Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19-BYT/TT

Hà Nội , ngày 26 tháng 08 năm 1960

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC MỞ LỚP ĐÀO TẠO Y SĨ TRUNG CẤP TẠI CHỨC

Kính gửi:

- Sở Y tế Hà nội, Hải phòng
- Trường Cán bộ Y tế Hà nội
- Trường Y sĩ trung cấp Hải phòng
- Các cơ quan trực thuộc Bộ
- Ủy ban hành chính thành phố Hà nội, Hải phòng

Tiếp theo Công văn số 5143-BYT/TCCB3 ngày 8-8-1960 về việc mở lớp y sĩ tại chức học tối ở Hà nội và Hải phòng, Bộ quy định một số chi tiết cụ thể như sau:

I. TIÊU CHUẨN CHIÊU SINH

Tất cả cán bộ sở cấp của ngành (y tá, nữ hộ sinh, nha tá, xét nghiệm viên sơ cấp trước là y tá) công tác tại các cơ quan Trung ương hay của Sở Y tế Hà nội, Hải phòng đều được chọn cử đi học nếu có đủ tiêu chuẩn dưới đây:

1. Thâm niên:

- Phải có 4 năm liên tục là cán bộ sơ cấp trong ngành (tính đến 31-8-1960).

- Đối với các chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến 2 năm liền thì tiêu chuẩn thâm niên được rút bớt 1 năm.

2. Tiêu chuẩn chủ yếu:

Phẩm chất chính trị là một tiêu chuẩn cơ bản, không thể nhân nhượng trong khi xét duyệt.

- Tư tưởng lập trường tốt, có nhiệt tình xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, thể hiện trong khi thi hành các chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ nói chung là 5 phương châm nguyên tắc của ngành nói riêng;

- Không mắc sai lầm khuyết điểm về chuyên môn cũng như đạo đức tư cách và tác phong sinh hoạt, vv… được tín nhiệm với cán bộ và nhân dân.

Cụ thể ưu tiên dành cho:

a) Các cán bộ trước đây đã xung phong công tác phòng bệnh lưu động, miền núi, hải đảo, trưởng phòng huyện trên 3 năm, và hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác.

b) Cán bộ có tinh thần công tác tích cực, cố gắng khắc phục mọi hoàn cảnh khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ và trau dồi nghề nghiệp.

c) Các chiến sĩ thi đua 1 năm gần đây, hoặc các lao động tiên tiến 2 năm liên tiếp.

d) Đối với các cá nhân không ở trong 3 điểm nêu trên thì phải được Hội nghị toàn cơ quan, đơn vị công tác (phòng khám bệnh, phòng, khoa) bình nghị và đề nghị cho đi học.

- Đối với những cán bộ nhân viên chưa trải qua rèn luyện trong kháng chiến cũng theo các tiêu chuẩn nói trên nhưng các Sở cần lập danh sách và hồ sơ lý lịch những anh chị em xuất sắc, thật xứng đáng đề bạt, có phẩm chất tốt của người cán bộ y tế xã hội chủ nghĩa gửi về Bộ duyệt và quyết định.

3. Văn hóa:

Phải có chứng chỉ tốt nghiệp lớp 7 Phổ thông hoặc bổ túc của Bộ và Sở giáo dục cấp (hoặc của các Trường được Sở giáo dục công nhận). Đối với các trường hợp khác thì phải qua kỳ kiểm tra văn hóa (toán, lý, hóa) trước khi vào học.

4. Sức khỏe:

Phải có giấy chứng nhận có đủ sức khỏe để đảm bảo học tập và công tác sau này. Những người có bệnh truyền nhiễm như là lao, hủi,… đang thời kỳ phát triển và mắc các bệnh mãn tính xét khả năng thực tế không đảm bảo được kết quả học tập và công tác sau này thì nên để lại.

5. Tuổi:

Không quá 45 tuổi.

Đối với cán bộ xuất sắc có nhiều thành tích thì có thể châm chước, nhưng phải báo cáo về Bộ xét và quyết định.

II. HẠN NỘP ĐƠN

Do Sở Y tế Hà nội và Hải phòng ấn định.

III. CHƯƠNG TRÌNH

Là chương trình của y sĩ chính quy do Bộ quy định, có thay đổi và sắp xếp lại cho hợp với hoàn cảnh của cán bộ đã có một thời gian công tác trong ngành và đã tích lũy được một số kinh nghiệm nhất định. Sở và Trường sẽ nhận định tình hình của lớp học để quy định các sự thay đổi trong chi tiết.

Trong việc sắp xếp học tập, nên xen kẽ các môn cơ sở và lâm sàng cho thích hợp với việc học tập tại chức, giúp cho anh chị em có thể vận dụng ngay các điều đã học được vào thực tế công tác hàng ngày, và như vậy giúp cho việc nâng cao nhanh chóng trình độ nghiệp vụ của anh chị em.

Nên chia chương trình thành hai phần:

- Phần chung cho y sĩ bách khoa.

- Phần chuyên khoa.

Tuy nhiên, vì hoàn cảnh công tác của cán bộ hiện nay, nên hướng học chuyên khoa là chính.

IV. THỜI GIAN

Thời gian của khóa học không quá 3 năm. Nếu đảm bảo được chương trình thì có thể rút ngắn được thời gian dưới 3 năm.

V. QUYỀN LỢI CỦA HỌC VIÊN

Do công tác hiện tại của ngành ta hiện nay rất nhiều; do biên chế hiện nay có hạn và một số công tác đột xuất khác làm ảnh hưởng đến công tác thường xuyên của các cơ sở, Bộ đề nghị Sở và bệnh viện, các cơ quan thu xếp cho các cán bộ được xét chọn đi học mỗi tuần 3 buổi tối (trong đó 2 buổi tối học văn hóa) và 1 buổi chiều. Bộ sẽ nghiên cứu lại những ý kiến khác với ý kiến của Bộ. Tuy nhiên để cho việc học tập của các cán bộ đỡ vất vả, Bộ có thể đồng ý với đề nghị thay đổi buổi học của địa phương dựa vào thời tiết từng mùa, tính chất công tác từng giai đoạn, với điều kiện là không làm ảnh hưởng đến công tác của các cơ sở.

VI. THỂ LỆ THI HÀNH

Sở Y tế Hà nội phối hợp với Trường Cán bộ Y tế Hà nội và bệnh viện Bạch mai mở lớp y sĩ tại chức ở Hà nội.

Sở Y tế Hải phòng phối hợp với Trường y sĩ Hải phòng mở lớp y sĩ tại chức ở Hải phòng.

Các quy định chi tiết khác về tổ chức lớp học, lãnh đạo lớp học, vv… sẽ do các Sở Y tế, Trường và bệnh viện ấn định, chỉ cần báo cáo cho Bộ rõ kịp thời

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Bác sĩ: Phạm Ngọc Thạch