Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 191-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 07 năm 1972

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC XUẤT BẢN TỜ CÔNG BÁO CẤP XÃ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thủ tướng Chính phủ đã có quy định tờ Công báo nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được cung cấp đến Ủy ban hành chính xã để phổ biến rộng rãi các chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ và nhân dân ở xã (Thông tư số 44-TTg ngày 30/04/1965). Nhưng để cho nội dung tờ công báo xã thích hợp với cán bộ và nhân dân ở xã, và sau khi tham khảo ý kiến của các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố và một số Ủy ban hành chính huyện, xã, Thủ tướng Chính phủ quyết định:

1. Cho xuất bản tờ công báo cho cấp xã bắt đầu từ năm 1973.

2. Tờ Công báo cho cấp xã sẽ trích đăng những văn bản đã đăng trong Công báo nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, có nội dung sau đây:

- Các vấn đề tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước ở xã;

- Các vấn đề về nghĩa vụ và quyền lợi của người dân ở xã;

- Những luật lệ chung mà mọi người dân cần phải biết.

3. Tờ Công báo cho cấp xã xuất bản 3 tháng một kỳ và sẽ cấp cho các đối tượng sau đây:

- Ở xã, thị trấn là đối tượng chủ yếu, sẽ cấp 5 (năm) số cho Ủy ban hành chính, Đảng ủy Đảng Lao động Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Ban thông tin xã, và Ban quản trị hợp tác xã;

- Ở huyện sẽ cấp 2 (hai) số cho Ủy ban hành chính huyện và phòng thông tin huyện để hướng dẫn xã trong việc phổ biến và sử dụng công báo xã;

- Ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ cấp 1 (một) số cho bộ phận nội chính của Ủy ban hành chính.

4. Tờ công báo cho cấp xã là tài liệu chính thức của Nhà nước, nên việc sử dụng, bảo quản cũng phải như các loại công văn, giấy tờ của Nhà nước, vì vậy:

- Khi nhận được công báo xã, Ủy ban hành chính xã phải phổ biến rộng rãi cho cán bộ và mọi người dân trong xã.

- Ủy viên thường trực của các cơ quan, đoàn thể, Ban quản trị hợp tác xã được cấp công báo xã có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn để phục vụ thường xuyên cho những người muốn đọc, tra cứu, nhất là các đại biểu Hội đồng nhân dân, các cán bộ trong xã và trong hợp tác xã.

- Ban thông tin xã phải thông báo cho nhân dân biết những văn bản đăng trong công báo xã và phải tạo điều kiện để người dân có thể mượn đọc ở nhà văn hóa của xã được dễ dàng.

- Mọi người phải giữ gìn tờ công báo xã như các tài sản khác của Nhà nước, không được để mất mát, thất lạc và không ai được lấy làm của riêng.

5. Căn cứ vào đối tượng phân phối nêu ở trên, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ quan, đơn vị được cấp công báo xã biết, đồng thời phản ảnh cho Phủ Thủ tướng (Vụ Pháp chế) số lượng cần cung cấp cho mỗi địa phương trước ngày 01/09/1972.

Ở những xã thuộc vùng núi cao mà Ủy ban hành chính tỉnh xét thấy tạm thời chưa nên gửi công báo xã về thì cũng phản ảnh cho Phủ Thủ tướng biết, mặt khác Ủy ban hành chính huyện ở những nơi đó có trách nhiệm phổ biến bằng tiếng địa phương những quy định đăng trong công báo xã để cán bộ và nhân dân các xã nói trên nắm được luật lệ Nhà nước.

Việc đưa luật lệ về xã rất cần thiết, chúng ta có nhiều kinh nghiệm. Mong Ủy ban hành chính các cấp, trong qúa trình sử dụng công báo xã, nếu có ý kiến gì xin báo cho Thủ tướng Chính phủ biết để cải tiến dần.

TL. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG PHỦ THỦ TƯỚNG




Đặng Thí

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 191-TTg-1972 về việc xuất bản tờ công báo cấp xã do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 191-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 03/07/1972
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Đặng Thí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản