Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19/LĐTBXH-TT

Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 1993

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 19/LĐTBXH-TT NGÀY 2 THÁNG 6 NĂM 1993 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP LƯU ĐỘNG

Thi hành Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới đối với công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang và Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp sau khi có sự thoả thuận của Bộ Tài chính tại công văn số 973/CĐTC ngày 27 tháng 5 năm 1993, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp lưu động như sau:

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA

Phụ cấp lưu động nhằm bù đắp cho một số người làm nghề hoặc công việc phải thường xuyên thay đổi nơi ở và nơi làm việc, điều kiện sinh hoạt không ổn định và có nhiều khó khăn.

II. NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH PHỤ CẤP LƯU ĐỘNG

1. Phụ cấp lưu động chỉ được áp dụng với nghề hoặc công việc mà tính chất lưu động chưa được xác định trong mức lương.

2. Nghề hoặc công việc lưu động nhiều, phạm vi rộng, địa hình phức tạp và khó khăn được hưởng mức phụ cấp cao.

III. MỨC VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG PHỤ CẤP LƯU ĐỘNG

Phụ cấp lưu động gồm 3 mức: 0,6, 0,4 và 0,2 so với mức lương tối thiểu được áp dụng cụ thể như sau:

Mức

Hệ số

Mức phụ cấp thực hiện từ 1/4/1993

1

0,06

43.200 đ

2

0,04

28.800 đ

3

0,02

14.400 đ

1. Mức 1, Hệ số 0,60 áp dụng đối với những người làm việc:

- Trong các tổ, đội khảo sát, tìm kiếm khoáng sản thuộc liên đoàn địa chất chuyên đề;

- Trong các tổ đội đo đạc đại địa, địa hình thuộc cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước;

- Trong các tổ đội khảo sát điều tra rừng;

- Trong các tổ, đội khảo sát xây dựng công trình thuỷ điện.

2. Mức 2, Hệ số 0,40 áp dụng đối với những người làm việc.

- Trong các tổ, đội khoan, thăm dò thuộc các liên đoàn địa chất;

- Trong các tổ, đội khảo sát, tìm kiếm thuộc các liên đoàn địa chất khu vực;

- Trong các tổ, đội khảo sát, đo đạc khí tượng thuỷ văn;

- Trong xí nghiệp khảo sát xây dựng chuyên ngành, khu vực;

- Trong các tổ, đội điều tra, đo đạc nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi, thuỷ sản;

- Trong các tổ, đội xây lắp và sửa chữa đường dây tải điện cao thế;

- Trong các tổ, đội xây lắp đường dây thông tin, liên tỉnh;

- Tại các công trình xây dựng ở miền núi, đảo xa;

- Trong các tổ, đội vệ sịnh phòng dịch sốt rét, bướu cổ.

3. Mức 3, hệ số 0,20 áp dụng đối với: Những người làm việc trong các tổ, đội xây dựng còn lại.

IV. CÁCH TRẢ PHỤ CẤP LƯU ĐỘNG

1. Phụ cấp lưu động được trả theo số ngày thực tế lưu động.

2. Phụ cấp lưu động được tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng.

Đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, phụ cấp lưu động do ngân sách Nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành. Đối với doanh nghiệp, phụ cấp lưu động được tính vào đơn giá tiền lương và hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông.

3. Các đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp lưu động thì không áp dụng chế độ công tác phí.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-1993. Các quy định trái với những quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 19/LĐTBXH-TT năm 1993 hướng dẫn chế độ phụ cấp lưu động do Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành

  • Số hiệu: 19/LĐTBXH-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/06/1993
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Trần Đình Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản