thúc đẩy việc thanh toán, tránh nợ nần dây dưa, thi hành tốt chế độ hợp đồng kinh tế.
Để bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch kinh tế quốc dân và ngân sách Nhà nước, công tác tổ chức vật tư có một vai trò trọng yếu. Hiện nay vật tư của ta ứ đọng nhiều, gây lãng phí vốn không ít, trở ngại cho việc thực hiện kế hoạch sản xuất và xây dựng của Nhà nước. Cho nên cần phải tăng cường công tác quản lý vật tư. Tổng cục Vật tư cùng với các Bộ, các ngành chủ quản phải nắm chặt tình hình vật tư và có kế hoạch khai thác sử dụng đưa vào sản xuất và xây dựng một cách hợp lý. Phải quy định kịp thời và chặt chẽ chế độ bảo quản, sử dụng, điều động vật tư để làm cho vật tư lưu thông thuận lợi phục vụ sản xuất và xây dựng, tránh lãng phí tham ô.
Để bảo đảm thực hiện tốt ngân sách Nhà nước, phải giữ vững nguyên tắc cân đối tích cực và giải quyết các vấn đề về chính sách, chế độ. Việc thực hiện kế hoạch Nhà nước và kế hoạch thu chi ngân sách quý I năm 1961 vừa qua, đã có những hiện tượng mất cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa xây lắp và thiết bị, giữa sức mua và hàng hóa, giữa nhu cầu vận tải và khả năng phương tiện vận tải, giữa nhu cầu nguyên liệu và khả năng nhập khẩu,v.v… Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, các Bộ, các ngành trong quá trình thực hiện kế hoạch và ngân sách, cần phải kịp thời phát hiện và nghiên cứu kỹ những nguyên nhân mất cân đối, tăng cường tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa để giải quyết tốt những mặt mất cân đối, trường hợp cần thiết thì báo cáo Hội đồng Chính phủ xét.
3. Tăng cường công tác tài vụ và kế toán.
Một trong những khâu yếu của chúng ta trong việc quản lý kinh tế tài chính, là công tác tài vụ và kế toán; công tác tài vụ và kế toán hiện nay chưa phản ánh được một cách chính xác, trung thực và kịp thời hoạt động kinh tế của các ngành, chưa phân tích được một cách đầy đủ hiệu lực của việc sử dụng vốn, sử dụng vật tư, do đó chưa phát huy được đầy đủ tác dụng của công tác tài vụ trong hạch toán kinh tế, tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí tham ô, đảm bảo tập trung tích lũy cho Nhà nước. Công tác tài vụ và kế toán ở nhiều cơ quan và xí nghiệp còn ở mức độ thấp là đơn thuần ghi chép và tổng hợp những khoản thu chi, nhưng nhiều lúc thiếu chính xác, đầy đủ và kịp thời. Nhiều cán bộ phụ trách chưa chú ý đi sâu vào việc tính toán tài vụ trong xí nghiệp, chưa quan tâm đầy đủ đến các mặt quản lý vốn, quản lý giá thành, đến việc thực hiện kế hoạch thu chi tài vụ của xí nghiệp.
Tăng cường công tác tài vụ và kế toán là một khâu quyết định để thực hiện tốt kế hoạch và ngân sách Nhà nước. Vì vậy cho nên các Bộ, các ngành và các địa phương phải hết sức chú trọng việc tăng cường công tác này, phải nâng cao trình độ chính trị, bồi dưỡng đạo đức cách mạng và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách tài vụ, kế toán, đồng thời phải phát huy tác dụng của quần chúng trong việc tham gia quản lý và giám đốc tàichính.
Các cán bộ phụ trách cơ quan, các ngành, các xí nghiệp phải thực sự đi sâu vào công tác tài vụ, coi nó là một công cụ có hiệu lực để kiểm tra và lãnh đạo mọi mặt công tác trong địa phương, trong xí nghiệp cơ quan của mình. Mỗi Bộ, mỗi ngành xí nghiệp phải chính thức chỉ định một người trong cấp lãnh đạo, Bộ hay Thứ trưởng, Chánh hay Phó cục trưởng, Giám đốc hay Phó Giám đốc, trực tiếp phụ trách công việc tài vụ.
Nhận được chỉ thị này, các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính địa phương phải đưa ra thảo luận trong cán bộ phụ trách, liên hệ đến tình hình cụ thể của mình, và có kế hoạch chấp hành một cách nghiêm chỉnh và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ biết.
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Thông tư 198-TTg năm 1961 về việc chấp hành ngân sách Nhà nước do Phủ Thủ tướng ban hành
- Số hiệu: 198-TTg
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 23/05/1961
- Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
- Người ký: Phạm Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 21
- Ngày hiệu lực: 07/06/1961
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định