Hệ thống pháp luật

UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 193-UB-PV

Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 1963

THÔNG TƯ

VỀ TIẾN HÀNH VIỆC NGHIÊN CỨU PHÂN VÙNG KINH TẾ

Kính gửi: Các ông chủ nhiệm ủy ban kế hoạch các tỉnh, thành

Tình hình kinh tế nước ta hiện nay đòi hỏi phải tiến hành việc nghiên cứu phân vùng kinh tế nói chung và phân vùng nông nghiệp, công nghiệp nói riêng để phục vụ cho việc lãnh đạo và quản lý kinh tế. Đó là một đòi hỏi bức thiết trong công cuộc thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, nhằm xây dựng các vùng kinh tế chuyên môn hóa và phát triển tổng hợp, sử dụng một cách hợp lý nhất đất đai và tài nguyên của nước ta, phát triển cân đối các ngành kinh tế quốc dân, phát huy hiệu quả kinh tế cao nhất trong việc phát triển sản xuất. Việc phân vùng kinh tế tốt sẽ giúp cho chúng ta:

- Phân bổ có kế hoạch lực lượng sản xuất, việc chọn địa phương để xây dựng các công trình sản xuất một cách sát đúng, việc phân bổ vốn đầu tư cho từng địa phương một cách hợp lý nhất;

- Tổ chức lại tốt hơn nền kinh tế quốc dân theo vùng, trong mỗi vùng và giữa các vùng;

- Tổ chức tốt sự quản lý kinh tế theo vùng.

Phân vùng kinh tế, nói tóm lại là để phát triển cân đối nền kinh tế quốc dân, để tăng sản phẩm hàng hóa tới mức tối đa với mức chi phí thấp nhất cho một đơn vị sản phẩm.

Công tác phân vùng kinh tế là một công tác khoa học, thiếu cơ sở khoa học thì không thể tránh khỏi những lãng phí của kế hoạch, không thể thấy hết những nhu cầu và khả năng của từng vùng, không thể phát triển đúng mức một số ngành ở vùng này hoặc ở vùng khác.

Do tầm quan trọng nói trên cho nên ở Ủy ban kế hoạch Nhà nước đã thành lập bộ phận phân vùng kinh tế.

Tuy nhiên, công tác phân vùng kinh tế rất phức tạp, đòi hỏi sự cộng tác của nhiều ngành, nhiều cấp. Cán bộ làm công tác phân vùng kinh tế vừa cần có hiểu biết lý luận vừa cần có thực tiễn.

Muốn làm tốt công tác phân vùng kinh tế, để định được vùng kinh tế hành chính, và các vùng chuyên môn hóa sản xuất các ngành nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng mạng lưới giao thông vận tải vv…thì ngoài việc ở trung ương có bộ phận phân vùng kinh tế, ở mỗi địa phương cũng phải thành lập một bộ phận chuyên trách, chuyên nghiên cứu, xúc tiến công tác phân vùng kinh tế ở địa phương mình. Bộ phận chuyên trách về phân vùng kinh tế ở địa phương nên đặt ở Ủy ban Kế hoạch tỉnh, thành.

1. Nhiệm vụ của bộ phận này là nghiên cứu tổng hợp về kinh tế, tự nhiên và kỹ thuật trên cơ sở tiến hành điều tra phân tích tổng hợp các tài liệu, vạch ra dự án phân vùng kinh tế tổng hợp, phân vùng nông nghiệp, phân vùng công nghiệp ở địa phương.

Nhiệm vụ cụ thể là:

- Điều tra, nghiên cứu các yếu tố tự nhiên như: khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, địa hình địa mạo, rừng núi, màng lưới khoáng sản, sông ngòi, lạch, các nguồn thủy lợi điện lực ở trong tỉnh và nói chung là những điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng đến việc tạo vùng;

- Phải nghiên cứu đến những yếu tố kinh tế tạo vùng như những nguồn động lực, nguyên liệu, các trung tâm công nghiệp, các thành phố, thị trấn hiện có với số lượng dân cư, và hướng phát triển của các khu này;

- Ngoài ra, cũng phải xét đến tập quán và phương thức sản xuất của địa phương cũng như trình độ văn hóa kỹ thuật hiện có và hướng tiến bộ trong tương lai.

Căn cứ vào những yếu tố trên (yếu tố tự nhiên, yếu tố kinh tế, yếu tố lịch sử, văn hóa vv…), nghiên cứu việc phân vùng theo lãnh thổ hiện nay, tìm ra những điểm chưa hợp lý. Trên cơ sở nghiên cứu như trên, dựa theo khả năng và yêu cầu của địa phương và những nguyên tắc về phân vùng lập dự án phân vùng nông nghiệp, công nghiệp và kinh tế hành chính ở địa phương.

2. Về tổ chức biên chế - Công tác phân vùng kinh tế là một công tác liên quan đến nhiều ngành, đòi hỏi phải có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của các ngành các cấp; không một cấp nào, ngành nào có thể đơn độc làm được. Hơn nữa đây là lần đầu tiên chúng ta tiến hành công tác này. Cho nên phương châm tổ chức bộ phận này là đi dần từ thấp đến cao, từ ít người đến nhiều người. Lúc đầu chỉ nên sử dụng hai hoặc ba cán bộ chuyên trách (tùy tỉnh lớn hay là tỉnh nhỏ) do đồng chí phó Chủ nhiệm hoặc một ủy viên Ủy ban kế hoạch phụ trách. Điều hết sức trọng yếu là phải vận dụng lực lượng cán bộ của các ty, các ngành có liên quan tham gia để tiến hành công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, xây dựng đề án phân vùng kinh tế ở địa phương. Sau đó sẽ tùy theo nhu cầu công tác mà bổ sung dần cán bộ cho bộ phận này.

3. Lề lối làm việc - Để làm tròn nhiệm vụ của mình, bộ phận phân vùng kinh tế ở tỉnh sẽ sử dụng các ty chuyên môn để sưu tầm và tập hợp các tài liệu về yếu tố tạo vùng, sử dụng các ty chuyên môn trong việc lập dự án phân vùng.

Nhưng vì công tác phân vùng của địa phương là một bộ phận của công tác phân vùng ở trung ương, hơn nữa công tác phân vùng kinh tế là một công tác hết sức phức tạp, đòi hỏi nhiều kiến thức về khoa học tự nhiên v khoa họcxã hội, cho nên cần phải có sự liên hệ chặt chẽ với bộ phận phân vùng kinh tế ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để được hướng dẫn thường xuyên và giúp đỡ kinh nghiệm trong công tác. Yêu cầu các ông chủ nhiệm các tỉnh, thành nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề, thành lập bộ phận nhiên cứu phân vùng kinh tế ở địa phương mình và báo cáo lên đồng chí chuyên trách cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước biết.

PHÓ THỦ TƯỚNG KIÊM CHỦ NHIỆM
ỦY BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC




Nguyễn Duy Trinh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 193-UB-PV năm 1963 về việc tiến hành việc nghiên cứu phân vùng kinh tế do Ủy ban kế hoạch Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 193-UB-PV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/02/1963
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Duy Trinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 26/02/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản